Những công trình nổi tiếng Sài Gòn xưa – Kỳ 3: Dinh Gia Long và những biến cố trong 130 năm lịch sử

Trong lịch sử hơn 130 năm tồn tại, Dinh Gia Long đã rất nhiều lần đổi chủ, được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ban đầu nó được xây dựng để làm bảo tàng trưng bày sản phẩm của người bản xứ, nhưng khi chưa được sử dụng đúng công năng được một ngày nào thì đã được các Thống đốc Nam kỳ, sau đó là Phó toàn quyền Đông Dương sử dụng.

Từ sau đó cho đến gần 100 năm sau, Dinh Gia Long chủ yếu là một cơ sở chính quyền phục vụ chính trị, cho đến tận năm 1978 thì mới được trở lại với công năng của ban đầu xây dựng, đó là một bảo tàng triển lãm (museum).

Vì có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cái tên quen thuộc nhất của dinh này vẫn là Dinh Gia Long, được cựu hoàng Bảo Đại đặt tên từ năm 1952, khi đó Bảo Đại đang là quốc trưởng của quốc gia Việt Nam. Vì vậy, trong bài viết này xin gọi chung tòa nhà này là Dinh Gia Long, trong mọi thời kỳ.

Dinh Gia Long được khởi công xây dựng năm 1885 với mục đích ban đầu là để làm Bảo tàng Thương mại, trưng bày sản phẩm Nam Kỳ, theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp – Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892).

Kiến trúc sư tài ba này cũng là người thiết kế những công trình vẫn còn bền vững đến nay sau hơn 130 năm ở Sài Gòn là Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn, Dinh Thượng Thơ, Tòa nhà Thuế Quan (đầu đường Hàm Nghi), Trụ sở Tòa Án.

Năm 1887, khi tòa nhà đang xây dựng dang dở thì Liên bang Đông Dương được thành lập, đứng đầu là Toàn quyền Đông Dương, và ông Toàn Quyền nhiệm kỳ đầu tiên là Ernest Constans đã sử dụng Dinh thống đốc Nam kỳ ở Sài Gòn (tức dinh Norodom, nay là dinh Độc Lập) để làm trụ sở làm việc. Vì vậy ông Thống đốc Nam kỳ (là chức vụ đã có từ năm 1879) lúc đó là Henri Éloi Danel phải nhường lại dinh Norodom cho cấp trên của mình để chuyển sang sử dụng tòa nhà này khi nó được xây dựng xong năm 1890.

Kể từ năm 1888, chức vụ Thống đốc Nam Kỳ bị bãi bỏ, thay bằng chức Phó toàn quyền Đông Dương (để cai quản Nam kỳ), nên kể từ sau đó Dinh Gia Long được sử dụng hẳn làm dinh Phó Toàn quyền, thường được dân chúng gọi là dinh Phó soái. (Thực ra chức vụ Phó toàn quyền Đông Dương này quyền hạn cũng không khác gì chức vụ Thống đốc Nam kỳ cũ, nên trong nhiều văn bản, người ta thường ghi lẫn lộn 2 chức vụ này với nhau).

Năm 1902, thủ đô của Liên bang Đông Dương được chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội, đây cũng là năm Dinh Toàn Quyền mới được xây dựng ở Hà Nội. Dinh xây xong năm 1906, kể từ lúc đó toàn quyền Đông Dương rời dinh Norodom để di chuyển ra Bắc làm việc, nhưng các Phó toàn quyền vẫn tiếp tục sử dụng Dinh Gia Long, còn Dinh Norodom là nơi làm việc của ᴄáᴄ ᴄơ qᴜan thᴜộᴄ Phủ Tᴏàn qᴜyền (ᴄơ qᴜan liên banɡ) đặᴄ tɾáᴄh ở Nam Kỳ.

Sau ông Henri Éloi Danel, các Phó toàn quyền người Pháp thay nhau tiếp tục làm chủ Dinh Gia Long. Từ năm 1892 đến năm 1911, đã có thêm tất cả 14 vị Phó toàn quyền khác (trong số 14 vị này có một số vị đảm nhiệm chức vụ này 2 hay 3 lần) cư ngụ trong Dinh.

Năm 1912, chính quyền thuộc địa lại bãi bỏ chức vụ Phó toàn quyền, quay trở lại sử dụng chức danh Thống đốc Nam kỳ.

Từ 1912 cho đến ngày 9/3/1945 đã có thêm tất cả 16 vị Thống đốc Nam kỳ sống và làm việc trong Dinh Gia Long. Năm 1945, dinh Thống đốc nhiều lần đổi chủ. Sau khi quân Nhật nắm quyền tại Đông Dương, vị thống đốc người Nhật là Yoshio Minoda sử dụng tòa nhà làm dinh thự.

Vua Khải Định ghé Sài Gòn thăm Thống đốc Sài Gòn tại dinh Phó soái trong lần đi dự Hội chợ thuộc địa Marseille

Ngày 14 tháng 8 năm 1946, người Nhật giao lại dinh thự cho chính quyền Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam để làm dinh Khâm sai Đại thần Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm.

Đến ngày 25/8/1946, Việt Minh giành được chính quyền, dinh lại trở thành trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ.

Ngày 10/9/1946, Trung tá B. W Roe (phái bộ quân sự Anh) chiếm dinh làm trụ sở Phái bộ Đồng minh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam Bộ phải dời về dinh Đốc lý.

Mặt sau dinh phó soái

Đến ngày 5/10/1946, dinh được tướng Leclerc dùng làm Phủ Cao ủy Cộng hòa Pháp tạm thời. Sau khi Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Đông Dương là Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu chọn dinh Norodom làm Phủ Cao ủy, thì dinh lại trở thành nơi làm việc của tướng Leclerc, nhưng lần này với danh nghĩa chính thức là trụ sở của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam.

Toàn cảnh khu vực Dinh Gia Long. Ngay chính giữa hình là Tòa Pháp Đình (nay là Tòa Án trên đường NKKN). Góc trên bên phải là Dinh Norodom (dinh Độc Lập). Dinh Gia Long nằm gần bên dưới Tòa Pháp Đình

Sau khi tái chiếm Đông Dương, ngày 23 tháng 5 năm 1947, chính quyền Pháp đã bàn giao dinh cho Thủ tướng Lê Văn Hoạch để làm trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại được thành lập và dinh được sau đó chuyển thành dinh Tổng trấn, (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần dưới quyền sử dụng của Thủ hiến Trần Văn Hữu.

Dinh Gia Long thời Quốc trưởng Bảo Đại (quốc gia Việt Nam) năm 1950

Thời thủ tướng Nguyễn Văn Tâm của chính phủ Quốc Gia Việt Nam (nhiệm kỳ 1952-1953), ông từng sử dụng Dinh thự này.

Gia đình thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và dinh Gia Long

Đây cũng là thời điểm quốc trưởng Bảo Đại đặt tên cho dinh này là dinh Gia Long, và con đường đi ngang qua dinh thự này mang tên Lagrandiere cũng được Bảo Đại đặt tên là Gia Long (là niên hiệu của vị vua khai sinh ra triều Nguyễn). Điều này khác với lầm tưởng của nhiều người, cho rằng tên đường Gia Long chỉ được đặt sau năm 1955, thời VNCH. Tuy nhiên, thực ra là từ đầu thập niên 1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đã bắt đầu “Việt hóa” nhiều tên đường Sài Gòn. Ngoài đường Gia Long còn có đường Trưng Nữ Vương (là một đoạn của đường Hai Bà Trưng hiện nay), Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi…

Bản đồ Sài Gòn 1952 có tên đường Gia Long, xuất hiện bên cạnh tên đường cũ là Lagrandiere

Sau Hiệp định Genève năm 1954, tổng thống Ngô Đình Diệm về Sài Gòn nhận chức thủ tướng. Vì dinh Norodom còn do Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely đang sử dụng, nên dinh trở thành dinh Thủ tướng tạm thời từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 7 tháng 9 năm 1954.

Từ năm 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống, ông dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, dinh Độc Lập bị hư hại, Ngô Đình Diệm dời phủ tổng thống sang đây làm nơi ở và làm việc đến ngày bị lật đổ vào tháng 11 năm 1963.

Thời gian ở đây, ông Ngô Đình Diệm đã giao cho KTS Ngô Viết Thụ thiết kế một căn hầm đặc biệt để trú ẩn. Hầm được đào sâu xuống đất 4m, đúc bằng ximăng cốt thép (170 kg sắt trên một m3 bêtông), có tường dày đến một mét.

Bà Trần Lệ Xuân bên trong dinh Gia Long

Biến cố ngày 1/11/1963, Dinh Gia Long cũng là một mục tiêu bị tấn công và hư hại nghiêm trọng:

Dinh Gia Long sau khi vừa được sửa lại sau biến cố 1963

Trong thời gian 1964–1965, dinh được dùng làm dinh Quốc trưởng. Ngày 31 tháng 10 năm 1966, khi dinh Độc Lập mới (theo đồ án của Ngô Viết Thụ) được xây lại xong, Dinh Gia Long có lúc được sử dụng là nơi làm việc của thủ tướng hoặc phó tổng thống, trước khi được là trụ sở chính thức của Tối cao Pháp viện cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau 1975, tòa nhà tạm thời không dùng cho mục đích cụ thể nào. Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Ủy ban Nhân dân TpHCM đã quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng, đến ngày 13 tháng 12 năm 1999 thì đổi tên thành Bảo tàng TpHCM như hiện nay.

Như vậy, sau gần 100 năm xây dựng, Dinh Gia Long mới trở lại được (gần) đúng với công năng ban đầu của nó. Dự định là trở thành một bảo tàng, đúng hơn là nơi để triển lãm sản phẩm, qua thời gian dài trở thành trụ sở chính quyền, cuối cùng đã trở thành một viện bảo tàng lịch sử.

Nhắc đến dinh Gia Long, không thể không nói đến công viên Bách Tùng Diệp rộng 3000m2 nằm ngay phía trước dinh, nằm giữa các con đường Gia Long, Công Lý (nay là Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Pasteur. Từ thập niên 1980, công viên được mở rộng ra thành 5000m2.

Từ công viên nhìn qua dinh Gia Long

Trong công viên có một cây đa cổ thụ gồm năm thân, tính đến đầu thập niên 2000 thì được hơn 300 năm tuổi. Theo Trương Vĩnh Ký, dưới triều Vua Tự Đức có một ngôi chợ rất sầm uất gọi là chợ Cây Da Còm tại khu vực này. Các sĩ tử trước khi ứng thí hay ra chợ mua sắm áo mũ.

Năm 1859, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha chiếm được Gia Định, Pháp đã giao cho Tây Ban Nha khu đất khoảng 3000m2 ngày nay thuộc công viên Bách Tùng Diệp để xây tòa lãnh sự. Tuy nhiên, về sau các quan chức đại diện của Tây Ban Nha dần rút khỏi Sài Gòn, để trống khu đất này trong hơn nửa thế kỷ. Khu đất vẫn do nhà cầm quyền thuộc địa chăm sóc cẩn thận và biến thành một vườn cây, từ đó sinh ra tên gọi Jardin d’Espagne (“Vườn Tây Ban Nha”).

Công viên Bách Tùng Diệp trước dinh

Năm 1927, Chính phủ Tây Ban Nha giao đất cho Chính phủ Anh Quốc để xây trụ sở tổng lãnh sự quán Anh. Nhận thấy sự bất hợp lý nếu xây tòa lãnh sự tại địa điểm này, năm 1928 Anh chính thức hoán đổi sang lô đất khác tại đại lộ Norodom (đường Lê Duẩn), nơi mà cho đến ngày nay tòa tổng lãnh sự quán Anh Quốc vẫn hiện diện. Năm 1955, chính quyền đổi tên Jardin d’Espagne thành công viên Liên Hiệp. Đầu thập niên 1980, những ngôi nhà bên hông công viên được dỡ bỏ làm công viên mở rộng được như ngày nay.

Một số hình ảnh khác của Dinh Gia Long theo từng thời kỳ:

Trước thập niên 1950:

Thời VNCH:

Sau đây là một số hình ảnh hiện tại của Dinh Gia Long:

Tòa nhà có diện tích mặt bằng rộng hơn 1.700 m², gồm hai tầng với một tòa nhà chính và hai dãy nhà ngang, thiết kế theo phong cách cổ điển – phục hưng, kết hợp Âu – Á.

Do được xây làm Bảo tàng Thương mại nên ban đầu ở hai bên cửa chính tòa nhà có hai cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp. Năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel cho phá bỏ hai tượng này để xây dựng một mái hiên.

Trước đó, từ năm 1905, cựu Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã viết trong hồi ký:

Dinh Thống đốc Nam Kỳ được xây dựng với mục đích làm bảo tàng. Như thường thấy, Dinh này hẳn là đáp ứng khá kém với mục đích ban đầu; trái lại, nó đáp ứng mục đích làm dinh thự cho một quan chức cấp cao và văn phòng của ông ta đẹp hơn bất kỳ một nơi nào khác. Đó sẽ là một tòa dinh thự đẹp với những nét độc đáo nếu ai đó không nảy ra cái ý tưởng kỳ lạ tô điểm mặt tiền bằng những pho tượng giả đá to lớn và dị dạng.

Mặt tiền tòa nhà được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Ngay phần chóp trên mái tam giác ở mặt phía trước được trang trí bằng một tượng đầu người nghiêm trang. Hai bên trang trí bằng các họa tiết đắp nổi như cành dương liễu, tràng hoa lá bao xung quanh, rắn khoanh tròn…

Nhiều họa tiết đắp nổi khác là sự kết hợp giữa các biểu tượng thần thoại Hi Lạp và hình tượng cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới.

Nội thất của dinh thự rất tráng lệ với những chùm đèn pha lê, hốc tranh tường, các trụ cột, gờ trần phong cách cổ điển sang trọng.

Giữa sảnh chính của tòa nhà là một cầu thang gỗ uốn cong về hai bên để dẫn lên tầng hai.

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận