Cuộc đời thăng trầm của nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam: Henriette Bùi Quang Chiêu

Khi thực dân Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa, cùng với đó là sự du nhập của văn hoá Tây Âu là phương pháp chữa bệnh theo Tây Y. Ban đầu, Tây Y và bác sĩ chỉ phục vụ cho quân Pháp và gia quyến đi cùng. Dân Việt vẫn chỉ chữa bệnh, sinh đẻ theo các bài thuốc, phương pháp Đông Y cổ truyền từ thầy lang và bà đỡ. Tuy nhiên cùng với quá trình thâm nhập sâu rộng của văn hoá Pháp vào đời sống dân Việt, hệ thống bác sĩ, bệnh xá lần lượt được xây dựng và phát triển. Những vị bác sĩ Tây Y người Việt tiên phong cũng lần lượt xuất hiện, nhưng đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam Henriette Bùi Quang Chiêu. Tài năng và tên tuổi của bà một thời từng là niềm tự hào của người Việt trước sự lấn lướt, khinh miệt của người Pháp.

Giống như hầu hết những tri thức thời kỳ này, bà Henriette xuất thân trong một gia đình quyền quý. Cha bà Henriette là chính khách nổi tiếng ở Nam Kỳ, nghị viên Bùi Quang Chiêu. Trước năm 1945, Ông Chiêu là một nhân vật tích cực trong giới chính trị, ông tham gia thành lập Đảng Lập Hiến, đấu tranh cho quyền bình đẳng cho người Việt, quyền tự do báo chí, hỗ trợ nhiều du học sinh người Việt sang Pháp du học,… Thời trẻ, ông Chiêu cũng từng là du học sinh Pháp, là người Việt đầu tiên có bằng kỹ sư canh nông của Pháp. Ông cũng là người Việt duy nhất được đưa vào thăm vua Hàm Nghi khi vua bị Pháp đày sang Algérie. Em gái của ông Bùi Quang Chiêu chính là bà nội của Trần Lệ Xuân (phu nhân của Ngô Đình Nhu). Mẹ bà Henriette là bà Vương Thị Y, vốn là con gái trong một gia đình gốc Hoa giàu có ở Nam Kỳ. Ông Bùi Quang Chiêu và bà Vương Thị Y có 6 người con chung, bà Henriette là con thứ.

Gia đình Bùi Quang Chiêu. Ảnh gia đình chụp năm 1921 tại Phú Nhuận. Từ trái sang: Madeline, Henriette, ông Bùi Quang Chiêu, Louis, Camille và Helène.

HỌC VẤN XUẤT SẮC – SỰ NGHIỆP RỰC RỠ

Dù có gốc gác Nam Kỳ, lớn lên ở Sài Gòn nhưng bà Henriette lại được sinh ra ở Hà Nội vào ngày 8 tháng 9 năm 1906. Ngay từ nhỏ, cô bé Henriette đã được giáo dục kỹ lưỡng theo truyền thống học hành của gia đình. Thời tiểu học, Henriette được gửi vào học tại trường St Paul de Chartres (tức trường Nhà trắng) tại Sài Gòn (ngày nay ở đường Tôn Đức Thắng).

Vốn thông minh và hiếu học, năm 1915, khi vừa tròn 9 tuổi, Henriette được thi vượt cấp vào trung học, nhận bằng Certificat d’Études sớm 2 năm so với các bạn cùng trang lứa. Ngôi trường tiếp theo Henriette theo học là trường Collège des Jeunes Filles (tức trường Trung Học Gia Long Sài Gòn và là trường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay), sau đó là trường Lycée Marie Curie. Bà đậu bằng Certificat d’Études với thứ hạng cao, rồi sau đó nằng nặc đòi thân phụ cho đi học ngành Y khoa ở Paris như người anh Louis Bùi Quang Chiêu của bà.

Người cha Bùi Quang Chiêu đành phải nhượng bộ cho Henriette sang du học ở Agen, một thành phố ở miền nam nước Pháp, và đã phải thuê một vị giáo sư để đi cùng với cô con gái bé bỏng Henriette ra bến tàu Sài Gòn, để chăm lo việc sinh hoạt và học tập của bà. Bà xuất ngoại mùa Hè 1921, khi chưa tròn tuổi 15. Bà học rất giỏi, ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp và Trung Hoa, bà còn thông thạo nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Tây Ba Nha, Ý và cả những cổ ngữ như La Tinh và Hy Lạp.

Việc học của bà bị gián đoạn một năm vì bệnh đau mắt (trachoma), tuy nhiên bà cũng tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée d’Agen và Bordeau năm 1925, thuộc miền Tây Nam nước Pháp, và lấy bằng tú tài năm 1926 dưới sự giám hộ của giáo sư triết Madame Meyerson.

Từ niềm kính phục, trân trọng người anh của mình là Louis Bùi Quang Chiêu – một bác sĩ chuyên về bệnh Ho lao nổi tiếng tại Sài Gòn, và cũng vì người mẹ đã mất vì bệnh tật, năm 1927, bà vào học trường Đại Học Y khoa Paris. và trong thời gian này, bà được giới thiệu rồi trở thành thân thiết với nhà bác học Marie Curie và nhà sử học Charles Seignobos.

Ngoài một số người ngoại quốc, bà còn quen biết với nhiều nhân vật nam nữ người Việt Nam du học tại Pháp mà sau này sẽ đóng những vai trò rất quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa và giáo dục trong nước. Về phía nam giới, bà quen biết với vua Bảo Đại đang theo học tại Pháp; ông Nguyễn Văn Xuân, sinh viên trường École Polytechnique, sau này là Trung tướng Nguyễn Văn Xuân (Thủ tướng Chính phủ Quốc Gia Việt Nam đầu tiên vào năm 1948); Hoàng Xuân Hãn, sinh viên Polytechnique, sau này là Bộ Trưởng Giáo Dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim; ông Ngô Đình Nhu, sinh viên École de Chartres, sau này là cố vấn chính trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm,…

Về phía nữ giới , bà là bạn của bà Hoàng Thị Nga, em gái của Giáo sư Hoàng Cơ Nghị, vị nữ tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam; bà Nguyễn Thị Bính, vợ của Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, vị nữ dược sĩ đầu tiên của Việt Nam,…

Trong những năm cuối cùng tại trường Y, bà đã chọn những ngành chuyên môn như: pathological anatomy, obstetrics, gynecology, podiatry và infant care. Cũng giống như các vị nữ bác sĩ thời đó, bà chuyên về việc chữa trị các bệnh đàn bà và trẻ em trong thời gian nội trú tại các bệnh viện la Charité, Beaujon, Cochin và Bichat tại Paris. Năm 1932, bà tốt nghiệp đại học. Sau hai năm thực tập, bà là người phụ nữ Việt Nam lấy bằng bác sĩ y khoa đầu tiên ở Pháp.

Khi tốt nghiệp, bà dự định viết một luận án về đề tài “thụ tinh nhân tạo cho những người bị hiếm muộn”, tuy nhiên vào thời đó thì đề tài này quá mới mẻ và gây nhiều tranh cãi cho một người phụ nữ trẻ tuổi, do đó bà đã nghe lời khuyên của các vị giáo sư mà đổi sang một đề tài “truyền thống” hơn: “The Phebitis of Gestation”. Bài luận án của bà đã được Hội đồng giám khảo khen ngợi và tưởng thưởng huy chương vào năm 1934.

Năm 1935, ngay sau khi tốt nghiệp và nhận tấm bằng bác sĩ, bà Henriette trở về Việt Nam. Cũng trong năm này, bà được giao giữ chức Trưởng khoa hộ sinh ở bệnh viện Chợ Lớn (nay là bệnh viện Từ Dũ). Bà trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được giao trọng trách quan trọng trong hệ thống bệnh viện Tây y của Việt Nam.

Không chỉ dốc lòng cho công việc cứu người, bà Henriette còn không ngừng trau dồi và phát triển chuyên môn của mình. Năm 1957, bà từng có thời gian đến Nhật để học thêm về các phương pháp châm cứu, áp dụng trong sản khoa.

Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thành lập Bảo Sanh Viện trên đường Richeaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu)

Trong suốt hơn 40 năm hành nghề, đặc biệt là trong những năm tháng làm việc tại Việt Nam, bà Henriette đã nhiều lần công khai chống đối cấp trên người Pháp, đấu tranh cho quyền lợi của các bác sĩ và bệnh nhân người Việt trước những bất công và sự đối xử thiếu công bằng từ ban lãnh đạo bệnh viện người Pháp. Ví dụ như cùng là bác sĩ tốt nghiệp từ trường Đại học Y khoa Paris, cùng chức phận và công việc như nhau nhưng trong khi bác sĩ người Pháp được trả 1.000 đồng một tháng thì bác sĩ người Việt chỉ được trả lương 100 đồng một tháng; Hay việc bệnh nhân người Pháp luôn được ưu tiên và đối xử tử tế hơn bệnh nhân người Việt; Sự đối xử thiếu tôn trọng, thậm chí là thái độ khinh miệt kẻ cả của những y bác sĩ người Pháp đối với đồng nghiệp người bản địa; Hoặc như có lần ông giám đốc bệnh viện người Pháp yêu cầu bà phải mặc đầm khi đến bệnh viện làm việc để nhận được sự tôn trọng từ những đồng nghiệp người Pháp, bà đã thẳng thừng từ chối, kiên quyết mặc áo dài truyền thống đi làm.

Năm 1970, sau khi từ Pháp trở lại Việt Nam và trước khi quay trở lại Pháp vào năm 1971, bà đã quyết định đến làm việc không lương ở Khoa hộ sản và nhi khoa tại bệnh viện Phú Thọ. Sau 5 năm quay lại Pháp hành nghề y, bà nghỉ hưu vào năm 1976, khi vừa tròn 70 tuổi.

Cả cuộc đời cống hiến cho nghề không mệt mỏi, về già Henriette bà không ngần ngại hiến tặng luôn biệt thự riêng của mình ở số 28 đường Testard (nay là đường Võ Văn Tần) làm cơ sở cho trường Đại Học Y Khoa thuộc viện Đại Học Sài Gòn. Địa điểm này ngày nay nằm trong khuôn viên của Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh, căn nhà cũ của Henriette (cũng là trụ sở đại học Y Khoa cũ) đã bị đập bỏ.

Villa địa chỉ số 28 đường Testard (sau 1954 là đường Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần

BI KỊCH GIA ĐÌNH

Như đã nhắc ở trên, bà Henriette mồi côi mẹ từ năm 16 tuổi khi đang du học tại Pháp, tuy nhiên nỗi đau đó chưa phải là lớn nhất khi cuối năm 1945, một tấm bi kịch khủng khiếp khác một lần nữa đổ xuống gia đình bà.

Ông Bùi Quang Chiêu do từng giữ chức Viện Trưởng Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ (trước năm 1939) và đại biểu Nam Kỳ tại Thượng Hội Đồng Pháp quốc hải ngoại, ông bị lực lượng Việt Minh kết tội làm tay sai cho thực dân Pháp. Và kết cục là ngày 29 tháng 9 năm 1945, tại Chợ Đệm (Bình Chánh, Sài Gòn), ông Bùi Quang Chiêu cùng năm người khác trong đó có ba người con trai và con gái của ông đã bị kết án tử.

Ông Bùi Quang Chiêu

Lúc sinh thời, ông Bùi Quang Chiêu là người nhiệt thành ủng hộ phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh cũng như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Ông đã đọc trước mồ cụ Phan Châu Trinh: “Tây Hồ anh ơi, tôi xin thề hy sanh cho chủ nghĩa Pháp Việt đề huề”.

Năm 1919 ông đứng ra thành lập Đảng Lập hiến Đông Dương, là một chính đảng hoạt động ở Nam Kỳ trong thập niên 1910 đến 1930, vận động đòi tự trị cho Việt Nam để lần hồi giành lại độc lập hoàn toàn cho người Việt. Đảng Lập Hiến dùng 3 tờ báo: La Tribune Indochinoise (Báo Đông Dương), L’Echo Annamite và Đuốc Nhà Nam làm diễn đàn. Tuy gọi là Đảng nhưng những Đảng Lập hiến lại tổ chức giống như một câu lạc bộ chính trị của giới điền chủ, nghiệp chủ, công chức người Việt ở Nam kì.

Bùi Quang Chiêu cũng là đảng viên đảng Cấp tiến và Xã hội Chủ nghĩa Cấp tiến của Pháp, nên nhân lúc Alexandre Varenne của đảng Xã hội Cấp tiến Pháp được bổ nhiệm làm toàn quyền vào năm 1926 với hứa hẹn cải tổ cai trị ở Đông Dương, Bùi Quang Chiêu lại sang Pháp vận động chính giới Pháp với loạt bài “Pour le Dominion Indochinois”. Ông đưa ra “Bản yêu sách 9 điều khoản” gồm:

  1. Tự do ngôn luận,
  2. Tự do báo chí,
  3. Tự do hội họp và lập hội,
  4. Tự do đi lại,
  5. Cải cách giáo dục,
  6. Điều chỉnh chế độ lương bổng cho công bằng giữa người Pháp và người Việt,
  7. Nới rộng quyền đại diện chính trị,
  8. Nâng cao đời sống lao động,
  9. Bãi bỏ độc quyền kinh tế.

Với thanh thế đó, ông về lại Sài Gòn tranh cử cuộc bầu cử tháng 10 năm 1926. Kết quả là ông cùng 9 đảng viên đảng Lập Hiến đắc cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, chiếm trọn 10 ghế của người bản xứ. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng. Năm 1927 nhờ sự vận động của ông cùng các nhân sĩ khác như Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Vũ Đình Dy và Nguyễn Phan Long, người Pháp mới bãi bỏ điều kiện Pháp tịch cho những học sinh muốn sang Pháp du học. Cũng vì quan tâm đến việc giáo dục, ông mở tư thục “An Nam Học đường” ở Sài Gòn.

Hoạt động chính trị của ông bị nhà chức trách cho là bài Pháp nên ông và báo La Tribune Indochinoise bị liệt danh vào “sổ đen” của mật thám Pháp. Ở phía ngược lại, ông cũng bị Việt Minh kết tội là tay sai cho Pháp.

THOÁT KHỎI NHỮNG SẮP XẾP VÀ ĐỊNH KIẾN

Bà Henriette kết hôn lần đầu tiên theo sự sắp xếp của cha vào năm 1935 ngay sau khi du học trở về nước. Bà kể về lần kết hôn này như sau:

“Hồi đó, ngay cả ở Pháp, phụ nữ học ngành y cũng rất ít. Ra trường, cũng không ít nữ bác sĩ bỏ nghề vì phải lấy chồng, sinh con. Tôi cũng không thoát khỏi định kiến xem thường phụ nữ thời ấy. Vừa tốt nghiệp bác sĩ, tôi đã bị cha triệu về Việt Nam để gả chồng…”

Như bao gia đình quyền quý khác, ông Bùi Quang Chiêu chọn cho cô con gái cưng một người chồng vô cùng “môn đăng hộ đối”, xuất thân trong một gia đình quyền quý không kém gia đình ông. Đó là luật sư Vương Quang Nhường, cháu ruột của thái hậu Từ Dũ, tiến sĩ Luật Khoa người Việt đầu tiên, đồng thời là thành viên Đảng Lập Hiến Đông Dương do ông Bùi Quang Chiêu sáng lập.

Tuy nhiên, với bà Henriette, cuộc hôn nhân khiên cưỡng này lại hoàn toàn không mang lại cho bà hạnh phúc. Đặc biệt là tư tưởng của hai người cực kỳ khác biệt, trong khi ông chồng chỉ muốn bà ở nhà nội trợ, sanh con đẻ cái với tuyên bố: “Tôi là trạng sư, lương đủ cho bà ở nhà, đi chơi”, thì bà lại kiên quyết theo đuổi công việc bác sĩ của mình: “Tôi thích làm, không thích chơi”. Sau hai năm gắng gượng duy trì cuộc hôn nhân đầy những bất đồng, bà Henriette quyết định đưa đơn ly dị chồng, giải phóng cho bản thân, bất chấp những lời dị nghị.

Không chỉ thẳng thắn và quật khởi trong hôn nhân, vượt qua những định kiến về giới, bà Henriette trở thành người phụ nữ đầu tiên mua và lái xe hơi trên đường phố Sài Gòn trước bao ánh nhìn và lời bàn tán của mọi người.

Sau cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại, đạp lên mọi luồng dư luận và bất chấp những ý kiến trái chiều từ gia đình, bà quyết định tái hợp và chung sống với mối tình sâu đậm nhất của mình mà không cần bất cứ hôn lễ hay tờ hôn thú nào.

MỐI TÌNH SÂU NẶNG VÀ CUỐI CÙNG

Người chồng thứ hai của bà Henriette là ông Nguyễn Ngọc Bích, cũng là mối tình sâu đậm, dài lâu và cuối cùng trong cuộc đời bà.

Nguyễn Ngọc Bích, con trai Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Tương

Đó là những năm tháng du học tại Pháp, mùa đông Paris lạnh giá và khắc nghiệt, cậu em họ xa Nguyễn Ngọc Bích thường xuyên đau bệnh, nên người chị họ Henriette vốn là một sinh viên y khoa giàu kiến thức đã tận tình qua lại chăm sóc cho sức khoẻ của cậu em. Bất chấp những định kiến, lễ giáo về quan hệ họ hàng, hai người dần nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Khi tình cảm vừa chín tới, cũng là lúc bà Henriette tốt nghiệp phải về nước lấy chồng theo lệnh cha.

Nói về ông Nguyễn Ngọc Bích, đây cũng thực sự là một người đàn ông tài giỏi, thông minh hiếm có khiến bà Henriette không chỉ yêu mà còn nể phục. Ông Nguyễn Ngọc Bích là con trai thứ của đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Tương (về sau là Giáo Tông của Ban Chỉnh Đạo Hội Thánh Cao Đài). Tuy nhỏ tuổi hơn bà Henriette đến 5 tuổi (sinh năm 1911) nhưng ông cũng được gia đình gửi đến Pháp du học từ sớm cùng hai người anh trai và đậu vào ngành kỹ sư cầu đường tại đại học École Polytechnique, ngôi trường danh tiếng hàng đầu tại Paris, nơi chỉ tuyển những sinh viên xuất sắc nhất.

Năm 1936, ông Nguyễn Ngọc Bích tốt nghiệp đại học và về nước làm việc tại sở Thuỷ Lợi tỉnh Sóc Trăng. Sau khi bà Henriette ly hôn chồng, gặp lại ông Nguyễn Ngọc Bích và rồi tình cũ không rủ cũng tới, hai người quyết định dọn về chung sống cùng nhau mà không cần bất cứ lễ cưới nào, bất chấp sự phản đối của cả hai gia đình. Trong khi bà Henriette tiếp tục công việc bác sĩ tại Sài Gòn thì ông Bích đi đi về về với công việc tại Sóc Trăng.

Năm 1940, ông Bích nghỉ việc tại Sóc Trăng, trở về quê nhà Bến Tre, gia nhập lực lượng Việt Minh và nhanh chóng trở thành thành viên chủ chốt. Một mình ở lại Sài Gòn, bà Henriette vẫn dành trọn tình yêu và chờ đợi những chuyến về thăm của chồng.

Năm 1944, bà Henriette đón nhận cú sốc từ người chồng mà bà nhất mực yêu thương. Ông Nguyễn Ngọc Bích có con riêng với một cô sinh viên trường nữ công gia chánh ở Sóc Trăng. Tuy nhiên, đó chỉ là một mối tình say nắng, trót dại của ông Bích, dù hai người không có hôn thú, ông Bích vẫn nhất quyết không bỏ vợ. Cô gái kia biết chẳng thể chia cắt ông bà cũng đành đi lấy chồng khác. Bà Henriette dù rất đau khổ, vẫn bao dung và điềm tĩnh giúp ông thu vén mọi chuyện gọn gàng.

Năm 1947, bà Henriette tiếp tục phải đối mặt với một biến cố khác từ chồng. Trong một trận càn quét vào vùng kháng chiến ở Sóc Trăng, ông Nguyễn Ngọc Bích bị quân đội Pháp bắt làm tù binh. Lúc này, ông đang giữ những vị trí khá quan trọng trong chính quyền Việt Minh, là Khu bộ phó Khu 9 (vùng Tây Nam Bộ), đại biểu quốc hội khoá 1 VNDCCH, Uỷ viên dự khuyết Ban thường trực Quốc hội. Ban đầu, ông Bích bị kết án tử hình. Tuy nhiên, nhờ ông Bích có quốc tịch Pháp và những mối quan hệ giao tế với nhiều nhân vật có tiếng nói tại Pháp đã gây sức ép lên chính quyền quân sự Đông Dương, khiến họ không thể ghép ông vào tội tử hình chỉ với những cáo buộc “phản loạn”. Đổi lại, ông Bích bị buộc phải rời khỏi Việt Nam, đến cư trú tại Paris và chịu sự giám sát của chính quyền Pháp. Bà Henriette lại một lần nữa, nén nỗi đau, gom góp tiền bạc, tiễn chồng sang Pháp. Tại Paris dưới sự động viên và hỗ trợ của vợ từ quê nhà, ông Bích cùng bạn mở một nhà xuất bản sách tiếng Việt mang tên Minh Tâm. Đầu thập niên 1950, ông Bích tiếp tục theo học y khoa và trở thành bác sĩ ung thư tại Pháp.

Đầu thập niên 1960, nhiều thông tin trong chính giới vận động ông như một ứng viên sáng giá có thể thay thế tổng thống đương nhiệm Ngô Đình Diệm trên chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa qua cuộc bầu cử năm 1961. Tuy nhiên, hồ sơ ứng cử tổng thống của ông đã bị chính quyền Sài Gòn tuyên bố không hợp lệ vào giờ chót vì “lý do kỹ thuật”.

Năm 1961, vợ chồng bà Henriette quyết định chuyển đến Pháp làm việc, mở phòng mạch riêng và chung sống cùng chồng. Những năm cuối đời, ông Bích mắc bệnh ung thư vòm họng, bà đưa ông trở về Việt Nam dưỡng bệnh và chăm sóc ông cho đến tận ngày ông qua đời vào ngày 4 tháng 12 năm 1966 tại Thủ Đức.

Đối với người con trai riêng của chồng là Nguyễn Ngọc Châu, chính bà là người gợi ý và tận tình hỗ trợ ông bảo lãnh con trai sang Pháp du học và sinh sống cùng khi anh tới tuổi thành niên. Chính vì vậy mà dù sau khi cha mất, Nguyễn Ngọc Châu vẫn luôn coi bà Henriette giống như mẹ của mình. Khi được hỏi về người chồng quá cố, ở tuổi 101, bà Henriette vẫn minh mẫn trả lời một cách rõ ràng và rành mạch:

“Tôi biết cô hỏi tôi yêu ông Bích vì cái gì phải không? Tình yêu thật kỳ lạ. Người ta yêu nhau không phải vì cái gì cả, chỉ biết là chúng tôi đã yêu thương nhau, cùng nương tựa nhau đi qua những thăng trầm của lịch sử, đời người. Nhưng tôi thương ông Bích vì ông ấy thông minh. Tôi muốn giúp người thông minh, học giỏi đi đến cùng ước mơ của họ. Và vì thế mà tôi sẵn sàng tha thứ, chia sẻ với nỗi khổ tâm rất riêng tư của chồng tôi. Tôi vẫn yêu ông ấy, ngay cả khi ông không còn trên cõi đời này nữa. Vì lẽ đó mà mỗi lần gặp Nguyễn Ngọc Châu, tôi rất vui, vì Châu là phiên bản của chồng tôi. May mà còn có Ngọc Châu. Cuộc sống vẫn kỳ diệu hơn điều người ta nghĩ, phải không?!”.

Những năm cuối đời, bà Henriette sống trong một nhà dưỡng lão cao cấp tại Pháp, đồng thời bày tỏ ý nguyện sẽ dành tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm cho một tổ chức từ thiện sau khi bà qua đời.

Ngày 27 tháng 4 năm 2012, bà Henriette mất tại Paris ở tuổi 106.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận