Bộ sưu tập ảnh và video hiếm cuộc đụng độ giữa lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn và Quân đội Quốc Gia năm 1955

Do mâu thuẫn với chính quyền thủ tướng Ngô Đình Diệm, vào tháng 3/1955 lực lượng quân đội Bình Xuyên của tướng Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) đã mở cuộc tấn công Bộ tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập. Tháng 4/1955 thì quân Bình Xuyên đánh thành Cộng Hòa, bản doanh của lực lượng phòng thủ Phủ tổng thống. Đây là cuộc đụng độ quân sự lớn nhất ở Sài Gòn trong thập niên 1950, trong thời điểm Ngô Đình Diệm vừa lên nắm quyền và muốn dẹp bỏ các lực lượng quân sự ly khai.

Bình Xuyên nguyên thủy là tên của ấp Bình Xuyên thuộc làng Chánh Hưng, Nhà Bè. Khi Dương Văn Dương (thường gọi là Ba Dương – thủ lĩnh các nhóm giang hồ ở Nam Kỳ) thống nhất các lực lượng quân sự chống Pháp ở các vùng Tân Quy, Tân Thuận, Nhà Bè, Thủ Thiêm, ông đã chọn cái tên “Bình Xuyên” để đặt cho lực lượng này. Đây là tên chữ trên bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn để chỉ vùng Hố Bần, còn gọi là Xóm Cỏ, là địa bàn hoạt động của lực lượng Ba Dương lúc đó. Cái tên “Bình Xuyên” còn hàm chỉ: “Bình” gợi chiến công đánh chiếm và bình định, còn chữ “Xuyên” để chỉ vùng chi chít sông rạch.

Từ trước đó, trong những năm 1920, lực lượng của Ba Dương cầm đầu là một tổ chức gồm những toán cướp trên sông chuyên moi tiền bảo vệ từ những du khách đi thuyền tam bản qua kênh rạch đến bến tàu Chợ Lớn. Chuyên trộm cướp từ người giàu và đem về chia cho dân nghèo, Lực lượng Ba Dương trở thành những người hùng trong con mắt người dân bản xứ cư trú trong rừng.

Năm 1936, Dương bắt đầu hoạt động phạm pháp khi nhận bảo kê cho các bến xe đi tuyến Phnompenh – Sài Gòn. Đến năm 1940, ông trở thành một trong những thủ lĩnh của giới lục lâm thảo khấu Nam Kỳ thời bấy giờ. Khi Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Việt Nam năm 1940, Ba Dương đứng ra chỉ huy nhóm Thanh niên cảm tử đoàn tổ chức kháng chiến chống quân Nhật cùng em trai Năm Hà và một số đàn em Bảy Viễn, Mười Trí. Sau khi quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh năm 1945, Ba Dương hợp tác với Việt Minh chống lại liên quân Anh–Pháp đang mưu toan kế hoạch tái chiếm Đông Dương.

Sài Gòn năm 1945

Bộ đội Bình Xuyên được xem là lực lượng quân sự mạnh nhất ở vùng Nam Kỳ thời điểm đó. Địa bàn hoạt động được tổ chức thành Liên khu Bình Xuyên (gồm các chi đội số 2, 3, 4, 7, 9, 21, 25), đảm trách nhiệm vụ bao vây quân Anh-Pháp ở mặt nam Sài Gòn. Sau khi đặc phái viên trung ương Nguyễn Bình của lực lượng Việt Minh vào tổ chức quân đội, Dương Văn Dương được chỉ định làm Khu bộ phó Khu 7 của Việt Minh.

Một biến cố quan trọng xảy ra vào đầu năm 1946, Dương Văn Dương tử trận, dẫn tới việc lực lượng Bình Xuyên bị phân hóa thành 2. Một bộ phận chống Pháp do Dương Văn Hà (tức Năm Hà, em cùng cha khác mẹ của Dương Văn Dương) chỉ huy, được tổ chức lại và phiên chế chính quy thành Vệ quốc đoàn, mang tên Trung đoàn Dương Văn Dương.

Một bộ phận khác do Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn) chỉ huy, ly khai năm 1948 và hợp tác với cựu hoàng Bảo Đại để tham gia thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam thuộc liên hiệp Pháp. Đội quân của Bảy Viễn chính là lực lượng Bình Xuyên được biết đến nhiều nhất vào thập niên 1950, đối đầu với chính quyền thủ tướng Ngô Đình Diệm năm 1954.

Bảy Viễn – thủ lĩnh Bình Xuyên

Từ năm 1948, lực lượng Bình Xuyên ly khai là một lực lượng quân sự bổ sung nằm trong khối Liên hiệp Pháp dưới danh xưng “Công an xung phong”, địa bàn hoạt động ở xung quanh Sài Gòn.

Dưới sự đồng thuận của Pháp, Bình Xuyên kiểm soát nhiều sòng bài, nhà thổ, cùng những thương cuộc lớn nhỏ khắp vùng Sài Gòn—Chợ Lớn trong đó phải kể Casino Grande Monde (Đại Thế Giới), Casino Cloche d’Or (Kim Chung), Bách hóa Noveautes Catinat.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Pháp chính thức rút khỏi Đông Dương, lực lượng Bình Xuyên sáp nhập vào Quốc Gia Việt Nam, lúc đó thủ tướng là Ngô Đình Diệm, nhưng người đứng đầu Bình Xuyên là tướng Lê Văn Viễn ngầm không phục tùng.

Tháng 7 năm 1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chính thành lập chính phủ trung ương và nộp danh sách nội các. Chỉ huy Bình Xuyên là Bảy Viễn đòi được tham chính và đưa ra yêu sách lập chính phủ mới.

Ngày 4 tháng 10 năm 1954, Bảy Viễn cùng tướng Nguyễn Văn Hinh và tướng Nguyễn Văn Xuân vào Dinh Độc Lập để hội đàm cùng tân Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Nguyễn Văn Hinh trước đó là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam, nhưng đã bị Ngô Đình Diệm cách chức từ tháng 9/1954, còn Nguyễn Văn Xuân là thủ tướng đầu tiên của Quốc Gia Việt Nam, nhiệm kỳ 1948-1949.

Cuộc hội kiến lịch sử giữa thủ tướng Ngô Đình Diệm và 3 tướng lĩnh thân Pháp và có quan điểm ly khai. Từ trái qua: Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Hinh, Ngô Đình Diệm, Lê Văn Viễn

Cuộc hội đàm không đạt được thỏa thuận nào, bảy Viễn từ chối lời mời của Thủ tướng về việc sáp nhập Lực lượng Bình Xuyên vào Quân đội Quốc gia.

Bình Xuyên và các giáo phái khác như Cao Đài, Hòa Hảo muốn giữ nguyên lực lượng riêng của mình với lý do quân đội họ có lối đánh riêng, nếu sáp nhập vào Quân đội Quốc gia thì sẽ mất đi hiệu năng chiến đấu.

Ba thủ lĩnh ly khai: Bảy Viễn (Bình Xuyên), Phạm Công Tắc (Cao Đài) và Năm Lửa (Hòa Hảo)


Xem video

Vì thủ tướng Ngô Đình Diệm không nhượng bộ, nên cả Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo và một số lực lượng khác đã cùng họp bàn ra quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia vào ngày 4 tháng 3 năm 1955 với Chủ tịch là Hộ pháp Phạm Công Tắc (thủ lĩnh Cao Đài) và Phó chủ tịch là Bảy Viễn nhằm chống đối chính phủ mà Thủ tướng Diệm điều hành (thay mặt Quốc trưởng Bảo Đại đang ở Pháp). Ngoài ra, ông Diệm vốn là người Công giáo, muốn dẹp bỏ các tệ nạn xã hội cũng như cắt đứt các nguồn thu nhập khổng lồ của Bảy Viễn nên đã thẳng tay ra lệnh đóng cửa Đại Thế Giới, Kim Chung cùng các sòng bạc khác do Bình Xuyên điều hành, ảnh hưởng tới quyền lợi của Bảy Viễn nên hình ngày càng căng thẳng.

Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia gửi tối hậu thư buộc chính phủ phải có danh sách Nội các mới trước ngày 26 tháng 3 năm 1955, nhưng vì Nội các Ngô Đình Diệm không chịu nhượng bộ nên ngày 28 tháng 3 quân Bình Xuyên đã mở cuộc tấn công Bộ Tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập, sang tháng 4 thì tấn công thành Cộng Hòa.

Ban đầu quân đội Bình Xuyên giành được lợi thế, nhưng sau đó bị các đơn vị Nhảy dù Quân đội Quốc gia do Trung tá Đỗ Cao Trí chỉ huy sau năm ngày đã nhanh chóng áp đảo và đánh bật ra khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn. Quân đội Quốc gia phản công, đáng kể nhất là lực lượng người Nùng thiện chiến của Ngô Đình Diệm đã đánh sang tận Tổng hành dinh của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn và rút về mật khu Rừng Sác, hai bên sau đó vẫn giằng co suốt nhiều tháng trời.


Xem video hiếm thời điểm đánh nhau giữa lực lượng Bình Xuyên và quân đội quốc gia

Tháng 9 năm 1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm phái Đại tá Dương Văn Minh mở Chiến dịch Hoàng Diệu để truy nã Bình Xuyên tại khu vực Rừng Sác. Quân Bình Xuyên bị hoàn toàn tiêu diệt, Lê Văn Viễn đào tẩu sang Campuchia rồi lưu vong sang Pháp. Sau đó, một lực lượng Bình Xuyên ly khai khác do Võ Văn Môn (tức Bảy Môn) chỉ huy đào thoát về miền Đông, lập căn cứ tồn tại độc lập đến năm 1960 thì tham gia vào Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Trong khi đó 2 lực lượng khác của Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia là quân đội Cao Đài và Hòa Hảo chấp nhận quay đầu quy thuận chính quyền.


Video năm 1955 quay lại Sài Gòn hoang tàn sau cuộc đụng độ

Sau đây là bộ sưu tập hình ảnh cuộc đụng độ giữa quân đội Quốc gia Việt Nam và lực lượng Bình Xuyên trên đại lộ Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo), vùng giáp ranh Chợ Lớn – từng là địa bàn của Bảy Viễn:

Trở lại với Lê Văn Viễn, sau khi đưa lực lượng Bình Xuyên tham gia vào Quốc Gia Việt Nam (của Quốc trưởng Bảo Đại) thuộc liên hiệp Pháp từ năm 1948, thế lực của ông rất lớn vì nắm lực lượng quân đội riêng.

Lê Văn Viễn năm 1948 khi ly khai với Việt Minh để chuyển qua hợp tác với Pháp

Ngày 1 tháng 1 năm 1951, bằng thế lực của mình, Bảy Viễn đấu thầu thành công và thâu tóm sòng bạc Đại Thế Giới (Casino grand Monde) ở Chợ Lớn vốn thuộc hàng lớn nhất nhì Châu Á hoặc có lẽ toàn Thế giới lúc bấy giờ.

Theo hồ sơ về tỷ phú Hoa kiều Lý Long Thân do Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa lập, hiện lưu trữ tại Cục lưu trữ Việt Nam, thì Lý để cầu thân Bảy Viễn đã bỏ số tiền hơn 4 triệu Franc để tổ chức tiệc chiêu đãi Bảy Viễn và thuộc cấp tại hý trường Đại Thế Giới. Sau đó Lý còn đề nghị Bảy Viễn đứng ra thầu lại sòng bạc Đại Thế Giới dưới sự hỗ trợ tài chính của chính mình với giá 500 nghìn đồng Đông Dương/ngày. Được tỷ phú Hoa kiều hỗ trợ, và nhất là được Quốc trưởng Bảo Đại hậu thuẫn tạo mọi điều kiện thuận lợi, nên Bảy Viễn dễ dàng trúng thầu khai thác Đại Thế Giới. Thời điểm đó, nắm được Đại Thế Giới coi như là nắm được Chợ Lớn, khu phố Hoa nhộn nhịp và giàu có, được đánh giá cao hơn cả Khu phố Tàu ở San Francisco nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Theo các tài liệu trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thì Lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn còn tham gia vào rất nhiều các ngành kinh doanh và khai thác khắp Nam Kỳ, nắm thế lực lớn cả về quân sự lẫn tài chính.

Dù là một phần của chính phủ Quốc Gia Việt Nam, nhưng Lực lượng Bình Xuyên do Bảy Viễn chỉ huy lúc đó vẫn là một đơn vị độc lập, vừa là quân đội vừa là tổ chức xã hội đen khét tiếng với đầy đủ các ban tham mưu, mật thám, gián điệp, chỉ điểm. Bảy Viễn còn cho thành lập những Ban Hành động (Comités d’action), trong thực tế đó là các Ban Ám sát (Comités d’assassinats) gồm khoảng 150 người, mang súng lục và lựu đạn, mỗi lần hoạt động thường đi từng toán 2-3 người. Những toán này được dùng để thanh toán bất cứ ai cạnh tranh hay chống lại các hoạt động của Bình Xuyên. Ngoài ra, Bảy Viễn còn là chủ tịch Đảng “Mặt trận Bình dân” với khoảng 10.000 đảng viên.

Vì Lê Văn Viễn từng theo tướng Nguyễn Bình vào trong bưng để chống Pháp, là người hiểu rất rõ hoạt động của Việt Minh, nên thời kỳ ông cai quản Chợ Lớn, rất ít người thuộc Việt Minh hoạt động được trong nội thành.

Ngày 22 tháng 4 năm 1952, Quốc trưởng Bảo Đại phong Bảy Viễn lên cấp Thiếu tướng (Major-général) Quân đội Quốc gia và bổ nhiệm vào chức vụ Tổng trấn Sài Gòn-Chợ Lớn kiêm nhiệm vụ trông coi ngành Cảnh sát-Công an, nên sau đó Bảy Viễn giao chức Giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành cho thuộc cấp Lại Văn Sang (Tư Sang).

Bảy Viễn năm 1953

Trong khoảng thời gian vàng son khi nắm trong tay quyền lực bất khả xâm phạm, vừa là tướng quân đội, vừa nắm toàn quyền ngành an ninh, thao túng nhiều hoạt động kinh doanh cùng thế giới ngầm tội phạm, Bảy Viễn trở thành một trong những ông trùm mafia giàu có và quyền lực nhất toàn cõi Đông Nam Á, được xem là một “Bố già” của Việt Nam, không thua gì các “Bố già” nổi danh của Ý và Mỹ. Trong giới giang hồ miền Nam trước năm 1975 thì Bảy Viễn là người thành công nhất về quyền lực, sự giàu sang cũng như đạt đến đỉnh cao danh vọng.

Bảy Viễn khi sống lưu vong bên Pháp

Sau khi lực lượng Bình Xuyên thất bại năm 1955, Lê Văn Viễn thoát qua Campuchia rồi sống lưu vong ở Pháp, qua đời tại đây năm 1972.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận