Chuyện tình trong bài thơ nổi tiếng “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” qua lời kể của tác giả Kiên Giang

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bᴏm che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường…

Đọc những lời thơ da diết, mộc mạc, thấm đượm nỗi lòng thương nhớ cố nhân, cố hương, chắc hẳn rất nhiều người nhận ra, đây là đoạn mở đầu trong bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của nhà thơ Kiên Giang đã được phổ thành các bài nhạc vàng rất nổi tiếng như Hồi Chuông Xóm Đạo, Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím Chuyện Tình Hoa Trắng.


Click để nghe Thanh Thúy hát Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím trước 1975

Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh năm 1929 tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ngoài bút hiệu Kiên Giang, ông còn có bút hiệu là Hà Huy Hà. Thơ Kiên Giang được nhận xét là giản dị, chân quê và đậm chất Nam Bộ. Ông được biết đến và yêu mến qua nhiều tập thơ đã xuất bản như: Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Lúa sạ miền Nam, Quê hương thơ ấu… Nhưng được nhiều người yêu thích nhất và thuộc nằm lòng thì phải kể đến bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Bài thơ được viết từ cảm hứng về mối tình thơ dại, đầu đời của ông với cô bạn học.

Mối tình thơ dại ẩn giấu của chàng trai 16 tuổi

Theo lời kể của Kiên Giang, năm đó, ông 16 tuổi rời quê Kiên Giang lên Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở trường tư thục Nam Hưng. Các trường học khi đó đều thực hiện một tờ báo riêng của trường mình để giao lưu với các trường khác trên địa bàn. Báo của trường Nam Hưng lấy tên là Ngày Xanh, thường giao lưu với tờ Thắm của trường trung học Ba Sắc.

Chủ nhật hàng tuần, Kiên Giang cùng các bạn học của mình lại tập trung dưới một vườn xoài xanh mát để làm báo. Báo được chép và vẽ hoàn toàn bằng tay vào cuốn vở học trò (có lẽ giống như cách học trò làm báo tường sau này). Vốn học giỏi văn và vẽ đẹp, Kiên Giang được giao nhiệm vụ biên tập bài vở và vẽ trang trí cho tờ báo. Trong nhóm bạn cùng làm báo, có cô bạn học tên Nguyễn Thị Nhiều, vốn chữ đẹp nên được giao nhiệm vụ chép bài vào báo. Và rồi, từ những buổi làm báo chung đó, tình cảm đôi lứa học trò chớm nở giữa hai người. Để rồi, mười năm sau, chàng trai Kiên Giang hồi tưởng lại:

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Phải lòng cô bạn học xinh đẹp với mái tóc dài đen mướt, nên sau đợt làm báo cùng nhau, mỗi khi tan học hay mỗi sáng chủ nhật khi nàng đi lễ nhà thờ, dù không có đạo, Kiên Giang vẫn lặng lẽ “phục kích” trước cổng nhà thờ để chờ bóng dáng người thương đi qua rồi lẽo đẽo theo nàng quãng đường về. Đáp lại tình cảm của Kiên Giang, cô Nhiều cũng chỉ dám len lén liếc mắt đưa tình, trao cho người bạn học những nụ cười e ấp, thẹn thùng.

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi

Hai bài thơ và nỗi trăn trở của chàng thi sĩ

Năm 1945, khói binh ly loạn, trường học đóng cửa, bạn bè chia ly, mối tình học trò thơ ngây, trong sáng cũng theo đó mà tan tác đôi ngả. Kiên Giang vào chιến khu suốt 9 năm ròng (1945 – 1954) và lập gia đình mà không hề hay biết là ở Cần Thơ, cô Nhiều vẫn một lòng đợi chờ, mong ngóng dù không một lời hẹn ước.

Sau này, thi sĩ Kiên Giang hồi tưởng lại: “Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa hình ảnh và tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1957.”

Dù chỉ là một mối tình học trò thơ dại, chưa từng ngỏ lời, chưa từng hẹn ước nhưng khi biết tin cô gái năm xưa vẫn lặng lẽ đợi chờ mình, chàng thi sĩ Kiên Giang cứ day dứt mãi không thôi. Trân trọng mỗi tình xưa cũ, ông đã viết thành một bài thơ đầy hoài niệm. Tuy nhiên, thơ đã viết xong mà người thì cứ mãi trăn trở, không yên. Ở bản viết đầu tiên, ông đã “để cho” cô gái chết đi:

“Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về giữa áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…”

(Bản thơ đầu tiên viết năm 1957)

Nhưng khi xem xét kỹ lại, có lẽ ông lại thấy áy náy khi đã để một người phải đợi chờ mình suốt 9 năm, lại phải “chết” đi, dù chỉ ở trong thơ. Vì vậy một năm sau đó, năm 1958, ông đã đem bài thơ ra sửa lại, để cho chàng trai (là ông) hy sinh:

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc… tiễn người ngàn thu
Từ đây, tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa

(Bản thơ sửa lại viết năm 1958)

Nói về việc sửa đổi này, ông trải lòng: “Tôi đã “cho” người mình thầm yêu phải chết đi, để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình. Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp gặp lại cố nhân ở Sóc Trăng (lúc này nàng đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, không hiểu sao tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết để bảo vệ quê hương, để không còn vương vấn mối tình thuở học trò. 

Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác, nhất là khi nó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa.” 

Và cũng rất thực thà, ông kể về nỗi day dứt với người đàn bà đến sau nhưng đã gắn bó đời mình với ông, khi ông trót “tơ vương”… lại với mối tình xưa: “Có lần tôi thú thực với bà xã về cái ấn tượng “sắc hoa trắng – màu áo tím”. Từ đó không có màu tím trong tủ áo nhà tôi nữa…”.

Sau này, nhà thơ Kiên Giang có dịp gặp lại bà Nhiều một vài lần khi bà đã có chồng con đề huề nhưng hai người chỉ coi nhau như những người bạn cũ và hầu như không nhắc lại chuyện xưa. Năm 1998, bà Nhiều qua đời tại nhà riêng ở Cần Thơ, tin tức này chỉ được nhà thơ Kiên Giang biết đến một năm sau đó, trong một lần ghé thăm. Đến năm 2014 thì nhà thơ Kiên Giang cũng qua đời tại Sài Gòn sau một cơn đột quỵ.

Dưới đây là hai bản thơ trước và sau khi nhà thơ chỉnh sửa:

Nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc

Bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím nổi tiếng này được yêu thích tới mức có hai nhạc sĩ nổi tiếng cùng phổ nhạc, và đều trở thành những ca khúc bất tử.


Click để nghe ca sĩ Hoàng Oanh hát Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím sau 1975

Ca khúc đầu tiên do nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc ngay sau khi bản thơ được viết vào năm 1957 và lấy cùng tên với tác phẩm thơ là Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Ở ca khúc này, Huỳnh Anh không nhắc đến cái chêt của cô gái, mà chỉ kể về câu chuyện tình buồn, chia ly của hai người:

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Tàn rồi bao kỷ niệm xa xưa
Núi xanh, sông biếc còn rơi lệ
Hoa trắng nay thành hoa cố nhân 

(ca khúc Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím)

Sau năm 1975, nhạc sĩ Anh Bằng tiếp tục đem bài thơ ra viết lại thành ca khúc bi ai hơn mang tên Chuyện Tình Hoa Trắng. Anh Bằng đã dựa vào bản thơ được viết lại vào năm 1958 của Kiên Giang để phổ nhạc. Nếu ở ca khúc của nhạc sĩ Huỳnh Anh là không khí buồn thương, chia ly, sầu man mác của một câu chuyện tình bình dị, thì ở ca khúc của Anh Bằng, không khí thời cuộc được chèn vào rõ ràng, sắc nét hơn. Hình ảnh người trai chinh nhân được nâng lên và tôn vinh:

Từ lúc giặc tràn qua xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím cành hoa trắng
Giữ cả người thương nóc giáo thương

Giặc chiếm lầu chuông xây ụ súnɡ
Súnɡ gầm vang đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch nát xây tường cũ
Chiếm lại lầu chuông nóc giáo đường

Nhưng rồi người trai anh hùng ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều hồi vĩnh biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

(ca khúc Chuyện tình hoa trắng)


Click để nghe Như Quỳnh hát Chuyện Tình Hoa Trắng (Anh Bằng)

Cả hai ca khúc của Huỳnh Anh và Anh Bằng đều được người yêu nhạc đón nhận và yêu mến suốt mấy chục năm, qua tiếng hát của nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng như Hoàng Oanh, Thanh Thuý, Như Quỳnh,…

Ngoài hai ca khúc nổi tiếng trên, năm 1994, nhạc sĩ Anh Bằng tiếp tục dựa trên lời bài thơ viết ca khúc thứ hai mang tên Hồi Chuông Xóm Đạo. Ở ca khúc này, Anh Bằng đã chọn một góc nhìn khác, toàn bộ ca khúc là lời tự sự, hồi tưởng đầy sầu bi của chàng trai khi người yêu đi lấy chồng.

Người hỡi tôi biết yêu là khổ
Xin kể lại chuyện xưa lưu bút trong nhật ký
Chiều nay nghe hồi chuông xóm Đạo vẫn nhớ thương và buồn.

Chuyện mười năm trôi qua khi em còn đến trường
Tuổi đời đẹp như thơ hoa bướm mộng mơ
Ngày xưa tôi còn dại khờ yêu em chẳng dám hẹn hò đôi câu.


Click để nghe Mạnh Đình hát Hồi Chuông Xóm Đạo

Còn với những tín đồ mê ca cổ, thì chắc hẳn đã từng ít nhất một lần mê đắm trong làn điệu ngọt ngào của bài tân cổ giao duyên “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” do nghệ sĩ Thanh Tuấn và Lệ Thuỷ ca.


Click để nghe Thanh Tuấn và Lê Thủy ca

Trong dòng lịch sử song hành giữa âm nhạc và thi ca, rất nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc thành ca khúc, được khán giả đón nhận và yêu mến. Nhưng được phổ nhạc thành nhiều ca khúc khác nhau và các ca khúc này đều được yêu thích và phổ biến rộng rãi giống như bài thơ gốc như trong trường hợp của bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím có lẽ là trường hợp hiếm thấy.

Nhiều ý thơ của Kiên Giang trong bài thơ này cũng được các nhạc sĩ “vay mượn” để đưa vào âm nhạc. Ví dụ hai câu thơ:

Lạy chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có chúa ở trên đời.

Ý thơ này đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mượn để viết ra ca khúc Trời Chưa Muốn Sáng. Trong ca khúc, cũng có hai câu tương tự:

“Lạy chúa tôi con người không đạo
Nhưng tin có chúa ở trên cao”

Đông Kha

Viết một bình luận