Phong cảnh Đà Lạt thập niên 1940 qua mô tả của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Tiểu thuyết Bức Thơ Hối Hận được nhà văn Hồ Biểu Chánh viết năm 1953 (là phần tiếp theo của tiểu thuyết Bỏ Vợ viết năm 1938), có chương 4 lấy bối cảnh ở Đà Lạt và được đặt tên là Phong Cảnh Thần Tiên.

Dẫu đây chỉ là một tiểu thuyết, nội dung hư cấu, nhưng những dòng mô tả về phong cảnh Đà Lạt khoảng 80 năm trước không phải là hư cấu, mà hoàn toàn chân thật dưới ngòi bút của tiểu thuyết gia lừng danh Hồ Biểu Chánh.

Mời các bạn đọc lại mô tả phong cảnh thần tiên của Đà Lạt năm xưa, vào thời điểm có lẽ là khoảng thập niên 1940.

Sau mùa đông lạnh lẽo, qua tiết tháng 2 tháng 3 nầy khí hậu điều hòa, nên phong cảnh Đà Lạt là phong cảnh thần tiên.

Trong thành, trăm hoa đua nở, phác họa đủ màu, chẳng khác nào những bức tranh đẹp đẽ do tay thợ vẽ vời mà trình bày khắp nơi. Trước sân trên cửa, dựa lộ, bên hồ, chỗ nào cũng thấy hoa, mà hoa nào cũng yêu kiều diễm lệ.

Trên mấy đồi thì cỏ xanh mướt, che phủ mặt đất, chỗ thấp cũng như chỗ cao. Có khi giữa tấm khảm xanh ấy dựng lên một vài cây thông già, sừng sững giữa trời, nhánh gồ ghề, lá thưa thớt, dường như thiên thần của tạo hóa đặt bày, để dòm ngó nhơn gian, hoặc để thử thách tuế nguyệt.

Trên triền núi, rừng thông chớn chở, che bớt hố thẳm, thêm oai đảnh cao. Nếu hỏi rừng nầy tạo ra từ đâu bao giờ và tạo ra để làm chi, thì khó mà trả lời được.

Còn ở xa xa thì non xanh lố xố chận bớt chơn trời, dãy dọc dãy ngang, đảnh cao đảnh thấp. Đứng trước quanh cảnh tốt tươi mà trù mà mật nầy, người đa cảm ắt phải ngậm ngùi, người hẹp hòi tự nhiên rộng rãi.

Cách vài mươi năm trước Mộng Liêm tiên sanh trở lại chốn nầy, cụ thấy tay người chen vô mà thay đổi quang cảnh thiên nhiên càng thêm vẽ đẹp, thì cụ cảm hứng nên ngâm:

“Năm mươi năm trở lại non nầy.
Cám cảnh Lâm Viên lắm đổi thay.
Bảy sắc hoa tiên thơm thoát tục.
Tư bề núi phật mát hằng ngày.

Vui vầy tùng lộc mùi cầu đạo.
Khéo léo lâu đài vẽ biến gì.
Thế giới lưu ly rày đã hiện.
Hỡi ai, ăn trái nhớ trồng cây”

Cảm hứng cũng phải, vì thay đổi thật. Hồi đầu thế kỷ 20 nầy, Đà Lạt ẩn núp trong vùng hoang vu tịch mịch, núi non tán loạn, rừng rú bịt bùng, thú cầm sanh sống tự do, người mọi lại qua rải rác. Trong một khoảng ba bốn mươi năm, mà Đà Lạt hóa thành một thị trấn rực rỡ tốt tươi như sơn động bồng lai, như thế giới cực lạc, thế thì làm sao đến đây mà không có cảm hứng.

(…)

Ngó qua phía hồ bên kia thì một vùng cao nguyên rộng minh mông hiện ra trước mắt, trên ấy những đồi nhỏ nằm lúp xúp cho tới chơn núi Lâm Viên đồ sộ đứng phía trong. Người ta đương bắt đầu kiến trúc trường Trung học Yersin bên đó. Sinh viên được chốn thần tiên nầy mà dồi mày tâm chí, mở mang kiến thức thì có gì sung sướng bằng. Ngặt vì ở đây phẩm thực còn thiếu thốn, mà đường giao thông với Sài Gòn chưa thuận tiện, bởi vậy giá sinh hoạt phải mắc mỏ, bề ăn ở phải tốn hao nhiều. Muốn đào tạo nhơn tài mà lập trường lớn nơi nầy, thì cái ý định bất công đó nó thể hiện rõ ràng, vì lẽ con nhà nghèo hèn, dầu thông minh, dầu cần mẫn, cũng không thể mở rộng tri thức như con nhà giàu sang được.

(…)

Chưa quá 10 ngày mà cả vùng Đà Lạt từ châu thành ra ngoại ô, không còn chỗ nào mà không có dấu chưn của Hoàng và vợ chồng Nghiệp.

Cô Loan đã được thưởng thức cái cảnh im lìm an tịnh ở suối Cam Ly, ở rừng Ái Tình (Bois des Amours), ở Hồ Than Thở (Lac des Soupirs). Cô Loan đã được xem sức nước ở thác Gồ Gà, cách nuôi bò, nuôi dê để lấy sữa Đăng Kia, cách trồng bông hoa, trồng rau cải, trồng đậu, trồng cao su ở Arbre Bryóe, ở Dran, ở Bellevue. Cô đã được lên đồi Point-de-Vue ngồi ngắm lại châu thành Đà Lạt, mà xem lâu đài đường sá sắp nằm có lớp có từng. Cô còn lên tới triền núi Lâm Viên, đứng xem quang cảnh tổng quát của cả vùng cao nguyên, xa kia núi chập chồng, trước mặt đồi nằm lúp xúp.

Cảnh cô Loan thích hơn hết là cảnh hai bên con đường gọi là Tour de Chasse. Cô đã xin chồng đi vòng theo con đường nầy đến mấy lần, khi đi buổi mơi, khi đi buổi chiều. Lần nào đi được nửa đường cô cũng biểu xe ngừng lại rồi cùng chồng bước xuống đứng nhìn mấy vùng cỏ non, chỗ nắng thì vàng, chỗ mát thì xanh, chẳng khác nào một tấm gấm khổng lồ trải trên các đồi mà khoe dệt khéo. Lại rải rác vài cây thông già sừng sựng trên đồi mà coi chừng mấy bầy nai ăn cỏ, làm cho hiện ra bức tranh tùng lộc thiên nhiên.

Viết một bình luận