Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức – Mô hình giáo dục tiên tiến được áp dụng gần 60 năm trước

Trong vòng 5 năm, từ năm 1964-1969, toàn miền Nam có 3 trường trung học cùng mang tên Kiểu Mẫu lần lượt được thành lập. Cả 3 trường đều trực thuộc Đại học Sư phạm tại địa phương chứ không do Ty Giáo dục quản lý như hầu hết các trường trung học khác. Đầu tiên là trường Trung Học Kiểu Mẫu ở Huế khai giảng khoá đầu tiên năm 1964. Năm kế tiếp Kiểu Mẫu ở Thủ Đức được hình thành năm 1965, trường Kiểu Mẫu ở Cần Thơ xuất hiện vào năm 1968.

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức trực thuộc Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, được khởi công xây dựng ngày 26/5/1963 và hoàn tất ngày 30/3/1964. Người vẽ kiểu trường là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên La Mã 1955 và cũng là người vẽ kiểu Dinh Độc Lập.

Một cựu học sinh của trường Kiểu Mẫu Thủ Đức hồi tưởng như sau:

“Trường chúng tôi được KTS Ngô Viết Thụ thiết kế rất đẹp, rộng mênh mông giữa khu quy hoạch làng đại học, trên đồi, xung quanh là rừng chồi với hoa mua, hoa sim, ao nước, hồ đá. Giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 12, mỗi lớp chỉ có 35 học sinh, toàn khóa thi vào chỉ lấy 140 người, nhưng trường lại có đại giảng đường rộng mênh mông, ghế ngồi xếp bậc cấp như nhà hát, chứa được 1.200 người. Biết bao nhiêu hoạt động tập thể lớp, hiệu đoàn đã diễn ra ở dãy hành lang dài và đại giảng đường ấy…”.

Cũng như các Trường Trung Học Kiểu Mẫu khác, ngôi trường ở Thủ Đức là trung tâm nghiên cứu và kiểm nghiệm chương trình giáo dục theo các mục tiêu:

  • Là chương trình giáo dục phù hợp cả ba nguyên tắc Dân Tộc, Nhân Bản, Khai Phóng đã được Bộ Giáo Dục ban hành.
  • Phương pháp giáo dục mới dựa trên những nguyên tắc căn bản của khoa tâm lý giáo dục là trẻ phải được phát triển toàn diện và phù hợp với khả năng, nhu cầu của chúng.
    Một tổ chức học đường mới, lấy nguyên tắc lãnh đạo dân chủ và tinh thần trách nhiệm tập thể làm phương châm.
  • Trường Trung Học Kiểu Mẫu là trường sư phạm thực hành tạo cho các giáo sinh Đại Học Sư Phạm có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với học đường, học sinh, và các đồng nghiệp tương lai…
  • Trường Trung Học Kiểu Mẫu áp dụng cả giáo dục phổ thông lẫn giáo dục hướng nghiệp (nên được gọi là chương trình Giáo Dục Tổng Hợp).

Đặc điểm của chương trình Giáo Dục Tổng Hợp:

– Học sinh ở trường hai buổi để học hỏi các môn mới lạ và sinh hoạt hiệu đoàn;
– Giới thiệu các môn học thực dụng như canh nông, công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, doanh thương và kinh tế;
– Quan điểm tiên tiến và rộng rãi trong các môn kiến thức xã hội và văn chương;
– Nhấn mạnh vai trò thí nghiệm trong các môn khoa học cơ bản;
– Giới thiệu các khám phá mới trong chương trình toán;
– Lối dạy toàn diện trong các môn ngoại ngữ;
– Dùng du khảo để bổ túc và nhấn nmạnh kiến thức thu lượm trong lớp;
– Lối thi trắc nghiệm và
– Các trại Huấn Luyện, Hướng Dẫn Đức Dục, Thân Hữu, Công Tác và Về Nguồn giúp học sinh phát triển tinh thần thân hữu, lối giao thiệp và sinh hoạt cụ thể trong đời sống, tinh thần lãnh đạo và sự quan tâm đến các vấn đề xã hội.

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức nằm trên một ngọn đồi cạnh xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội), thuộc xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Thủ Đức). Trường gồm một đại giảng đường với 1200 chỗ ngồi, một khu văn phòng và hai dãy lầu với 30 phòng học, 6 phòng thí nghiệm (vật lý, hóa học và sinh vật), một thư viện và văn phòng phẩm, một xưởng công kỹ nghệ đầy đủ dụng cụ cơ xưởng, đồ in và bàn kỹ nghệ họa, 3 phòng doanh thương với hơn 40 máy đánh chữ, 8 phòng dành cho kinh tế gia đình, trang bị đầy đủ dụng cụ như máy may, bếp nấu…. Đến cuối năm 1971 trường lại xây thêm một câu lạc bộ có thể chứa 500 học sinh. Khuôn viên trường Kiểu Mẫu Thủ Đức hiện nay là Đại học Thể dục Thể thao 2.

Học sinh được chọn vào trường trên căn bản thi tuyển tự do và cạnh tranh. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đi tiên phong trong việc dùng đề thi trắc nghiệm trong việc khảo thí.

Muốn lên lớp 12, học sinh phải đậu bằng Hoàn Tất Mỹ Mãn Lớp 11. Muốn tốt nghiệp lớp 12, học sinh phải đậu kỳ thi Chứng Chỉ Thành Chung Trung Học Tổng Hợp (sau này đổi tên thành Tú Tài Tổng Hợp). Vì lý do thử nghiệm của chương trình giáo dục tổng hợp, hai kỳ thi trên được tổ chức trong trường theo đúng tinh thần các nghị định của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, có thêm phần thi vấn đáp nhiều môn học. Cách chấm điểm của các kỳ thi này có phần khó hơn lối chấm điểm trong các kỳ thi Tú Tài phổ thông bên ngoài. Hai bằng này được coi là tương đương và hưởng cùng quyền lợi như văn bằng Tú Tài I và Tú Tài II.

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đào tạo tất cả là 11 khóa trong đó chỉ có 5 khóa là học hết lớp 12 trong trường. Học sinh của trường đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong các kỳ thi tuyển vào những phân khoa của Đại Học Sàigòn cũng như lấy được nhiều học bổng du học ngoại quốc.

Tạp chí Thế Giới Tự Do năm 1965 đưa tin:

“Trong vụ khai trường năm nay, một Trường Trung Học Phổ Thông Kiểu Mẫu thứ hai đã được khánh thành tại Thủ Đức, cách phía Đông Bắc Sài Gòn mười bốn cây số, gần xa lộ Saigon – Hiên Hòa. Trường Trường Trung Học Phổ Thông Kiểu Mẫu thứ nhất cũng thuộc loại này đã được xây cất tại Huế và đã khai giảng từ năm 1964”.

Cũng theo bản tin này, Trường Trung Học ở Thủ Đức áp dụng cả những phương pháp giáo huấn thực hành lẫn học xưởng tân kỳ, đã trở thành một học đường tối tân nhất, được trang bị đầy đủ nhất trong các trường Trung học ở Việt-Nam.

Cũng như trường Trường Trung Học Phổ Thông Kiểu Mẫu ở Huế trước đó, trường Thủ Đức có hệ thống lớp học dạy kèm, trong đó giáo sư tiếp xúc chặt chẽ với học sinh như trong gia đình. Đây là hệ thống giáo dục cận tiếp và “dạy kèm” rất phổ thông tại Hoa Kỳ thời điểm đó, các giáo sư được chỉ định để phụ trách đặc biệt các lớp học và các phòng thí nghiệm.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một hệ thống cố vấn và hướng dẫn giáo dục được thiết lập, trong đó một giáo sư cố vấn phụ trách việc hướng dẫn, trắc nghiệm khách quan và những sự ghi nhận những thành quả tích lũy cho các cá nhân học sinh.

Trong niên học đầu tiên, học đường chỉ mở có hai khối lớp, đó là 4 lớp Đệ Thất, 4 lớp Đệ Lục của bậc Trung Học Phổ Thông Đệ Nhất Cấp. Sau đó mỗi năm sẽ mở thêm lần lượt các khối lớp cao hơn theo mỗi năm.

Các trường trung học công lập trước 1975 đa số có quy định về đồng phục là nam mặc áo trắng, quần xanh đậm, nữ áo dài trắng. Riêng đồng phục ở các trường Kiểu Mẫu là nam mặc áo xanh da trời, quần xanh đậm, còn nữ mặc áo dài hoặc váy màu xanh da trời.

Các trường Kiểu Mẫu không thuộc quản lý của Ty giáo dục như các trường công lập khác mà trực thuộc Đại học sư phạm, tuy nhiên trường vẫn có quyền tự trị nhất định, với ban giám hiệu độc lập và đội ngũ nhà giáo riêng đạt trình độ chuyên môn xuất sắc.

Theo tác giả Phăngxipăng trong bài viết về các trường Kiểu Mẫu cho biết: Đường lối giảng dạy mà Trung học Kiểu Mẫu chủ trương và áp dụng là chú trọng việc hướng dẫn từng cá nhân. Do đó, sĩ số mỗi lớp thường không quá 45 học sinh. Yêu cầu đặt ra: trang bị cho học sinh một số kiến thức tổng quát tối thiểu và phổ thông để sau đủ khả năng theo đuổi bậc đại học, đồng thời cung cấp một số kiến thức thực dụng giúp học sinh hiểu biết để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai hoặc bất đắc dĩ thì có thể mưu sinh nếu chẳng may không tiếp tục được việc học.

Nội dung chương trình giảng dạy của trường Kiểu Mẫu thường xuyên được sửa đổi trên tinh thần linh động uyển chuyển nhằm thích ứng kịp thời với những khám phá mới trong lĩnh vực khoa học giáo dục Việt Nam và thế giới.

Từ thập niên 1960, học sinh Trung học Kiểu Mẫu đã được làm quen tân toán học, nhập môn lớp 6 liền “vui chơi” với lý thuyết tập hợp của Georg Cantor (1845 – 1918) thông qua tập hợp rỗng và tập hợp chứa ít nhiều phần tử với mấy mối quan hệ giao hoặc hội được thể hiện trực quan bằng giản đồ Venn. Các môn khác gồm Việt văn, sinh ngữ lẫn cổ ngữ (Anh, Pháp, Hán), lịch sử, địa lý, vật lý, hoá học, vạn vật (tức sinh học) cũng có nhiều đổi mới so với các trường khác cùng thời, thể hiện qua bài học ngắn gọn với các kiến thức cập nhật, đề cao suy luận sáng tạo hơn ghi nhớ máy móc, chăm chú rèn giũa kỹ năng thí nghiệm và thực hành. Học sinh Kiểu Mẫu còn học âm nhạc, hội hoạ, thể dục thể thao, lại được huấn luyện thêm nhiều môn mà các trường phổ thông khác không dạy như võ thuật, canh nông, chăn nuôi, công kỹ nghệ, doanh thương, kinh tế gia đình.

Lề lối thi cử của trường Kiểu Mẫu được cải tiến đáng kể: bãi bỏ thi lục cá nguyệt (học kỳ), bãi bỏ hệ số các môn thi cuối cấp (tú tài). Điều đó xuất phát từ quan niệm: cần trang bị kiến thức nền một cách toàn diện và không xem thi cử là quyết định tối hậu.

Hồi ấy, các trường trung học chấm bài theo thang điểm 20, riêng Kiểu Mẫu không dùng điểm số mà áp dụng điểm chữ: A (giỏi), B (khá), C (trung bình), D (kém), L (loại / liệt). Đề thi nhập học (tuyển sinh vào lớp 6 được áp dụng ngay từ niên khoá đầu tiên), thi tú tài và cả nhiều bài kiểm tra bình thường ở trường Kiểu Mẫu đều được soạn chủ yếu dưới dạng trắc nghiệm với nhiều kiểu khác nhau: điền khuyết, chọn lựa, trả lời vắn tắt…

TS Dương Thiệu Tống, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức từng cho biết: “Trong một môi trường xã hội không mấy thuận lợi, chúng tôi đã cố gắng thiết lập một mô hình giáo dục trung học mới tổng hợp cả hai cấp, thu thập cái hay của giáo dục thế giới, đồng thời cố gắng tạo bản sắc riêng cho Việt Nam. Chương trình học đặt căn bản trên triết lý, mục tiêu và điều kiện riêng của nhà trường, phối hợp giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp, thiết lập các ban công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, canh nông và doanh thương cho học sinh phổ thông, áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập lấy học sinh làm trung tâm”.

TS Nguyễn Nhã, nguyên trưởng ban nghiên cứu giáo dục của Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức, đã tổng kết: “Trường THKM chú trọng rèn luyện kỹ năng hướng nghiệp cho học sinh bắt đầu từ lớp 8, các hoạt động ngoại khóa, hiệu đoàn cũng là sinh hoạt bắt buộc, tổ chức các câu lạc bộ, các trại huấn luyện kỹ năng sống, các hình thức báo chí học đường rất phong phú, báo định kỳ, đặc san và giai phẩm. Trong giảng dạy thì quan tâm thực hành hơn từ chương nên học sinh được làm quen với các phòng thí nghiệm, thư viện rất sớm, biết tổ chức nhóm thảo luận, thuyết trình…”

Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức niên khoá đầu 1965 – 1966 có 8 lớp (gồm 4 lớp đệ thất và 4 lớp đệ lục), 280 học sinh, do nhà giáo Dương Thiệu Tống làm Hiệu trưởng. Các vị Hiệu trưởng tiếp theo của trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức: Nguyễn Thị Nguyệt giai đoạn 1966 – 1969, Phạm Văn Quảng giai đoạn 1969 – 1972, Dương Văn Hoá giai đoạn 1972 – 1973, Huỳnh Văn Nhì giai đoạn 1974 – 1975.

Từ niên khoá 1975 – 1976, Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức đổi tên thành Trung học Thực Dụng, trường dời về một góc của trường Đại Học Vạn Hạnh (lúc đó là Cơ sở 2 của ĐHSP Thành Phố), tới mùa hè 1981 thì cũng giải thể.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận