Tư liệu quý hiếm: Bài phỏng vấn 3 nữ minh tinh Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng và Kim Vui năm 1970 của Việt Nam Thông Tấn Xã

Mời bạn đọc lại bài phỏng vấn 3 nữ minh tinh được yêu thích bậc nhất của màn ảnh kịch trường Sài Gòn từ cuối thập niên 1970, đó là Kiều Chinh, Kim Vui và Thẩm Thúy Hằng. Buổi phỏng vấn này được thực hiện Việt Nam Thông Tấn Xã thực hiện hơn nửa thế kỷ trước, phát hình vào ngày 3 tháng Tư năm 1970. Đây là bài phỏng vấn chưa từng được công bố suốt 50 năm qua.

Trong bài phỏng vấn, 3 nữ minh tinh xinh đẹp đã đưa ra ý kiến cá nhân về tình hình điện ảnh và xã hội Sài Gòn thời đó, trong đó Kiều Chinh nói rằng cần luật “Người làm phim có phim”, còn Kim Vui đặt câu hỏi “Tại sao đem giấu cái đẹp trời cho?” trước các lời chỉ trích về cảnh phim “gợi cảm”. Thẩm Thúy Hằng thì nếu quan điểm: Đóng phim phải kiên nhẫn, nhiều óc tưởng tượng và giàu tình cảm.

  • Thưa cô Kiều Chinh, cô là một tài tử trong những tài tử hát bóng có tiếng nhất và vừa rồi, cô là người đầu tiên trong làng điện ảnh được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống VNCH. Xin cho biết cô vào ngành điện ảnh đã bao lâu và đã đóng được bao nhiêu phim?

Kiều Chinh: Tôi vào làng điện ảnh trên 10 năm. Tôi không nhớ đã đóng bao nhiêu phim, hình như vào khoảng 20 cuốn.

  • Cô Kim Vui, trước khi vào ngành điện ảnh, cô là người đầu tiên vũ sexy, rồi nữ tài tử ca kịch, cô cho biết phim đầu tiên cô đóng là phim gì?

Kim Vui: Đầu tiên là phim Phản Bội, sau đó là Thương Hận và Cúi Mặt. Hiện tôi đóng phim Chân Trời Tím, do Liên Ảnh Công Ty sản xuất.

– Cô Thẩm Thúy Hằng, hồi cô đi học, cô được chọn trong số 3.000 người dự thi để vào làng điện ảnh. Cô đã đóng bao nhiêu phim? Phim đầu tiên là phim gì? Và hiện đang đóng phim gì?

Thẩm Thúy Hằng: Tôi đóng phim từ mười mấy năm rồi và đóng rất nhiều. Tôi đã đóng khoảng 40 hay 50 cuốn phim. Phim đầu tiên là Người Đẹp Bình Dương quay hồi 1957, do Nguyễn Thành Châu đạo diễn. Phim hiện tại là phim Dang Dở.

Thẩm Thúy Hằng năm 16 tuổi phim Người Đẹp Bình Dương
  • Còn phim Chiều Kỷ Niệm?

Thẩm Thúy Hằng: Chiều Kỷ Niệm quay xong rồi có lẽ cuối tháng này chiếu. Nhóm Hằng còn làm phim thứ nhì nữa là Nàng. Hình ảnh đã xong, chỉ còn chờ thâu tiếng. Hiện đang quay phim Dang Dở do Lê Mộng Hoàng đạo diện.

  • Cô Kiều Chinh, cô thích đóng phim nào và loại gì?

Kiều Chinh: Có lẽ tôi thích những vai trò độc đáo, đòi hỏi nhiều ở diễn xuất nội tâm, và thích phim chiến tranh nhiều tình cảm. Tại sao? Tôi nghĩ tại những vai trò đó, những phim đó hợp với tôi.

  • Cô Kim Vui, Chánh phủ Ấn Độ cấm đem cảnh hôn nhau lên màn ảnh và các nhà làm phim chống lại việc này. Cô nghĩ sao?

Kim Vui: Việc đó tùy theo phong tục tập quán ở mỗi quốc gia. Ấn Độ cấm hôn nhau trên màn bạc là chuyện của họ. Tôi không có ý kiến. Riêng ở Việt Nam, hôn nhau trên màn bạc không có gì trái với thuần phong mỹ tục cả, miễn là đừng có hôn nhau quá lâu hay là đừng có hôn với tánh cách khiêu gợi như phim Âu Mỹ.

Vả lại, phim ảnh phản ánh cuộc đời, ở ngoài đời có hôn nhau, trong phim, tại sao mình lại cấm việc đó.

  • Trong số các đạo diễn Việt Nam, cô thích đạo diễn nào nhất?

Thẩm Thúy Hằng: Thật khó trả lời vì mỗi đạo diễn có một tài khác nhau. Loại tình cảm xã hội thì phải nhờ Nguyễn Thành Châu, Lê Mộng Hoàng. Phim nghẹt thở thì Lê Hoàng Hoa, phim triết lý thì Hoàng Vĩnh Lộc và Bùi Xuân Dung, về nội tâm thì Thân Trọng Kỳ.

  • Cô sống thế nào trong thời gian quay phim và lúc không quay phim?

Kiều Chinh: Trong những khi không quay phim, tôi sống rất bình thản như những cuộc sống bình thường nhất và ngược lại khi quay phim tôi trở thành một con người khác, nghĩa là tôi không còn là chính tôi nữa mà chỉ còn là Mai, Lan, Cúc gì đó mà cốt chuyện đòi hỏi. Điều này làm tôi thích thú nhất vì tôi có hai con người trong tôi và hai cuộc sống ở đời sống này. Đó là vấn đề tuyệt diệu.

  • Các báo điện ảnh giúp gì cho nền điện ảnh Việt Nam và khán giả Việt Nam có thích phim Việt Nam?

Kim Vui: Báo điện ảnh rất ích lợi. Báo có thể giới thiệu hãng phim trong thời gian họ đang quay và cho độc giả biết sinh hoạt điện ảnh Việt Nam và ngoại quốc. Đối với tôi, khán giả Việt Nam rất khó tánh và có nhiều thành kiến đối với phim ảnh Việt Nam. Có lẽ phải mất một thời gian họ mới thay đổi thành kiến này.

Tài tử, chuyên viên phải cố gắng nhiều mới mong thành công trong việc đánh đổ thành kiến này.

  • Cô nói thành kiến đối với nghệ sĩ, tài tử hay thành kiến đối với chuyện phim, đối với kỹ thuật quay phim?

Kim Vui: Người ta có thành kiến về mọi mặt. Trình độ của mình chưa đến mức độ như phim ngoại quốc.

  • Phải có điều kiện tối thiểu nào để thành ngôi sao màn ảnh?

Thẩm Thúy Hằng: Một nền học thức căn bản, đủ sức nhận định ý nghĩa chuyện phim và vai trò đó là điều căn bản. Hơn nữa, phải có sức khỏe. Nghề nghiệp chúng tôi bất thường, nhiều khi đóng phim từ 4,5 giờ chiều 4,5 giờ sáng. Ăn uống thất thường. Ngoài ra, phải kiên nhẫn và nhiều óc tưởng tượng và giàu tình cảm. Điều quan trọng là biết thận trọng và biết tự chủ.

  • Nghề nào cũng phải được huấn luyện, cô là một trong những tài tử có kinh nghiệm, cô có định mở lớp dạy tài tử mới không?

Thẩm Thúy hằng: Hiện tại tôi đã chọn một số ở trong các giới để đóng phim Chiều Kỷ Niệm. Tôi đã chọn được nhiều người.

  • Chánh phủ Việt Nam có thể làm gì để giúp phát triển ngành điện ảnh nước nhà?

Kiều Chinh: Đó là một vấn đề quan trọng, nhất là trong lúc chánh phủ đang có kế hoạch tấn công văn hóa quốc ngoại. Năm qua, chánh phủ đã gởi nhiều đoàn văn nghệ đi ngoại quốc như là đoàn cải lương. Tôi nghĩ, nếu tổ chức những phái đoàn điện ảnh đi ngoại quốc để giới thiệu điện ảnh Việt Nam thì cũng ích lợi. Nhưng trước khi thực hiện việc đó, điều cốt yếu là phải thực hiện những cuốn phim giá trị.

Vấn đề sôi động nhất tuần qua là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành sắc lệnh “Người Cày Có Ruộng”. Ông Thiệu đã làm cuộc cách mạng táo bạo và ông đã thành công trong cách mạng đó. Chúng tôi, những người điện ảnh mơ rằng chánh phủ làm một cuộc cách mạng nữa cho điện ảnh là ban luật “Người Làm Phim có Phim”. Đó là một sự nâng đỡ cần thiết nhất trong lúc này. Chúng ta hy vọng có những phim giá trị để khán giả có thể thưởng thức. Hơn nữa, trong chương trình tấn công văn hóa quốc ngoại, điện ảnh sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong sự giới thiệu văn hóa nước mình.

Tôi hy vọng rằng mơ ước đó của tôi có thể được thực hiện.

  • Đó là việc ““Người Làm Phim có Phim”. Nhưng tài tử đâu có phim? Cô thấy chánh phủ có thể làm gì để giúp các tài tử có đời sống tương đối dễ chịu để phát triển ngành điện ảnh.

Kiều Chinh: Đó cũng là vấn đề rất quan trọng. Theo tôi thấy, đời sống nghệ sĩ nước mình không được cao. Vấn đề quan trọng là chánh phủ giúp đỡ để nâng cao đời sống các nghệ sĩ. Khi họ sống, đầy đủ rồi, tâm hồn họ mới rảnh rang và để hết tâm lực mà phụng sự nghệ thuật.

Tôi mơ ước, ít nhất, nghệ sĩ cũng có một cái làng, tối thiểu như làng Đại Học Thủ Đức hiện tại. Hơn nữa, một mai khi hòa bình trở lại, tôi có cái mơ ước, biến Dalat thành một Hollywood của Việt Nam. Và khi đó điện ảnh nước mình sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn, nghệ sĩ sẽ có thể thật sự là những người mà giới khác mơ tưởng là những thần tượng.

  • Tương lai ngành điện ảnh Việt Nam sẽ như thế nào?

Kim Vui: Tương lai điện ảnh Việt Nam tùy thuộc vào chánh phủ. Nếu chánh phủ nâng đỡ giới điện ảnh một cách cụ thể. Năm mười năm nữa, điện ảnh Việt Nam sẽ được tiến bộ nhiều. Mình sẽ không thua bất cứ quốc gia nào ở Á Châu. Chuyên viên, tài tử Việt Nam rất thông minh và có tài. Chúng ta chỉ thiếu phương tiện và kinh nghiệm, thiếu trường dạy cách diễn xuất.

  • Nếu so sánh nền điện ảnh Việt Nam và ngoại quốc, cô nghĩ thế nào?

Thẩm Thúy Hằng: Nếu nói trong nước, nền điện ảnh Việt Nam tiến bộ nhiều. Nhưng nếu so với quốc tế, không dám so. Điện ảnh mình còn kém, còn non nớt, mặc dù mình có nhiều nhà sản xuất có thiện chí và nhiều nhân tài chưa được khai thác. Kỹ nghệ điện ảnh Việt Nam dường như chưa được nâng cấp thích đáng.

  • Cô đóng nhiều phim với các tài tử Mỹ, Pháp, Phi Luật Tân, cô thấy việc đóng chung đó như thế nào?

Kiều Chinh: Tôi không thể phân tách rõ ràng vì mỗi nước, mỗi phim là một sự khác biệt. Đóng phim với tài tử ngoại quốc, khó nhất là vấn đề đóng chung với các nam tài tử. Đóng với người Việt Nam dễ thông cảm hơn vì mình có thể dùng tiếng mẹ đẻ để diễn tả tình cảm của vai trò, sự thành công sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đóng với tài tử ngoại quốc có những thích thú khác, chẳng hạn kỹ thuật của họ vững chãi và nhiều kinh nghiệm hơn mình.

  • Có nên đem lên màn ảnh việc tự do khỏa thân và cái màn tắm thoát y không?

Kim Vui: Nếu cốt truyện bắt buộc có màn khỏa thân và không có tính cách thương mãi, khiêu gợi tôi nghĩ tài tử nên đóng. Riêng tôi, người đàn bà Việt Nam hay ngoại quốc nào đều được trời ban cho cái đẹp tự nhiên thì tại sao mình đem giấu, mình không đem ra cho thiên hạ thấy cái đẹp của trời cho.

Những người làm mẫu cho họa sĩ vẽ cũng như người đóng phim. Khám giả khi thấy cảnh khỏa thân, nếu họ nghĩ tục thì hình ảnh tục, nếu họ nghĩ trong sạch và lành mạnh thì khác. Nó tùy tâm trí mỗi cá nhân.

  • Cô đóng phim từ lâu, nếu so sánh ngày nay, cô thấy tài nghệ của cô như thế nào?

Thẩm Thúy Hằng: Đóng nhiều phim và qua nhiều năm dĩ nhiên phải tiến. Riêng tôi sau khi đóng xong một phim xem lại vẫn không hài lòng, tự nhiên mình thấy còn kém.

  • Một nữ tài tử tốn tiền nhất về vấn đề gì? Nữ trang, y phục, phấn sáp?

Kiều Chinh: Chúng tôi là người của đám đông, nên tất cả những vấn đề nữ trang, son phấn rất tốn kém. Nay sự tốn kém đó tăng gấp bội vì thuế kiệm ước. Tôi khuyên những người người mê trở thành tài nữ có lẽ không nên lắm trong lúc này vì tài tử không được trả một số tiền thù lao tương đối đủ để mình có thể mua sắm theo thời trang.

  • Người đàn ông lý tưởng phải như thế nào? Tôi xin hỏi luôn cả ba cô?

Kim Vui: Người đàn ông lý tưởng là người có tánh cần thiết của một người yêu, người bạn và người chồng nữa.

Họ phải có sự đam mê nồng nhiệt của người yêu, biết bàn luận công việc làm ăn như người bạn. Người đàn ông để người đàn bà kính nể, tin tưởng và đủ điều kiện bao bọc người vợ.

Thẩm Thúy Hằng: Tôi đồng ý với chị Kim Vui, và theo tôi quan trọng nhất là phải thật tình. Tôi ghét nói dối.

  • Thiếu nhi Việt Nam cần phim giáo dục hơn phim xã hội, có có muốn đóng phim giáo dục cho các em không?

Kiều Chinh: Có chứ, phim giáo dục rất cần thiết trong lúc này. Hiện phong trào điện ảnh trên thế giới thiên về tàn bạo, chém giết và hơn nữa họ ngã về phim ảnh tình dục nhiều hơn. Chúng ta cần phải có những phim giáo dục cho trẻ con.

Phim ảnh có ảnh hưởng với giới trẻ mạnh hơn là cả những giờ học tập tại học đường. Nếu trong nước làm những phim giáo dục, tôi ao ước được góp mặt phần nào.

  • Nghe nói cô còn có biệt tài vẽ tranh nữa, cô vẽ hồi nào và được bao nhiêu tấm rồi?

Kim Vui: Tôi vẽ tranh sơn dầu. Kỳ đóng phim Chân Trời Tím này tôi định vẽ một số tranh để triển lãm lúc phim ra mắt.

Tôi hy vọng các nhà hảo tâm mua giúp tranh đó. Tôi lấy tiền này giúp vào cô nhi viện. Hiện tôi có khoảng 32 tấm tranh. Vài tháng nữa số tranh sẽ lên gấp đôi.

  • Nghe nói cô có viết kịch bản và làm thơ, xin cô cho khán thính giả được thưởng thức thơ cô.

Thẩm Thúy Hằng: Hồi còn đi học, tôi làm trưởng ban văn nghệ nhà trường, viết bài, làm thơ. Tôi sắp in một tập thơ do tôi sáng tác.

  • Với các nữ sinh có sắc có tài, cô có khuyên họ vào ngành điện ảnh không?

Kiều Chinh: Khuyên nên hay không nên hơi khó. Theo tôi, có tài có sắc ở ngoại quốc là đủ để trở nên một tài tử. Nhưng ở nước mình, điện ảnh còn đòi hỏi chúng ta một sự hy sinh và yêu nghề triệt để.

Điện ảnh Việt Nam đang ở thời kỳ phôi thai và đang ở cơn khủng hoàng. Nhưng nếu ai có lòng thiết tha yêu nghệ thuật tôi khuyên rằng nên góp mặt vào ngành điện ảnh. Tại vì phải có chúng ta, những người đi bước trước, hy sinh một chút để điện ảnh tồn tại, sau này lớp trẻ sẽ tiếp tay chúng ta. Tôi nghĩ rằng những người sau này sẽ thành công.

  • Thế giới điện ảnh giả tạo đã làm cho các tài tử có những tật xấu nào?

Kim Vui: Theo tôi khán giả Việt Nam không chịu được cảnh người mình hôn nhau trên màn bạc, họ huýt sáo, la ó. Chuyện đó đối với tôi không quan trọng.

Còn tật xấu của tôi là khi diễn xuất trên màn ảnh, tôi không muốn một tiếng động nào lọt vào tai, vì nó sẽ chi phối ý nghĩ của tôi. Lúc đang đóng mà nghe tiếng động tôi hay cáu và nếu đóng phim quá giờ đói bụng tôi cũng hay cáu.

  • Cô định đóng phim với ngoại quốc loại nào?

Thẩm Thúy Hằng: Trước Tết, Ban Giám Đốc ASTA film ở Đài Bắc mời tôi cộng tác. Tôi qua Đài Bắc thấy có thể hợp tác. Tôi ký hợp động bốn phim liên tiếp. Có lẽ sau phim Chiều Kỷ Niệm và Dang Dở xong, đoàn quay phim của tôi sẽ rời Sài òn và qua bên đó chừng nửa năm. Các phim sắp đóng thuộc đủ loại tình cảm có, trinh thám có và đặc biệt còn có cả phim chưởng.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận