Bộ ảnh hiếm do Không Quân Đông Dương thực hiện thập niên 1920 – Kỳ 2: Sài Gòn 100 năm trước

Những hình ảnh chụp Việt Nam 100 năm trước, nằm trong bộ ảnh gồm 359 tấm, phần lớn là chụp Sài Gòn và Hà Nội, và đặc biệt là có rất nhiều hình ảnh được chụp từ trên không (gọi là “không ảnh”). Có thể đây là bộ ảnh đầu tiên của các nước Đông Dương được chụp từ máy bay, thực hiện cách đây tròn 100 năm (thập niên 1920).

Đây là bài thứ 2 của loạt bài cùng chủ để, xem lại phần 1 bên dưới:

Bộ ảnh hiếm do Không Quân Đông Dương thực hiện thập niên 1920 – Kỳ 1: Sài Gòn 100 năm trước

40

Khu vực Doanh trại Lữ đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa, người Việt gọi là thành Ông Dèm. Thành này được xây dựng trên nền thành Gia Định cũ do vua Minh Mạng xây (đã bị Pháp đập bỏ sau khi chiếm được Sài gòn).

Sau 1955, nơi này được gọi là Thành Cộng Hòa, nơi đồn trú của Tiểu đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống, sau đó nhanh chóng được nâng lên thành Liên đoàn rồi Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống.

Sau năm 1963, Thành này bị phế bỏ. Để thuận tiện cho việc mở đường, nối thông đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng) với đường Đinh Tiên Hoàng, chuyến quyền làm con đường đâm thẳng vào cảnh cổng thành trong hình này (ngay nay lằm ở ngã 4 Đinh Tiên Hoàng – Lê Duẩn). Hai khối nhà 2 bên trong hình này hiện nay vẫn còn, bên phải từng thuộc về trường Đại học Văn Khoa, nay là trường Đại học KHXHNV, khối bên trái thuộc về Đại học Dược khoa, nay là Khoa Dược trường Đại học Y Dược.

Đọc thêm bài chi tiết về Thành Ông Dèm (thành Cộng Hòa), nay là khu trường Đại học: https://chuyenxua.net/lich-su-thanh-cong-hoa-tu-nam-1963-la-co-so-truong-dai-hoc-van-khoa-nay-la-khxhnv/


25

Hình ảnh Nhà hát lớn (Théâtre municipal) – công trình được khánh thành năm 1900. Trước Nhà hát là Công trường Francis Garnier, nơi đặt tượng đài Francis Garnier – một nhà thám hiểm, đồng thời là một sĩ quan người Pháp đã chỉ huy đánh chiếm Hà Nội năm 1873. năm 1945, tượng đài này bị kéo đổ trong Cách mạng tháng 8. Năm 1955, công trường này đổi tên thành Công trường Lam Sơn, và đây cũng là đoạn đầu tiên của đại lộ Lê Lợi, người anh hùng khởi nghĩa Lam Sơn. Những cái tên này vẫn còn giữ nguyên tới ngày nay.

Đọc thêm bài chi tiết về Nhà hát lớn Sài Gòn: https://chuyenxua.net/nhung-cong-trinh-noi-tieng-sai-gon-xua-ky-1-opera-house-nha-hat-dau-tien-cua-sai-gon-tung-la-tru-so-quoc-hoi/

26

Phía trước Nhà hát có đoạn đường xe điện, với những trụ có dây cấp điện cho xe.

44

Hình ảnh khác của trụ cấp điện đằng trước nhà hát. Trong hình này còn có Continental Palace, khách sạn hạng sang đầu tiên của Việt Nam và vẫn còn cho tới nay sau 150 năm. Bên trái là nhà thuốc tây, nơi sau này mọc lên thương xá Eden.

Đọc thêm bài chi tiết về Continental Palace: https://chuyenxua.net/lich-su-140-nam-cua-continental-palace-khach-san-dau-tien-va-hoanh-trang-nhat-cua-sai-gon-xua/


29

Bưu điện trung tâm Sài Gòn, được xây dựng trong khoảng thời gian 1886 đến 1891, là công trình tiêu biểu sau cùng của kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892), người đồng thời đã thiết kế những công trình vẫn còn tồn tại đến hiện nay là Dinh Thượng Thơ, Dinh Gia Long (cùng trên đường Lý Tự Trọng ngày nay), Tòa Pháp Đình (Tòa Án trên đường NKKN ngày nay), Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, đầu đường Hàm Nghi ngày nay). Chỉ một năm sau khi công trình này được hoàn thành (1891) thì kiến trúc sư Foulhoux qua đời (1892). Sau 130 năm, công trình này vẫn còn giữ được kiến trúc xưa. Đọc thêm thông tin về tòa nhà tại link: https://chuyenxua.net/nhung-cong-trinh-noi-tieng-sai-gon-xua-ky-2-buu-dien-sai-gon-va-130-nam-lich-su/


39

Palais de Justice (Tòa Pháp Đình/Tòa Công Lý) mang phong cách tân cổ điển, là công trình lớn thứ 2 mà Foulhoux phụ trách, khi ông đã nhậm chức Tổng Kiến trúc sư ở Nam kỳ. Với công trình này, Foulhoux chỉ phụ trách phần trang trí mỹ thuật, còn thiết kế phần công trình là kiến trúc sư Bourard. Tòa nhà được xây dựng từ năm 1881 đến 1885, có 2 tầng với hành lang 2 bên và một tầng hầm, nằm ở góc đường Mac Mahon và la Grandiere (nay là NKKN và Lý Tự Trọng).

Cũng vì Tòa Công Lý nằm ở đường này nên sau năm 1955, con đường đi ngang qua được đặt tên là Công Lý, trước khi đổi lại thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ năm 1975. Điểm nổi bật của công trình này là các bức phù điều được kiến trúc sư Jules Bourard thực hiện (Jules Bourard cũng là người xây Nhà Thờ Đức Bà). Sau năm 1954, Tòa Công Lý trở thành Tòa Án Quốc Gia, sau năm 1975 là Tòa Án Thành Phố.

Đọc thêm thông tin về tòa nhà này tại link: https://chuyenxua.net/nhung-cong-trinh-kien-truc-tram-nam-con-lai-o-sai-gon-ky-5-nhung-cong-trinh-cua-foulhoux-buu-dien-sai-gon-toa-an-dinh-gia-long/


30

Dinh Gia Long được khởi công xây dựng năm 1885 với mục đích ban đầu là để làm Bảo tàng Thương mại, trưng bày sản phẩm Nam Kỳ, theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp – Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892).

Năm 1887, khi tòa nhà đang xây dựng dang dở thì Liên bang Đông Dương được thành lập, đứng đầu là Toàn quyền Đông Dương, và ông Toàn Quyền nhiệm kỳ đầu tiên là Ernest Constans đã sử dụng Dinh thống đốc Nam kỳ ở Sài Gòn (tức dinh Norodom, nay là dinh Độc Lập) để làm trụ sở làm việc. Vì vậy ông Thống đốc Nam kỳ (là chức vụ đã có từ năm 1879) lúc đó là Henri Éloi Danel phải nhường lại dinh Norodom cho cấp trên của mình để chuyển sang sử dụng tòa nhà này khi nó được xây dựng xong năm 1890.

Kể từ năm 1888, chức vụ Thống đốc Nam Kỳ bị bãi bỏ, thay bằng chức Phó toàn quyền Đông Dương (để cai quản Nam kỳ), nên kể từ sau đó Dinh Gia Long được sử dụng hẳn làm dinh Phó Toàn quyền, thường được dân chúng gọi là dinh Phó soái. (Thực ra chức vụ Phó toàn quyền Đông Dương này quyền hạn cũng không khác gì chức vụ Thống đốc Nam kỳ cũ, nên trong nhiều văn bản, người ta thường ghi lẫn lộn 2 chức vụ này với nhau).

Năm 1952, dinh này được quốc trưởng Bảo Đại đặt tên là Dinh Gia Long, năm 1955, nó trở thành Nhà tiếp khách của Tổng thống, và từng là nơi làm việc của Ngô Đình Diệm trong lúc đợi xây Dinh Độc Lập mới vào năm 1962.

Thời kỳ Hội đồng Quân nhân Cách mạng, Dinh Gia Long trở thành Dinh Quốc Trưởng, sang thời Đệ nhị Cộng Hòa, tòa nhà từng là nơi làm việc của thủ tướng hoặc phó tổng thống, trước khi được là trụ sở chính thức của Tối cao Pháp viện cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thười gian sau đó cho tới nay, Dinh Gia Long được trả lại công năng ban đầu là một Bảo tàng. Đọc thêm thông tin về Dinh Gia Long tại link: https://chuyenxua.net/nhung-cong-trinh-noi-tieng-sai-gon-xua-ky-3-dinh-gia-long-va-nhung-bien-co-trong-130-nam-lich-su/


31

Tòa nhà Quan Thuê nằm ở đầu đại lộ Somme (nay là Hàm Nghi), phía sông Sài Gòn.

Tòa nhà này đã được xây dựng năm 1867, ban đầu mang tên Maison Wang-Tai, là tư dinh của Wang Tai, lớn hơn cả dinh Thống đốc thời đó. Ban đầu một phần của tòa nhà được cho người Pháp thuê làm văn phòng, sau đó thì bán lại cho chính quyền để làm tòa thị chính.

Sau khi mua lại tòa nhà này, chính quyền đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để tu bổ lại. Cuối năm 1884, bản tường trình của kiến trúc sư A. Foulhoux cho biết tòa nhà được xây dựng không đủ chất lượng để có thể nâng cấp, sửa chữa. Vì vậy vị kiến trúc sư này đề nghị có phương án sửa chữa lại với chi phí dự trù là 30.000 piastres (tiền Đông Dương, 1 piastre tương đương khoảng 10 francs), hoặc phá bỏ hoàn toàn và xây lại với chi phí 75.000 piastres.

Cuối cùng, hội đồng quản hạt biểu quyết thông qua ngân sách 37.000 piastres để sửa chữa. Chính ông Foulhoux là kiến trúc sư trưởng sửa chữa lại maison Wang Tai để trở thành tòa nhà Hôtel des douanes có kiểu dáng còn lại đến ngày nay sau hơn 130 năm.

Đọc thêm về lịch sử thú vị của tòa nhà này: https://chuyenxua.net/nhung-cong-trinh-kien-truc-tram-nam-con-lai-o-sai-gon-ky-5-nhung-cong-trinh-cua-foulhoux-buu-dien-sai-gon-toa-an-dinh-gia-long/


27

Tòa nhà Le Cercle des officiers (CLB Sĩ quan Pháp), được xây dựng trên đại lộ Norodom vào năm 1876, là một trong những công trình cũ xưa nhất Sài Gòn vẫn còn lại tới nay. Ban đầu, tòa nhà này là nơi gặp gỡ, họp mặt của các sĩ quan cấp cao trong quân đội Pháp. Từ năm 1955 tới 1975, tòa nhà trở thành trụ sở Bộ Tư pháp VNCH, còn từ sau 1975 tới nay là UBND Q1, nằm ở gần phía sau nhà thờ Đức Bà trên đường Lê Duẩn.


37

Dinh Norodom, tức Dinh Thống Đốc, có thời gian từng là Dinh Toàn Quyền, sau 1955 là Dinh Độc Lập (Phủ tổng thống). Công trình đồ sộ và bề thế này được xây dựng năm 1868, hoàn thành 1871, rồi đã bị phá hủy năm 1962 sau gần 100 năm tồn tại. Đọc thêm thông tin về Dinh Norodom tại link: https://chuyenxua.net/hinh-anh-dep-cua-dinh-norodom-dinh-doc-lap-dien-mao-ban-dau-the-ky-19/

38

Phía trước Dinh Norodom là đại lộ Norodom, đặt theo tên của Quốc vương Cao Miên lúc đó. Người Pháp đặt tên này cho đại lộ lớn của Sài Gòn và cho dinh Thống Đốc, như là 1 hình thức ủng hộ quốc vương này vì đã chấp nhận ký hiệp định cho Pháp bảo hộ mà Pháp không cần tốn viên đạn nào.

Sau năm 1955, đại lộ Norodom đổi thành đại lộ Thống Nhứt, sau 1975 đổi tên thành đường 30/4, sau năm 1986 tới nay đổi tên thành đường Lê Duẩn. Đọc thêm thông tin về đại lộ Norodom/Thống Nhứt: https://chuyenxua.net/lich-su-nhung-duong-pho-sai-gon-xua-150-nam-dai-lo-norodom-thong-nhut-mot-trong-nhung-dai-lo-dau-tien-cua-sai-gon/


32

Bệnh viện quân y của Pháp (Hôpital Militaire), cũng là bệnh viện đầu tiên của Sài Gòn, được thành lập vào năm 1862, ngay sau khi quân Pháp hoàn toàn kiểm soát được Sài Gòn.

Từ năm 1905 trở đi, Hôpital Militaire được bác sĩ Charles Grall điều hành. Năm 1924, bác sĩ Grall qua đời, vì vậy năm 1925, bệnh viện này đổi tên thành Bệnh viện Grall, nhưng vì vị trí của nó nằm gần Đồn Đất nên người dân gọi là Nhà thương Đồn Đất.

Sau khi quân Pháp hoàn toàn rút khỏi Đông Dương vào tháng 4 năm 1956, Bộ Ngoại giao Pháp đã ký với chính phủ VNCH một hiệp định để cho phép người Pháp tiếp tục được sở hữu và điều hành bệnh viện Grall (tương tự một số bệnh viện Pháp khác).

Năm 1978, bệnh viện đổi thành Bệnh viện Nhi đồng 2, chấm dứt thời kỳ bệnh viện đa khoa và trở thành bệnh viện chuyên khoa nhi cho đến nay. Đọc thêm thông tin về công trình này tại link: https://chuyenxua.net/lich-su-hon-150-cua-nha-thuong-don-dat-benh-vien-grall-nay-la-benh-vien-nhi-dong-2/


28

Tòa nhà Kho bạc Sài Gòn (Trésor Saigon), sau 1955 là Tổng Nha Ngân Khố, được xây dựng vào năm 1917, ở trên nền đất từng là Chợ Bến Thành, thường được gọi là “Chợ Cũ” trên đại lộ Charner (nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ). Ngày nay, tòa nhà này vẫn đang được sử dụng với công năng ban đầu, sau hơn 100 năm tồn tại.


34

Trụ sở công ty Tài Chính Pháp Quốc và Thuộc Địa (Société Financière Française et Coloniale – SFFC). Thời gian sau đó, tòa nhà này bỏ tháp nhọn và thêm lầu, thành trụ sở ngân hàng Pháp Hoa. Bên trái hình là đường Phủ Kiệt (nay là Hải Triều), bên phải là đại lộ Somme (nay là đường Hàm Nghi) hướng ra sông Sài Gòn.


33

Tòa nhà ngân hàng Đông Dương trụ sở tạm, trong khi chờ đợi tòa nhà mới đang được xây dựng bên gần Cầu Mống ở kinh Tàu Hũ. Tòa nhà tọa lạc ở góc đường Somme – Macmahon (Hàm Nghi – Công Lý), nay là Hàm Nghi – NKKN. Sang thập niên 1940, tòa nhà này đã từng là trụ sở của Đài Phát thanh Pháp Á lừng danh một thuở, là nơi phát lên tiếng hát của những giọng ca thượng thặng của tân nhạc Việt.


42

Khu vực quảng trường Eugène Cuniac (Place d’Eugène Cuniac) – nay là quảng trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành. Nơi đây có chợ lớn nhất Sài Gòn và nhà ga xe lửa trung tâm nên ngựa xe lúc nào cũng nhộn nhịp. Bên trái hình là tòa nhà Hỏa Xa, điều hành mạng lưới đường sắt ở Nam kỳ.


43

Đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Đọc chi tiết về con đường nổi tiếng Sài Gòn này tại link: https://chuyenxua.net/lich-su-nhung-duong-pho-sai-gon-xua-charner-nguyen-hue-dai-lo-sam-uat-giua-trung-tam-thanh-pho/


41

Đầu đường Catinat (đường tự Do thời kỳ 1955-1975, nay là đường Đồng Khởi), phía giáp sông Sài Gòn. bên trái là khách sạn nổi tiếng Majestic vẫn đang xây dựng có đầy dàn giáo. Khách sạn này do công ty Hui Bon Hoa bỏ vốn xây dựng. Bên phải hình là khách sạn, quán cafе dе la Rotondе ở số 2 Catinat.

Đọc bài chi tiết về đường Catinat/Tự Do tại link: https://chuyenxua.net/lich-su-nhung-duong-pho-sai-gon-xua-catinat-tu-do-con-duong-dep-va-sang-trong-bac-nhat-sai-gon/


 

35

36

Hình ảnh ở bến sông Sài Gòn, gần bến cảng, nơi sau này được gọi là Bến Bạch Đằng. Đọc bài chi tiết về bến sông Sài Gòn tại link https://chuyenxua.net/nhung-hinh-anh-tau-thuyen-tap-nap-o-ben-nghe-song-sai-gon-suot-hon-1-the-ky/


Một số hình ảnh bên trong Thảo Cầm Viên – Một trong 8 vườn bách thảo lâu đời nhất thế giới.

49

Ngày 23 tháng 3 năm 1864, chỉ một vài năm sau khi Pháp chiếm được Gia Định và bắt đầu quy hoạch thành phố Sài Gòn, chuẩn đô đốc Pierre-Paul de La Grandière đã ký nghị định cho phép xây dựng một Vườn Bách Thảo. Ngay sau đó, Louis Adolphe Germain, một bác sĩ thú y của quân đội Pháp, được giao nhiệm vụ mở mang 12 ha trên vùng đất hoang ở phía đông bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Tháng 3 năm sau (1865) thì một số chuồng trại đã xây xong.

47

Để biến nơi này thành nơi nuôi trồng các loài động vật, thực vật của toàn Đông Dương; vừa để trưng bày, vừa để cung cấp cây giống cho Muséum national d’histoire naturelle và trồng dọc theo các trục lộ ở Sài Gòn; viên Thống đốc Nam Kỳ nhận thấy cần phải có người giỏi chuyên môn hơn, nên đã mời J.B. Louis Pierre, người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ), sang làm giám đốc vào ngày 28 tháng 3 năm 1865. Cuối đó, Vườn Bách Thảo được nới rộng đến 20 ha.

50

Ngày 15 tháng 12 năm 1867, Thống đốc De La Grandière ban hành nghị định số 183 nhằm chấn chỉnh tổ chức và điều hành Vườn Bách Thảo, đặt nơi đây dưới sự quản lý của Hội đồng thành phố Sài Gòn, với một ngân khoản điều hành 21.000 quan Pháp/năm, do ngân sách thuộc địa cung cấp.

46

Ngày 17 tháng 2 năm 1869, phó đô đốc G. Ohier, quyền Thống đốc Nam Kỳ, ký nghị định số 33 thành lập Ủy ban thường trực do Philastre làm chủ tịch, để giám sát việc chi tiêu tại Thảo Cầm Viên. Vào thời điểm này, chi phí hàng năm của Vườn Bách Thảo đã được nâng lên 30.000 quan Pháp/năm. Cũng theo nghị định trên, đúng ngày Quốc khánh của Pháp 14 tháng 7 năm 1869, Vườn Bách Thảo mở cửa thường trực cho công chúng vào xem.

48

Năm 1924, khuôn viên của Vườn Bách Thảo sáp nhập thêm bên bờ bắc rạch Thị Nghè 13 ha nữa; một cây cầu đúc được bắc qua rạch để nối liền hai khu vực hoàn thành năm 1927.        45

Đọc bài chi tiết về lịch sử Thảo Cầm Viên: https://chuyenxua.net/anh-dep-ngay-xua-cua-thao-cam-vien-sai-gon-mot-trong-8-vuon-bach-thao-lau-doi-nhat-the-gioi/

Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn 

Viết một bình luận