Làng quê Bắc Bộ đầu thập niên 1980 qua bộ ảnh hiếm của phó đại sứ Vương Quốc Anh

Mời các bạn xem bộ ảnh làng quê Bắc Bộ và vùng ngoại thành Hà Nội được chụp vào đầu thập niên 1980 (từ 1980-1982), tác giả là cựu phó đại sứ Vương Quốc Anh là John Ramsden. Ông đã chụp những tấm hình này với thú vui đồng hành với công việc của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nay đây mai đó.

Những tấm ảnh này ghi lại hiện thực của một thời kỳ lịch sử. Ông phó đại sứ tiết lộ rằng dù được miễn trừ ngoại giao, ông vẫn phải “kín đáo” mỗi khi đưa tay bấm máy ảnh, không phải vì sợ mà để tránh khỏi bị hiểu sai về việc làm chỉ nhằm lưu lại trong ký ức riêng mình về một vùng đất mà ông hiện diện với công việc ngoại giao.

John Ramsden cũng nói rằng những hình ảnh về Hà Nội trong những năm cuối của thời bao cấp (đầu thập niên 80 của thế kỷ trước) rất hiếm. Những nhiếp ảnh gia người Việt không được tự do lang thang như ông phó đại sứ để ghi lại những hình ảnh mà họ thích. Ngoài ra, họ cũng không đủ tiền để làm vậy, một cuốn phim đắt phải bằng cả tháng lương.

Sau đây, mời các bạn xem lại bộ ảnh của John Ramsden, với lời thuyết minh về hình ảnh của nhà sử học Dương Trung Quốc:

Làng quê Bắc Bộ thường chật chội hơn các vùng miền khác. Đường làng xưa vốn nhỏ nhưng cổng làng luôn là niềm tự hào của dân làng. Đi lại trong làng chủ yếu là đi bộ hay quá lắm là đi xe đạp. Ngày hội, đường làng chật cứng người qua lại. Bây giờ nông thôn mới, đường sá rộng hơn lại đổ bê tông nhưng người qua lại cổng làng cũng nơm nớp vì xe máy, ô tô đi lại ngày một nhiều.


Những cổng làng cổ kính, quá đẹp như thế này vốn có rất nhiều ở các làng quanh Hà Nội. Nhưng nó cũng bị  hủy hoại nhiều không phải vì bom đạn chiến tranh mà đôi khi vì sự vô tình với cái cổ kính trước xu hướng đô thị hóa và sự vồ vập cái mới. Cái cổng làng đẹp nhường này không biết tới nay có còn hay đã mất?


Làng Thổ Hà (Bắc Giang) nổi tiếng với nghề gốm đất nung có độ lửa cao. Những bức tường được “kết” bằng những chiếc tiểu sành khi ra lò bị nứt hay méo. Con đường lát gạch ghi dấu một tập tục rất hay của làng xưa là những đôi trai gái cưới nhau thì “nộp cheo” tức là góp công, góp gạch để lát một đoạn đường làng. Những người thành đạt ở phương xa cũng làm tương tự để xây dựng làng quê của mình.


Các ngôi đình trên cả nước cách đây 40 năm, có nơi bị phá, có nơi dùng làm kho đựng thóc lúa, phân bón, may mắn hơn thì làm lớp học, trụ sở làm việc. Trong ảnh, Đình Bảng (Bắc Ninh) vẫn giữ được cái “trống sấm” và bài trí bên trong sơ sài chỉ có bàn ghế. Bây giờ thì đình này trở thành di tích quốc gia được trùng tu rất khang trang, là điểm đến cho du khách trong cả ngày hội lẫn ngày thường.


Chùa Thầy với ngôi thủy đình gắn với nghệ thuật rối nước, 40 năm trước được coi là xa Hà Nội vì đường đi khó khăn lại thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây. Thời chiến tranh, vì có núi che chở nên một vài cơ quan quan trọng về đây sơ tán. Thời năm 2008, chùa Thầy nằm trong địa phận Hà Nội, đang bị vòng vây đô thị hóa thít chặt. Bảo vệ cảnh quan cũng như di tích ngôi chùa về nghề rối nước đang là những thử thách lớn.



Một đứa trẻ trong đình làng


Sân đền.


Cậu bé trên lưng trâu.


Quán nước chè gần chùa Phổ Minh, Nam Định.


Mùa gặt.


Nghỉ giải lao bên bờ ruộng.


Bắt cá tôm gần Phát Diệm.


Đập lúa.


Gieo mạ.


Gánh lúa về.


Quanh Chùa Hương là một vùng trống mía. Mua mía mang về làm quà hay róc ăn tại chỗ là điều thú vị đối với người đi trẩy hội. Cách đây 40 năm, đường là một mặt hàng bán định suất theo tem phiếu. Vị ngọt là một nhu cầu dinh dưỡng của người dân, mía là nguồn bổ sung rất tốt.


Hàng quả bánh, gần Chùa Hương.


Hội Chùa Hương mở vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch kéo dài cho đến tháng Ba. Những ngày mưa xuân, đi trên Suối Yến giữa cảnh trùng điệp núi non mờ ẩn trong sương càng tạo nên sự hấp dẫn cho du khách hành hương lễ Phật trên các ngôi chùa trên núi hay trong các hang động. Ngày nay đã có cáp treo nhưng việc du xuân bằng thuyền vẫn là một thú vui không thay thế được.


40 năm trước, có lẽ cũng giống như hàng trăm năm trước, hội làng Đồng Kỵ (xưa còn có tên là Làng Còi) luôn đông đúc, náo nức, nhất là với con trẻ. Không biết cái cây trước đình làng đến nayẫy có bao nhiêu thế hệ những đứa trẻ trèo lên để được nhìn thấy cảnh tế lễ trong đình và quan trọng nhất là xem pháo nổ.


Hội pháo ở Đồng Kỵ, một làng nghề mộc của Bắc Ninh có nhiều người lên Hà Nội sinh sống, cứ đến Tết là cùng dân thành phố kéo về hội làng với cái thú được xem các thôn rước các quả pháo khổng lồ ra đình làng đốt thi. Hội Đồng Kỵ bây giờ vẫn đông, vẫn rước pháo nhưng không nghe thấy tiếng pháo nổ vì pháo vẫn to, vẫn đẹp nhưng rỗng ruột kể từ năm 1995 khi Nhà nước cấm đốt pháo.


Cổng của một ngôi chùa hay đền làng mà kiến trúc cho thấy khá lớn. Cách đây 40 năm, đền chùa luôn đóng cửa và vắng vẻ, ít người ra vào cúng bái. Nhờ thế nó giữ được cảnh quan u tịch tuy kiến trúc có thể ngày càng xuống cấp. Ngày nay, đền chùa được sửa sang hay xây mới khang trang hơn nhiều nhưng vẻ đẹp di tích đôi khi tỉ lệ nghịch với sự đầu tư.


Một số hình ảnh ngoại thành Hà Nội:


Bây giờ ít ai nhận ra dưới cái mái tranh được chống bằng những cây cột tạm bợ là cái gì. Lại là một công cụ dùng để ép giấy làm bằng dó hay nứa. Cái đòn làm bằng một cây gỗ thô kệch, những viên đá khi được néo vào đầu cây đòn tạo sức để ép nước ra khỏi chồng giấy trước khi đem phơi khô. Tưởng như đó là một góc bảo tàng của làng Giấy Kẻ Bưởi như cái cổng làng vẫn như xưa. Nào ngờ, nó vẫn được sử dụng để sản xuất một loại giấy vẻ ngoài thô xấu nhưng lại rất bền.


Khu nhà cao đến năm tầng hồi đó còn hiếm lắm, chủ yếu nằm ở vùng ven thành phố cũng là nơi vốn có nhiều lò gạch cũ kỹ cung cấp vật liệu xây dựng cho thành phố đang phục hồi sau chiến tranh. Quan sát kiến trúc tòa nhà không có vẻ là chung cư thì là trường học. Phải chăng là Đại học Bách khoa gần Hồ Bảy Mẫu, hay Đại học Thương mại gần Mai Dịch?


Theo tác giả, tấm ảnh được được chụp tại làng Ngọc Hà, một địa điểm liền kề vườn Bách Thảo, khi đó vẫn còn nguyên khung cảnh làng quê “thời hợp tác” trong ngày mùa. Ngọc Hà nổi tiếng là làng hoa, vậy mà hồi đó vẫn có lúa để gặt có nghĩa là vẫn còn đất để cấy lúa. Giờ đây Ngọc Hà thành khu phố san sát nhà cửa rồi, ngay cả đất trồng hoa cũng đâu còn.


Những dấu tích của làng quê gắn với các kiến trúc tín ngưỡng cùa dân làng như ao làng, ngôi đền, giếng làng hay nhà bia gắn với các địa danh như Ngọc Hà, Chèm. Nhờ gắn với các di tích lịch sử nên tuy có lúc bị hoang phế nhưng đều giữ lại được. Duy có điều nó không còn giữ được cảnh quan sinh thái như xưa mà bị dồn vào những không gian đô thị chật chội, đông đúc.





Đền Voi Phục thời đó còn tách biệt với khu trung tâm bởi những cánh đồng nay là đường Kim Mã. Nhưng có đường tàu điện nối tới Cầu Giấy nên Voi Phục là nơi trẻ con, học sinh hay đi cắm trại. Cảnh vắng vẻ, cây cối um tùm ra vẻ một trong những di tích cổ và thiêng nhất Hà Nội. Bây giờ người ta sửa sang nhiều, lại có vườn Bách Thú nên sầm uất hơn, nhưng dáng vẻ cổ tích thì ngày một phai nhạt.

Nguồn ảnh: John Ramsden – Hà Nội Một Thời

Viết một bình luận