Bộ ảnh cực hiếm chụp Hà Nội thời bao cấp qua bộ ảnh của phó đại sứ Vương Quốc Anh – Kỳ 2: Phố phường, chợ búa

Bộ ảnh Hà Nội được chụp vào đầu thập niên 1980 (từ 1980-1982), tác giả là cựu phó đại sứ Vương Quốc Anh là John Ramsden.

Sau phần 1 là những hình ảnh phố cổ Hà Nội, phần 2 này là những tấm ảnh phố phường và chợ búa của thủ đô 40 năm trước.

>>> Xem Kỳ 1: https://chuyenxua.net/bo-anh-cuc-hiem-chup-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-bo-anh-cua-pho-dai-su-vuong-quoc-anh-o-ha-noi/

Những tấm ảnh này đã ghi lại được hiện thực của một thời kỳ lịch sử. Ông phó đại sứ Anh tiết lộ rằng dù được miễn trừ ngoại giao, ông vẫn phải “kín đáo” mỗi khi đưa tay bấm máy ảnh, không phải vì sợ mà để tránh khỏi bị hiểu sai về việc làm chỉ nhằm lưu lại trong ký ức riêng mình về một vùng đất mà ông hiện diện với công việc ngoại giao.

John Ramsden cũng nói rằng những hình ảnh về Hà Nội trong những năm cuối của thời bao cấp (đầu thập niên 80 của thế kỷ trước) rất hiếm. Những nhiếp ảnh gia người Việt không được tự do lang thang như ông phó đại sứ để ghi lại những hình ảnh mà họ thích. Ngoài ra, họ cũng không đủ tiền để làm vậy, một cuốn phim đắt phải bằng cả tháng lương.

Sau đây, mời các bạn xem lại bộ ảnh của John Ramsden, với lời thuyết minh về hình ảnh của nhà sử học Dương Trung Quốc:

Xếp hàng mua rau, củ, quả – loại thực phẩm không cần đến tem phiếu tại một cửa hàng của hợp tác xã mua bán hay mậu dịch mở trong phố. So với nay có hai điều hơn hẳn: xếp hàng trật tự và chắc chắn là rau sạch không có dư lượng các loại thuốc trừ sâu.


Những công nhân ở xưởng xay gạo trên phố Đào Duy Từ, vốn là chợ gạo. Nghề xay gạo tồn tại nhiều năm, đến năm “cải tạo xã hội chủ nghĩa” gom máy móc lại thành hợp tác xã hay xí nghiệp hợp doanh. Những người làm việc ở đây ăn mặc lam lũ đeo khẩu trang kín mặt để tránh bụi là thợ thuyền, nhưng cũng có thể là “tư sản cải tạo” tránh lộ mặt.


Một bà lão với xe đẩy bán trái cây.



Đội trên đầu là một phương thức mang vác phổ biến của phụ nữ ở nông thôn, còn ở thành thị thì chủ yếu là những người bán rong cần len lỏi vào những nơi đông đúc để tìm khách, ví như một thúng xôi, một thúng bánh mì hay giò chả. Cách làm này cũng ít dần khi nhiều người bán hàng sử dụng các phương tiện cơ động hơn như xe đạp, xe đẩy, xe máy.


Chợ Đồng Xuân thời vẫn đủ năm nhịp mái. Lá cờ đỏ rất to trên nóc báo hiệu ảnh được chụp trong một ngày lễ trọng. Thuở đó người đi bộ tràn xuống lòng đường chen lấn với xe đạp và xe điện. Cửa chợ là ga tàu điện nên rất đông đúc, tốc độ chậm nên ít xảy ra tai nạn ở khu vực này và ở đâu cũng thấy bộ đội.



Góc dành cho những người già trong chợ Đồng Xuân, nơi bán những thức liên quan đên một tập quán vốn rất phổ biến: ăn trầu. Những lá trầu không, những buồng cau tươi hay những miếng cau khô, một khoanh vỏ lại thêm những miếng vôi đã tôi hay nguyên cục, đôi khi phải có thêm nhúm thuốc lào cho đậm đà. Người bán và người mua đều mặc trang phục cổ điển.



Cách đây 30-40 năm, nón lá còn là trang phục đội đầu phổ biến cả với cư dân thành thị nhờ sự tiện dụng: che nắng, che mưa, phe phẩy quạt gió, đôi khi làm đồ đựng hoặc múc nước. Từ các làng nghề ngoại thành hay các tỉnh phụ cận, những chồng nón mang lên Hà Nội rồi từ đó tỏa đi nhiều vùng vì ở đâu cũng cần nón nhưng muốn làm nón phải có nghề.


Người Hà Nội quen ăn cá sông, cá đồng hay cá ao, tức là cá nước ngọt. Vào thời điểm này, cá biển là món ăn mới mẻ, ban đầu do mậu dịch phân phối để bì đắp chất đạm còn thiếu đối với cư dân thành thị. Khó biết mẹt cá trong ảnh là cá gì những dễ nhận ra vẻ sốt ruột của người bán, vì cá không thể để qua ngày mà lúc đó chưa có phương tiện ướp lạnh.

Tận dụng những vỏ bao bằng vải hay sợi ni lông đựng những sản phẩm nhập khẩu để tái chế thành những đồ đựng bán trong chợ. Cũng là công việc của những bà già vốn giữ được bản tính tằn tiện, thu vén mọi thứ có thể tận dụng được giữa một thời buổi thiếu thốn đủ thứ.


Ngày nay, đi chợ còn có thú vui là thưởng thức nét đặc sắc của ẩm thực địa phương. Nhưng vào thời kỳ tấm ảnh này được chụp, khi nhiều món ăn phải có tem phiếu mới mua được thì quán cơm trong chợ chỉ giúp người ta qua cơn đói bằng những món đạm bạc, rẻ tiền. Vẻ mặt khắc nghiệt của người phục vụ quán ăn nói lên tất cả.


Vật dụng bằng tre, mây hay nguyên liệu tự nhiên các đây 30 năm vẫn phổ biến, do người nông dân làm ra trong những lúc “nông nhàn”. Thời đó đồ nhựa chưa nhiều, chủ yếu mang từ miền Nam ra. Từ cái thúng, cái rổ, cái rá gạo đến cái rế, cái rây bột, cái lồng bàn, cái chổi tre, ngày nay được coi là “thân thiện với môi trường” nhưng sắp thành hiện vật bảo tàng dân tộc học rồi.


Một quán nước bên hè đường, cạnh nơi vốn là nhà tắm công cộng được xây dựng từ thời thuộc địa dành cho người đi chợ. Nhà tắm đã bị giải thể và để hoang phế một thời gian. Giờ đây, miếng đất nằm tại góc giao nhau giữ Ngõ Gạch và phố Đào Duy Tử, nửa lớn thành ngân hàng, còn nửa nhỏ thành một quán bar khá sầm uất gần với không gian của phố đi bộ Đồng Xuân.



Ông già đang cắt tóc cho ông già, bà già ngồi bên gánh nhãn. Những người già kiếm sống là hình ảnh thường thấy ngay thủ đô trong thời buổi khó khăn, khi trai tráng đang cầm súng ngoài các mặt trận ở biên giới hay làm việc trên các công trường xây dựng. Người già coi việc ở nhà kiếm ăn là một cách giúp đỡ con cái.


Mới nhìn cứ ngỡ như một góc chợ quê với nét nghèo và lam lũ. Nhưng ở Hà Nội thời đó có rất nhiều nơi mang khung cảnh tương tự. Những mái nhà bằng cót (đan bằng tre nứa hay che bằng tấm ni lông cũ) cơi nới không gian làm nơi bày bán hàng và đặt những thùng phuy chứa nước. Đâu cũng là “ga ra” cho những chiếc xe đạp.


Cứ mỗi độ đón Tết, dọc phố Hàng Lược lại họp chợ hoa, người dân đến sắm sửa để trang trí nơi ở của mình. Từ Hàng Lược tỏa ra Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân hay nối dài ra phố Hàng Rươi kéo đến đầu Hàng Đồng. Hoa chủ yếu là đào và quất gắn với những làng hoa nổi tiếng như Ngọc Hà, Nhật Tân mà nay không còn nữa.


Nguồn ảnh: John Ramsden – Hà Nội Một Thời

Viết một bình luận