Xe máy Minsk và Simson – “Huyền thoại” một thời trên đường phố Việt Nam 30-40 năm trước

Thời thập niên 1980-1990, bên cạnh các dòng xe Nhật đã có mặt ở miền Nam trước 1975, thì trên các nẻo đường ở khắp các thành phố lớn Việt Nam đều hiện diện 2 thương hiệu xe máy có kiểu dáng mạnh mẽ dành cho nam giới là Minsk và Simson.

Minsk – Huyền thoại xe ôm và xe “chở lợn”

Minsk hay còn gọi là “Min Khờ” được mệnh danh là “huyền thoại xe cộ” thời bao cấp.

Minsk là tên thủ đô của Belarus, hãng xe Minsk sản xuất cả xe đạp và môtô, nhưng tại Việt Nam, xe máy Minsk được biết đến nhiều hơn.

Xuất phát từ nhà máy Motovero ở thành phố Minsk, mẫu xe 2 thì dung tích 125 phân khối mang cùng tên được ra đời vào năm 1951.

Dòng xe dành cho nam giới này về tới Việt Nam chủ yếu qua đường “xách tay”. Những người đi lao động và học tập tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa gửi Minsk về cho người thân trong nước vào thời thập niên 1980. Đó là thời điểm phong trào học tập, làm việc của người Việt Nam tại các nước Đông Âu lên cao khiến số lượng xe Minsk về nước ngày càng nhiều hơn.

Trước đó, xe này cũng đã được “nhập khẩu” vào Việt Nam theo con đường viện trợ quân sự của Liên Xô với số lượng hạn chế.

Minsk được nhớ nhiều với cái tên phiên âm “Min Khờ”. Xe có rất nhiều yếu điểm như tiếng nổ to bạch bạch, phun khói khắp đường di.

Tuy nhiên do thiết kế xe không trau chuốt, có phần thô kệch nên Minsk dần mất điểm khi cạnh tranh với các mẫu xe máy khác. Không còn ảnh hưởng mạnh trong dân chơi xe ở đô thị, Minsk về các vùng quê, nhất là vùng núi. Với lợi thế khỏe, gầm cao, Minsk thường dùng để chở gia súc.

Xe có bánh to, gầm cao, phù hợp với nhiều địa hình, đặc biệt là các vùng đất gồ ghề, khúc khuỷu. Vì thế, Minsk được ưa chuộng tại miền núi, đặc biệt là các tỉnh vùng cao phía Bắc. Ở những nơi này, xe thường được gắn thêm giá chở hàng to đùng sau yên, trang bị một can nước với chiếc vòi luôn chảy thẳng xuống làm mát máy khi leo dốc. Những bộ phận như còi, xi-nhan, Công tơ mét được lược bỏ vì không cần thiết.

Bên cạnh những ưu điểm về sức tải và độ bám đường, ưu điểm lớn nhất của Minsk chính là giá rẻ. Vì vậy từ những năm 80 của thế kỷ trước, xe Minsk xuất hiện khá nhiều trên đường phố Việt Nam. Ở miền Nam, xe này chủ yếu được sử dụng chạy xe ôm, có thể chở một lúc nhiều người (tống 3,4) vẫn chạy khỏe. Còn ở miền Bắc, xe này được nhớ đến với cái tên nói vui là “huyền thoại chở lợn”.

Minsk là dòng xe 2 kỳ, vì vậy xăng cung cấp cho quá trình đốt cháy cần phải pha thêm nhớt với tỷ lệ 25/1 hoặc 20l xăng/1l nhớt nếu chạy đường dài.

Năm 1990, Motovero có cải tiến Minsk đôi chút (gọi là Minsk tròn để phân biệt với Minsk máy to sản xuất từ 1989 đổ về trước) nhưng vẫn không mang lại thay đổi. Năm 1994, Minsk xuất xưởng dòng xe thể thao (Minsk cao) nhưng cũng không cứu vãn được sự suy sụp và đến năm 2003, Motovero buộc phải bán lại công nghệ cho Trung Quốc sản xuất. Và từ đây, ở Việt Nam, Minsk được lắp ráp tại Lê Chân – Hải Phòng nhưng tiêu thụ cũng rất kém. Minsk được bán với giá sắt vụn, rã nát dưới ánh mặt trời tại các bãi phá xe.

Xe Simson – Huyền thoại Đông Đức

Cùng thời điểm với xe Minsk, có một chiếc xe máy khác tương tự, cũng là sản phẩm của các nước Đông Âu, đó là Simson tới từ Đông Đức.

Từ khoảng những năm 1970-1990, xe máy Simson xuất hiện ở Hà Nội như là những xe hơi sang trọng ngày nay. Cũng giống như xe Minsk, xe Simson chủ yếu được những người đi học tập và lao động ở khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu mang về. Vì thế, gắn liền với hình ảnh những chiếc xe hai thì khói bụi thì Simson còn thể hiện sự sang trọng, cái “danh” khá quan trọng là học tập làm việc tại nước ngoài.

Simson là hãng xe nổi tiếng của Đông Đức từ trước chiến tranh thế giới thứ II. Thành lập năm 1856 bởi Lob và Moses, xuất phát của Simson là nhà máy sản xuất vũ khi phục vụ chiến tranh. Đến năm 1936, chiếc xe máy đầu tiên nhãn hiệu BSW (Berlin Suhler Waffen) ra đời mang tên BSW 98 sử dụng động cơ 2 thì 98 phân khối, hộp số truyền động hai cấp.

Sau thế chiến II, chủ nghĩa phát xít bị lật đổ, Simson được Liên xô tiếp quản. Năm 1947, nhà máy sáp nhập vào SAG Awtowelo (Soviet Avtovelo Company Limited). Phần lớn các sản phẩm mà Simson sản xuất ra ở thời kỳ này dành để xuất khẩu sang các nước thuộc liên bang Xô Viết.

Giai đoạn từ năm 1949-1962 là thời kỳ hưng thịnh của những mẫu môtô 4 thì do Simson sản xuất với khoảng 209.000 xe xuất xưởng. Đặc trưng là các mẫu xe thuộc phân khúc 250 và 350 phân khối. Chiếc AWO 425 nổi tiếng thời kỳ đó với động cơ 4 thì 250 phân khối, hộp số 4 cấp. Các mẫu xe thời này mang nhiều ảnh hưởng của phong cách thiết kế thời kỳ trước đó của các hãng Trabant, Wartburg, MZ và Simson.

Bên cạnh những mẫu xe phổ thông, Simson cũng sản xuất xe đua như chiếc AWO 425R, chỉ có 15 chiếc và không được bầy bán rộng rãi. Ngoài ra còn có các mẫu Simson 425 GS, MZ và các mẫu xe đua 350 phân khối.

Giai đoạn xe 2 thì của Simson phát triển từ năm 1955 đến 1990, đây cũng chính là khoảng thời gian sản sinh ra các mẫu 2 thì được ưa chuộng tại Việt Nam. Năm 1955, khi mà chiếc 425S 4 thì ra đời cũng là thời điểm Simson giới thiệu các mẫu xe 2 thì, đầu tiên chính là SR 1 sử dụng động cơ 48 phân khối công suất 1,5 mã lực. Tiếp sau đó là SR 2 năm 1957, SR 2E năm 1959. Bên cạnh dòng SR còn có dòng KR sử dụng cùng động cơ nhưng có công suất cao hơn.

Năm 1970, Simson cho ra mắt chiếc xe moped đầu tiên (dòng xe máy có bàn đạp) mang tên SL1 Mofa 50 phân khối, cho công suất 1,6 mã lực. Tới năm 1972 thì dòng xe này ngừng sản xuất.

Năm 1975, chiếc S50 ra đời với hình ảnh hoàn toàn mới so với các mẫu xe trước đó giúp Simson thực sự lột xác. Tiếp theo đó là S51, S70, những cái tên xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Ngoài ra, Simson cũng sản xuất scooter với những đại diện SR 50, SR 80. Năm 1994, hai chiếc SR 53 và SR 83 được đổi mới với hai phiên bản, dành cho đường phố với tên Alpha và dành cho off-road tên Beta. Những năm sau đó, Simson tiếp tục tung ra nhiều mẫu xe như SC, Shikra, Simson 125.

Tổng hợp

Viết một bình luận