Câu chuyện về Tân Cảng Sài Gòn, khu đất ngày nay trở thành Khu đô thị hiện đại bậc nhất Sài Gòn

Khu vực Vinhomes Central Park ở ngay chân cầu Sài Gòn ngày nay, nơi có tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam từng là một cảng quân sự phục vụ cho quốc phòng, được xây dựng hồi năm 1966, thời điểm nơi này rất hoang vắng và vẫn còn là những ruộng lúa. Cảng sông này nằm ngay dưới chân cầu Sài Gòn đã được tổng thống Ngô Đình Diệm cắt băng khánh thành ngày 28/6/1961. Cầu Sài Gòn này là một phần của Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa được đưa vào sử dụng trong cùng thời điểm, nên lúc đó thường gọi là cầu Xa Lộ.

Khoảng năm 1968, sau khi Tân Cảng được hoàn thành, người ta gọi chung cho khu vực này là Tân Cảng, và cầu Sài Gòn cũng đổi tên thành cầu Tân Cảng. Sau này cầu Tân Cảng đổi tên lại thành cầu Sài Gòn, nhưng người Sài Gòn vẫn quen gọi khu vực này là Tân Cảng cho tới nay.

 

Phía dưới cầu là những ruộng lúa chưa san lấp

Năm 1966, công tác san lấp mặt bằng được thực hiện, đến năm 1967 thì một cảng quân sự lớn được xây dựng với cầu tàu dài hơn 1.200 mét, rộng 24 mét; bến nghiêng rộng 40 mét và hệ thống kho bãi, giao thông nội bộ, điện nước để phục vụ quốc phòng. Cảng này được gọi là Tân Cảng Sài Gòn để phân biệt với Cảng Sài Gòn bên Khánh Hội.

Tân Cảng Sài Gòn này trực thuộc quân chủng hải quân, là nơi khai thác cảng biển, dịch vụ xuất nhập khẩu và vận tải biển.

Từ cầu Sài Gòn nhìn xuống Tân Cảng

Bên dưới là những hình ảnh trong khoảng thời gian xây dựng Tân Cảng, khoảng 1966-1967:

Cầu Tân Cảng, bên phải là cảng mới. Góc trên bên trái hình là vị trí Thảo Điền ngày nay

Từ năm 1975 đến đầu năm 1989, khu vực Tân Cảng vẫn dùng cho vài hoạt động quân sự mà ít duy tu, bảo dưỡng nên hệ thống cầu tàu, kho bãi, giao thông, doanh trại, điện nước… đều xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác, do không có đơn vị chủ quản việc đóng quân, canh phòng nên an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 15 tháng 3 năm 1989, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra Quyết định số 41/QP thành lập Quân Cảng Sài Gòn thuộc quân chủng Hải Quân (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn), phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Bên cạnh đó, tận dụng công suất nhàn rỗi của cầu tàu, kho bãi để kinh doanh, tạo nguồn doanh thu nhằm tu bổ và từng bước nâng cấp cảng.

Năm 1992, Tân cảng đã quyết định đầu tư nâng cấp hạ tầng, mua thiết bị chuyên dung, chuyển khai thác tàu hàng rời sang khai thác tàu container. Từ năm 2006 chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, mở rộng địa bàn hoạt động trên cả nước với rất nhiều cảng hàng hóa, cảng cạn… mà lớn nhất là cảng Cát Lái (Sài Gòn), Cái Mép (Bà Rịa). Hiện nay đây là tổng công ty về cảng hàng hóa lớn nhất Việt Nam.

Thập niên 2000, cùng với sự phát triển của thành phố, quá trình đô thị quá tăng nhanh, dân cư ngày càng đông đúc, Sài Gòn trở nên chật chội và cần mở rộng các khu dân cư. Lúc đó, sự tồn tại của các bến cảng nằm kế cận trung tâm thành phố như Cảng Sài Gòn (bao gồm Nhà Rồng, Khánh Hội, Tân Thuận), Cảng Ba Son hay là Tân Cảng Sài Gòn đã gây ra tình trạng khó khăn cho sự mở rộng của thành phố. Những hạn chế về mớn nước và chiều dài bến đã ngăn cản tàu lớn cập cảng thành phố. Hơn nữa, vị trí nằm sâu trong trung tâm thành phố của những cảng này đang gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng vì xe tải phải đi qua các quận trung tâm đông đúc để vào cảng. Thành phố cũng đang thực hiện các dự án phát triển đô thị lớn tại Thủ Thiêm nằm ở phía đông của sông Sài Gòn. Việc xây dựng cầu kết nối hai bờ sẽ chắc chắn ngăn cản tàu lớn đi qua. Quan trọng nhất có lẽ là đất ở những khu cảng hiện hữu đã tăng giá trị lên rất nhiều, nên một số bến cảng được di dời để nhường các khu đất vàng này cho mục đích nhà ở và thương mại. Đó là lý do khu đất Tân Cảng Sài Gòn cũ trở thành Vinhomes Tân Cảng (sau đổi thành Vinhomes Central Park) với chi phí đầu tư lên tới 1 tỷ USD, trở thành vùng lõi của khu đô thị mới ở Sài Gòn ngày nay.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận