Những hình ảnh hiếm 100 năm trước của kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long và truyền thuyết về sự xuất hiện thủy quái thời thế kỷ 19

Nếu từng một lần đặt chân đến vịnh Hạ Long, tất thảy mọi người hẳn đều tâm đắc với lời ví von xưa của đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi, đó là “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”. Giữa làn nước biển trong xanh thanh bình của vùng vịnh, hàng ngàn hòn đảo đá vôi, đảo phiến thạch lớn nhỏ, đủ hình dạng nhô lên trên mặt, tạo thành một quần thể thiên nhiên kỳ vĩ và xinh đẹp. Một số hòn đảo nổi tiếng có thể kể đến như: Hòn Đinh Hương, Hòn Gà Chọi, Hòn Con Cóc, Đảo Ngọc Vừng, Đảo Ti Tốp, Đảo Tuần Châu,…

Khám phá những hòn đảo xinh đẹp ấy, người ta lại bắt gặp những hồ nước, những hang động kỳ thú ẩn mình trong đảo đá với hệ động thực vật vô cùng phong phú và sinh động vây quanh. Một số hang động tuyệt đẹp nhất định phải nhắc đến như: động Thiên Cung, động tam Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, hang Luồn,…

Ảnh màu Vịnh Hạ Long ở Quảng Yên năm 1916

Từng được UNESCO trao tặng danh hiệu “Di sản thiên nhiên của thế giới”, Vịnh Hạ Long ngoài việc là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước, còn là nơi thu hút các nhà khoa học, nhà khảo cổ đến để nghiên cứu và khám phá. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hút hồn du khách, Vịnh Hạ Long còn đầy ắp trong nó những câu chuyện kể, những truyền thuyết, những lời truyền tụng,… về vùng vịnh biển xinh đẹp có một không hai này của thế giới.

Mời các bạn xem lại bộ ảnh Vịnh Hạ Long được chụp vào thập niên 1920, tròn 100 năm trước:

 

Truyền thuyết và tên gọi Vịnh Hạ Long

Tên gọi Vịnh Hạ Long thực chất mới bắt đầu xuất hiện từ thời Pháp thuộc, khoảng cuối thế kỷ XIX. Trước đó, Vịnh Hạ Long đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Thời Bắc thuộc, vùng vịnh biển xinh đẹp này được gọi là vùng Lục Châu, Lục Hải. Đến thời Lý – Trần – Lê, vùng vịnh này lại mang những cái tên khác như Hoa Phong, An Bang, Hải Đông, Vân Đồn, Lục Thuỷ, Ngọc Sơn,…

Theo truyền thuyết, thuở xa xưa, vùng đất và con người nơi đây luôn phải chịu sự xâm lấn, cướp bóc của giặc ngoại bang từ biển đổ vào. Thấy dân Việt thường xuyên phải chịu cảnh chiến tranh, loạn lạc, thương đau, Ngọc Hoàng bèn lệnh cho Rồng mẹ đưa theo đàn Rồng con xuống trần giúp sức, bảo vệ sự yên bình cho dân chúng. Sau khi cùng người dân dẹp tan quân giặc, mẹ con Rồng trở nên quyến luyến với vùng đất và con người nơi đây nên đã quyết định không trở về trời, mà ở lại luôn vùng biển xinh đẹp và hiền hoà này. Nơi Rồng mẹ hạ xuống chính là Vịnh Hạ Long ngày nay, còn nơi trú ẩn của đàn Rồng con là Vịnh Bái Tử Long, vị trí đuôi rồng quẫy nước nhô lên là Bạch Long Vĩ, chính là bán đảo Trà Cổ ngày nay.

Về mặt lịch sử, khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xuất hiện nhiều tin tức báo chí và báo cáo hải trình của người Pháp về việc các thuỷ thuỷ, quân lính Pháp từng nhiều lần chạm mặt những con thuỷ quái khổng lồ xuất hiện ở Vịnh Hạ Long.

Đáng chú ý nhất phải phải kể đến câu chuyện của đại uý hải quân Lagreslle, thuyền trưởng con tàu Avalanche và các thuỷ thủ trên tàu. Lần chạm mặt đầu tiên được nhắc đến là tháng 7 năm 1897, các thuỷ thủ trên tàu đã đồng loạt nhìn thấy hai con vật khổng lồ kỳ lạ xuất hiện trên Vịnh Hạ Long. Chúng có thân hình uốn lượn như rắn, dài khoảng 20m, cổ có lông mịn bao quanh, đường kính rất to áng chừng đến 2-3m. Khi “đôi rắn” khổng lồ xuất hiện đột ngột gần mũi thuyền, cả thuỷ thủ đoàn nháo nhào hoảng sợ, liên tục nã đại bác vào mình chúng nhưng không trúng đích, chỉ khiến chúng lặn sâu xuống biển và biến mất.

Ngày 15 tháng 2 năm 1898, còn tàu Avalanche của đại uý Lagreslle lại tiếp tục gặp lại “đôi rắn” khổng lồ này trước mũi tàu. Khác với lần trước, thay vì hoảng sợ nã đại bác khiến chúng lặn mất, viên thuyền trưởng quyết định cho tàu đuổi theo “đôi rắn” suốt 35 phút đồng hồ, với ý định đưa chúng vào vùng nước cạn để bắt. Tuy nhiên, như “đoán” được ý đồ của con tàu, “đôi rắn” đột ngột quay đầu ra biển và lặn mất. Theo lời kể của Lagreslle, có thời điểm tàu Avalanche chỉ cách “đôi rắn” chừng 200m, vị trí mà Lagreslle có nhìn thấy rõ hình dáng con vật. Ông mô tả lại trong báo cáo hải trình rằng: đầu của chúng khá giống với đầu hải cẩu nhưng to gấp đôi.

Một câu chuyện tương tự được đại úy hải quân người Pháp tên Peron, thuyền trưởng tàu Chateurenault thuật lại như sau. Đó là buổi sáng ngày 12 tháng 2 năm 1904, trong khi tàu của Peron đang tuần tra quanh vịnh Hạ Long, đến khu vực hòn Con Cóc thì người thủy thủ trực tàu chạy đến báo cáo về một mỏm đá nhô lên phía trước mũi tàu. Sau khi quan sát kỹ lưỡng, Peron nhận định đó là những con cá có vóc dáng to lớn nhưng không thể nhìn rõ hình dáng vì khi tàu tiến lại gần, chúng nghe động liền lặn xuống nước và bơi đi. Peron bèn cho thả một chiếc ca nô xuống biển, cùng một vài thủy thủ trên tàu nhảy xuống ca nô và đuổi theo. Khi đuổi tới đảo Cát Bà, Peron mới có dịp nhìn kỹ hai con vật khổng lồ, nhìn bề ngoài chúng giống như hai con cá chình, da màu xám đá lốm đốm màu vàng nhạt. Cũng như các đoàn thủy thủ khác, đoàn của Peron chỉ có thể quan sát “đôi cá” trong chốc lát ngắn ngủi rồi để mất dấu chúng.

Những câu chuyện về “đôi rắn”, “đôi cá chình” khổng lồ đã được kể lại chi tiết trong bài viết có tựa đề “Dragon apparaît sur la baie d’Halong” (Rồng xuất hiện trên Vịnh Hạ Long) trên tờ Haiphong Nouvelles (Tin Tức Hải Phòng). Điều này cũng được các nhà hải dương học xác nhận, bởi không chỉ ở Vịnh Hạ Long, loài “rắn biển” khổng lồ này từng được ghi nhận xuất hiện ở nhiều vùng biển khác như ở Vịnh Ba Tư, Đảo Corse, Châu Đại Dương, Bắc Đại Tây Dương,… thông qua những báo cáo hải trình của các tàu thuyền, được lưu trữ kỹ lưỡng trong tàng thư của hải quân Pháp.

Nhiều giả thuyết cho rằng, sự kết hợp giữa những tin tức về “rắn” khổng lồ của người Pháp, văn hóa tôn sùng “rồng” và truyền thuyết về nguồn gốc “con rồng cháu tiên” của người Việt đã tạo nên tên gọi Vịnh Hạ Long, được người Việt chấp nhận và sử dụng cho đến ngày nay.

Một điều thú vị là cho đến tận ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được loài vật “khổng lồ” mà rất nhiều các thủy thủ và ngư dân xác nhận từng nhìn thấy trên Vịnh Hạ Long và cả ở các vùng biển khác là loài vật nào. Vịnh Hạ Long và những bí mật mà nó ẩn chứa vẫn luôn là đề tài hấp dẫn du khách và giới nghiên cứu.

Những kho báu bí mật

Theo các nhà khảo cổ học, Vịnh Hạ Long chính là nơi quy tụ của rất nhiều những kho báu bí ẩn của ngành Di tích khảo cổ. Ngay từ năm 1937, nhà khảo cổ học người Thụy Điển Anderson đã phát hiện ra di tích Văn hóa Hạ Long (Anderson gọi là Văn Hóa Danhdola – đặt theo vị trí khảo cổ, tên gọi của Đảo Ngọc Vừng thời Pháp thuộc). Tính đến nay, riêng đảo Ngọc Vừng đã tìm ra khoảng 40 địa điểm di tích có giá trị khảo cổ.

Năm 2007, sau rất nhiều cuộc khảo sát trên các hòn đảo và bờ biển của Vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ học bất ngờ phát hiện di tích dưới chân núi Hòn Hai (phường Bạch Đằng, Tp. Hạ Long). Sau công cuộc khai quật và nghiên cứu, họ phát hiện ra phương thức an táng ngồi vô cùng độc đáo của người tiền sử ở khu vực này. Cũng trong năm này, một di tích khác có niên đại từ hàng ngàn năm trước được phát hiện tại hòn Đông Trong, cạnh cảng Cái Rồng (Vân Đồn), hứa hẹn sẽ hé mở nhiều cánh cửa bí mật kết nối với quá khứ.

Rất nhiều những “kho báu” bí mật đã được tìm thấy và khai quật rải rác trên các hòn đảo và bờ biển của Vịnh Hạ Long nhưng theo các nhà nghiên cứu, đó chỉ là phần nổi của những tảng băng chìm, dưới lòng đại dương xanh thẳm nơi đây chắc hẳn còn rất nhiều những “kho báu” khác chưa được biết đến. Dù chưa có bất kỳ cuộc khảo sát hay khai quật dưới đáy biển nào được thực hiện ở Vịnh Hạ Long, nhưng đã có khá nhiều dấu tích và giả thuyết được đưa ra.

Năm 2004, trong khi lặn xuống biển mò bắt hải sản ở khu vực Cái Rồng (Vân Đồn), các thợ lặn vô tình phát hiện một chiếc tàu gỗ đắm trên Vịnh Bái Tử Long và đem lên một số đồ gốm sứ cổ. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sau khi tiến hành giám định đã xác định những hiện vật này có nguồn gốc từ Trung Quốc, niên đại cuối thế kỷ XIX. Vì nhiều lý do, việc khai quật cổ vật tại vùng biển này không được thực hiện, các thợ lặn cũng hầu như rất ít lui tới khu vực này do có nhiều xoáy nước nguy hiểm.

Đến tháng 8 năm 2007, trên Tạp chí Xưa và Nay số 289 của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam đã cho đăng bài viết của tác giả Hồ Đắc Duy, nêu ra những giả thuyết về một kho báu chìm dưới đáy Vịnh Hạ Long. Căn cứ vào sự kiện lịch sử năm 1288, đoàn thuyền lương tiếp tế của quân Mông Cổ do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy đã bị quân nhà Trần đánh chìm trên Vịnh Hạ Long, tác giả Hồ Đắc Duy cho rằng, thuyền lương của quân Mông Cổ ngoài lương thực đem theo, chắc hẳn phải có nhiều vật phẩm quý khác như tiền, vàng, đồ gốm sứ,…

Du lịch Hạ Long thời Pháp thuộc

Thời Pháp thuộc, từ khoảng những năm đầu thế kỷ 20, Vịnh Hạ Long với cảnh quan xinh đẹp tuyệt mỹ và khí hậu ôn hòa mát mẻ bắt đầu trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng và được yêu thích của cả du khách nước ngoài và người Việt.

Trong cuốn sách “Vịnh Hạ Long xứ sở bình yên và tươi đẹp của Đông Dương” xuất bản năm 1927, tác giả Emile Cordonnier đã không tiếc lời ca ngợi vẻ đẹp nơi đây:

“… Hàng ngàn đảo nhấp nhô lên trên mặt nước phô trương những phiến đá hoa cẩm thạch tuyệt đẹp, tưởng như chúng đang chồng chất lên nhau tạo ra những đường nét kỳ diệu, mắt ngắm mãi không biết chán. Cảnh dường như chỉ được thấy trong mơ. Những đảo đá sừng sững nổi trong lòng Vịnh, dưới làn nước trong xanh mê mải của Vịnh Hạ Long. Cảnh vật nơi đây luôn tĩnh lặng êm đềm.”

John Rey, một ký giả người Pháp đã ca ngợi Vịnh Hạ Long bằng những mỹ từ tuyệt đẹp:

“…Dưới ánh sáng của vầng thái dương nhiệt đới, mặt biển chỗ tối, chỗ sáng do những dãy núi đá phản chiếu tạo thành một cảnh mơ huyền ảo không thể nào tả nổi. Lúc chiều tà, đây là một đám lửa cháy bùng lên, biến tất cả các hải đảo thành một cảnh thần tiên ngoạn mục…”

Vịnh Hạ Long được người Pháp xưng tụng là kỳ quan thứ 8 của thế giới và chính quyền Pháp tất nhiên không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền từ việc khai thác du lịch ở vùng biển xinh đẹp hiếm có này. Ngày đó, giao thông đi lại còn khó khăn, cách trở chứ không thuận tiện như bây giờ, từ Hà Nội muốn đến Vịnh Hạ Long người ta phải đi tàu hỏa đến Hải Phòng, rồi chuyển sang tàu thủy hoặc ô tô để đi đến Hòn Gai. Để đưa khách du lịch đến Hạ Long đông hơn, người Pháp tổ chức các tour du lịch vào các dịp lễ tết như Tết Nguyên Đán, Lễ các Thánh (1-11), Lễ Giáng Sinh,… Đối với các đoàn khách muốn đi riêng thì chỉ cần đăng ký trước với hãng du lịch tối thiểu 48 giờ trước giờ khởi hành là được lo chu toàn một chuyến đi vui vẻ. Du khách có thể chọn hành trình tham quan từ 2 đến 4 ngày tùy thích.

P. Roque là một trong những hãng tàu du lịch hạng sang lớn nhất trên Vịnh Hạ Long khi đó. Đội tàu hơi nước của hãng được đặt tên theo các loại ngọc như: Perle (ngọc trai), Rubis (hồng ngọc), Emeraude (ngọc lục bảo), Saphir (ngọc lam),… Trên mỗi tàu đều trang bị đầy đủ tiện nghi như: phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, nhà tắm, nhà vệ sinh, tủ lạnh, quạt điện,… và cả buồng tối để rửa ảnh cho du khách. P.Roque có nhiều tàu lớn nhỏ khác nhau phục vụ đa dạng số lượng du khách, tàu nhỏ nhất phục vụ được khoảng 20 người. Do phục vụ cho khách hạng sang, hãng P. Roque không tổ chức tour bán vé theo số lượng người mà cho thuê tàu theo ngày. Nếu chỉ thuê tàu 1 ngày khách phải trả ít nhất 140 đồng bạc Đông Dương, thuê 3 ngày thì giá giảm xuống còn 120 đồng một ngày, thuê 4 ngày thì chỉ còn 100 đồng, thuê càng nhiều ngày càng lợi về giá.

Ngoài tàu lớn, hãng P.Roque còn có 1 tàu chân vịt tên Onyx có sức chứa nhỏ hơn phục vụ cho các nhóm du khách ít người hoặc gia đình nhỏ, giá thuê cũng mềm hơn chỉ 100 đồng/ngày, thuê 3 ngày giá còn 80 đồng, và 4 ngày còn 60 đồng. Bữa ăn dành cho du khách trên tàu chủ yếu theo kiểu Âu, ngoài bữa trưa và bữa tối thịnh soạn, khách còn được phục vụ bánh mì, bơ, sữa, jăm bông, cà phê và các loại thức uống khác.

Nếu vì lý do nào đó không thể ngủ trên tàu hoặc không thích ngủ trên tàu, du khách có thể chọn ngủ tại khách sạn trên bờ. Dù không có nhiều sự lựa chọn, Khách sạn Mỏ là khách sạn độc nhất ở Hòn Gai nhưng nơi đây cũng khá tiện nghi và không quá đắt đỏ, giá phòng chỉ từ 6-9 đồng/ngày. Du khách cũng có thể chọn nghỉ tại một khu nhà nghỉ do người Nhật xây dựng và kinh doanh có tên là “Quán Trọ Vịnh Hạ Long”.

Với lịch trình trung bình từ 2 tới 4 ngày, du khách được đưa đi tham quan hầu khắp các hang động, hòn đảo nổi tiếng ở Vịnh Hạ Long, tham quan các mỏ than ở Cẩm Phả và Hà Tu, đi tàu thủy đến cảng Vạn Hoa (Vân Đồn), đến Mũi Ngọc (Móng Cái),…Du khách cũng có thể chọn thêm các tour tham quan bằng tàu thủy đến Đông Triều, hoặc Đáp Cầu (Bắc Ninh).

Nếu không đi theo lịch trình tour của các tàu hạng sang, du khách có thể khám phá Vịnh Hạ Long bằng nhiều loại thuyền khác như thuê xuồng gắn máy ở Khách sạn Mỏ – Hotel de Min (khu vực bến phà Hòn Gai cũ) hoặc ở CLB Hàng Hải (Bãi Cháy). Khách có thể chọn thuê theo giờ hoặc theo ngày tùy thích với nhiều loại xuồng khác nhau, loại cao cấp nhất có giá thuê khoảng 4,5 đồng/ giờ. Rẻ tiền hơn nhưng tốn nhiều thời gian hơn, khách có thể thuê thuyền nan (thuyền tam bản) để đi tham quan với giá thuê từ khoảng 2,5 – 3 đồng/ngày.

Để quảng bá và thu hút du khách đến Vịnh Hạ Long, người Pháp chi tiền để đăng các mẫu quảng cáo bắt mắt trên các đầu báo lớn ở Hà Nội và Hải Phòng. Những thông tin quảng cáo du lịch và ca ngợi vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long còn được tìm thấy trong cuốn Cẩm Nang Du Lịch bằng tiếng Pháp do hội Liên Hiệp Các nghiệp đoàn du lịch miền Bắc Đông Dương xuất bản vào năm 1938.

Biên soạn: Niệm Quân – chuyenxua.net

Viết một bình luận