Trong các hình ảnh Đà Lạt trước thập niên 1990, chúng ta vẫn còn được thấy những hình ảnh du khách và người dân Đà Lạt thoải mái rảo bước trên thảm cỏ Đồi Cù tuyệt đẹp nằm ngay trung tâm thành phố, bên cạnh Hồ Xuân Hương. Nhưng điều đó đã không còn kể từ sau năm 1992. Ngày nay, đa số du khách (và cả người dân địa phương) không được tận mắt nhìn cảnh quan Đồi Cù, thậm chí nhiều du khách còn chưa từng nghe tới cái tên hồ Cẩm Lệ bên trong Đồi Cù, còn hồ Tổng Lệ bên dưới Đồi Cù nay cũng đã không còn.
Ngày nay, nhắc đến tên gọi Đồi Cù là nhắc đến một sân Golf được rào kín xung quanh, chỉ dành cho những vị khách giàu có thượng lưu. Tuy nhiên ít người biết rằng trong bản quy hoạch Đà Lạt của kiến trúc sư Ernest Hébrard đưa ra cách đây tròn 100 năm (1923), khu vực Đồi Cù không phải chỉ có sân golf, mà bao gồm 2 phần riêng biệt, đó là Jardin Public (công viên công cộng) và Golf Links (sân golf), bên cạnh đó còn có Terrain de Sports (khu vực thể thao), Club Sportif (Câu lạc bộ Thể thao).
Một số công trình trong đồ án này của Ernest Hébrard đã được hoàn thành vào đầu thập niên 1930, nhưng sau đó quy hoạch này đã bị xem xét lại vì nó quá tham vọng và bất khả thi, nhất là không lâu sau đó cuộc Đại khủng hoảng xảy ra.
Năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã trình bày một kế hoạch mới về “Chỉnh trang thành phố Đà Lạt”, trong đó chú trọng việc xây dựng Đà Lạt dựa trên những ràng buộc chặt chẽ với bảo vệ cảnh quan và môi trường.
Để bảo vệ “tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên với cảnh quan tuyệt vời”, Louis Georges Pineau đề xuất tạo lập một vùng bất kiến tạo rộng lớn hình rẽ quạt, có gốc từ Đà Lạt và tỏa về hướng núi Lang Biang, trong khu vực này sẽ là công viên rừng săn bắn hoặc công viên rừng quốc gia. Điều đó có nghĩa là sẽ không cho phép bất cứ công trình nhân tạo nào làm choáng đi tầm nhìn từ hồ Xuân Hương về đỉnh núi thiêng Lang Biang (vùng bất kiến tạo).
Tuy đồ án quy hoạch của Pineau cũng không được chấp thuận, nhưng một số ý tưởng của kiến trúc sư này đã được lưu ý và thực hiện sau này, đặc biệt là vấn đề cảnh quan đã được gìn giữ với những khoáng địa rộng lớn.
Các đồ án tiếp theo của Mondet (1940) và Lagisquet (1943) đều tuân thủ theo triết lý quy hoạch của Pineau, đó là tính toán để thiết lập khoảng trống (espaces libre) cho cảnh quan và khu vực bất kiến tạo (zone non ædificandi), dựa trên cơ sở khoa học về môi trường sinh thái cho đến nguyên tắc thẩm mỹ, tạo dựng cảnh quan đô thị.
Thời gian về sau, dù dân số tăng lên, đồ án quy hoạch có thay đổi, những việc chỉnh trang mở rộng Đà Lạt luôn có sự bảo tồn những khoảng trống hài hòa, tầm nhìn khoáng đạt qua việc mở rộng vùng bất kiến tạo.
Ý nghĩa của “khu vực bất kiến tạo” là tạo ra một nơi khoảng trống cảnh quan, để người dân và du khách có thể phóng được tầm mắt từ trung tâm Đà Lạt nhìn về phía núi Lang Bian, làm hậu cảnh cho một khoảng không gian phóng khoáng của Hồ Lớn (Hồ Xuân Hương) và những ngọn đồi nhấp nhô.
Theo bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đăng trên báo Thanh Niên (link), đồ án của Lagisquet năm 1943 được thực thi và có tới 12 vùng bất kiến tạo và khoảng trống. Trong đó, khu vực bao gồm sân golf và công viên bên cạnh (nay là Ðồi Cù) là vùng hội tụ hai đặc tính quan trọng là khoảng trống và khu vực bất kiến tạo đã nói bên trên.
Đồi Cù chính là vùng khoảng trống và bất kiến tạo phía bắc hồ Xuân Hương (Grand Lac), gồm hai phần chức năng: một Jardin Public (công viên) giáp với hồ, và Câu lạc bộ Golf Ðà Lạt (Golf Club de Dalat, thành lập năm 1933).
Chức năng hai vùng phân lập công, tư (nhưng không có lằn ranh rõ ràng trên thực địa) đó vẫn được duy trì, cùng tồn tại cho đến năm 1975.
Phần đất không gian công viên (tài sản công) nằm bên cạnh sân golf vẫn được người dân và du khách sử dụng, du ngoạn tự do cho đến đầu thập niên 1990.
Giai đoạn 1955-1975, ngay trong thời chiến tranh khốc liệt, những nguyên tắc nền tảng cho một thành phố có khoảng không, công viên không cho phép xây dựng nhân tạo nối liền với hồ nước để tạo nên cảnh sắc đặc thù luôn được nhất quán trong tầm nhìn của nhà chức trách.
Năm 1961, giáo hội công giáo ở miền Nam Việt Nam cho xây dựng cơ sở mới cho Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt – một Đại chủng viện để đào tạo linh mục ở Đà Lạt, nằm bên cạnh Đồi Cù (Lúc đó Giáo hoàng học viện đang tạm sử dụng cơ sở ở cư xá Decoux). Khi phê duyệt xây dựng, chính quyền Đà Lạt lúc đó đã yêu cầu phải hạ cao độ nền đất xuống để đảm bảo công trình tổng thể không cao quá ngọn thông, nhằm mục đích bảo vệ cảnh quan của vùng bất kiến tạo.
Cho đến tháng 4 năm 1992, hai vùng tài sản công và tư, chung và riêng ở Ðồi Cù có tổng diện tích 71,5 ha bị “gộp” lại, kéo rào chắn biến thành một sân golf lớn. Người dân và du khách mất đi một công viên công cộng (Jardin Public) để dạo chơi, tận hưởng.
Ðà Lạt bị truất hữu một không gian thư nhàn công cộng kể từ đó cho tới nay.
Nhắc đến Đồi Cù, không thể không nhắc đến Hồ Cẩm Lệ nằm chính giữa 3 ngọn đồi rất thơ mộng. Ngày xưa những đôi tình nhân Đà Lạt thường đi bộ lên sườn đồi, ngồi tựa lưng vào những gốc thông và ngắm ánh nắng chiều trải dài trên hồ Cẩm Lệ. Hồ này ngày mọc đầy cỏ dại, lau sậy, nằm giữa 3 ngọn đồi nhỏ thoai thoải của Đồi Cù được đặt tên hết sức lãng mạn là Gặp Gỡ, Hò Hẹn, và Ái Ân.
Bên cạnh Đồi Cù còn có 2 hồ nhỏ hơn nằm ngay sát Hồ Xuân Hương, chỉ cách một mặt đường, đó là hồ Đội Có và hồ Tổng Lệ, được người Pháp đào với mục đích để hứng nước mưa từ trên Đồi Cù và các nơi vùng cao hơn xuống đây, tránh không cho nước mưa kéo theo chất thải từ thành phố xuống hồ Xuân Hương. Hai hồ này được lọc nước để tưới trở lại cây cỏ, gọi là nước tái sinh. Hai hồ Đội Có và Tổng Lệ thông nước với hồ Xuân Hương qua ống nước ngầm có màn lọc.
Ngày nay hồ Tổng Lệ đã bị lấp, còn hồ Đội Có vẫn còn nhưng thường xuyên bị ô nhiễm vì nằm ngay khu dân cư đông đúc.
Năm 2023, người Đà Lạt và những người yêu Đà Lạt đã rất bất ngờ khi bên trong Đồi Cù xuất hiện một công trình đồ sộ và có chiều cao choáng hết toàn bộ không gian của “vùng bất kiến tạo” đã được giữ gìn suốt hàng trăm năm qua.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, giờ đây khi đứng từ hồ Xuân Hương, đặc biệt là vị trí quảng trường Lâm Viên (quảng trường trung tâm của Đà Lạt), tòa nhà bên trong sân golf Đồi Cù che gần như toàn bộ 2 đỉnh núi thiêng Langbiang. Từ nội ô Đà Lạt, dù đứng ở góc nào, người dân cũng đều không thể thấy được 1/2 núi Langbiang như trước khi có tòa nhà này.
Khi Đà Lạt sương mù còn giăng khắp nơi, người dân Đà Lạt có thể định hướng được nhờ các điểm cao đã thành biểu tượng, như là tháp chuông Trường Yersin (Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) nằm ở hướng Đông; biểu tượng con gà trên nóc nhà thờ Chánh Tòa (nhà thờ Con Gà) nằm ở hướng Nam; ngôi sao đỏ của Trường đại học Đà Lạt nằm ở hướng Bắc.
Sau đây là một số hình ảnh công trình này bên trong Đồi Cù, đăng trên báo Tuổi Trẻ:
chuyenxua.net biên soạn
Nơi tôi ở có rất nhiều công viên cho dân chúng đến picnic, đi dạo, chạy bộ hàng ngày. Thành phố vẫn sử dụng ngân sách để mua các khu đất nhiều cây xan để tránh tình trạng tư nhân, developer chuyển thành đất tư, hay thương mại hóa …
Có lẽ Dalat là trường hợp đặc biệt khi chính quyền biến đất công thành đất tư và cho phép xây cất khách sạn ngay trên đó !!!
Khi mà đồng tiền chi phối không nơi nào là không thể
Khi nhà Lãnh đạo thích tiền hơn cảnh quan thì Đà lạt như thế này là hiển nhiên xãy ra .
Thấy tiếc vô cùng. Hồi xưa sinh viên trường CĐSP và ĐH Đà Lạt luôn lấy Đồi Cù làm nơi học bài và tổ chức các hoạt động dã ngoại, giải trí. Từ năm 1992, khi nhìn Đồi Cù bị “bao vây”, ĐaLat mất đi một Đồi Cù thật sự.
Nát hết cảnh quan đồi cù rồi,nghe đâu đó tiếng khóc của ngàn thông..😢
Quá bức xúc & đau lòng 😣 khi đất công bị xâm phạm thành đất phục vụ cho bọn “ lợi ích nhóm “
“ Nén bạc đâm toạc tờ giấy “ !?