Chân dung người Sài Gòn qua bộ ảnh cổ xưa nhất chụp năm 1866 (gần 160 năm trước)

Trong số các nhiếp ảnh gia đầu chụp phong cảnh và con người Việt Nam, nổi tiếng nhất là Émile Gsell. Sau đây là những hình ảnh đầu tiên chụp Việt Nam, từ khoảng năm 1865-1866:



Émile Gsell đã khai trương hiệu ảnh riêng sớm từ năm 1866 (hoặc có thể sớm hơn), và duy trì hoạt động của hiệu ảnh này cho tới tận lúc ông qua đời vào năm 1879.

Thiện nghệ trong việc chụp phong cảnh, chân dung, kiến trúc, và các kiểu ảnh khác, những bức hình của ông đã trở thành chuẩn mực cho các nhiếp ảnh gia khác trong khu vực.

Émile sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin lành ở Sainte-Marie-aux-Mines, vùng Upper Rhine (miền Đông nước Pháp) vào ngày 31 tháng Mười hai năm 1838. Sau khi em trai ông là Charles ra đời ngày 15 tháng Mười năm 1840, cả gia đình chuyển đến Paris và sống ở đường Temple. Cha ông, cũng tên là Émile Gsell, mở một xưởng in ở thủ đô nước Pháp, số 80 đường Bonaparte.

Khoảng năm 1858, Émile nhập ngũ và ở trong quân ngũ suốt 7 năm. Năm 1861, quân đội Pháp mở khóa đào tạo kỹ thuật nhiếp ảnh và rất có thể Gsell đã học nghề nhiếp ảnh trong thời gian này.

Đây cũng là thời gian quân Pháp tiến hành xâm chiếm Nam Kỳ, rất có thể Émile Gsell đã có mặt trong đoàn quân viễn chinh đó, rồi khi rời quân ngũ khoảng năm 1865-1866, ông đã quyết định ở lại Sài Gòn và mở hiệu ảnh tại đây.

Cũng trong năm 1866 Gsell tham gia đoàn thám hiểm sông Mekong của Ernest Doudart de Lagrée (1823-1868), sau đó đã đăng những tấm hình chụp Angor Wat ở Cao Miên trên tờ báo Pháp ngữ Courrier de Saigon để quảng cáo cho hiệu hiệu ảnh của mình trên đường Rigault de Genouilly (nay là Công trường Mê Linh).

Những năm sau đó, Gsell cho ra mắt những bộ ảnh tuyệt tác về con người và đường phố, các công trình kiên trúc ở Việt Nam cũng như Cao Miên. Năm 1873, ông ứng cử hai tập ảnh vào Triển lãm Quốc tế Vienna và được trao huy chương thành tích. Hai tập ảnh đó là bao gồm những tấm ảnh chụp Angkor Wat và hình phong cảnh và chân dung ở
Việt Nam và Cao Miên. Gsell sau đó được trao huy chương bạc trong Triển lâm Sài Gòn 1874 và huy chương đồng trong Triển lâm Quốc tế 1878 ở Paris.

Những tấm ảnh trong bài này nằm trong 2 tập ảnh nói trên.

Tuy nhiên, trong lúc đang ở trên đỉnh cao của cuộc đời và sự nghiệp, Gsell đột ngột qua đời ở nhà riêng trên đường Rigault de Genouilly, Sài Gòn, vào ngày 16 tháng Mười năm 1879. Lúc đó ông mới 41 tuổi và sống độc thân, không có người thân sống cùng ở Nam Kỳ. Tài sản của ông được chuyển nhượng lại cho cha mẹ, ông Émile và bà Catherine, em trai Charles và em gái Adèle, đều đang sống ở Paris.

Hiệu ảnh và kho ảnh của Gsell ở Sài Gòn được bán lại cho một nhiếp ảnh gia khác là Wegener.

Sau khi Gsell qua đời, các tác phẩm của ông vẫn tiếp tục nổi tiếng, được thể hiện qua số lượng tập ảnh còn tồn tại và các bản in được tìm thấy trong vô số bộ sưu tập của các bảo tàng cũng như bộ sưu tập tư nhân trên toàn thế giới.

NIÊN BIỂU CUỘC ĐỜI ÉMILE GSELL

1838
31-12: Émile Gsell ra đời ở Sainte-Marie-aux-Mines, Haut-Rhin.

1840
15-10: Em trai Charles của ông chào đời.

1846
Gia đình Gsell chuyển tới Paris (80 đường Bonaparte) nơi cha của Émile sở hữu một xưởng in.

1858
Đây là khoảng thời gian Gsell nhập ngũ và phục vụ tại quân đội trong bảy năm.

1866
5-6: Gsell rời Sài Gòn đi theo đoàn thám hiểm Mekong

24-6: Gsell đặt chân đến Angkor Wat, Cao Miên.

1-7: Gsell rời Angkor Wat sau khi đã chụp chừng hai mươi bức ảnh.

20-9: Gsell đăng quảng cáo, dường như là lần đầu tiên, trên tờ Courrier de Saigon về hiệu ảnh của mình trên đường Rigault de Genouilly và giới thiệu những tấm hình chụp di tích ở Angkor Wat.

5-11: August Sachtler thông báo trên tờ Courrier de Saigon rằng ông sẽ tác nghiệp ở hiệu ảnh mới của Émile Gsell trong bốn tuần.

1866
Gsell rời bỏ quân ngũ. Ông ký tên trên một tấm hình chụp cảnh đường phố Sài Gòn, thời gian chụp đễ năm 1866.

1867
2-7: Gsell có mặt ở Sài Gòn và ký một thỏa thuận có công chứng với một doanh nhân người Ấn Độ tên là Mohamed ben Abou Baker. Ông này cam kết sẽ hoàn trả Gsell khoản tiền đã vay là 5.500 francs.

20-10: Emile Gsell đăng quảng cáo trên tờ Courrier de Saigon thông báo về những tấm hình mới chụp thêm sau chuyến đi Cao Miên (và có thể Angkor Wat), cũng như một tấm chụp toàn cảnh Sài Gòn.

Trong năm 1867, Émile Gsell còn xuất hiện trong cuốn Niên giám Nam Kỳ, 1867, dưới cái tên “Hiệu ảnh Gsell, đường Catinat” (Gsell Photographe, Rue Catinat). Có thể ông đã chuyển đến đó tạm thời trong lúc chờ sửa sang lại hiệu ảnh trên đường Rigault de Genouilly.

1868
9-3: Gsell ký một cam kết nữa với Mohamed ben Abou Baker xác nhận rằng ông này đã trả đủ khoản tiền đã vay, và Gsell tuyên bố sẽ hoàn lại khoản tiền thế chấp cho doanh nhân người Ấn. Kho lưu trữ Quốc gia.

1869
5-3: Gsell ký một bản thỏả thuận với Tan Phat, một doanh nhân người Hoa, cho ông này vay một khoản tiền là 4.440 francs.

27-8: Gsell ký thỏa thuận với ông Léon David, chấp thuận mua từ ông này đất và một ngôi nhà trên đường Rigault de Genouilly với giá 8.325 francs. Miếng đất và ngôi nhà này được xem là địa chỉ hiệu ảnh của Gsell, đánh số 13 trong Kế hoạch địa chính Sài Gòn. Tổng diện tích khu đất là 406,87 mét vuông. Có vẻ như Gsell đang sống ở trong ngôi nhà này ở thời điểm giao dịch.

1870
Tháng Tư: Đại sứ Tây Ban Nha ở Trung Quốc và An Nam, Adolpho Patxot, đến thăm Angkor Wat. Hình chụp ông này xuất hiện trong một tập ảnh mà phần lớn ảnh trong đó là do Gsell chụp. Có thể là Gsell đã tháp tùng ông đại sứ trong chuyến đi này và chụp những tấm ảnh Angor Wat.

1871
5-1: Nghiên cứu của Jim Mizerski cho rằng Gsell có thể đã rời Sài Gòn cùng với phái đoàn Pháp đến Thái Lan, đi qua Nam Vang và Battambang. Nếu đúng như vậy, Mizerski cho rằng Gsell sẽ trở về Sài Gòn vào khoảng giữa tháng Hai năm 1871.

25-10
Thống đốc Nam Kỳ, Marie Jules Dupré, chuẩn bị rời Sài Gòn để lên đường tới Angkor Wat và thông báo trong một lá thư rằng Gsell sẽ là người hộ tống ông.

1872
16-9: Gsell xác nhận quốc tịch Pháp sau khi Pháp chiến bại trước Đức, dẫn đến việc quê hương của ông rơi vào quyền kiểm soát của Đức.

1873
Tháng Bảy: Louis Delaporte tìm cách để Gsell được cấp phép đi cùng với ông trong chuyến đi thăm di tích Angkor Wat lần thứ hai. Tuy nhiên, có vẻ như những người cầm quyền đã từ chối đề nghị này.

Triển lãm Vienna 1873 (1 tháng Năm – 31 tháng Mười) trao tặng Huy chương Thành tích cho Émile Gsell “vì những bức hình của ông”; thông tin này được đăng trên số ra ngày 20 tháng Mười hai năm 1873 của tạp chí Journal officiel de la Cochinchine française.

1874
Tháng Ba: Tấm ảnh của Émile Gsell chụp giành huy chương bạc trong Triển lãm nông nghiệp và công nghiệp Nam Kỳ lần thứ hai năm 1874, tổ chức tại Sài Gòn (Exposition agricole et industrielle de Cochinchine 1874), theo số ra ngày 5 tháng Tư năm 1874 của tờ Courrier de Saigon.

1875
4-4 đến 24-4: Émile Gsell là nhiếp ảnh gia tháp tùng phái đoàn của Nam tước Brossard de Corbigny trong chuyến thăm triều đình Huế. Mặc dù không được triều đình cấp phép sử dụng máy ảnh, có vẻ như ông đã chụp một vài hình chân dung và phong cảnh, không cách xa Đại Nội là bao.

6-5: Gell là người được ủy nhiệm ký cam kết thay cho Antoine Dejean, một thương nhân Sài Gòn lúc đó đang vắng mặt. Kho lưu trữ Quốc gia.

10-6: Gsell ký một cam kết nữa nhằm xác định chi tiết những trách nhiệm của ông ở cương vị người được ủy nhiệm thay Antoine Dejean.

Trong bộ ảnh do một bác sĩ tên Clouth ở Sài Gòn mua lại, có một bộ sưu tập các tấm hình Gsell chụp ở Angkor được đánh số từ 1 đến 163. Người ta không tìm thấy tấm hình nào chụp Angkor được đánh số cao hơn 163 (ngoại trừ những tấm hình lỗi tên), cho thấy rằng Gsell không quay trở lại Angkor sau thời gian ấy.

1876
Tháng 11: Emile Gsell tháp tùng Alexandre de Kergaradec, Lãnh sự Pháp ở Hà Nội, trong chuyến đi ngược dòng sông Hồng. Gsell chụp nhiều hình của Hà Nội và Bắc Kỳ từ ngày 23 tháng Mười một năm 1876 cho đến tháng Một năm 1877.

9-11: Gsell vắng mặt ở Sài Gòn, và thể theo cam kết, được miễn nhiệm người thi hành di chúc của ông Antoine Dejean đã qua đời.

1878
15-6: Có một người tên “Gsell” là hành khách trên chiếc tàu hơi nước M. M. Sindh khởi hành từ Sài Gòn đi tới Marseille (tạp chí Straits Times Overland Journal, số ra ngày 22 tháng Sáu năm 1878, trang 1). Nếu đây quả là Émile, có thể là ông đang trên đường đi thăm gia đình ở Paris và tham dự cuộc Triển lãm Quốc tế.

16-6: Có vẻ như chuyến đi Pháp của Gsell đã bị chậm một hai ngày, vì ông đang bổ nhiệm Alfred Renaudin làm người thế chân trong một văn kiện công chứng.

22-6: Tạp chí Singapore Straits Times Overland Journal, số ra ngày 22 tháng Sáu năm 1878, trong cột điểm tên các hành khách trên tàu, có nhắc đến việc một “ông Gsell” du hành từ Sài Gòn đến Marseille.

1879
16-10: Émile Gsell qua đời ở Sài Gòn tại tư gia trên đường Rigault de Genouilly.

1881
22-1: Tạp chí Journal officiel de la Cochinchine française thông báo rằng O. Wegener, một nhiếp ảnh gia khác, sẽ mua lại kho ảnh của Émile Gsell và tiếp tục duy trì hoạt động hiệu ảnh của ông ở đường ven sông Rigault de Genouilly.

1883
3-3: Antoine Vidal thông báo trên tờ L’Independant de Saigon rằng mình đã kế nhiệm Salin & Vidal và trở thành chủ sở hữu kho ảnh của Gsell. Địa chỉ của ông ở số 10 đường Rigault de Genouilly.

3-12: Vidal qua đời tại Sài Gòn.

1884
17-1: Tờ L’independant de Saigon, số ra ngày 17 tháng Một năm 1884. Các tấm hình và âm bản của Gsell có lẽ đã phát tán khắp nơi sau khi Vidal bán chúng:

“Chúng tôi rao bán dụng cụ nhiếp ảnh và hiệu ảnh tại VIDAL, bao gồm số lượng lớn ảnh chụp: hình phong cảnh Cao Miên, Nam Kỳ, Trung Kỳ, và Bắc Kỳ (bộ sưu tập cũ của Gsell). Mười thấu kính nhiếp ảnh khác nhau, một máy ép satin, và hộp đựng ảnh, danh thiếp, bức họa, giấy, hóa chất, vân vân. Liên hệ Bernard Fleith và E. Laplace, đường Catinat.”

1885
3-3: Miếng đất nơi hiệu ảnh của Gsell tọa lạc, cùng với mặt tiền trên đường Rigault de Genouilly, được bán lại cho một nhiếp ảnh gia thương mại, bà Claudine Eugenie Montvenoux.

chuyenxua.net biên soạn
Ảnh: manhhai flickr

Viết một bình luận