Tìm hiểu về những đóng góp quan trọng của bác sĩ Yersin đối với Việt Nam

Bác sĩ Yersin rời Pháp tới Đông Dương năm 1890, khi đó ông 27 tuổi, làm việc ở viên Pasteur Paris. Tại Việt Nam, ông được mời làm cho hãng tàu lớn nhất Đông Dương lúc đó là Công ty Messageries Maritimes (trụ sở Bến Nhà Rồng), trở thành bác sĩ trên tàu viễn dương, chăm sóc sức khỏe cho hành khách và thủy thủ. Đó là tiền đề cho rất nhiều cuộc phiêu lưu, thám hiểm của vị bác sĩ đã gắn bó với Việt Nam trong trọn quãng thời gian về sau của cuộc đời.

Năm 1891, Alexandre Yersin xin thôi việc ở hãng Messageries, quyết định đến sống tại Nha Trang, làm nghề khám chữa bệnh, nhận tiền của người giàu và miễn phí cho người nghèo (cho dù ông thừa nhận là không thể phân biệt được 2 hạng người đó).

Là một người gắn bó sâu đậm với Nha Trang, ngay từ lần đầu tới đây Yersin đã vô cùng yêu mến vùng đất này và đã viết thư cho người bạn Émile Roux để nói như sau: “Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm.”

Ông sống gần gũi với cư dân trong vùng, và tận tụy giúp đỡ những ngư dân nghèo khó trong xóm chài nhỏ bé. Ông sống trong một ngôi nhà cổ ba tầng, trên tầng thượng ông đặt kính thiên văn để quan sát báo bão cho làng chài. Khi có bão, ông gọi dân làng đến trú ở nhà ông, và cung cấp đồ ăn cho họ.

Bác sĩ Yersin được người Nha Trang yêu mến và kính trọng vì đã có nhiều đóng góp lớn cho vùng đất này, và đặc biệt là khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông viết cho mẹ, “Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống.”

Theo lời kể qua nhiều thế hệ người Nha Trang, bác sĩ Yersin trân trọng những đóng góp của các phụ tá người bản địa, yêu quý họ, và quan tâm đến đời sống của họ.

Trong thời gian ở Nha Trang, ông cũng đã thực hiện những chuyến tham du hàng trăm cây số.

Trong một lần muốn tìm con đường bộ từ Nha Trang vào Sài Gòn, Yersin phát hiện ra những điều kỳ thú ở vùng đất cao nguyên Trung phần, từ đó thực hiện cuộc thám hiểm đầu tiên từ Nha Trang lên ban Mê Thuộc qua tới Cao Miên, tỉnh Stung Treng về Phnompenh. Tiền thám hiểm được ông vét cạn tiền tiết kiệm. Năm 1892, ông gia nhập đoàn y sĩ Pháp để không còn lo lắng về tài chính.

Tháng 6 năm 1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan, Yersin tổ chức đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai, lên Di Linh, cuối cùng khám phá Cao nguyên Lang Biang Vài năm sau đó (1897), Toàn quyền Paul Doumer vừa mới tới Đông Dương đã thể hiện mong muốn xây dựng một trạm điều dưỡng ở trên núi, nơi các quan chức và kiều dân có thể phục hồi sức lực nhanh chóng. Khi đó, chính Yersin là người đã báo cáo lại với ông Toàn quyền về cao nguyên Lang Bian – nơi ông thám hiểm vài năm trước đó, đáp ứng đầy đủ các điều kiện thích hợp để xây dựng một trạm điều dưỡng ở trên núi.

Năm 1899, Đích thân toàn quyền Paul Doumer cùng bác sĩ Yersin tiến hành khảo sát cao nguyên Lang Bian. Trong cùng năm đó, Doumer đã ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang, tới năm 1901 thì ký quyết định xây tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, mở ra cơ hội để Đà Lạt chuyển mình thành một thành phố nghỉ dưỡng trong những năm sau đó. Như vậy dù trước đó đã có những đoán thám hiểm người Pháp khác đặt chân lên Lang Biang, nhưng chính bác sĩ Yersin không phải là người Pháp đầu tiên đề xuất xây dựng nơi này thành Đà Lạt ngày nay.

Sau cuộc thám hiểm Lang Biang năm 1893, bác sĩ Yersin thực hiện cuộc thám hiểm thứ 3, là huyến đi dài nhất và nhiều tham vọng nhất của ông, với dự định mở một con đường mới từ Trung Kỳ sang Lào.

Trong khi Yersin đang chuẩn bị cho cuộc thám hiểm thứ tư thì bệnh dịch hạch đã bộc phát ở miền Nam Trung Hoa và lan truyền xuống Đông Dương, trở thành mối đe dọa cho tất cả cảng biển có giao dịch thương mại với Trung Hoa, trong đó có cảng Hải Phòng. Nhà cầm quyền thuộc địa cử Yersin đến Hongkong để nghiên cứu bệnh dịch. Đó là năm 1894, tới năm 1895 ông trở lại Viện Pasteur ở Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh (năm 1905 viện này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur toàn cầu).

Năm 1896, ông thành lập trại chăn nuôi Suối Dầu, nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh.

Cùng năm 1896, Yersin đến Quảng Châu để tiêm huyết thanh (được điều chế tại Nha Trang) cho một chủng sinh đang mắc bệnh tại đây, và đã trở thành người thầy thuốc đầu tiên của nhân loại có thể cứu sống một bệnh nhân dịch hạch.

Không chỉ đóng góp lớn cho thế giới nói chung và Đông Dương nói riêng về mặt y tế, bác sĩ Yersin còn là người đầu tiên nhập giống cây cao su về trồng tại Việt Nam, trở thành chủ một đồn điền cao su lúc đầu rộng khoảng 100 ha.

Ông sở hữu khu đất rộng 500 héc-ta ở Suối Giao (nay là Suối Dầu) để làm nông nghiệp và chăn nuôi. Ông cho trồng cây cà-phê Liberia, các loại cây thuốc, cây coca để sản xuất cô-ca-in sử dụng trong ngành dược, tuyển chọn nhiều loại thực vật và động vật từ khắp nơi trên thế giới để nuôi trồng tại đây, biến nó thành một cộng đồng nông nghiệp và khoa học với một trạm xá phục vụ cư dân trong vùng. Trong thời gian này, sản xuất huyết thanh chống dịch cho bò là nguồn thu nhập chính của Yersin. Trung tâm thí nghiệm này về sau trở thành viện thú y đầu tiên ở Đông Dương.

Trong thời gian ở Nha Trang, Yersin có một đóng góp lớn khác cho Việt Nam, đó là người thành lập trường Y Khoa đầu tiên, là hạt nhân quan trọng để sau đó thành lập Đại học Đông Dương.

Vào năm 1902, trước khi hết nhiệm kỳ Toàn quyền Đông Dương và chuẩn bị về Pháp nhận nhiệm vụ mới, ông Paul Doumer đã mời Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở một trường Y, một bệnh viện, và một trung tâm vệ sinh. Với Trường Y, “ước tính việc xây dựng sẽ tốn một triệu rưỡi franc!” Một số tiền lớn, song theo nhận xét của Yersin, “vẫn rẻ hơn nhiều, lại hữu ích hơn nhiều so với cái nhà hát ở Sài Gòn.”

Yersin được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của École de Médecine de Hanoi (Trường Y khoa Hà Nội), là tiền thân của Đại học Y Hà Nội.

Ông thiết lập giáo trình theo hình mẫu đại học Pháp – sáng khám bệnh ở bệnh viện, chiều dành cho lý thuyết – đích thân ông giảng dạy trong các giờ vật lý, hóa học, và phẫu thuật.

Trường khai giảng ngày 1 tháng 3 năm 1902, năm học đầu tiên có 29 sinh viên, 15 người đến từ Bắc Kỳ, 5 từ Trung Kỳ, 8 từ Nam Kỳ, và 1 từ Cao Miên. Tất cả đều được nhận học bổng 8 đồng mỗi tháng.[63] Ghi nhận của Yersin về những sinh viên Y khoa đầu tiên được đào tạo ở Đông Dương, “Họ rất chăm học, có những người xuất sắc ngang với những sinh viên giỏi nhất bên Pháp. Điều thú vị là ngay cả những người thông minh cũng học rất chăm. Gần như có thể nói rằng không có ai lười biếng.”

Ông có công di chuyển trường khỏi làng Kinh Lược, cho xây dựng ngôi trường ở phố Bobillot (phố Lê Thánh Tông ngày nay), và xây dựng bệnh viện thực hành ở phố Lò Đúc. Trường Y ở phố Bobillot chính là hạt nhân quan trọng nhất để năm 1906 chính quyền Liên bang Đông Dương thành lập Trường Đại học Đông Dương, dựa trên cơ sở có sẵn của trường Y mà bác sĩ Yersin đã thành lập. Đại học Đông Dương là thiết chế Đại học đầu tiên của Đông Dương, là tiền thân của Đại học QGHN ngày nay, cũng là tiền tiên của Viện Đại học Sài Gòn sau này (nay là Đại học QG TpHCM).

Cũng trong những năm đầu thế kỷ 20 này, bác sĩ Yersin chính là người lái những chiếc ô-tô đầu tiên tại Hà Nội: chiếc đầu hiệu Serpollet 5 mã lực chuyển từ Nha Trang ra, rồi chiếc Serpollet thứ hai, đời mới nhất 6 mã lực có thể chạy 100 cây số giờ, đặt mua từ Paris.

Sau hai năm, khi mọi thứ đã vào guồng, Yersin xin từ nhiệm, và trở về Nha Trang.

Về Nha Trang lập trang trại là khởi điểm cho một giai đoạn khác trong cuộc đời Yersin: sống ẩn dật, để lại đằng sau ánh hào quang của một huyền thoại sống – người đẩy lùi bệnh dịch hạch và là người khám phá cao nguyên Lâm Viên – để sống với niềm đam mê mới: nghiên cứu cùng thực hành nông nghiệp và chăn nuôi.

Từ Suối Giao, sau một chuyến thám hiểm ngắn với Armand Krempf – hai ngày đi thuyền và hai ngày leo núi – Yersin phát hiện ngọn núi Hòn Bà. Trong năm 1915, ông tiến hành di thực các loài thực vật và động vật, gieo các loại hạt giống, và xây dựng một ngôi nhà gỗ kiểu Thụy Sĩ. Ông nghiên cứu điểu học, nghề làm vườn, và sưu tầm các loại hoa. Ông cũng mở một chiến dịch trồng rừng đồng thời khuyên dân làng bỏ tập tục chặt đốt cây rừng. Ông dựng chuồng nuôi chim và đưa về lãnh địa rộng 15 000 héc-ta của mình các loài chim lạ. Ông trồng thử nghiệm cây canh-ki-na để sản xuất thuốc ký ninh chữa bệnh sốt rét. Ông tìm ra thổ nhưỡng thích hợp cho loại cây này ở vùng đất Dran (nay là Đơn Dương) và Di Linh.

Yersin dùng số tiền có được nhờ những giải thưởng khoa học để xây dựng một con đường dài 30 cây số quanh co uốn khúc từ Suối Giao lên Hòn Bà. Sử dụng thiết bị tiên tiến ”Improver Road Tracer”, ông “đích thân chỉ đạo công việc, với sự giúp đỡ của các cai An Nam, làm một con đường có độ dốc rất đều, ở mức mười phần trăm.” Đôi khi phải dùng bộc phá để nổ phá đá, và “dùng các mảnh vụn để xây tường chống.” Nhờ con đường này, Yersin chuyển một máy phát điện lên ngôi nhà gỗ, lắp đặt hệ thống đèn, khởi động một máy dẫn nước để tưới cây, và đặt mua từ Pháp một chiếc Citroën bánh xích, cùng loại với “những chiếc xe đã băng qua sa mạc Sahara.”

Suốt nửa thế kỷ sống ở Việt Nam, ông không ngừng nhập những máy móc tân tiến nhất, lại còn có ý định xây dựng một sân bay ở Nha Trang.

Nha Trang xưa

Yersin có sở thích là muốn biết mọi thứ. Ông là chuyên gia về nông học nhiệt đới, nhà vi trùng học, nhà dân tộc học, nhiếp ảnh gia, rồi nghiên cứu khí tượng. Ông mua máy điện lượng kế, làm một con diều thật lớn thả lên độ cao một ngàn mét để đo điện khí quyển và dự đoán giông bão. Ông muốn giúp những người dân chài thường khi bị mất tích trên biển mỗi lúc có lốc xoáy vụt đến. Yersin thuyết phục Fichot, một kỹ sư thủy văn phục vụ trong hải quân và rất say mê thiên văn học, đến sống với ông trong ngôi nhà lớn ở Xóm Cồn với kính thiên văn và máy quan tinh được lắp đặt trên sân thượng để cùng nhau nghiên cứu khí tượng. Trong những ngày cuối đời, Yersin gắn bó với niềm đam mê mới: văn chương. Ở tuổi tám mươi, ông lại học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, và biên dịch những tác phẩm của Phèdre, Virgile, Horace, Salluste, Cicéron, Platon, và Démosthène.

Khoảng 40 năm sau chuyến thám hiểm của Yersin lên Lang Biang, nơi này đã trở thành thị tứ Đà Lạt, nơi nghỉ dưỡng lừng danh của Đông Dương. Tại đây chính quyền cho xây một ngôi trường lớn – khởi công xây dựng năm 1927, ban đầu tên là Trường trung học Đà Lạt (Lycéе de Dalat), nhưng tới mùa khai giảng năm 1935 đã chính thức mang tên Lycéе Yеrsin để vinh danh vị bác sĩ đã có công lớn với vùng đất này. Trường Lycée Yersin ngày nay là Trường Cao đẳng Sư phạm, là kiến trúc đẹp và độc đáo của Đà Lạt cũng như của Việt Nam.

Trong buổi lễ công bố đổi tên trường năm 1935 đó, chính bác sĩ Yersin cũng có mặt và đọc lời cảm tưởng như sau:

“Các em khiến tôi hồi tưởng lại sự phát hiện cao nguyên Lang Biang vào tháng 6-1893 trong một chuyến đi khảo sát với mục đích thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung kỳ lúc bấy giờ hoàn toàn không ai biết đến.

Ấn tượng của tôi thật sống động khi vừa ra khỏi rừng thông, tôi đứng trên bờ của một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và mấp mô có ba đỉnh núi Lang Bian chế ngự. Mặt đất nhấp nhô khiến tôi liên tưởng đến biển cả xao động vì một ngọn sóng khổng lồ như thỉnh thoảng thường thấy trên bờ biển miền Trung vào lúc trời sắp giông bão.

Không khí mát mẻ làm cho tôi quên đi nỗi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy lên chạy xuống hết tốc lực trên những ngọn đồi xanh tươi như một cậu học trò nhỏ…”

Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai, ngày 1 tháng 3 năm 1943, Yersin từ trần tại nhà riêng ở Nha Trang, ông để lại di chúc, “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng không điếu văn.” Dù vậy, rất đông người tìm đến để đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người dân Xóm Cồn và Nha Trang than khóc và để tang cho ông. Đoàn người đưa tang dài đến hơn ba cây số.

Một số hình ảnh hiếm về đám tang bác sĩ Yersin tháng 3 năm 1943 ở Nha Trang:

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận