Về nguồn gốc Đại Việt của nhân vật Trần Hữu Lượng trong sử Trung Hoa

Với những ai mê truyện Kim Dung và phim chuyển thể từ truyện Kim Dung, không ai là không biết tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký và các nhân vật Chu Nguyên Chương (thuộc hạ của Trương Vô Kỵ ở Minh giáo, sau lên ngôi hoàng đế) và Trần Hữu Lượng (trưởng lão 8 túi của Cái Bang). Đây đều là những nhân vật trong lịch sử Trung Hoa. Có một điều đặc biệt, là các bộ chính sử của Việt Nam đều có nhắc tới nhân vật Trần Hữu Lượng, cho rằng ông là hậu duệ của Nhà Trần nước Đại Việt.

Trần Hữu Lượng (1316-1363) là một thủ lĩnh quân phiệt thời “Nguyên mạt Minh sơ” trong lịch sử Trung Quốc, là người Miện Dương, Hồ Bắc. Theo sử Trung Hoa ghi chép thì tổ tiên của ông nguyên là họ Tạ, nhưng vì có người ở rể nhà họ Trần, nên con cháu sau này đổi theo họ đó.

Trần Hữu Lượng là con của Trần Ích Tắc (?)

Có sự mâu thuẫn giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử Trung Quốc về thân thế Trần Hữu Lượng. Các bộ sách sử xưa của Việt Nam đều có nhắc đến tên Trần Hữu Lượng, từ Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) và Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB) cho đến Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (KĐVSTGCM) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn.

Trong ba tài liệu quan trọng này chỉ có ĐVSKTT là có ghi rằng: Trần Hữu Lượng tự nhận mình là con của Trần Ích Tắc (Trần Ích Tắc là một hoàng thân đời Trần nhưng đã đầu hàng quân Nguyên lúc quân Mông Cổ xâm lược nước Việt Nam năm 1286).

Ở đây, rất có thể là do Trần Hữu Lượng muốn mượn quân đội của nhà Trần nhằm phục vụ cho cuộc chiến của mình nên nói phao lên như vậy, bởi Trần Ích Tắc hơn Hữu Lượng tới 62 tuổi (nhưng thời Minh – Thanh, người trên 60 tuổi sinh con quý tử, vẩn có: Nguyễn Trãi sinh Nguyễn Anh Vũ, Vua Càn Long sinh Hòa Hiếu công chúa).

Ngoài ra, theo Minh sử (quyển 123, liệt truyện 11) thì cha của Trần Hữu Lượng sau năm 1364 vẫn còn sống và được nhà Minh phong làm Thừa Ân hầu (đây là theo Minh thực lục ghi theo lệnh Minh Thái Tổ, người có tính tình hẹp hòi, khiến bao nhiêu thuộc hạ vào sinh ra tử lúc khởi nghiệp, sau này đều mất mạng). còn Trần Ích Tắc thì đã chết từ năm 1329.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có viết rằng Trần Hữu Lượng từng sai sứ sang hòa thân với Trần Dụ Tông, liên minh với quân Đại Việt chống Nguyên, tuy nhiên Trần Dụ Tông đã từ chối: “Giáp Ngọ, [Thiệu Phong] năm thứ 14 [1354], (Nguyên Chí Chính năm thứ 14). Mùa xuân, tháng 2, quan trấn giữ biên giới phía bắc cho chạy trạm tâu việc Trần Hữu Lượng nước Nguyên dấy binh, sai sứ sang xin hòa thân (Hữu Lượng là con Trần Ích Tắc)”. Khi quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt, Trần Ích Tắc vội vàng đầu hàng giặc và theo về Trung Quốc, cho nên được cho là kẻ phản bội.

Theo các bộ sử Việt như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ, Đại nam thực lục, Đại Việt sử ký bản kỷ cùng gia phả nhà Trần để lại thì những ghi chép về Trần Hữu Lượng chi tiết và rõ hơn. Nhưng khác với sử nhà Minh, các bộ sử Việt đều khẳng định Trần Hữu Lượng là con thứ của Trần Ích Tắc.

Các bộ sử Việt khác như Đại Việt Sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều có nhắc đến Trần Hữu Lượng qua các sự kiện có liên quan, đặc biệt là hai lần Trần Hữu Lượng muốn được liên minh với Đại Việt đều có ghi chép.

Theo ghi chép của nhà Trần thì Trần Ích Tắc có người con là Trần Hữu Lượng ở Hồ Bắc. Khi ông qua đời, con cả là Trần Hữu Thành thay cha dạy học cho Trần Hữu Lượng. Vì thế câu chuyện về cha mình xưa kia đúng sai thế nào thì Trần Hữu Lượng không tỏ tường, nhưng nguồn gốc từ nhà Trần của Đại Việt thì Trần Hữu Lượng lại rất rõ.

Trần Hữu Lượng biết tổ tiên mình là cụ tổ Trần Tự Minh thuộc nhóm tộc người Bách Việt ở vùng Mân Việt (nay thuộc Phúc Kiến – Trung Quốc), theo dòng người Bách Việt xuống phía Nam giúp vua An Dương Vương. Trần Tự Minh cùng Cao Lỗ từng là những vị tướng tài ba trụ cột, là hai cánh tay đắc lực giúp An Dương Vương nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà.

Lúc bấy giờ, ở Trung Quốc nổi lên phong trào noi gương Đại Việt từng 3 lần đánh bại quân Nguyên, khiến nhiều cuộc khởi nghĩa chống Nguyên nổ ra. Trần Hữu Lượng âm thầm dùi mài kinh sử, học theo cuốn sách Đông A võ phái của cụ tổ là Trần Tự An.

Khởi nghĩa chống quân Nguyên, xin “hòa thân” với nhà Trần

Năm 1354, Trần Hữu Lượng tham gia khởi nghĩa chống quân Nguyên. Nhớ lại nguồn gốc từ nhà Trần ở Đại Việt của mình, ông cho người sang gặp vua Trần Dụ Tông muốn được “hòa thân”.

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép rằng: “Giáp Ngọ, [Thiệu Phong] năm thứ 14 [1354], (Nguyên Chí Chính năm thứ 14). Mùa xuân, tháng 2, quan trấn giữ biên giới phía Bắc cho chạy trạm tâu việc Trần Hữu Lượng nước Nguyên dấy binh, sai sứ sang xin hòa thân (Hữu Lượng là con Trần Ích Tắc)”.

Sách Việt sử tiêu án có ghi chép rằng: “Trần Hữu Lượng khởi binh ở Giang Châu, sai sứ giả sang nước ta xin hòa (Hữu Lượng là con của Ích Tắc, cuối đời Nguyên cùng vua Minh Thái Tổ khởi binh).”

Tuy nhiên từ khi Trần Ích Tắc chạy theo quân Nguyên, nhà Trần đã xem ông ta như kẻ phản bội và không công nhận là dòng tộc nữa, nên đã từ chối “hòa thân”.

Ở đây, rất có thể là do Trần Hữu Lượng muốn mượn quân đội của nhà Trần nhằm phục vụ cho quyền lợi của mình nên nói phao lên như vậy. Tuy nhiên, vào thời điểm Trần Hữu Lượng cầu thân thì nhà Trần đang suy yếu. Do đó, giả thuyết nói rằng mượn quân đội của nhà Trần để thu phục Trung Hoa là vô lý (Đây là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt- Hán), quân đội Trần Hữu Lượng lúc nào củng chiếm ưu thế về trang bị và quân số so với Chu Nguyên Chương, ông thua vì không gặp thời và mưu Lưu Bá Ôn thôi,

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng Trần Hữu Lượng thật sự mang trong mình dòng máu và tinh thần của nhà Trần nên mới có ý chí đế vương lớn lao, khôi phục vị thế của tổ tiên bị lưu vong. Trần Hữu Lượng là bậc anh hùng trong lịch sử Trung Hoa nên có thể Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) không muốn đối thủ lớn của mình được ghi là hậu duệ của một bộ tộc phía Nam không phải người Hán (nên ông mới cố tình phong Trần Phổ Tài là cha của Trần Hữu Lượng làm Thừa Ân hầu, đồng thời cho ghi chép người có chức tước Trần Phổ Tài nguyên là họ Tạ). Tính toán chính trị này của nhà Minh ngoài lợi ích trên còn nhằm để triệt tiêu tinh thần: người Việt có thể đánh chiếm Trung Hoa.

TRẦN HỮU LƯỢNG TRONG SỬ TRUNG HOA

Trong lịch sử Trung Quốc, Trần Hữu Lượng nguyên là người làm nghề chài lưới (gốc gác nhà Trần ở Đại Việt cũng là từ gia đình đánh cá).

Đến thời Nguyên Thuận Đế (1333 – 1368), Từ Thọ Huy – thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hồng Cân khởi binh, Hữu Lượng tham gia nghĩa quân, dưới trướng tướng Nghê Văn Tuấn. Tháng 9 âm lịch năm Chí Chính thứ 17 (1357) ông giết Nghê Văn Tuấn vì lý do mưu phản Từ Thọ Huy, sau đó tự xưng là Tuyên úy sứ kiêm Bình chương chính sự, khởi binh tấn công các lộ thuộc Giang Tây, tổng chỉ huy quân đội các vùng Giang Tây, An Huy, Phúc Kiến.

Làm hoàng đế, chống Chu Nguyên Chương

Năm Chí Chính thứ 19 (1359), Trần Hữu Lượng sát hại tướng Triệu Phổ Thắng và sau đó cùng Từ Thọ Huy dời kinh đô về Giang Châu (ngày nay là Cửu Giang, Giang Tây), tự lập làm Hán vương. Năm sau, lại giết Từ Thọ Huy, tự xưng làm hoàng đế, quốc hiệu Đại Hán, niên hiệu Đại Nghĩa, dùng Trâu Phổ Thắng làm thái sư, Trương Tất Tiên làm thừa tướng, Trương Định Biên làm thái uý. Chính quyền Đại Hán một mặt chống nhà Nguyên, một mặt kháng cự với quân đội của Chu Nguyên Chương (sau là Minh Thái Tổ).

Đến năm Chí Chính thứ 20 (1360), Trần Hữu Lượng dẫn đội thủy quân mạnh từ Thái Thạch theo Trường Giang xuôi xuống phía đông, tiến công Ứng Thiên Phủ, toan thôn tính vùng đất của Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương vội triệu tập cấp dưới đến bàn bạc cách đối phó. Nhiều người e ngại lực lượng quân Hán lớn mạnh, chi bằng sớm đầu hàng, riêng Lưu Cơ chủ trương chiến đấu, hiến kế cho Chu Nguyên Chương. Lại dùng bộ tướng Khang Mậu Tài làm kế trá hàng. Đích thân Chu Nguyên Chương dẫn đại quân trấn giữ Lư Long Sơn (nay là Sư Tử Sơn, Nam Kinh), phái các tướng Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân đem quân mai phục chỗ trọng yếu ven sông. Trần Hữu Lượng trúng kế bị lừa, dẫn quân tới cầu Giang Đông thì lọt vào trận địa mai phục.

Bị tập kích bất ngờ, mấy vạn quân Trần Hữu Lượng hỗn loạn. Số bị giết và chết nhiều không kể xiết. Hơn 2 vạn quân và hơn 100 chiến thuyền bị bắt sống. Trần Hữu Lượng nhờ có các bộ tướng hộ vệ, nhảy lên 1 chiếc thuyền nhỏ, chạy thoát. Trận đánh đó làm Trần Hữu Lượng tổn thất nặng, lực lượng suy giảm nhiều. Trần Hữu Lượng chạy về Giang Châu (Cửu Giang), sau đó dời đô về Vũ Xương, ra sức chấn chỉnh lực lượng để báo thù trận bại nhục nhã đó.

Tử trận tại “Đại chiến hồ Bà Dương”

Ba năm sau, Trần Hữu Lượng chuẩn bị 1 đội chiến thuyền lớn, đem 60 vạn đại quân tiến công Hồng Đô (nay là Nam Xương, Giang Tây). Chu Nguyên Chương đích thân dẫn 20 vạn quân tới cứu Hồng Đô. Trần Hữu Lượng rút bỏ vòng vây, lui toàn bộ thủy quân về hồ Bà Dương. Chu Nguyên Chương liền phong tỏa chặt lối vào hồ, nhốt chặt thủy quân Trần Hữu Lượng trong đó và quyết chiến trong hồ.

Ngày Nhâm Tuất (26) tháng 8 năm Chí Chính thứ 23 (3 tháng 10 năm 1363), thủy quân Trần Hữu Lượng có nhiều thuyền vừa to vừa cao, xếp thành hàng ngang dài tới mười mấy dặm. Còn thủy quân của Chu Nguyên Chương chỉ gồm một số thuyền nhỏ, so sánh về thực lực thì thua kém nhiều. Hai bên đánh nhau liên tục 3 ngày, quân Chu Nguyên Chương đều thất bại. Bộ tướng Quách Hưng nói với Chu Nguyên Chương: “Binh lực hai bên quá chênh lệch, không thể dùng sức mạnh mà thắng. Phải dùng hỏa công thôi!”.

Chu Nguyên Chương lập tức hạ lệnh dùng 7 thuyền nhỏ, chứa đầy chất cháy, mỗi thuyền lại kéo theo 1 xuồng nhỏ, cơ động nhẹ nhàng. Một đêm, trời nổi gió đông bắc, Chu Nguyên Chương phái đội cảm tử điều khiển 7 thuyền này, châm lửa xông thẳng vào đội thuyền Trần Hữu Lượng. Lửa to gió mạnh, chỉ trong chốc lát, toàn bộ đội thuyền quân Hán đã thành 1 biển lửa, chiếu đỏ rực mặt hồ. Quân tướng của Trần Hữu Lượng kẻ thì chết cháy, kẻ thì bị bắt làm tù binh. Trần Hữu Lượng dẫn tàn binh bại tướng chạy ra cửa hồ, toan phá vây chạy, lại gặp quân Chu Nguyên Chương đang chờ sẵn. Dưới làn tên bắn như mưa, Trần Hữu Lượng trúng tên tử trận.

Sau khi tiêu diệt xong thế lực cát cứ lớn nhất ở miền nam của Trần Hữu Lượng, Chu Nguyên Chương liền xưng là Ngô Vương.

Theo Minh sử, Trần Hữu Lượng vận khí đã hết, bị trúng tên và chết. Ông lại là người vô cùng xa xỉ, chẳng được lòng dân, nội bộ lắm kẻ muốn làm phản, nên thất bại là tự do mình (thường trong văn học sử Trung Hoa, để ca ngợi Vua mới là chân mạng đế vương, hay hạ thấp vai trò của người đối địch hay kẻ chiến bại, chứ nếu tư cách của Trần Hữu Lượng thấp kém, thì sao số lượng quân – dân Trung Hoa theo phò tá ông, lúc nào cũng chiếm số lượng đông nhất trong các thế lực cát cứ cuối đời nhà Nguyên). Sau khi Trần Hữu Lượng chết, Trương Định Biên cùng những người đang ở Vũ Xương lập con trai thứ của Trần Hữu Lượng là Trần Lý làm hoàng đế, cải niên hiệu thành Đức Thọ. Năm sau, Chu Nguyên Chương đem quân tấn công và hạ thành Vũ Xương, Trần Lý phải xin hàng.

TRẦN HỮU LƯỢNG TRONG SỬ VIỆT

Ba bộ sử lớn của Việt Nam còn lại ngày nay đều có nhắc đến tên Trần Hữu Lượng, đó là Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (KĐVSTGCM), Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB). Ngoài ra, Việt sử tiêu án (VSTA) của Ngô Thời Sĩ cũng có nhắc đến Trần Hữu Lượng. Xin sắp xếp theo thứ tự thời gian:

– Năm 1354: ĐVSKTT, trang 134 ghi: “Giáp Ngọ, (Thiệu Phong) năm thứ 14 (1354), (Nguyên Chí Chính năm thứ 14). Mùa xuân, tháng 2, quan trấn giữ biên giới phía Bắc cho chạy trạm tâu việc Trần Hữu Lượng nước Nguyên dấy binh, sai sứ sang xin hòa thân (Hữu Lượng là con Trần Ích Tắc).”

VSTA, trang 244 ghi: “Trần Hữu Lượng khởi binh ở Giang Châu, sai sứ giả sang nước ta xin hòa (Hữu Lượng là con của Ích Tắc, cuối đời Nguyên cùng vua Minh Thái Tổ khởi binh).”- Năm 1359: ĐVSKTT, trang 139 ghi: “Kỷ Hợi, (Đại Trị) năm thứ 2 (1359), (Nguyên Chí Chính năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, nhà Minh sai sứ sang thông hiếu. Bấy giờ vua Minh cầm cự với Trần Hữu Lượng chưa phân được thua. Vua sai Lê Kính Phu sang sứ phương Bắc để dò xem hư thực.”

ĐVSKTB, trang 452 ghi: “Kỷ Hợi, (Đại Trị) năm thứ 2 (1359) (Nguyên Chí Chính năm thứ 19), nhà Minh sai sứ đến thông hiếu. Khi ấy chúa nhà Minh chống nhau với Trần Hữu Lạng chưa phân thắng bại. Vua sai Lê Kính Phu đi sứ sang Bắc để xem hư thực.”

KĐVSTGCM, trang 634 ghi: “Kỷ Hợi, năm thứ 2 (1359) (Nguyên, năm Chí Chính thứ 19). Tháng giêng, mùa xuân. Sai sứ sang nhà Nguyên. Khi bấy giờ, nhà Nguyên đang loạn. Thái tổ nhà Minh khởi binh ở Từ Châu, rồi chiếm giữ cả đất Kim Lăng, bọn Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành cũng đều dấy binh nổi loạn, đánh phá tranh giành lẫn nhau, được thua chưa ngã ngũ. Nhà vua sai Lê Kính Phu sang bên Nguyên, chừng có ý để thăm dò hư thực.”
VSTA, trang 247 ghi: “Vua Minh Thái Tổ đánh nhau với Trần Hữu Lượng, sai sứ sang nước ta thông hiếu. Vua sai Lê Kính Phu đi sứ sang nước Tàu để xem tình hình hư thực thế nào.”

– Năm 1360: ĐVSKTT, trang 140 ghi: “Canh Tý, (Đại Trị) năm thứ 3 (1360), (Nguyên Chí Chính năm thứ 20). Tháng 6, nước Nguyên loạn. Trần Hữu Lượng tiếm xưng đế, đặt quốc hiệu là Hán, đổi niên hiệu là Đại Nghĩa, đánh nhau với Minh Thái Tổ. Quan trấn thủ biên giới phía Bắc là Hoàng Thạc cho chạy trạm tâu rằng Minh và Hán đánh nhau ở Long Châu, Bằng Tường. Bọn Thạc nhân việc họ tranh nước với nhau thu được hơn 300 người.”

ĐVSKTB, trang 452 ghi: “Canh Tý, (Đại Trị) năm thứ 3 (1360), (Nguyên Chí Chính năm thứ 20), mùa hạ, tháng 6, nước Nguyên loạn, Trần Hữu Lạng tiếm xưng đế đặt quốc hiệu là Hán, đổi niên hiệu là Đại Nghĩa, đánh nhau với Minh Thái Tổ. Quan trấn thủ ở biên giới phía bắc là Hoàng Thạc cho trạm làm tờ tấu rằng: “Minh và Hán đánh nhau ở Bằng Tường thuộc Long Châu. Bọn Thạc nhân chuyện họ tranh nhau giành nước, thu về hơn 300 người.”

– Năm 1361: ĐVSKTT, trang 141 ghi: “Tân Sửu, (Đại Trị) năm thứ 4 (1361), (Nguyên Chí Chính năm thứ 21). Tháng 2, Minh Thái Tổ đánh Giang Châu. Trần Hữu Lượng lui giữ Vũ Xương, sai người sang ta xin quân (cứu viện). Vua không cho.”

ĐVSKTB, trang 453: “Tân Sửu, (Đại Trị) năm thứ 4 (1361), (Nguyên Chí Chính năm thứ 21). Tháng 2, Minh Thái Tổ đánh Giang Châu, Trần Hữu Lạng lui về giữ Vũ Xương, sai người (sang ta) xin quân, vua không cho.”

– Năm 1365: ĐVSKTT, trang 143 ghi: “Ất Tỵ, (Đại Trị) năm thứ 8 (1365), (Nguyên Chí Chính năm thứ 25). Mùa đông, tháng 11, xuống chiếu cho các quân Sơn Lão ở Lạng Giang trấn giữ biên phòng, vì đất bắc có loạn, Minh Hán tranh nhau, đóng quân ở Nam Ninh, Long Châu.”

ĐVSKTB, trang 457 ghi: “Ất Tỵ, (Đại Trị) năm thứ 8 (1365), (Nguyên Chí Chính năm thứ 25), mùa đông, tháng 11, ban chiếu cho các quân sơn liêu ở Lạng Giang trấn thủ biên phòng, vì đất phía Bắc loạn. Minh Hán tranh giành nhau. Đặt đồn ở Nam Ninh, Long Châu. Cho nên phải phòng bị nghiêm ngặt.”

– Năm 1366: ĐVSKTT, trang 144 ghi: “Bính Ngọ, (Đại Trị) năm thứ 9 (1366), (Nguyên Chí Chính năm thứ 26). Năm ấy, Hán mất nước.” Với lời chú thích: “Hán là quốc hiệu của Trần Hữu Lượng. Lượng đánh nhau với Chu Nguyên Chương ở hồ Phiên Dương, bị chết trận. Chu Nguyên Chương đến vây Vũ Xương, con của Lượng là Trần Lý đầu hàng.”

– Năm 1368: KĐVSTGCM, trang 641 và 642 ghi: “Mậu Thân năm thứ 11 (1368) (Minh, Thái Tổ, năm Hồng Vũ thứ nhất): Tháng 4, mùa hạ. Sứ nhà Minh sang ta. Tháng 8, mùa thu. Sai sứ sang nhà Minh. Minh Thái Tổ đã đại định thiên hạ, lên ngôi vua ở Kim Lăng, sai Tri phủ Hán Dương là Dịch Thế Dân đem tờ chiếu thư sang ta. Đại lược nói: Chính sự nhà Nguyên không còn kỷ cương gì nữa. Thiên hạ nổi lên tranh giành đến 15 năm. Các nơi xa gần, do đấy, tin tức không thông. Bản triều gây dựng cơ nghiệp đế vương ở Giang Tả, quét sạch các hùng trưởng, dẹp yên chốn Hoa Hạ, được quần thần và nhân dân suy tôn, đã lên làm chủ Trung Quốc. Vậy đâu đấy đều nên ở yên, đừng sinh sự gì để chung hưởng hạnh phúc thái bình.” Nhà vua liền sai Lễ Bộ Thị lang Đào Văn Đích, sang Minh đáp lễ.”

VSTA, trang 249 ghi: “Thời bấy giờ sứ nhà Minh là Ngưu Lượng mang ấn mới sang, đến nước ta, thì vua Dụ Tôn đã mất, Lượng có thơ viếng. Cung Định Vương Chân ra đón tiếp và có thơ tiễn (Ngưu) Lượng, có câu rằng: “Viên Tản sơn thanh lô thủy bích, Tùy phong trực nhập ngũ vân phi”. (Ngưu) Lượng đoán rằng ngày sau tất lên ngôi vua, quả đúng như lời.”

TRẦN HỮU LƯỢNG TRONG TRUYỆN KIM DUNG

Câu chuyện tranh hùng của các nhân vật thời Nguyên mạt Minh sơ, đã được nhà văn Kim Dung viết thành cuốn tiểu thuyết võ hiệp dã sử “Cô gái Đồ Long” (còn được biết đến với tên gọi “Ỷ Thiên Đồ Long ký”). Trong truyện, Trần Hữu Lượng dùng kế đoạt lấy chức Bang chủ Cái Bang, khởi xướng cuộc nổi dậy của dân nghèo chống Nguyên, đồng thời là đại kình địch của lực lượng Minh giáo do Chu Nguyên Chương cầm đầu (trước là Trương Vô Kỵ), cuối cùng bị Chu Nguyên Chương đánh bại. Trần Hữu Lượng dưới ngòi bút Kim Dung, có tài năng hiếm lạ:

Lúc nhỏ, Hữu Lượng là đệ tử tục gia của phái Thiếu Lâm, một lần Trương Tam Phong mang Trương Vô Kỵ bị trúng độc Huyền Minh thần chưởng đến chùa Thiếu Lâm cầu mượn cuốn Cửu dương thần công cứu mạng, đã trao đổi bằng khẩu quyết võ công phái Võ Đang, Hữu Lượng mới nghe qua một lần mà thuộc lòng, đọc lại không sót chữ nào, phương trượng chùa Thiếu Lâm thấy vậy nói rằng “võ công phái Võ Đang bản tự đã có, mời Trương tôn sư về cho”.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận