Lược sử những con đường đầu tiên của Sài Gòn vào năm 1865 (Kỳ 2)

Ở bài trước, chuyenxua.net đã giới thiệu tên của khoảng 20 con đường đầu tiên của Sài Gòn thời điểm hơn 150 năm trước, khi người Pháp bắt đầu quy hoạch thành phố Sài Gòn. Bài viết trước đã kể về tên đường và ý nghĩa của tên đường qua các thời kỳ của các con đường quen thuộc là Nguyễn Công Trứ, Lê Thị Hồng Gấm, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Bình, Ngô Đức Kế.

>>> Xem Kỳ 1:

Lược sử những con đường đầu tiên của Sài Gòn vào năm 1865 (Kỳ 1)

Ở phần 2 này, xin giới thiệu lịch sử các tên đường tiếp theo trong số những con đường đầu tiên của Sài Gòn:

Rue No12 – Nay là đường Thái Văn Lung

Trước năm 1865, đường này được đánh số 12.

Ngày 1/2/1865, đường đổi tên thành Hôpital. Lý do là từ ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, Pháp xây dựng bên viện Quân Y ở ngay cuối đường số 12, nên sau đó đường số 12 được đặt tên là Hôpital (bệnh viện), là con đường đâm thẳng vào cổng bệnh viện Quân Y.

Ban đầu bệnh viện này nằm ở vị trí ngày nay là tòa cao ốc Kumho Asiana Plaza ở góc đường Hai Bà Trưng – Lê Duẩn, đối diện lãnh sự Pháp hiện nay. Trong thập niên 1870, Bệnh viện Quân Y (Hôpital Militaire) được xây lại tại cơ sở mới, là bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay ở đường Lý Tự Trọng, cách vị trí cũ chỉ khoảng 100m về hướng Đông Nam.

Bệnh viện Quân Y, nay là BV Nhi Đồng 2

Tên đường Hôpital tồn tại tới năm 1897 thì đổi thành đường Pasteur. Đến ngày 22/3/1955, sau khi đường Pellerin bên Quận Ba đổi tên thành Pasteur (là đường Pasteur ngày nay) thì đường Pasteur cũ đổi tên thành đường Đồn Đất.

Cũng xin nói thêm về Bệnh viện Quân Y được nhắc bên trên, sau này có tên chính thức là Bệnh viện Grall, nhưng người dân quen gọi là Nhà thương Đồn Đất, nên từ 1955 đường Hôpital cũng đổi tên thành Đồn Đất.

Nguồn gốc của cái tên Đồn Đất xuất phát từ một đồn lính Pháp. Vào tháng 2 năm 1859, sau khi chiếm được thành Phụng (thành Gia Định), quân Pháp đã cho phá hủy hoàn toàn thành Phụng vì có không đủ quân số để giữ thành.

Sau đó, chuẩn đô đốc François Page đã cho xây một đồn binh mới nằm ở gần phía trước thành Gia Định cũ. Đồn khá lớn được đắp bằng đất nên dân gian quen gọi là Đồn Đất. Vì thời gian đã qua gần 1,5 thế kỷ, nên không ai rõ đồn đất đó ở chính xác vị trí nào, nhưng chắc chắn là gần chỗ xây Bệnh viện Quân Y sau này.

Tên đường Đồn Đất tồn tại trong 40 năm, từ 1955 tới 1995 thì đổi tên thành Thái Văn Lung cho tới ngày nay.

Ông Thái Văn Lung (1916-1946) quê ở Thủ Đức, là anh ruột của nghệ sĩ piano Thái Thị Liên (bà Liên là mẹ của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn). Thái Văn Lung du học Pháp, đậu cử nhân Luật Khoa về nước làm luật sư và tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông bị bắt trong một trận càn và bị xử tử năm 1946.

Đường Thái Văn Lung ngày nay nằm ở phường Bến Nghé Quận 1, từ đường Tôn Đức Thắng tới đường Lý Tự Trọng, dài 525m, lộ giới 15m, qua các ngã 3 Đông Du, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát, ngã tư Lê Thánh Tôn.

Rue No13 – Nay là đường Lê Lợi

Trước năm 1865, con đường này được đánh số 13.

Năm 1862, hiệp ước Nhâm Tuất được ký kết, triều đình Huế nhượng 3 tỉnh Nam kỳ cho Pháp, đô đóc Bonard đã duyệt cho đại tá công binh Coffyn quy hoạch Sài Gòn, là bản quy hoạch thành phố đầu tiên của người Pháp ở Đông Dương. Lúc này Coffyn đã cho đào một con kinh dọc theo đường số 13, sau này được gọi là kinh Coffyn. Cũng giống như kinh Charner (kinh Lớn), 2 bên bờ kinh Coffyn vẫn có đường đi.

Năm 1865, đường ở hai bên kinh Coffyn được đặt tên Bonard, theo tên của đô đốc Louis Adolphe Bonard, quyền thống đốc Nam kỳ giai đoạn 1861-1863. Bonard cũng là người thay thế đô đốc Charner để chỉ huy quân Pháp đánh bại quân triều đình nhà Nguyễn tại Biên Hòa, Định Tường, dẫn tới việc ký Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862.

Đường Bonard (màu xanh) năm 1870 khi vẫn còn là kinh nước

Năm 1892, kinh Coffyn bị lấp để thành đại lộ Bonard, giống như các kinh rạch khác đã bị lấp trước đó là rạch Cầu Sấu thành đại lộ Somme (nay là đường Hàm Nghi) năm 1870, và kinh Charner thành đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) năm 1887.

Đại lộ này mang tên là Bonard cho tới tận năm 1955 thì chính quyền Quốc Gia Việt Nam đổi tên thành Lê Lợi, tên này giữ nguyên cho tới nay.

Lê Lợi (1385-1433) là tên vị anh hùng dân tộc đánh tan quân Minh xâm lược hồi đầu thế kỷ 15.

Đường Lê Lợi ngày nay ở phường Bến Thành Quận 1, kéo dài từ công trường Lam Sơn tới quảng trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, dài khoảng 542m, lộ giới 56m, qua các ngã tư Nguyễn Huệ, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngã ba Nguyễn Trung Trực.

Rue No14 – Nay là đường Hai Bà Trưng

Đường Hai Bà Trưng là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn, đã có từ trước khi người Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn vào năm 1862. Đây là một trong những con đường quen thuộc nhất đối với Sài Gòn cả xưa và nay, hầu như tất cả các hướng đi trong nội thành đều đi ngang qua hoặc đi trên con đường này.

Đường Hai Bà Trưng hơn 100 năm trước

Ngoài ra, đây là con đường lớn nhất nối xuyên suốt từ sông Sài Gòn, băng qua trung tâm đô thành Sài Gòn để đi thẳng tắp tới tỉnh Gia Định xưa (ở bên kia cầu Kiệu). Cho đến tận ngày nay, đây vẫn là con đường ngắn nhất nối trung tâm Sài Gòn với các quận Phú Nhuận, Gò Vấp.

Ban đầu, con đường nối từ sông Sài Gòn đến rạch Nhiêu Lộc này được người Pháp đánh số 14, rồi sau đó mới đặt tên là Impériale (Hoàng Đế).

Năm 1870, đường đổi tên thành Nationale (Quốc Gia).

Từ ngày 4 tháng 4 năm 1902, đường được đổi tên lại thành Paul Blanchy, là tên của chủ tịch của Hội đồng thuộc địa của Nam Kỳ năm 1873. Ông cũng là thị trưởng đầu tiên của Sài Gòn, bắt đầu từ 1895 cho đến khi qua đời năm 1901.

Xe lửa đang chạy trên đường ray dọc theo đường Paul Blanchy

Ngày 28 tháng 11 năm 1952, con đường này được cắt đoạn từ đại lộ Norodom (tức đại lộ Thống Nhứt, nay là Lê Duẩn) đến cầu Kiệu và đặt tên là đường Trưng Nữ Vương, đoạn còn lại từ Norodom đến công trường Rigault de Genouilly (là công trường Mê Linh sau này) vẫn giữ tên cũ Paul Blanchy.

Đường Paul Blanchy xưa. Lúc này có đường ray xe lửa tuyến Sài Gòn đi Gò Vấp – Hóc Môn

Ngày 22 tháng 3 năm 1955, hai đường Paul Blanchy và Trưng Nữ Vương nhập thành một và đặt tên là đường Hai Bà Trưng cho đến ngày nay.

Giai đoạn 1955-1975, đường Hai Bà Trưng là 1 trong 2 đường đi xuyên suốt đô thành Sài Gòn, kéo dài từ tận bờ sông tới ranh giới với tỉnh Gia Định ở cầu Kiệu (đường còn lại là Công Lý, dài từ rạch Bến Nghé tới tỉnh Gia Định).

Hai Bà Trưng là những nữ anh hùng dân tộc, biểu tượng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt, năm 40 đã khởi binh đánh đuổi thái thú nhà Hán là Tô Định. Năm 43, vua nhà Hán sai lão tướng Mã Viện đem đại hùng binh qua đánh, Hai Bà Trưng kháng chiến quyết liệt nhưng lực lượng yếu, hai bà đã gieo mình xuống dòng sông Hát tuẫn tiết.

Đường Hai Bà Trưng ngày nay nằm trên địa bàn các phường Bến Nghé, Dakao, Tân Định của Quận 1, và các phường 6,8 của Quận 3, kéo dài từ đường Tôn Đức Thắng tới cầu Kiệu, dài 2967m, lộ giới 20m, qua các ngã 3 Thi Sách, Mạc Thị Bưởi, các ngã 4 Đông Du, công trường Lam Sơn, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, ngã 3 Nguyễn Văn Bình, ngã 4 Lê Duẩn, ngã ba Nguyễn Văn Chiêm, các ngã 4 Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, ngã 3 Nguyễn Văn Thủ, các ngã 4 Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, các ngã 3 Đinh Công Tráng, Nguyễn Hữu Cầu, Trần Quốc Toản, Bà Lê Chân, Lý Chính Thắng, Trần Quang Khải.

Rue No15 – Nay là đường Lê Thánh Tôn

Trước năm 1865, đường này được đánh số 15.

Nghị định ngày 1/2/1865 chia đường này thành 3 đoạn nối nhau:

  • Đoạn từ Phạm Hồng Thái (tên hiện nay) tới đường Hai Bà Trưng (tên hiện nay) mang tên đường Palanca.
  • Đoạn từ Hai Bà Trưng (tên hiện nay) tới Tôn Đức Thắng (tên hiện nay) mang tên đường Isaballe II.
  • Đoạn từ Tôn Đức Thắng (tên hiện nay) tới rạch Thị Nghè (tương đương với 1 đoạn của đường Nguyễn Hữu Cảnh ngày nay) tên là đường Saint Enfance.
3 đường Palanca, Isabelle II và Saint Enfance nối nhau

Hai tên đường Palanca và Isaballe II đều liên quan tới nước Tây Ban Nha. Xin nhắc lại rằng từ năm 1859-1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã nổ súng xâm lược Đại Nam, vì vậy khi quy hoạch tên đường cho Sài Gòn, người Pháp đã đặt 1 số con đường mang tên người Tây Ban Nha, trong đó Isabelle II là tên của nữ hoàng Tây Ban Nha vào thời điểm đó (trị vì từ 1833-1868), và Palanca đặt tên theo đại tá Carlos Palanca chỉ huy quân Tây Ban Nha cùng quân Pháp đánh đại đồn Chí Hòa của Nguyễn Tri Phương.

Tên đường còn lại là Saint Enfance, được đặt tên với lý do là ở vị trí này có tu viện Saint Enfance rất lớn được xây dựng từ năm 1860, là công trình công giáo lâu đời nhất ở Sài Gòn vẫn còn cho tới nay, được Nguyễn Trường Tộ xây dựng. Tu viện Saint Enfance ngày nay là Tu viện dòng thành Phaolô nằm trên đường Tôn Đức Thắng.

Năm 1870, ba đoạn đường bên trên lại nhập lại thành 1, đổi tên thành đường Espagne. Espagne nghĩa là nước Tây Ban Nha.

Năm 1947, chính quyền Nam kỳ quốc tách đường Espagne thành đôi, ngăn cách ở ngã 4 với đường Catinat (nay là Đồng Khởi), đoạn phía bên chợ Sài Gòn mang tên đường Lê Lợi, đoạn còn lại mang tên cũ là Espagne.

Quán Pagode ở góc đường Catinat – Lê Lợi (nay là Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn)
Đường Lê Thánh Tôn giai đoạn 1947-1955 là 2 đường Lê Lợi – Espagne nối nhau (màu xanh)

Ngày 22/3/1955, chính quyền lại nhập 2 đoạn bên trên lại và đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn. Tên đường này giữ nguyên cho tới ngày nay.

Lê Thánh Tôn (Tông) lên ngôi vua năm 1459, được chính sử đánh giá là ông vua thông minh, học rộng biết nhiều, giỏi thơ Nôm, có tài về chính trị và quân sự. Triều đại Lê Thánh Tôn rất thịnh trị, có nhiều cải cách về hành chính, kinh tế, văn hóa. Ở thời này, lãnh thổ Đại Việt mở rộng xuống tới Qui Nhơn.

Đường Lê Thánh Tôn hiện nay nằm ở 2 phường Bến Nghé và Bến Thành thuộc Quận 1, từ đường Nguyễn Hữu Cảnh tới Phạm Hồng Thái, dài 2063m, lộ giới 20m, qua các giao lộ Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, Chu Mạnh Trinh, Thái Văn Lung, Thi Sách, Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Trung Trực, Phan Chu Trinh, Thủ Khoa Huân, Phan Bội Châu, Trương Định, Lê Anh Xuân.

Đường Lê Thánh Tôn năm 1973

Kết thúc kỳ 2, ở kỳ tiếp theo chuyenxua.net sẽ giới thiệu lịch sử các tên đường Rue No16 – nay là Đồng Khởi, Rue No17 – nay là Lý Tự Trọng, Rue No18, No19 – nay đều là Nguyễn Huệ, Rue No20 – nay là Hồ Tùng Mậu, Rue No21 – nay là Nguyễn Du, Rue No22 – nay là Tôn Thất Đạm, Rue No24 – nay là Pasteur, Boulevard No25 – nay là Nguyễn Thị Minh Khai, và Rue No26 – nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận