Bộ ảnh cực hiếm chụp Hà Nội thời bao cấp qua bộ ảnh của phó đại sứ Vương Quốc Anh

Mời các bạn xem bộ ảnh Hà Nội được chụp vào đầu thập niên 1980 (từ 1980-1982), tác giả là cựu phó đại sứ Vương Quốc Anh là John Ramsden. Ông đã chụp những tấm hình này với thú vui đồng hành với công việc của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nay đây mai đó.

Những tấm ảnh này ghi lại hiện thực của một thời kỳ lịch sử. Ông phó đại sứ tiết lộ rằng dù được miễn trừ ngoại giao, ông vẫn phải “kín đáo” mỗi khi đưa tay bấm máy ảnh, không phải vì sợ mà để tránh khỏi bị hiểu sai về việc làm chỉ nhằm lưu lại trong ký ức riêng mình về một vùng đất mà ông hiện diện với công việc ngoại giao.

John Ramsden cũng nói rằng những hình ảnh về Hà Nội trong những năm cuối của thời bao cấp (đầu thập niên 80 của thế kỷ trước) rất hiếm. Những nhiếp ảnh gia người Việt không được tự do lang thang như ông phó đại sứ để ghi lại những hình ảnh mà họ thích. Ngoài ra, họ cũng không đủ tiền để làm vậy, một cuốn phim đắt phải bằng cả tháng lương.

Sau đây, mời các bạn xem lại bộ ảnh của John Ramsden, với lời thuyết minh về hình ảnh của nhà sử học Dương Trung Quốc:

Bức tranh cổ động lớn này định vị thời điểm chụp ảnh là năm 1981, trên góc tranh có câu biểu ngữ “Tiến tới đại hội V”.


Khó nhận ra aay là phố nào nhưng nhận ngay ra một thời của Hà Nội. Cái thời xe cộ còn rất ít, người đi bộ bao giờ cũng chiếm số đông. Cái xe đạp đã quý, cái xe máy được coi là sang trọng, còn được ngồi lên ô tô hẳn phải là quan chức nếu là người Việt Nam. Cái thúng trên tay, đôi quang gánh trên vai và sức bền của đôi chân cũng là đặc trưng của một thời đã qua.


Một trong những điểm chụp ảnh đẹp nhất quanh Hồ Gươm chính là cổng đền Ngọc Sơn với vòm cầu Thê Húc cong cong đón nắng ban mai. Hai thiếu nữ vô tình quay lưng vào ống kính của người chụp nhưng lại cho thấy một nét rất thời thượng của một thời còn thiếu thốn. Đó là những “thời trang” giản dị từ chiếc nón trên đầu, tấm áo cánh trắng, xắn tay và cả hai mái tóc cắt lửng luôn giống nhau.


Ngôi nhà số 47 phố Hàng Bạc được đánh giá là kiến trúc rất đặc trưng nhà cổ của Hà Nội và cũng trở thành biểu tượng điển hình của “vấn nạn bảo tồn”. Vì mang vẻ đặc trưng nên không được thay đổi. Vì nhà tư nên Nhà nước không thể can thiệp. Vì thế đến nay, 30 năm sau những cư dân của ngôi nhà đã tàn tạ hơn xưa vẫn “lúng túng xoay xở”.


Đền thờ Hai Bà Trưng ở phố Hương Viên, Đồng Nhân, được xây từ thời Lý đến nay vẫn duy trì ngày hội vào ngày 6 tháng Hai – Âm Lịch, như từ hồi đất này còn là những ngôi làng cổ ngoại vi thành Thăng Long. Với người Việt Nam, Hai Bà Trưng được coi là người mở đầu truyền thống chống giặc ngoại xâm, và lại là phụ nữ xưng làm vua nên việc thờ phụng rất linh thiêng. Vì thế dù trải qua nhiều thăng trầm, ngôi đền vẫn giữ được nguyên vẹn.


 Không rõ ảnh này chụp ở chỗ nào nhưng cảnh quan có cây đa và dù kiến trúc ở phía sau dẫu tàn tạ thì vẫn nhận ra một mái chùa hay mái đền vốn rải rác rất nhiều trong lòng thành phố Hà Nội. Cách đây 30 năm, đình chùa bị cả dân lẫn chính quyền chiếm dụng để làm việc khác: để ở, biến thành kho tàng hay lớp học, đôi khi làm trụ sở cho các cơ quan công quyền.


Có thể nhận ra ngôi nhà số 24 vẫn khang trang nhờ dấu tích bức gỗ chạm khá kỹ càng trên trán cửa. Chính sách “cải tạo nhà cửa” và chiến tranh khiến những ngôi nhà nay bị chia năm xẻ bảy và xập xệ. Vì chật chội nên vỉa hè luôn bị lấn chiếm như của riêng. Tác giả cho biết đây là một tiệm cắt tóc.


Phố Hàng Ngang nhìn về phía Bờ Hồ, chật cứng người đi bộ dưới cả lòng đường, lại thấy trong ảnh có những người mặc quân phục. Chắc vừa tan một cuộc tiếp đón đoàn khách quốc tế hay mít tinh tuần hành thường thấy ở Hà Nội thuở đó.


Chưa thể nhận ra ngay đây là ngõ phố nào nhưng nó là một mô típ của những dãy phố được xây trước thời Khủng hoảng 1930 khi dân số Hà Nội bùng nổ trong cuộc Khai thác Thuộc địa lần thứ hai. Những ngôi nhà này vừa tầm cho công chức hạng trung hay tầng lớp trung lưu mua hoặc thuê. Những ngày gian khổ trông lại thật thanh bình.


Phố Tố Tịch nổi tiếng với nghề tiện gỗ. Cả trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường, thường thấy thợ xẻ cắt những thân cây các loại gỗ mềm và dẻo thớ cung cấp phôi cho các cửa hàng tiện chấn song gỗ, chế tác đồ thờ hay khắc con dấu, đến nay vẫn còn dấu vết của một phố nghề.


Hai cây đa trước đình Thanh Hà, phố Ngõ Gạch gợi lại dấu tích của con sông Tô Lịch. Ngày xưa hai cây đa này thiêng lắm, cành lá um tùm, ở gốc cây có am thờ và những “ông bình vôi” cuốn vào rễ cây. Thời “chống mê tín” bị dẹp sạch. Sau này, người đông, xe cộ nhiều, người ta cưa cái cành la đà ngang đường để ô tô đi lại. Cây đa tàn lụi dần vì bị con người tranh chỗ để kiếm sống.


Chế tác đồ đá làm cối và tạc bia mộ là hai món hàng truyền thống nhất của mấy hộ dân phố Hàng Mắm. Sau ngày thống nhất hai miền, bắt chước Sài Gòn, tiểu đúc bê tông ốp đá mài “granito” thay chỗ cho những cái tiểu bằng sành. Đến nay, cối đá hầu như không còn, nhưng nghề tạc bia mộ vẫn còn, tuy bia mộ trong ảnh mộc mạc, không vẽ vời diêm dúa và hoành tráng như bây giờ.


Một quầy hàng trên phố, có bánh đa và dưa hấu


Mấy đứa trẻ chơi bập bênh phía ngoài nhà tù Hỏa Lò thời đấy vẫn là nơi tạm giam phạm nhân của Hà Nội. Khoảnh đất này nằm ở góc Hàng Bông Ruộm và Hai Bà Trưng là dấu tích của những địa điểm vui chơi cho trẻ được xây dựng khá nhiều vào thời trước chiến tranh. Thời gian khó ấy vẫn dành đất cho trẻ chơi nơi công cộng. Nay thì trẻ đông hơn nhưng đất ngày một hiếm.

Nguồn ảnh: John Ramsden – Hà Nội Một Thời

Viết một bình luận