Bộ ảnh cực hiếm chụp Hà Nội thời bao cấp qua bộ ảnh của phó đại sứ Vương Quốc Anh – Kỳ 3: Cuộc sống bươn chải

Bộ ảnh Hà Nội được chụp vào đầu thập niên 1980 (từ 1980-1982), tác giả là cựu phó đại sứ Vương Quốc Anh là John Ramsden.

Sau phần 1 là những hình ảnh phố cổ Hà Nội, phần 2 này là những tấm ảnh phố phường và chợ búa của thủ đô 40 năm trước.

Xem các kỳ trước:
Kỳ 1: https://chuyenxua.net/bo-anh-cuc-hiem-chup-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-bo-anh-cua-pho-dai-su-vuong-quoc-anh-o-ha-noi/
Kỳ 2: https://chuyenxua.net/bo-anh-cuc-hiem-chup-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-bo-anh-cua-pho-dai-su-vuong-quoc-anh-ky-2-pho-phuong-cho-bua/

Những tấm ảnh này đã ghi lại được hiện thực của một thời kỳ lịch sử. Ông phó đại sứ Anh tiết lộ rằng dù được miễn trừ ngoại giao, ông vẫn phải “kín đáo” mỗi khi đưa tay bấm máy ảnh, không phải vì sợ mà để tránh khỏi bị hiểu sai về việc làm chỉ nhằm lưu lại trong ký ức riêng mình về một vùng đất mà ông hiện diện với công việc ngoại giao.

John Ramsden cũng nói rằng những hình ảnh về Hà Nội trong những năm cuối của thời bao cấp (đầu thập niên 80 của thế kỷ trước) rất hiếm. Những nhiếp ảnh gia người Việt không được tự do lang thang như ông phó đại sứ để ghi lại những hình ảnh mà họ thích. Ngoài ra, họ cũng không đủ tiền để làm vậy, một cuốn phim đắt phải bằng cả tháng lương.

Sau đây, mời các bạn xem lại bộ ảnh của John Ramsden, với lời thuyết minh về hình ảnh của nhà sử học Dương Trung Quốc:

Vẻ đẹp phố cổ (góc Hàng Bạc và Hàng Bè). Kiến trúc xây cầu thang là giải pháp tách riêng đường đi lối lại giữa hai hộ trên gác và dưới nhà. Một cụ già với cái bơm ngồi đầu đường là hình ảnh thường thấy ở một thành phố mà ai cũng tự mình kiếm sống.


Thuở ấy, phương tiện đi lại chủ yếu của các gia đình: xe đạp nhãn hiệu Thống Nhất, món hàng có giá trị nhất được phân phối hạn chế cho công nhân viên chức. Bố mẹ, hai đứa con và những chiếc can nhự có thể chứa đủ thứ nhu yếu phẩm từ dầu hỏa, nước mắm cho đến rượu – tất cả đều trên một chiếc xe đạp.


Có được cái xe đạp đã khó, mua được phụ tùng thay thế càng không dễ. Đôi khi xảy ra nghịch lý: xe đạp của mình có cỡ vành 650mm lại được cơ quan phân phối cho cỡ lốp 650mm, nên mới có dịch vụ “rút lốp”: cắt ngắn cái đai bằng thép ở mép lốp (tanh) rồi rút ngắn cho vừa với vành. Còn có cả nghề “đắp lốp”: tận dụng lốp mòn hay rách, đắp lên những miếng cao su sống rồi cho vào khuôn ép nóng để dùng tiếp.


Thêm một tấm ảnh chứng minh rằng 40 năm trước, xe đạp tạo nên nét đặc trưng của Hà Nội. Nhưng tấm ảnh này cũng gợi lại một “truyền thống” ở Hà Nội: Đó là hiện tượng, ở nơi nào cấm cái gì thì cái ấy có khả năng lại xuất hiện ngay tại nơi ấy. Ví như người ta dán quảng cáo ngay nơi để biển cấm quảng cáo, bán hàng rong ngay nơi quy định cấm bán hàng rong, v.v..


Xích lô vốn là phương tiện chở người vừa văn minh, vừa sang trọng so với xe kéo tay trước 1945. Sang chính thể mới, người ngồi trên xe cho kẻ khác đạp bị coi là “bóc lột”, nên ít chở người. Thời chiến dùng để chở hàng, chở đạn, phuy nước cứu hỏa, người bị thương. Hết chiến tranh, xích lô chủ yếu chở hàng cồng kềnh nên chẳng cần sang nữa, trông thật nhếch nhác.


Còn chiếc xích lô này có phần tươm tất hơn chuyên chở các bà tiểu thương hằng ngày mang hàng ra chợ, thường là khách quen. Người đàn ông gầy gò nhưng tỏ rõ sức bền của một người quen lao động nặng nhọc. Bà tiểu thương thu mình giữa những bao, bị và cả một mớ rau tiện mua ở chợ. Việc làm ăn không ngơi nghỉ khiến những người lao động luôn có vẻ mặt bình thản.


Một xóm dân cư vô cùng xập xệ hình thành quanh nhà máy điện Yên Phụ, trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Hết chiến tranh, nhà cửa xuống cấp cùng với dân đến “nhảy dù” tạo nên một khung cảnh tàn tạ. Không lâu sau đó, nhà máy ngưng hoạt động thành phế tích chờ thời Đổi Mới thành miếng đất vàng xây cao ốc. Người làm sử tiếc cho dấu tích của một nhà máy lớn bậc nhất thời thuộc địa (1947).


Vào những năm 1980, Hà Nội đã có nhiều xe máy hơn, chủ yếu là những xe cũ được đưa từ miền Nam ra. Sở hữu một “con” Honda 67 là một tài sản không nhỏ. Trông nét mặt của chủ nhân trước ống kính của một ông Tây đủ thấy một vẻ thỏa mãn khiêm nhường.

Khi những tấm ảnh này được mang đến buổi triển lãm ở Hà Nội vào mùa thu năm 2013, người ngồi trên xe trong tấm ảnh này đã đến buổi triển lãm mà nói rằng chiếc xe này lúc đó đắt tiền, nhưng ông cũng nói rằng lương của mình rất cao, hơn cả nhiều cán bộ, vì ông chơi cho đội bóng quốc gia của công an. 


Ảnh chụp trên phố Đồng Xuân, trước cửa chợ là điểm tránh tàu luôn tấp nập. Đất nước đã thống nhất nhưng cảnh quan chẳng mấy thay đổi, vẫn là tàu điện cũ kỹ từ thời Pháp và xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến. Trong cảnh, chỉ có một chiếc xe máy duy nhất dựng trên vỉa hè.


Phía sau toa tàu điện ngày xưa có những cái móc để các vị khách là nông dân vào nội thành buôn bán có thể treo quang thúng. Nông thôn tập thể hóa nên ít hàng hóa mang ra phố. Phía sau các toa tàu là chỗ cho bọn trẻ nghịch ngợm, trông nguy hiểm nhưng chúng rất thiện nghệ, vả lại trên tuyến đường Hàng Bông tàu đi chậm.


Trên thùng xe có ghi rõ “4 tấn/55 người”, nhưng xe bao giờ cũng chở quá tải. Chạy trong thành phố gọi là xe buýt chỉ là xe nội địa, nhập máy từ Đông Âu hay Liên Xô rồi đóng vô tại các nhà máy như Hòa Bình, Ngô Gia Tự, 1-5… Loại xe ca quan trọng nhất là “Hải Âu” chỉ để chở người của Nhà nước hay văn công và cải tiến thành “linh xa” cho nhà tang lễ.


Xe bò bánh lốp là phương tiện chở nặng rẻ tiền lại phổ biến trong việc kết nối những cơ sở sản xuất ở thôn quê đưa lên thành phố. Trong ảnh là xe chở gạch nung từ các lò rải rác quanh ngoại ô. Phần đông người lao động chỉ là các quân nhân giải ngũ và bọn trẻ đi theo đỡ đần người lớn. Ở đâu cũng thấy bộ quân phục và chiếc mũ cối màu xanh.


Con phố sang trọng nhất của Hà Nội là Tràng Tiền. Cái cảnh lam lũ trong ảnh tưởng như phản cảm, nhưng nó cũng hợp với chiếc “com măng ca” cục mịch chở cán bộ lãnh đạo. Phía sau Nhà Hát Lớn dọc theo triền đê là nơi tập kết các loại tre, nứa hay luồng dỡ từ các bè thả từ miền ngược xuống. Có lẽ đây là những vật liệu mượn đường để vào nội thành dùng làm giàn giáo hay đóng cọc nền cho các công trình xây dựng?


Gọi là xe bò nhưng lại do người kéo: một phương tiện phổ biến vì nó chở được hàng cồng kềnh hoặc nặng, len lách được vào ngõ ngách. Chiếc xe này đang trên phố Hàng Khoai trước cửa chùa Huyền Thiên. Trông người kéo xe chở nhiều bao tải lớn nhưng không máy vẻ nặng nhọc, có thể là các bao tải trấu? Thuở đó, trấu là chất đốt thông dụng để nhồi vào những cái bếp bằng đất hay bằng tôn tăng nhiệt cho củi đốt.


Đường tàu hỏa đi ngang trung tâm thành phố, ngoài đoạn cầu dẫn đi hết phố Phùng Hưng thì đi qua những con phố gây nhiều phiền phức. Đường tàu tạo ra khoảng lưu không phía sau lưng các dãy nhà, dễ bị dùng làm nơi xả phế thải. Hồi đó áp lực về dân số chưa cao nên đất lưu không trông hoang vắng, còn bây giờ thì đông đúc, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt.


Những ngày “mất” nước. Hàng dãy thùng xếp hàng yên ắng mà chủ nhân không “thèm” có mặt’ Nhưng họ ở đâu đó, chỉ cần dòng nước đầu tiên vừa ồ chảy là cả khu vực này sẽ đông đúc, ồn ào, có lúc là tiếng cười vì niềm vui có nước dùng, lại có cả tiếng cãi vã nhau vì ai cũng muốn sớm có nước mang về. Vẫn những cái thùng bằng sắt tây hệt như thời mới có máy nước ở Hà Nội.


Gánh nước là công việc hàng ngày của phụ nữ xưa.


Hồi chiến tranh và những năm 1980, có rất nhiều địa điểm bán nước sôi. Nước nóng là một nhu cầu của dân phố vào lúc nguồn nước và chất đốt đều khan hiếm, nhất là về mùa đông. Một cái lò than đun một thùng phuy để bán lẻ theo từng phích hay ấm. Quản lý những nơi này là các “tổ phục vụ” nhằm mục tiêu như tên gọi hơn là kinh doanh thuần túy.



Niềm vui của đứa trẻ câu được một con chạch trên hồ Đồng Nhân trước đền thờ Hai Bà. Hà Nội xưa lắm hồ nên người câu cá cũng đông, không chỉ trẻ con mà cả người lớn. Nói chung không ai cho phép nên câu được con cá thì niềm vui lớn hơn giá trị con cá ngoài chợ hay trên mâm cơm.

Cậu bé này cũng xuất hiện trong buổi triển lãm hình ảnh năm 2013 của tác giả bộ ảnh này. Lúc đó cậu bé đã là người đàn ông 41 tuổi nhưng vẫn có thể nhận ra. Anh ấy nhớ lại lúc bắt được chạch, rất vui sướng do vừa ốm dậy.

Nguồn ảnh: John Ramsden – Hà Nội Một Thời

Viết một bình luận