Hoàn cảnh sáng tác ca khúc bất hủ Đôi Mắt Người Sơn Tây (Phạm Đình Chương – thơ Quang Dũng)

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là 1 trong những tên tuổi lớn nhất của làng nhạc Sài Gòn kể từ thập niên 1950. Ngoài những ca khúc với rất nhiều đề tài và đã trở thành bất tử như Xóm Đêm, Hội Trùng Dương, Ly Rượu Mừng, Thuở Ban Đầu, Anh Đi Chiến Dịch… còn có một lĩnh vực rất đáng lưu ý trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đó là nhạc phổ thơ, với những tuyệt tác: Mộng Dưới Hoa (thơ Đinh Hùng), Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ), Mắt Buồn (thơ Lưu Trong Lư), Đêm Màu Hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền),  Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê), đặc biệt là Đôi Mắt Người Sơn Tây – thơ Quang Dũng.

Đôi Mắt Người Sơn Tây đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ mang tên Mắt Người Sơn Tây của thi sĩ Quang Dũng, ngoài ra 4 câu đầu tiên của bài hát này được lấy từ một bài thơ khác nữa cũng của cùng tác giả, mang tên Đôi Bờ:

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt em, ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về khi chớm thu về một sớm mai.

Cả 2 bài thơ của Quang Dũng: Đôi BờMắt Người Sơn Tây đều được viết vào khoảng thời gian 1948-1949, cùng dành cho một bóng hồng.

Nhà thơ Quang Dũng ngày trẻ

Thuở nhỏ, thi sĩ Quang Dũng là bạn học cùng lớp với nhạc sĩ Phạm Duy tại trường Thăng Long. Sau này cả 2 cùng vào hàng ngũ của Việt Minh, trong khi Phạm Duy tham gia văn nghệ kháng chiến thì Quang Dũng trở thành một đại đội trưởng trong Trung đoàn Tây Tiến. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông và Quang Dũng có nhiều điểm rất giống nhau. Thời trẻ họ đều bỏ nhà đi theo gánh hát, nếu như Phạm Duy trở thành kẻ du ca thì Quang Dũng là nhạc công chơi đàn cò. Một điểm nữa là họ “đều có một mối tình cùng người vũ nữ rất đậm đà, mãnh liệt” (nguyên văn lời nói của Phạm Duy). Chính mối tình đó đã để lại cảm xúc khôn quây để Quang Dũng viết thành 2 bài thơ Đôi Bờ và Đôi Mắt Người Sơn Tây, và được Phạm Đình Chương đưa trọn vẹn vào ca khúc như sau:

Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Buồn viễn xứ khôn khuây

Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ…

Thủ bút của Quang Dũng năm 1949 khi sáng tác “Mắt Người Sơn Tây”

“Đôi mắt người Sơn Tây” mà chàng thi nhân phải thương nhớ ơ hờ đó là của một cô kỹ nữ tên là Nhật, rất đẹp và có nét như người Nhật nên bạn bè thường gọi cô bằng cái tên Akimi.

Năm 1946, thế cuộc loạn lạc, mẹ của Akimi đi tản cư từ thị xã Sơn Tây xuống Kinh Đào, có mở một quán cà phê nhỏ để buôn bán tạm, mỗi lần về Sơn Tây thì Quang Dũng đều ghé ngang qua quán và trò chuyện với cô hàng nước xinh đẹp, rồi có lần sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng dán lên vách nứa:

Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước Kinh Đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên…

Bài thơ này được cô hàng nước chép lại và giữ bên mình cho đến tận những năm cuối đời, sau này khi sang Mỹ, Akimi mới đưa cho bạn bè xem.

Họ gặp nhau trong một buổi chiều luân lạc, buồn viễn xứ khôn khuây vì đất nước còn hỗn loạn giữa khói lửa lan tràn, nếu nghĩ về tình riêng chỉ thấy một con đường mịt mùng. Lúc đó Quang Dũng đang mang phận là chinh nhân, năm 1947 tốt nghiệp trường quân sự Sơn Tây rồi trở thành Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ở hoàn cảnh đó, họ chỉ mong sớm thấy ngày hòa bình, đường quê hương được khô ráo dòng lệ.

Tôi từ chinh chiēn đã ra đi
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc
Non nước u hoài, non nước hao gầy, ngày chia tay.

Em vì chinh chiēn thiếu quê hương
Sài Sơn, Bương Cấn mãi u buồn
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ, em có bao giờ
Em thương nhớ thương…


Click để nghe Thái Thanh hát Đôi Mắt Người Sơn Tây trước năm 1975

Nhìn về cố xứ, Ba Vì đã bị khuất bóng những chiều xanh từ khi dấu lửa binh lan tràn trên đất mẹ, người trai tạm biệt quê nhà phủ Quốc (Oai) để lên đường tranh đấu vì không đành lòng nhìn non nước u hoài, và người con gái cũng cũng phải rời xa quê hương, nên những Sài Sơn, Bương Cấn hay xứ Đoài mây trắng năm xưa chỉ còn lại ở trong tâm tưởng.

Rồi một ngày khi vẫn chưa hết dấu chiến chinh, đó là năm 1948, người tình Akimi rời vùng tản cư để “dinh tê” về thành, để lại nỗi u hoài cho thi sĩ. “Dinh tê” vốn đọc từ chữ “Rentrer” (quay trở về) trong tiếng Pháp, để nói những người quay trở lại Hà Nội. Ngày trước mang nỗi buồn viễn xứ, nhưng ít ra vẫn còn gặp được cô gái nhỏ những lúc về xuôi, còn nay đôi người đã ở “đôi bờ” cách biệt, nàng về kinh thành, ta nơi biên ải:

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự,
kinh thành em có nhớ ta chăng?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến, 
hiu hắt chiều sông lạnh đất Tề… (Trích trong bài Đôi Bờ – Quang Dũng)

Năm 1954, Akimi di cư vào Nam, sống tại Sài Gòn, đã một thời là kiều nữ của vũ trường Tự Do, đến năm 1975 sang Mỹ định cư.

Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào…

Có lẽ định mệnh sắp xếp cho đôi người họ “mỗi ngày một cách xa”, từ lúc về thành đã thấy như ở đôi bờ, nhưng càng về sau lại càng xa thăm thẳm, đến cách cả một đại dương, để lại cho thi nhân Quang Dũng nỗi buồn ly biệt chỉ còn biết mơ bóng người về trong đáy cốc như câu chuyện của chàng Trương năm xưa:

Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ…

Nhà thơ Quang Dũng

Thi sĩ Quang Dũng là một người lính, nhưng người đương thời nhìn ông như là một con người rất tài hoa và nghệ sĩ, có lẽ vì vậy mà ông không ở trong quân ngũ được lâu. Năm 1951, Quang Dũng xuất ngũ, chuyển sang làm báo, viết văn và có liên quan đến Nhân Văn – Giai Phẩm.

Lúc đó, ở miền Nam, bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng trở nên nổi tiếng trong giới nghe nhạc ở Sài Gòn khi được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc và thường được Thái Thanh, hoặc chính ca sĩ Hoài Bắc – Phạm Đình Chương hát ở phòng trà Đêm Màu Hồng thập niên 1970. Ca khúc này còn gắn liền với một giọng hát thượng thặng khác là Duy Trác.

Một điều đặc biệt, đó là thi sĩ Quang Dũng là người Sơn Tây, nhạc sĩ Phạm Đình Chương là người Sơn Tây, và danh ca Duy Trác cũng là một người Sơn Tây. Những tinh hoa gốc Sơn Tây đó hội tụ trong bản thu âm tuyệt vời sau đây:


Click để nghe Duy Trác hát trước năm 1975

Sau đây là một số hình ảnh mảu hiếm của Sơn Tây xưa, được chụp từ năm 1915-1916, nằm trong số những tấm ảnh màu đầu tiên chụp Việt Nam:

Bài: Đông Kha
chuyenxua.net

Viết một bình luận