Những cách “chơi xuân” của người Việt hơn 100 năm trước

Sau đây là bài viết đăng trên báo Lục Tỉnh Tân Văn đầu năm 1918, tức hơn 100 năm trước, bàn về cách chơi xuân của người Việt. Báo này nói về các việc ở xứ Nam Kỳ, và ngôn ngữ cũng bình dân dễ hiểu đối với người lục tỉnh thuở đó, với văn phong và chữ nghĩa rặt Nam Kỳ, như là: ngó lại (nhìn lại), phỉ (thỏa), ngõ hầu (nhằm mục đích), nhơn ngày (nhân ngày), tánh (tính), hạp (hợp), thới quá (thái quá)… Bài báo cũng nhắc tới bánh ếch, có thể là cách gọi bánh ít ngày nay, và ngày Tết có bánh tét, chứ không phải là bánh chưng. Đặc biệt, ngày 23 tháng Chạp được báo ghi là ngày “đưa ông Táo về trời”, cách gọi y hệt miền Nam ngày nay, chứ không nói là ngày “Tết ông Công ông Táo” như ở miền Bắc.

Tựa đề bài viết này là: Có chi vui bằng Tết

Chẳng còn mấy bữa nữa mỗi người chúng ta được một tuổi thêm, tôi không dám nói dối: buổi tôi còn nhỏ tôi ham tết quá chừng, mà nay cũng thích tết như xưa, cứ lần tay mà tính từng bữa một. Ngó lại trong gia đạo của tôi, nhớ việc học hành của trẻ con tôi, bút nghiên đã dẹp một xó rồi, qua bữa 23 là ngày đưa ông Táo về trời thì cái dạ ước mơ của tôi đã phỉ được một vài phần, các cậu công tử nay ham tết thế nào, xưa tôi cũng ham tết như vậy, cũng là vì khát khao sự vui ấy mà ăn tết một ngày cái bụng chưa lấy làm phỉ, phải ăn tết ba bữa; ba bữa cũng chưa mãn nguyện, phải ăn tết đến bảy bữa, bảy bữa cũng chưa vừa lòng có nhà phải một tháng, còn ngày xuân chừng nào thì ăn tết ngày ấy, bởi vậy chơi tết cũng gọi là chơi xuân, tôi đã hỏi nhiều ông sự chơi xuân thế nào là thú?

Ông thì nói: chẳng chi thú cho bằng vợ chồng con cái xúm xít nhau mà ăn uống rượu tây, rượu ta, nào bánh ếch, bánh tét, no say rồi đi nghỉ ngơi, nghỉ ngơi rồi dậy lại ăn, ấy là cái thú đệ nhứt.

Có ông thì nói chẳng chi hơn bằng nằm một bên mâm á phiện, chế trà cho ngon, bánh mứt dựa kế một bên, ấy là cái cực phẩm thần tiên.

Kẻ thì nói, chẳng chi vui bằng vầy nhau một ván đánh tứ sắc, câu tôm câu cá v.v.; đừng đánh me, bài cào chẳng nên.

Có ông lại văn minh thái quá, nói rằng: ngày tết chỉ nằm một chỗ, đọc sách, đặt nhựt trình là thứ hơn hết; hoặc nhơn ngày tết rảnh rang công ăn chuyện làm thì đi săn bắn, đi dạo chơi ở cảnh lạ để tiêu khiển. Cách chơi xuân như vậy trái tánh người ta quá, ít kẻ muốn theo.

Còn các bà các cô nhiều kẻ nói đi xin xăm, xin năm bẩy quẻ hỏi, cho biết gia sự, và vận mạng của mình ra làm sao; hoặc đi cầu Trời Phật để ngài ban tài ban lộc, ngõ hầu được từ đầu năm đến cuối năm lúc nào cũng được tốt tài, sai lộc luôn.

Cũng còn nhiều cách chơi xuân, mà tóm lại thì cách nào cũng là sự cầu vui cả; mỗi người đều có một sở thích riêng, người ưa thứ nầy, kẻ hạp thứ khác.

Con người ai cũng chơi, song cũng phải xét trước nghĩ sau, xem thứ chơi nào có ích, thứ chơi nào không hại.

Nói cho phải, chẳng nên chơi quá độ, không nên chơi cho tốn tiền thới quá.

Từ khi nhà nước cấm việc cờ bạc trong mấy ngày tết, thì dân ta đã khỏi nhiều cảnh khốn nạn. Dân ta có biết ơn không? còn oán nhà nước sao không cho mình được tự do đổ bác?

Nay mai thêm một tuổi, ai cũng nên thêm một công việc làm ích cho xã hội.

(Báo Lục Tỉnh Tân Văn 7/2/1918 – không thấy ghi tên người viết)

Viết một bình luận