Thành phố Sài Gòn buổi ban đầu – Phần 1: Những thay đổi trước và sau khi thành thuộc địa Pháp

Nguyên bản của loạt bài viết này mang tên Thành phố Sài Gòn 100 năm về trước, đăng trên tạp chí Phổ Thông những số đầu tiên từ năm 1958 của tác giả Đặng Văn Nhâm, soạn dựa theo những tư liệu trong kho lưu trữ có từ thế kỷ 19.

Năm 1958 cũng là thời điểm Sài Gòn tròn 100 năm bị Pháp xâm chiếm, rồi được xây dựng theo kiểu mẫu phương Tây (lấy dấu mốc năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đụng độ với quân triều đình Huế).

Từ khi bài viết này ra đời tới nay thì đã có thêm hơn 65 năm trôi qua nữa (1958-2024), vì vậy bài viết này được biên tập lại và để tên thành: Thành phố Sài Gòn thuở ban đầu, chia thành nhiều phần, theo các giai đoạn: bắt đầu được quy hoạch, những công trình kiến trúc châu Âu đầu tiên, giai đoạn “tô điểm”…

Sau đây là phần đầu tiên của loạt bài Sài Gòn thuở ban đầu:

Trước khi quân Pháp đến chiếm Sài Gòn thì thành phố nhỏ bé này chỉ gồm có: một cái thành tên là Bến thành (có nghĩa gần như là Cái thành ở bến rạch Bến Nghé) và một khu thương mãi gọi là Bến Nghé. Trên thực tế, thời ấy khu thương mãi chỉ hoạt động trong phạm vi chiều dài của hai con đường dọc bờ sông, bây giờ gọi là Bến Chương Dương và Bến Bạch Đằng. Hai con đường này ngày xưa gồm toàn nhà ngói mà sau lưng mỗi căn lại có một kho hàng cất theo kiểu nhà sàn trên bờ sông.

Tuy những hình ảnh đó hiện nau đã bị xóa mờ, nhưng chứng ta vẫn có thể giao cảm với người xưa được, qua những khu xóm lá nghèo nàn bên sông, từ phía Cầu Kho vào Chợ Lớn.

Tả quang cảnh thành phố Sài Gòn khi xưa, một nhà đại học giả miền Nam, ông Trương Vĩnh Ký cho biết: Trong số những làng trong thành Bến Nghé người ta thấy có: làng Hàng Đinh. Chu vi làng này hiện thời là góc đường Tự Do và Gia Long. Xóm Vườn Mít (hiện là góc đường Nguyễn Du và Công Lý) và bên cạnh là chợ DaCong (lấy tên của một cây da cong). Về phía Nam, hướng vào Chợ Lớn, là xóm Đệm Buồm. Ngoài ra, còn có một vùng mộ địa nằm gần bên đường Công Lý hiện thời. Đường này, ngày xưa là ranh giới giữa Sài Gòn và Chợ lớn (souvenirs historiques 1885).

Như vậy, cách đây một trăm năm về trước, Sài Gòn hãy còn là một thành phố nhỏ bé. dân cư thưa thớt, nhà cửa nghèo nàn, lụp xụp.

Một trong số những người ngoại quốc đầu tiên đặt chân lên mảnh đất thân yêu này là ông Pallu de la Barrière, đã viết:

“Du khách đến Sài Gòn, thấy về phía bên phải sông Bến Nghé có một con đường nhỏ, có vẻ như đường phố mà những góc dường thỉnh thoảng lại có vài khoảng đất trống bỏ hoang. Phần nhiều nhà cửa đều làm bằng gỗ, lợp lá dừa. Có một số ít nhà – đa số của người Trung Hoa – làm bằng gặch lợp ngói đỏ, khiến du khách phải ít nhiều chú ý. Thỉnh thoảng cũng có vài căn nhà ngói lớn, mái cong, là những chùa thờ Phật. Ở đây chỉ có cái chợ là kiến trúc có vẻ chắc chắn hơn.

Dọc theo lòng sông, hàng nghìn chiếc thuyền đậu sát bên bờ, làm thành một khu thủy cơ, ngày đêm bồng bềnh trên sóng nước” (Histoire de l’expédition de Chochinchine – 1861).

Tả về quang cảnh Sài Gòn, bác sĩ Caudé cũng đã viết:

“Trước khi người Pháp đến chiếm Sài Gòn, nơi này chỉ là một vùng toàn những lều làm theo kiểu nhà sàn có nhiều gian nối liền dãy, bằng cách cặp những sáo tre lại với nhau, tạo thành những chòm nhà ở bên bờ những con rạch sình lầy” (arroyos fangeux – chữ này cũng như chữ Mirador, gốc Tây Ban Nha, đã phát sinh trong khi Pháp quân cùng với quân Tây Ban Nha đánh chiếm thành Sài Gòn 1859-1861).

Trong khi đó, R. Lindau thông tín viên của tạp chí “Hai thế giới” (Revue des 2 mondes) đã nhìn Sài Gòn bằng một con mắt rẻ rúng hơn: “Cái làng nghèo nàn ấy gồm toàn những lều làm bằng lá dừa. Dân chúng thì dơ dáy, xấu xí, rách rưới, đi lại trên khắp các ngả đường…”

Những nhận xét của những người ngoại quốc trên đây có lẽ hơi thiên lệch và chủ quan đôi chút. Tuy nhiên, dù sao cũng là những sử liệu giá trị giúp ta mở đường quay nhìn về dĩ vãng, để giao cảm với người xưa.

Một con đường đất ở Sài Gòn. Trong những năm đầu, đường ở Sài Gòn vẫn chỉ là đường đất, con đường được rải nhựa đầu tiên của Đông Dương là đường Catinat từ thập niên 1880

Sài Gòn thay đổi

Pháp quân bắt đầu tấn công thành Sài Gòn vào sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1859, với một lực lượng hùng hậu, gồm có 7 chiến hạm với súng ống tối tân như: Soái hạm Phlégéton (luôn luôn thượng kỳ Đô Đốc), chiến hạm Primauguet, Avanlanche, Alarme, Dragonne, El Cane, và Prègent.

Tất cả đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đô Đốc Rigault de Genouilly cùng với một số đông sĩ quan cao cấp như: Đại úy thủy quân Lafont. Trung tá Tây Ban Nha Escario, Đại úy kỵ binh Lopez, Đại úy pháo binh Lacour, Thiếu tá Des Pallières, Đại úy Gallimard, Thiếu tá Breschin, Trung tá Reybaud, Đại tá Lauzarotte và Đại úy bộ binh Valière…

Theo một tài liệu cổ bằng chữ Hán, thông cáo của các vị tri huyện báo cho dân chúng biết tin tức về sự quan quân triều đình thất thủ thành Sài Gòn, thì lực lượng Pháp quân tham dự trong trận này gồm có 10 chiến hạm và độ 2000 binh sĩ.

Theo bản báo cáo chính thức về mặt trận của Đô Đốc Charner, trận đánh chiếm thành Sài Gòn đã kết thúc vào ngày 25 tháng 2 nghĩa là đúng 9 ngày sau.

Sau đó chính phủ Nam triều đã ký kết với Pháp và Tây Ban Nha một hiệp ước, ngày 5 tháng 6 năm 1862, nhìn nhận chủ quyền của Pháp trên đất nầy.

Một giai đoạn mới mở màn. Người Pháp bắt đầu lo tổ chức cai trị.

Công việc tổ chức cai trị hoàn toàn nằm trong tay các sĩ quan thủy quân và lục quân (Les premières années de la Cochinchine, colonie francaise – của Paulin Vial).

Ngày 22 tháng 2 năm 1860 do một nghị định của Đô Đốc Page, thương cảng Sài Gòn bắt đầu mở cửa để giao dịch buôn bán với ngoại quốc và dân chúng khắp nơi.

Ngày 11 tháng 4 năm 1861 do một nghị định của Phó Đô Đốc Charner đã chỉ định chu vi của thành phố Sài Gòn, một bên là rạch Tàu Hủ và rạch Bà Nghè – người ta còn gọi là rạch Thị Nghè. Sự tích do chuyện: có con gái của 1 vị đại quan nọ đến trú ngụ bên bờ rạch, lấy chống, và làm nên một cái cầu ngang sông để nối liền với thành Sài Gòn. Do đó, dân chúng bèn đặt tên rạch ấy là rạch Bà Nghè (hay rạch Thị Nghè). Một bên là sông Sài Gòn (hay Bến Nghé) và 1 đường ranh giới, chỉ từ chùa Cây Mai đến thành Kỳ Hòa cũ.

Đến người kế vị là Đô Đốc Bonard, cho rằng chu vi này có vẻ tù hãm và chật chội quá, bèn định thực hiện theo cái bản đồ của Đại tá Công Binh Coffyn, phác họa dự tưởng về thành phố Sài Gòn vào năm 1862. Hiện tấm bản đồ lịch sử ấy hãy còn lưu trữ tại viện bảo tàng Sài Gòn.

Bản đồ đó lấy sông rạch làm ranh giới thiên nhiên cho thành phố.

Trong vào bản đồ, thành phố Sài Gòn chẳng khác nào một hòn đảo nhỏ, bốn bề có sông bao bọc như: sông Sài Gòn, Thị Nghè, sông Cầu Bông, cầu Kiệu ở cầu Mạc Má Hồng v.v…

Vào năm 1862, theo một cuộc kiểm tra dân số của người Pháp, thì dân chúng Sài Gòn gồm có độ từ 8000 đến 10.000 người cư ngụ. Dân số đó không kể người Trung Hoa, vì đã được sống biệt lập, cách xa hơn 5 cây số ngang.

Theo đại úy T. de Grammont – giám đốc bản xứ vụ ở Hốc Môn đã viết: “Từ khi chiếm được Sài Gòn, người Pháp đã sáng tạo nhiều kiến trúc mới gần bên cái thành cháy cũ, do M. Janréguiberry khởi xướng và đốc công. Chương trình còn dở dang thì thiếu tá d’Ariès đến thay thế và tiếp tục. Những kiến trúc mới đầu tiên của người Pháp trên đất Sài Gòn là: dinh quan Thống Đốc, những bịnh xá, một ngôi nhà thờ nhỏ (Khánh thành ngày 15 tháng 8 năm 1860) và sau cùng là những nhà in của chính quyền. Tất cả đều nằm trong chu vi những con đường ngày nay là Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn và Cường Để.

Riêng về Phó Đô Đốc Charner khi mới đến Sài Gòn cũng có ra lịnh cho xây cất một căn nhà mới khác bằng gỗ rất đồ sộ. Khung nhà này, Phó Đô Đốc đã gửi mua tận Singapore, tạm thời dành làm dinh Thống Đốc theo tác phẩm “Onze mois de souspréfecture en Base Cochinchine” của Đại úy De Grammont.

Đường Catinat - Con đường xưa nhất của Sài Gòn xưa
Dinh Thống đốc bằng gỗ

Trong khi đó, Jean Buchot quả quyết rằng: Dinh Thống Đốc thứ hai này gồm có 3 dãy nhà song song và nối liền nhau, bằng gỗ, ngày xưa đã chiếm vị trí trên khu trường Taberd hiện thời.

Vị trí màu đỏ trong bản đồ có ghi chữ Gouverneur, tức tòa nhà chính phủ (Dinh Thống Đốc). Phía trước có chữ Horloge, là quảng trường Đồng Hồ, nằm chính diện ngã tư Đồng Khởi – Nguyễn Du ngày nay (chỗ bót Catinat sau này).

Đằng trước dinh có một cột đồng hồ, bằng gỗ. Khoảng đường Gia Long và nhà thờ Đức Bà hiện thời, ngày xưa người ta gọi là “Place de l’horloge”. Xung quanh công trường có một nhà kho bạc và một nhà bưu điện, toàn là những lều lá nghèo nàn.

Hình chụp từ quảng trường Đồng Hồ nhìn qua nhà bưu điện và kho bạc. Người chụp rất có thể là đang đứng bên trên dinh Thống đốc

Vào thời này, một số những kiến trúc quan trọng, thẩm mỹ đã mọc lên ở Sài Gòn: trú khu của bọn kỵ binh Thổ Nhĩ Kỳ theo quân đội Pháp, những kho chưa vật dụng của thủy quân và pháo binh…

Đồng thời người Pháp cũng tổ chức trường Thông Ngôn (Collège des interprètes) mà một số các học giả Việt Nam ở Nam Kỳ đã xuất thân tại đó. Cùng với một bệnh viện mới to lớn đẹp đẽ hơn do bà sơ St Paul de Chartres điều khiển. (Những chi tiết này có ghi rõ trong tấm bản đồ 1867).

Từ đó về sau, người Pháp lo đốc xuất việc đắp đất, lấp rạch, đào kinh, xây cầu, mở mang đường sá cho mỗi ngày càng rộng rãi, đẹp đẽ hơn. Đô Đốc De la Grandière cũng có góp công lớn trong việc tu sửa đất đai này.

Lúc đó, một thông tín viên của tạp chí “Hai Thế Giới” cũng đã viết nhiều câu chứng minh sự thay đổi quan trọng ấy của thành phố Sài Gòn (E. du Hally – 1863).

Các khu phố Bonard, Charner, de la Somme, Pellerin và cả kho Công xưởng thủy quân ngày xưa chỉ là một nơi đầm rạch sình lầy, kề bên sông Bến Nghé.

Trên bờ sông một con rạch lớn (tức đường Charner chỗ tòa hòa giải rộng quyền hiện thời) ngày xưa có một cái nhà thờ nhỏ, tên Sainte Marie Immaculée, khánh thành vào tháng 5 năm 1863.

Theo tập “Le royaume d’Annam et les Annamites”, lúc ấy phong trào kiến trúc ồ ạt khắp nơi. Chánh phủ thuộc địa cất lên 2 khách sạn đẹp đẽ, sang trọng, một số nhiều nhà hàng và một câu lạc bộ Sĩ quan. Trong số anh em nhà Roques có cất một căn nhà lầu, khiến dân chúng bản xứ kinh ngạc không ít.

Đến năm 1863, dọc bờ sống và trong thành phố, người ta thấy có nhiều hãng buôn quan trọng dựng lên như: hãng Frères Denis, Comptoirs Roques và hãng Ségassié; cùng với nhiều nhà khác, như Maison Eymond và Delphin Henri, de Bordeaux (nhà này ở vào góc đường Công Lý và bờ sông hiện giờ).

Ngoài ra, hãng Messageries Impériales (sau này đổi lại là Messageries Maritimes), Dutreuil de Rhins cũng ra đời và được coi là những kiến trúc hùng vĩ nhất của tây phương với kiểu mái cong như chùa người Trung Hoa.

Từ ngày Pháp quân đánh chiếm Sài Gòn đến bấy giờ tính ra đã bốn năm trời. Trong khoảng thời gian này tuy người Pháp có xây dựng nhiều cơ sở nhưng vẫn chưa phải là những công tác đáng kể. Cục diện thành phố Sài Gòn chỉ mới thay đổi vài phần nho nhỏ.

Bắt đầu từ ngày 28 tháng 11 năm 1863 quang cảnh thành phố Sài Gòn mới thay đổi hẳn. Vì từ đây, thời kỳ “cai trị của các vị Đô Đốc” mới thực sự mở màn…

(đón xem tiếp phần 2: Thời kỳ “tô điểm” của Sài Gòn)

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận