Lịch sử những đường phố Sài Gòn xưa: Đường Lê Văn Duyệt/CMT8 – Con đường bị đổi tên nhiều nhất Sài Gòn

Đường Cách Mạng Tháng 8 nằm trên địa bàn Quận 1,3,10, Tân Bình và Tân Phú của Sài Gòn hiện nay là con đường bị đổi tên và tách nhập nhiều lần nhất, với tổng cộng 10 lần.

Ngày nay, con đường này kéo dài từ Ngã 6 Phù Đổng (tên khác là Ngã 6 Sài Gòn) tới ngã 4 Bảy Hiền, dài 4.860m, lộ giới 35m.

Từ thời các chúa Nguyễn, đây chính là nơi khởi phát của con đường Cái Quan đi dọc nước Việt, sau đó được gọi tên là đường Sứ, vì đây là đường sứ thần nước láng giềng sang giao hảo. Năm 1865, khi Pháp quy hoạch Sài Gòn – Gia Định, đoạn từ đường Thống Đốc (đường La Grandiere, nay là đường Lý Tự Trọng ở Ngã 6) tới ranh giới tỉnh Gia Định được đặt tên là đường Thuận Kiều, đoạn còn lại bên phía Gia Định gọi là đường Thuộc địa số 1, chính là đoạn đầu tiên của Quốc Lộ 1 ngày nay.

Năm 1916, sau khi ga xe lửa được xây dựng và hình thành Ngã 6 Sài Gòn (sau là ngã 6 Phù Đổng), đường Thuận Kiều đổi tên thành đường Verdun. Ngày 25/4/1947, dưới thời chính quyền Nam Kỳ Quốc, đoạn đường từ ngã 6 tới đường Legrand de la Liraye (nay là đường Điện Biên Phủ) đổi tên thành đường Nguyễn Văn Thinh, đoạn còn lại vẫn mang tên Verdun. Nguyễn Văn Thinh là thủ tướng đầu tiên của chính phủ Nam Kỳ quốc, đã qua đời năm 1946.

Ngày 31/10/1951, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đổi tên đường Verdun (từ đường Legrand de la Liraye tới khu Hòa Hưng) thành đường General Chanson. Đoạn từ Hòa Hưng tới bảy Hiền vẫn ma ng tên là đường Thuộc Địa 1.

Trước đó chỉ vài tháng, tướng Chanson vừa bị ám sát ở Sa Đéc vào ngày 31/7/1951. Lúc đó ông là tư lệnh quân Pháp ở Nam kỳ, tham gia một buổi duyệt binh thì bị cảm tử quân Phan Văn Út ném lựu đạn vào giữa khán đài. Tư liệu của Pháp ghi rằng Phan Văn Út (Út Ngọ) là thành viên lực lượng Bảo quốc đoàn của Cao Đài, tư liệu của bên Cao Đài ghi chính Trình Minh Thế ra lệnh cho Út Ngọ thực hiện. Tuy nhiên theo tư liệu lưu trữ của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ cho biết đây là điệp viên Việt Minh cài cắm trong quân đội Cao Đài, và chính Việt Minh là bên ra quyết định thực hiện ám sát tướng Chanson.

Đường xéo góc từ trên xuống: theo thứ tự là đường Thuộc Địa 1, đường Chanson và đường Nguyễn Văn Thinh

Ngày 22/3/1955, chính quyền thủ tướng Ngô Đình Diệm ra quyết định nhập đường Nguyễn Văn Thinh và Chanson thành 1 đường và đổi tên là Lê Văn Duyệt. Còn đoạn từ khu Ông Tạ (đường Phạm Văn Hai ngày nay) cho tới ngã 4 Bảy Hiền mang tên đường Phạm Hồng Thái. Đoạn đường còn lại của đường Thuộc Địa 1 đổi thành đường Quốc lộ 1.

Ngã tư Bảy Hiền

Ngày 14/8/1975, chính quyền quân quản nhập các đường Lê Văn Duyệt, Phạm Hồng Thái và Quốc lộ 1 cho tới Bà Quẹo làm 1 và đổi thành đường Cách Mạng Tháng 8. Trên thực tế, con đường này kéo dài tới tận ranh giới Quận 12.

Ngày 7/4/2000, đường Cách Mạng Tháng 8 được tách đôi, đoạn từ Bảy Hiền tới An Sương mang tên đường Trường Chinh như ngày nay.

Hình ảnh đường Lê Văn Duyệt xưa:

Ngã tư Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt. Đường có cây là Hồng Thập tự, nay là đường NTMK), đoạn phía trước Vườn Tao Đàn
Trại Lê Lợi của ngành Quân Cụ (kề bên Quân vụ Thị trấn) trên đường Lê Văn Duyệt

=

Rạp Kinh Đô trên đường Lê Văn Duyệt. Người chụp đứng tại ngã ba Nguyễn Du – Lê Văn Duyệt
Ngã ba Nguyễn Du – Lê Văn Duyệt
Trụ sở USAID đường Lê Văn Duyệt
Trụ sở USAID đường Lê Văn Duyệt

 

Đường Lê Văn Duyệt, đi lên nữa là ngã tư Trần Quý Cáp – Lê văn Duyệt (rạp Nam Quang). Xe Hốc Môn – Saigon đang trên đường Lê Văn Duyệt hướng về phía Công trường Dân Chủ. Taxi trên đường Hồng Thập Tự tiến về phía cổng vườn Tao Đàn
Ngã tư Hồng Thập Tự-Lê Văn Duyệt. Xe trắng đang trên đường Hồng Thâp Tự đi về phía cổng Tao Đàn ở bên kia ngã tư

Đường Lê Văn Duyệt, Góc trên bên trái là cổng trại Lê Văn Duyệt
Trại Lê Văn Duyệt trên đường Lê Văn Duyệt

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận