Lược sử những con đường đầu tiên của Sài Gòn vào năm 1865 (Kỳ 1)

Sau khi hạ đại đồn Chí Hòa của Nguyễn Tri Phương năm 1861 và chính thức chiếm được 3 tỉnh Nam kỳ là Gia Định, Biên Hòa và Định Tường kể từ năm 1862, Pháp bắt tay ngay vào việc xây dựng thành phố Sài Gòn theo phong cách phương Tây.

Cần lưu ý rằng phạm vi Sài Gòn thời điểm đó rất hẹp, chỉ khoảng 3 cây số vuông, bằng một nửa Quận 1 ngày nay, theo nghị định của Quyền thống đốc Nam kỳ là Chuẩn đô đốc Pierre-Gustave Roze ban hành ngày 3-10-1865.

Thời điểm năm 1865, Sài Gòn chỉ có 20 con đường, được đánh số từ 1 tới 26. Một điều đặc biệt, đó là những con đường số lẻ và số chẵn nằm vuông góc với nhau.

Đường mang số lẻ nằm song song với đường ven sông (là đường Bến Bạch Đằng sau này), đó là đường số 1 (nay là Nguyễn Công Trứ), đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế), đường số 7 (nay là Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Thị Hồng Gấm). Không thấy các con đường số chẵn 2,4,6,8,10. Đường số chẵn nhỏ nhất là đường số 12 (đường Đồn Đất, nay là Thái Văn Long), cùng các đường số lẻ khác là 14,16,18,20,22,24,26 chạy vuông góc với các đường số lẻ.

Vào đầu năm 1865, nghị định của thống đốc Pierre-Paul de La Grandière lần đầu tiên đặt tên cho đường phố Sài Gòn, thay thế các đường từ 1 tới 26 nêu trên bằng tên các nhân vật chính trị và quân sự của Pháp, cộng với tên một số nhân vật tiên phong đến khai phá vùng đất này. Những tên đường này có trong bản quy hoạch đường phố ngay từ năm 1863, nhưng tới năm 1865 mới được chính thức hóa qua nghị định của Thống đốc Nam kỳ.

Sau đây là danh sách những con đường đầu tiên của Sài Gòn và lịch sử tên đường qua các thời kỳ:

Rue No1 – Nay là đường Nguyễn Công Trứ

Trước 1865, đường được đánh số 1.

Ngày 1/2/1865, tên đường đổi thành Lefebvre. Lúc này đường Lefebvre kéo dài từ đường Boresse (người Việt gọi là Bồ Rệt, nay là đường Yersin) tới đường Adran (nay là đường Hồ Tùng Mậu).

Ngày 22/3/1955, chính quyền Quốc Gia Việt Nam đổi tên thành Nguyễn Công Trứ, tên này giữ nguyên cho tới nay.

Lefebvre được đặt theo tên của Công tước xứ Dantzig, tên đầy đủ là François Joseph Lefebvre (1755-1820), là chỉ huy trong Chiến tranh Cách mạng Pháp cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, và Chiến tranh của Napoleon đầu thế kỷ 18. Ông là một trong 18 thống chế đầu tiên của hoàng đế Pháp Napoleon.

Đường Lefebvre khoảng 100 năm trước

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là người văn võ song toàn, đậu cử nhân làm quan thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, có công khai hoang lập ấp, âljp ra hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải ở Ninh Bình. Bình sinh ông thích làm thơ, hát cô đầu, lúc về hưu thường cưỡi bò đi du ngoạn.

Đường Nguyễn Công Trứ ngày nay nằm ở phường Nguyễn Thái Bình Quận 1, từ đường Hồ Tùng Mậu đến đường Nguyễn Thái Học, dài 1023m, lộ giới 20m, qua các ngã tư Tôn Thất Đạm, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phó Đức Chính, Calmette, ký Con, Yersin.

Rue No3 – Nay là đường Nguyễn Thái Bình

Trước năm 1865, đường này được đánh số 3.

Ngày 1/2/1865, tên đường đổi thành d’Ayot. Lúc này đường d’Ayot bắt đầu từ đường Boresse (nay là Yersin) đi ngang qua một vùng đồng lầy mà người Pháp gọi là Marais Boresse để tới đường Canton và Pellerin (nay là Hàm Nghi – Pasteur).

Đường d’Ayot đi ngang qua khu marais boresse trên bản đồ Sài Gòn năm 1878. Đường Boresse nay là đường Yersin, đường Nemesis nay là đường Phó Đức Chính

Ngày 22/3/1955, chính quyền Quốc Gia Việt Nam đổi tên đường thành Nguyễn Văn Sâm.

Ngày 14/8/1975, chính quyền quân quản đổi tên thành đường Nguyễn Thái Bình.

d’Ayot được đặt theo tên của Jean-Marie d’Ayot (1759-1809), có tên Việt là Nguyễn Văn Trí, một trong những người Pháp theo làm việc cho chúa Nguyễn Ánh trước khi lên ngôi vua Gia Long.

Xuất thân từ một gia đình gốc Bretagne định cư ở Ile Bourbon, Jean-Marie d’Ayot sinh ở Port Louis, Ile Maurice. Ông trở thành một đại úy hậu cần trên tàu trong Hải quân Hoàng gia Pháp. Ông gặp Bá Ða Lộc tại Ile Bourbon hoặc Pondicherry, và được giao nhiệm vụ chỉ huy một trong hai tàu buôn cùng với các tàu chiến Méduse của Bá Đa Lộc đi đến Việt Nam.

Tham gia phục vụ chúa Nguyễn Ánh, năm 1790 d’Ayot chỉ huy một đơn vị Hải quân gồm có hai tàu chiến kiểu châu Âu của Nguyễn Ánh. Năm 1792, ông tham gia vào một trận hải chiến chống Tây Sơn, đánh chìm 5 tàu chiến, 90 thuyền kiểu và khoảng 100 tàu thuyền nhỏ hơn. Năm 1793, tại một trận hải chiến ở Quy Nhơn ông thu được khoảng 60 thuyền kiểu khoảng 100 thuyền kiểu Galê của Tây Sơn.

Ngoài ra, d’Ayot còn thực hiện các công việc trong lĩnh vực thủy văn, làm ra rất nhiều bản đồ bờ biển Việt Nam, mà người vẽ là người em trai ông là Félix d’Ayot.

Nguyễn Văn Sâm (1898-1947) là một nhà báo và chính khách Việt Nam. Ông từng được vua Bảo Đại đề cử làm khâm sai Nam Kỳ thời Đế quốc Việt Nam. Học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Một Cơn Gió Bụi nhận xét Nguyễn Văn Sâm là người “ôn hòa trầm tĩnh, ngay chính và hết lòng lo việc nước”.

Nguyễn Thái Bình (1948-1972) quê ở Long An, ông học rất giỏi, thi đậu nhiều trường cao đẳng và đại học ở Sài Gòn nhưng chọn học Nông Lâm Súc. Ông được cơ quan USAID Hoa Kỳ cấp học bổng sang Mỹ học. Tại Mỹ, Nguyễn Thái Bình tham gia các phong trào phản chiến của dân Mỹ nên bị cắt học bổng, năm 1972 bị buộc phải về nước.

Trên chuyến bay Boeing 747 của hãng Pan American World Airways về Sài Gòn, ngày 2/7/1972, một giờ trước khi đến sân bay Tân Sơn Nhứt, Nguyễn Thái Bình bị viên cảnh sát Mỹ là Mills (lúc đó có mặt trên máy bay) bắn hạ. Trước đó sinh viên Nguyễn Thái Bình được cho là có ý định thực hiện hành động yêu cầu phi hành đoàn chuyển hướng chuyến bay Pan-Am 841 tới Hà Nội.

Đường Nguyễn Thái Bình ngày nay nằm ở phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tới đường Yersin, dài 717m, lộ giới 20m, qua các ngã 3 Lê Công Kiều, ngã tư Phó Đức Chính, Calmette, Ký Con.

Rue No5 – Nay là đường Ngô Đức Kế

Trước năm 1865, đường này được đánh số 5.

Đầu năm 1865, đường này mang tên Vannier, kéo dài từ đường Adran (từ 1920 là đường Georges Guynemer, từ 1955 là đường Võ Di Nguy, nay là đường Hồ Tùng Mậu) cho tới tận công trường Riɡaᴜlt dе Gеnᴏᴜilly (nay là công trường Mê Linh).

Đường Vannier cắt ngang 2 đường Charner (Nguyễn Huệ) và Catinat (Tự Do). Góc trên bên phải ngày nay là Công trường Mê Linh

Từ khoảng thập niên 1940, đường Vannier được chia thành 2, đoạn từ đường Georges Guynemer (nay là Hồ Tùng Mậu) tới đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) giữ tên cũ là Vannier. Đoạn từ Charner tới công trường Riɡaᴜlt dе Gеnᴏᴜilly (nay là công trường Mê Linh) mang tên là đường Les Frères Denis.

Đường Vannier cắt thành 2 đường, đoạn bên phải tên là Les Frères Denis

Năm 1955, chính quyền Quốc Gia Việt Nam lại nhập 2 còn đường Vannier và Les Frères Denis thành đường Ngô Đức Kế. Tên đường này vẫn giữ nguyên cho tới ngày nay.

Đường Vannier cắt ngang Charner

Đường Vannier được đặt theo tên của Philippe Vannier (1762-1842), người có tên Việt là Nguyễn Văn Chấn, là một sĩ quan hải quân và nhà phiêu lưu người Pháp. Ông là một trong những người Pháp đã tham gia giúp đỡ chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với triều Tây Sơn.

Năm 1800, Vannier được giao quyền chỉ huy tàu Phụng Phi, chiến thuyền lớn nhất trong lực lượng hải quân của chúa Nguyễn Ánh với 26 súng và 300 lính. Tháng 4 năm 1801, quân chúa Nguyễn lại kéo ra đánh Quy Nhơn. Vannier cầm quân, phó tướng là một người Pháp khác tên Renon từ Saint Malo góp phần thắng lợi nên sau đó Vannier được thăng lên hàm Đô đốc chỉ huy Hải quân quân Nguyễn. Trận này đã mở đường cho Nguyễn Ánh tiến ra chiếm Phú Xuân rồi đánh tràn ra tận Bắc Hà.

Sau khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, lập ra triều Nguyễn thì Vannier nhận quan tước triều đình. Ông lấy một phụ nữ người Việt theo công giáo làm vợ, tên là Nguyễn Thị Sen (sách Pháp ghi là Madeleine Sel-Dong). Hai vợ chồng có 10 người con. Vannier làm quan suốt triều Gia Long sang triều Minh Mạng, khi thấy nhà vua có ý bài ngoại không ưa mình nên ông cáo quan hồi hương và mất ở ở quê nhà năm 1842.

Đường Ngô Đức Kê, tòa nhà có chóp nhọn nằm ở ngã 4 Ngô Đức Kế – Tự Do

Ngô Đức Kế (1878-1929) tên thật là Ngô Bình Viên, hiệu Tập Xuyên, là chí sĩ, nhà thơ, nhà báo Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.

Ông đậu Á khoa năm Thành Thái thứ 13. Tuy nhiên, ông không ra làm quan ở nhà dạy học, đọc tân thư, liên hệ với Phan Bội Châu, đứng ra đề xướng lối học mới và bài xích cái học từ chương và cử nghiệp. năm 1908, Ngô Đức Kế bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo cho tới năm 1921 thì ra tù. Năm 1922, ông làm Chủ bút báo Hữu thanh của Hội Công thương tương tế ở Hà Nội, đồng thời sáng tác thơ vǎn. Trên báo Hữu thanh, ông đã viết một số bài “đả kích thơ văn lãng mạn và quyết liệt bài xích nhóm Nam Phong (đứng đầu là Phạm Quỳnh) vì nhóm Nam Phong bênh vực Truyện Kiều”. Lúc đó Ngô Đức Kế là người quyết liệt nhất phê phán Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Năm 1927, tờ báo trên bị đóng cửa, Ngô Đức Kế mở Giác quần thư xã, để xuất bản một số sách tiến bộ, trong số đó có “Phan Tây Hồ di thảo” của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh.

Ngô Đức Kế qua đời ngày 10 tháng 12 năm 1929 tại Hà Nội. Khi ấy, ông 51 tuổi. Nhân dân gọi ông là Ngô Nhân Tổ (người cụ tổ họ Ngô) hoặc gọi là Ngô Việt Hành (hành tinh đất Ngô – Việt).

Nội dung thơ văn của Ngô Đức Kế thường xoay quanh đề tài vận động duy tân đất nước, ca ngợi khí tiết của người trượng phu, người hy sinh vì nước, và bộc lộ niềm phấn khởi khi nghe tin phong trào yêu nước lại dấy lên mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ông cũng dũng cảm và sắc sảo chống văn hóa nô dịch của thực dân Pháp, và phê phán nghiêm khắc vua quan nhà Nguyễn đã để đất nước lâm cảnh khốn cùng. Tuy quan điểm không khỏi phiến diện và bảo thủ, nhưng ông đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước trong thanh niên và các tầng lớp khác vào thời đó…

Đường Ngô Đức Kế ngày nay nằm ở phường Bến Nghé Quận 1, dài từ công trường Mê Linh tới đường Hồ Tùng Mậu, dài 403m, lộ giới 20m, qua các ngã 4 Nguyễn Huệ, Đồng Khởi

Rue No7 – Nay là 2 đường Huỳnh Thúc Kháng và Lê Thị Hồng Gấm

Trước năm 1865, đường này được đánh số 7.

Từ đầu năm 1865, đường đổi tên thành Hamelin.

Đường Hamelin ban đầu kéo dài từ đường Kinh Lớn (sau này là đại lộ Charner, nay là Nguyễn Huệ) sang tới khu đồng lầy Marais boresse, cắt đường Nemesis (nay là Phó Đức Chính).

Đường Hamelin màu vàng trong bàn đồ Sài Gòn năm 1878, đi từ ao bồ rệt, đường Nemesis (nay là Phó Đức Chính) tới đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ)

Sau khi Ga Sài Gòn được xây dựng vào năm 1881, đồng thời ao bồ rệt (marais boresse) được giải tỏa phần lớn thì đường Hamelin bị cắt làm đôi, nằm ở chính giữa hai con đường Hamelin là nhà ga (nay là công viên 23/9). Lúc này đường Hamelin cũng được kéo dài ra tới đường Abattoir (sau đổi tên thành đường Kitchner, nay là Nguyễn Thái Học), chứ không phải là chỉ tới đường Nemesis như trước.

Đường Hamelin màu vàng bị cắt thành 2 đoạn, chính giữa là ga Sài Gòn mới được xây dựng

Từ khoảng năm 1917, đường Hamelin đoạn từ Charner (nay là Nguyễn Huệ) tới bên hông ga xe lửa được đổi tên thành đường Đỗ Hữu Vị, đoạn còn lại (từ ga xe lửa tới đường Kitchner vẫn mang tên là Hamelin).

Một nhánh của Hamelin được đổi tên thành đường Đỗ Hữu Vị trong bàn đồ Sài Gòn nám 1921. Giữa 2 đường này là đại lộ Somme (nay là Hàm Nghi) đã đươc kéo dài ra tới Chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành) vừa được xây dựng

Từ năm 1955, đường Hamelin đổi tên thành Hồ Văn Ngà, còn đường Đỗ Hữu Vị đổi tên thành đường Huỳnh Thúc Kháng.

Tòa Hòa Giải trên đại lộ Nguyễn Huệ, đường bên trái là Huỳnh Thúc Kháng

Ngày 14/8/1975, chính quyền quân quản đổi tên đường Hồ Văn Ngà thành Lê Thị Hồng Gấm, còn đường Huỳnh Thúc Kháng được giữ nguyên tên cho tới nay.

Đỗ Hữu Vị (1883-1916) là phi công người Việt đầu tiên, phục vụ trong quân đội Pháp. Ông cũng là một trong 6 người con của Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương (Tổng Đốc Phương) – một đại phú gia của Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19.

Từ nhỏ ông Vị được theo học ngôi trường danh tiếng Lasan Taberd, sau đó được gửi sang Pháp học trường Lycée Janson de Sailly. Sau khi tốt nghiệp, ông theo học trường dự bị Lycée Louis-le-Grand, tuy nhiên không lâu sau, ông dự thi và trúng tuyển vào Trường võ bị Saint-Cyr (École spéciale militaire de Saint-Cyr) cuối năm 1904 và tốt nghiệp với quân hàm Thiếu úy năm 1906.

Sau khi ra trường, ông gia nhập lực lượng Lê dương Pháp, phục vụ trong Trung đoàn Lê dương số 1 (1er régiment etranger) đóng quân tại Oujda Maroc, Casablanca và trong khu vực le Haut-Guir septentrional từ năm 1907 cho đến 1908.

Từ giữa năm 1908, ông về Pháp tham gia đội phi hành của Louis Charles Joseph Blériot bay qua biển Manche và từ đó thích nghề bay.

Cuối năm 1910, ông trở về Pháp, theo học phi công quân sự (l’école militaire de pilotage) và được Câu lạc bộ Hàng không Pháp quốc (Aéroclub de France) cấp bằng cơ phó (lieutenant-pilote). Cuối năm 1911, ông cùng Ménard thực hiện chuyến bay vòng quanh nước Pháp lần thứ nhất.

Tháng 12 năm 1912, ông trở lại Marocco, tham gia phi đội trinh sát của tướng Brulard, được thăng Trung úy và phục vụ đến năm 1913. Cuối năm 1913, ông nghỉ phép ở Việt Nam, được Toàn quyền Đông Dương bấy giờ là Albert Sarraut nhờ giúp đỡ để xây dựng những cơ sở cho cơ quan hàng không thuộc địa. Ông cũng tham gia thử nghiệm một loại thuyền lướt trên mặt nước, chạy bởi động cơ cánh quạt máy bay do Charles de Lambert chế tạo (l’hydroglisseur Lambert) trên sông Cửu Long và sông Hồng. Các cuộc biễu diễn biểu diễn máy bay của ông ở Sài Gòn và Hà Nội làm dân chúng bàn tán sôi nổi một thời.

Tháng 8 năm 1914, ông tình nguyện trở lại Pháp để tham chiến. Khi Toàn quyền Albert Sarraut giữ lại, ông nói:

“Tôi vừa là người Pháp, vừa là người Nam; bổn phận của tôi lại nặng gấp đôi Ngài”

Về Pháp và tham gia lực lượng hàng không trinh sát trong Thế chiến thứ nhất, ông lập nhiều công tích và được chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh ngũ đẳng.

Ông tử trận năm 1916 và ược an táng tại làng Dompierre thuộc vùng Somme. Một năm sau đó tên ông được đặt cho con đường nằm bên cạnh Tòa Hòa Giải. Ở Hà Nội cũng có một trường tiểu học ở Ba Đình mang tên Đỗ Hữu Vị, nay là trường tiểu học Việt Nam – Cuba. Ngày nay ở Lái Thiêu – Bình Dương vẫn có một con đường mang tên Đỗ Hữu Vị.

Năm 1921, người anh cả của ông là Đỗ Hữu Chấn đã cho chuyển hài cốt của ông về an táng trong phần mộ gia đình tại Việt Nam. Từ đường dòng họ Đỗ Hữu hiện nằm trên đường Điện Biên Phủ, Quận 3.

Hồ Văn Ngà là nhà hoạt động chính trị, nhà báo, quê ơ Long An. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, thân phụ làm nghề thuốc Bắc, ông là anh ruột Bác sĩ Hồ Văn Huê (cựu đại tá, Thứ trưởng Bộ Y tế chính phủ Cách mạng lâm thời MNVN).

Thuở nhỏ ông học tại trường làng ở Tân An đậu Primaire. Năm 1918, ông lên Sài Gòn học Trường Chasseloup Laubat, đang học năm thứ ba vì tham gia bãi khóa nên bị đuổi học, nhưng nhờ học lực xuất sắc nên được cho học lại. Năm 1923, ông học nhảy lớp, đậu đầu tú tài bản xứ, được gia đình bên vợ cung cấp tài chánh sang Pháp học tại Trường Cao học Kỹ nghệ và Mỹ thuật Trung ương Paris (Arts et Manufactures de l’École Centrale de Paris), ông luôn đỗ đầu trong các năm học. Ở Pháp ông tham gia các tổ chức chống chế độ thuộc địa, nên lại bị đuổi học một lần nữa, và trục xuất về Nam Kỳ.

Về Sài Gòn, ông viết báo, dạy tại các trường tư, tham gia các tổ chức xã hội, chính trị chống Pháp. Năm 1936, ông tham gia Đông Dương đại hội cùng với Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Phan Văn Hùm, Diệp Văn Kỳ… cộng tác với các báo La Cloche fêlée, La lutte, L’Avant Garde, Thần Chung, Công Luận, Mai, Dân chúng, Hưng Việt. Có thời gian ông bị Pháp cưỡng bức lưu trú ở Sóc Trăng vì tội chống Pháp.

Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 1945, ông cùng Nguyễn Văn Sâm thành lập Việt Nam Quốc gia Độc lập đảng do ông làm chủ tịch. Từ đó ông kêu gọi các lực lượng chống Pháp khác thành lập Mặt trận Quốc gia thống nhất (gồm Việt Nam Quốc gia Độc lập, Thanh niên Tiền phong, Nhóm trí thức, Đoàn Công chức, Tịnh độ cư sĩ, Hòa Hảo, Cao Đài, Nhóm Tranh đấu…) tham gia việc nước. Khi Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Đại thần Nam Bộ của chính phủ Trần Trọng Kim, ông được cử giữ chức Chánh văn phòng Khâm sai.

Những ngày Pháp tái chiếm miền Nam, ông bị kẻ lạ mặt ám sát trên đường Bạc Liêu – Cà Mau. Theo truyền văn, trước khi bị hành quyết ông còn nói: “Các anh muốn giết tôi thì giết mà đừng gán cho tôi là Việt gian!”.

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) là chí sĩ yêu nước quê ở tỉnh Quảng Nam. Ông đậu Hoàng giáp, không ra làm quan mà cùng với các chí sĩ yêu nước khác là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân. Cũng giống như Ngô Đức Kế, từ năm 1908-1921 Huỳnh Thúc Kháng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1926 ông được cử làm Viện trưởng Viện Dân Biểu Trung kỳ. Ông dùng làm diễn đàn nghị trường tranh đấu bảo vệ quyền lợi dân chúng. Sau đó ông từ chức ra làm báo Tiếng Dân. Sau năm 1945, Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính phủ Liên hiệp VNDCCH, có thời gian làm quyền Chủ tịch nước khi chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp.

Đường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay nằm ở phường Bến Nghé Quận 1, dài từ đường Nguyễn Huệ tới chợ Bến Thành, dài 626m, lộ giới 12-20m, rộng hẹp tùy khúc, qua các ngã tư Hồ Tùng Mậu, Tôn Thất Đạm, Pasteur, Nam Kỳ Nghĩa Nghĩa

Lê Thị Hồng Gấm (1951-1970) tham gia kháng chiến từ khi còn nhỏ tuổi. Bà là cán bộ giao liên, du kích, hy sinh lúc mới 19 tuổi.

Đường lê Thị Hồng Gấm ngày nay nằm ở phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, giới hạn từ đường Phó Đức Chính tới đường Nguyễn Thái Học.. Đường dài 517m, lộ giới 20m, đi qua các ngã tư với đường Calmette, Ký Con, Yersin.

Những con đường còn lại là Rue No12 – nay là đường Thái Văn Lung, Rue No13 – nay là Lê Lợi, Rue No14 – nay là Hai Bà Trưng, Rue No15 – nay là Lê Thánh Tôn, Rue No16 – nay là Đồng Khởi, Rue No17 – nay là Lý Tự Trọng, Rue No18, No19 – nay đều là Nguyễn Huệ, Rue No20 – nay là Hồ Tùng Mậu, Rue No21 – nay là Nguyễn Du, Rue No22 – nay là Tôn Thất Đạm, Rue No24 – nay là Pasteur, Boulevard No25 – nay là Nguyễn Thị Minh Khai, và Rue No26 – nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Ngoài những còn đường đánh số này, còn có một con đường không số, ban đầu đặt tên là Quai de Donai, tức Bến Bạch Đằng sau này, nay là 1 phần của đường Tôn Đức Thắng.

chuyenxua.net sẽ lần lượt giời thiệu lịch sử hình thành và quá trình đặt tên đường những còn đường còn lại ở phần sau của loạt bài viết.

Đông Kha – chuyenxua.net

1 bình luận về “Lược sử những con đường đầu tiên của Sài Gòn vào năm 1865 (Kỳ 1)”

Viết một bình luận