Cuộc sống thôn dã của người Việt xưa qua những câu ca dao, phong dao ngày Tết

Mời các bạn đọc lại 1 bài viết thú vị đăng trên cuốn sách Tết năm 1942, nhắc về những câu ca dao, phong dao ngày Tết quen thuộc được lưu truyền qua vài trăm năm và vẫn còn cho tới nay, thể hiện được tâm tư, tình cảm và cuộc sống của người Việt xưa nơi thôn dã, gắn với ruộng đồng làng quê…

Mỗi lần gió xuân đầm ấm mang về những màu hoa đẹp đẽ là mỗi lần có những trái tim âm thầm sống sau lũy tre bỗng rộn rực lạ thường. Ngày này sang ngày khác, họ vẫn đầu tắt mặt tối, tận tụy với nghề nông, hoặc buôn tảo bán tần, quên cả sự cực khỏ. Họ tìm trong sự cực khổ một hạnh phúc và lấy sự làm việc làm mục đích, nên đời họ không khi nào không bận rộn.

Nhưng đây, hoa mai vàng đã nở trước nhà và gió xuân đã nhặt từng cánh một bay trước sân, khiến họ mỉm cười sung sướng bảo thầm: “Xuân đã tới kia rồi!”.

Xuân là mùa mát mẻ, không khí êm hòa nhất trong năm. Mùa hạ nóng nực. Mùa thu ảm đạm. Mùa đông lạnh lẽo. Chỉ mùa xuân có cảnh vật tưng bừng, khiến cho người dù buồn bã đến đâu cũng hóa ra vui vẻ, ham sống.

Sự rộn rực trong lòng khi xuân sắp đến hiện rõ rệt ở thôn quê, nhát là trong những bận rộn của người vật. Mỗi khi nghe một ông lão ngồi trên sập tre, vừa nhâm nhi nước trà tàu, vừa kể lại cho những đứa trẻ ngây ngô nghe thời thơ ấu, hoặc thuật lại những rộn rực trong lòng khi tết sắp đến. Chúng nó bằng lòng lắm, vỗ tay reo mừng. Mỗi lần gió xuân mang về tiếng pháo vang động là mỗi lần các cụ buồn rầu, cũng là mỗi lần các con trẻ hớn hở vui tươi. Tuổi nhỏ lúc nào cũng thích cảnh vui đẹp, mới lạ. Tết là một dịp chúng nó được mặc quần áo mới, được tiền mừng tuổi của bà con cho, được những trò chơi thường ngày không thấy. Đối với chúng nó, một năm dài như mấy thế kỷ, nên chúng chờ đợi, đếm từng ngày lạnh lùng và âm thầm trôi qua. Khi nghe bên ngoài, trong lũy tre mặc áo vàng nhạt, con cu cu gáy vang, chúng reo mừng:

Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè.

Không phải chỉ có tiếng chim kêu, người ta mới biết tết sắp đến. Các cô thiếu nữ lòng xuân phơi phới như hoa mới nở, cũng náo nức chờ tết. Các cô cũng đếm từng ngày, xem chừng dưa hấu bán ngoài chợ để lo dọn dẹp, bánh mứt trong nhà:

Khi nào chợ có bán dưa
Là em sắp sửa rước đưa ông bà.

Những kẻ tận tụy làm việc, quên rằng ngày tháng đã hết. Lúc thấy xuân về trong gió, họ ngơ ngác bảo thầm: “Năm cũ chửa qua, năm mới đã đến”.

Có kẻ nghèo khổ, tìm đâu cho được tiền cúng giỗ ông bà, nên thở dài, chán nản:

“Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”.

Tết là một dịp ăn chơi thỏa thích. Ai cũng cố kiếm tiền cúng tổ tiên hoặc xa xỉ trong ba ngày xuân để đền bồi lúc cực khổ gian nguy.

Tết cũng là một dịp để ta hiểu biết sự khéo léo, tài tề gia nội trợ của đàn bà Việt Nam. Đây là lời người mẹ mắng đứa con gái thẩn thờ:

“Năm hết, tết đến, sao con không biết lo, còn ngồi mơ mộng gì nữa?”

Dân quê mộc mạc làm lụng vất vả, hi vọng chờ kết quả của sự làm việc. Một khi thấy công cuộc làm ăn thất bại, họ buồn rầu chán nản, nhưng không đến đỗi tuyệt vọng. Họ an ủi với câu:

“Có không mùa đông mới biết
Giàu nghèo, ba mươi tết mới hay”.

Mỗi khi thất bại như thế, họ không đành khoanh tay đợi số mệnh. Ngày đêm suy tính, tìm cách bươn chải buôn bán kiếm tiền nuôi chồng con no ấm chẳng quản khổ cực gió sương.

“Con ơi, con ở lại nhà,
Má đi Chợ Lớn mồng ba má về
Má về có quít con ăn,
Có cam con lột, có em con bồng!”

Lời góa phụ dặn con phát biểu cảnh cô độc của đời mình, vì góa phụ phòng không náo bức, muốn tìm bạn tâm đầu mong sống lại với tình yêu. Dù sao, tình thương con không bờ bến lúc nào cũng khắc trong đầu óc của người đàn bà Việt Nam. Cũng có kẻ không đi buôn bán xa xôi, không quen thuộc đường sá, xã giao, lo trồng trỉa cây trái nuôi thân. Tết đến, trong thôn quê, nhà nào cũng có đồ trồng. Họ dành những trái cây ngon tốt để cúng, còn bao nhiêu đem ra chợ bán tất, lấy tiền mua những vật mà họ không có. Gần ba mươi tết, nhà nào cũng sẵn lễ vật, nên chỉ lúc ấy là lúc mấy ông làm biếng rình rập trộm cướp của người. Vào khoảng thượng tuần tháng giêng, ăn trộm rất thạnh hành trong thôn quê. Hỡi ôi! sao vẫn còn những con mọt của xã hội thế? Đây là một đàn bà mộc mạc thấy ăn trộm hái bầu mình:

“Ví dầu ví dẩu ví dâu
Ăn trộm hái bầu, tôi chẳng dám ra”.

Lúc lâu, nàng định tâm:

“Chẳng ra người ta hái hết,
Có mấy dây bầu để Tết nấu canh”.

Nhiều kẻ quê mùa còn óc tín ngưỡng, nhứt là các cô gái chưa chồng, buồng không hiu quạnh. Một sự buồn rầu, một sự thất bại cỏn con, một việc gì dù nhỏ nhen đến đâu cũng có thể làm họ sợ cuống quýt. Phương chi mùa màng thất thiếu, buôn bán thâm lỗ, họ càng phải cần dùng người giải hộ nguyên do sự làm ăn không nông nỗi. Chắc chắn họ sẽ nhờ đến thầy bói, xin que xem tết năm nay có phát tài phát lợi gì không và gia đạo ra sao. Ta hãy lẳng lặng nghe thầy tán quẻ:

“Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ba mươi tết, có thịt heo trong nhà
Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sanh con đầu lòng, chẳng gái thì trai.”

Cô gái hài lòng lắm, vì theo ý cô, tết năm nào cô không nghèo đến đỗi.

Mỗi khi nghe rạo rực trong gió cả mùa xuân sắp đến, dân quê suy tính chuyện sắp làm trong năm mới: nào tháng giêng sang năm làm gì, tháng hai làm gì. Mỗi mỗi đều làm theo một chương trình và một phương pháp. Ngày giờ là tiền bạc, nên chi họ rất hà tiện ngày giờ cũng như hà tiện tiền bạc.

“Tháng chạp thì mắc trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà”.

Hay là:

“Tháng giêng mua gỗ, tháng hai làm nhà.”

Có kẻ lại nghĩ rằng: Trong năm làm việc vất vả. Xuân đến phải vui chơi thỏa thích để sang năm bắt đầu phấn đấu hăng hái thêm:

“Một năm là mấy lần xuân,
Ăn chơi cho thỏa phong trần ai ơi!”

Hay là:

“Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai trồng cà.”

Xem thế, kẻ nầy rất bận rộn về việc trồng trỉa trong tháng 2.

Lại cũng có kẻ bảo rằng đời người ngắn ngủi như gió thoảng mây bay, như vóng ngựa câu qua cửa sổ, phải vui vẻ, hưởng xuân: Thôi thì, nay cờ bạc, mai rượu chè, say sưa túy lúy.

“Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”.

Xuân đến không những gieo vào lòng thiếu nữ những rộn rực khó tả, lại khêu gợi tình yêu nồng nàn của thanh niên muôn ngàn đặc điểm của vũ trụ. Tất cả hương vị êm đềm của xuân bắt chúng nó nghỉ đến sự lập gia đình. Hương xuân hay kích thích trái tim sôi nổi tình yêu:

“Em về thưa mẹ cùng cha,
Có cho anh cưới, tháng nầy anh ra.
Anh về thưa mẹ cùng cha,
Bắt lợn sang cưới, bắt gà sang sêu.
Chắt như lời ấy không sai,
Tháng giêng đẵn gỗ, tháng hai làm nhà,
Tháng ba ăn cưới đôi ta…”

Thời xưa, đạo quân thấn rất trọng. Mỗi lần tết đến, họ lại nghỉ ngay đến chúc thọ thánh hoàng, cùng các quan lớn nhỏ:

Năm cũ đã qua
Năm mới đã đến,
Bước chân vào đình trung,
Tôi kính chúc:
Trước tôi kính chúc Thánh Cung vạn tuế, tại thượng dương dương, bảo quốc, hộ dân, lưu ân, tích phúc.

Tôi lại chúc Kỳ lão sống tám chín mươi, thọ tăng thêm thọ.

Tôi lại chúc quan viên trùm lão, niên tăng phú quí, nhật hưởng vinh hoa.

Tôi lại chúc quan lại, binh viên ta đột pháo, xông tên, công thành danh toại.

Tôi lại chúc đồng trang thượng hạ, già sức khỏe, trẻ bình yên, nhờ đức Vua, nhà no, người đủ, các xướng “Thiên thu vạn tuế!”.

Than ôi, mỗi lần xuân đi, biết bao nhiêu người muốn xuân lại mà xuân đi. Mỗi lần xuân đến, cũng có lẻ muốn xuân đi mà đến. Xuân đi lại lại, lòng của dân quê mộc mạc vẫn rộn rực với xuân. Và rồi đây, xuân còn đi còn lại thì những câu ca dao, phong dao sẽ còn thú vị và đặc sắc hơn nữa.

Tác giả: Lãng Sĩ

Viết một bình luận