Việc xây những trường học đầu tiên ở xứ Thượng thời Pháp thuộc qua bài báo năm 1941

Bài viết gốc bằng tiếng Pháp của tác giả J. Rocket đăng trên tuần san Indochine, số 20 ngày 23/1/1941. Bài này được viết dưới góc nhìn của người Pháp.

Vấn đề trường học dành cho người xứ Thượng đang được xem là vấn đề cấp thiết. Nếu có dịp đi lướt qua xứ Thượng, du khách có lẽ sẽ thấy thú vị khi bắt gặp ngay giữa rừng già có một anh chàng người Thượng với vẻ mặt ngây ngô có phần đáng yêu. Nhưng đằng sau nét ngây ngô đó, họ có thực sự hạnh phúc như người ta vẫn nghĩ hay không?

Tiếp xúc lâu với xứ Thượng, chắc chắn bạn sẽ bị rơi từ bầu trời tưởng tượng của mình xuống dưới mặt đất của thực tế phũ phàng. Khi đó bạn sẽ nhận thấy một thảm cảnh về sự nghèo khó của người Thượng. Họ bị đói, những đứa trẻ rét run, những ngôi làng bị dịch bệnh tàn phá, dân làng thì chìm trong sự mê tín, các tộc người đang dần biến mất.

Trước bao nhiêu sự khốn cùng đó, người Pháp nên tự cảm thấy xấu hổ nếu không làm cách nào đó để giúp đỡ họ. Những ngôi trường nhỏ đang được mở ở xứ Thượng để dạy cho những con người khốn khổ đó được sống tốt hơn, hoặc ít nhất là bớt khổ hơn một chút.

Các mục tiêu của trường học

Trong vùng người Thượng, trường học đáp ứng các nhu cầu trước mắt:

1. Trước hết, phải cai trị được lãnh thổ. Tuy nhiên trong một vùng dân cư mà tất cả đều lạc hậu kém văn minh, thì chính quyền gần như không thể cai trị được ai, vì ở giữa nhà cầm quyền và những anh chàng bị trị khốn khổ đó không có người trung gian đủ khả năng chỉ huy, để làm nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh và đảm bảo mệnh lệnh đó được thực thi.

Vấn đề cấp bách nhất đặt ra cho chính quyền của một cộng đồng xứ Thượng bất kỳ là vấn đề cán bộ. Nếu không có trường học thì không thể đào tạo người dân thành những cán bộ đóng vai trò trung gian giữa chính quyền Pháp và cộng đồng của họ.

Tại một số vùng người Thượng vẫn ít nhiều chưa chịu thần phúc chính quyền, điều đó còn liên quan tới chuyện chủ quyền của Pháp. Kinh nghiệm xương máu cho thấy dù có dùng vũ lực thì một bộ lạc cũng không hoàn toàn chịu khuất phục, mà họ tạm thời hưu chiến hoặc giả bộ thần phục. Bộ lạc đó chỉ thực sự chịu thần phục khi bị chinh phục về mặt tinh thần. Để làm việc đó, một thầy giáo giỏi có thể làm tốt hơn nhiều lần một đại đội cầm súng.

2. Chúng ta phải dạy cho người Thượng để họ giữ gìn xứ sở của họ.

Dần dần, sự tiến bộ sẽ thâm nhập vào xứ Thượng, nhanh hoặc chậm tùy từng vùng. Sự thâm nhập tiến bộ đó gần như luôn luôn kèm theo sự xâm nhập của con người. Các tộc người (được cho là) tiến hóa hơn và đã quen với cuộc sống hiện đại sẽ mang theo những vũ khí của sự tiến bộ.

Cách xâm nhập này diễn ra trong hòa bình, do vậy có khả năng dẫn tới việc định cư. Hệ quả này có lẽ sẽ không có gì đáng nói nếu người Thượng có thể chung sống với những người mới tới và chung sức cùng phát triển xứ sở của họ. Nhưng nhìn vào những gì người Thượng hiện nay đang làm thì việc chung sống và chung tay phát triển đó là việc bất khả thi.

Người Thượng quá thật thà, chất phác, đồng thời cũng dốt nát nên khó lòng thích nghi với cuộc sống mới mà hoàn cảnh đặt ra cho họ. Khi tiếp xúc với sự xâm nhập, họ sẽ mất chỗ đứng và lui vào rừng, rút lên núi. Xu thế này sẽ càng diễn ra thường xuyên hơn, người Thượng sẽ bỏ vùng đất đai phì nhiêu nhất (không có nhiều lắm), và những đất đai trong thung lũng lại cho những người lạ mới tới.

Để những sự tiến bộ du nhập được vào xứ Thượng mà không gây ra cảnh các tộc người bán xứ bị mất đất, thì quá trình này phải song hành cùng những nỗ lực xã hội mạnh mẽ, trong đó thầy thuốc và thấy giáo phải là những người đi tiên phong.

3. Những chiến lược nói bên trên không thể diễn ra suôn sẻ, vì trên thực tế, sự lạc hậu làm cho phần lớn người Thượng phải sống leo lắt, cực khổ. Những tác phẩm văn chương thường ca ngợi tinh thần tự do biệt lập của người Thượng, nhưng những tác giả viết ra nó thường là thiếu hiểu biết về tình hình thực tế. Phải đi sâu vào cuộc sống của người Thượng để thấy cái xứ Thượng tự do tuyệt vời mà các tác phẩm văn học ca tụng đó, trước hết là một xứ đói ăn.

Thực tế, những con người sống cùng thiên nhiên này quá độc lập, được hưởng một nền tự do mà nhất định không có bất kỳ ai có thể cạnh tranh nổi, và cái tự do đầu tiên mà họ được hưởng là tự do chết đói.

Họ cũng có tự do được chết dần mòn vì bệnh sốt và chị các loại rận xâu xé, run cầm cập vì cái lạnh cắt da trong 3 tháng liền hằng năm, được tự do chứng kiến cái chết của 3/4 trẻ sơ sinh ngay sau khi ra đời, và sự tự do chịu sự tấn công của những trận dịch không có cách nào chống lại. Vâng, về những điểm đó thì những áng văn chương đã viết đúng, xứ Thượng là xứ của tự do.

Nguồn gốc của tất cả những cảnh bi thảm đó chính là sự dốt nát, tới mức vượt qua tất cả những gì mà người ta có thể hình dung. Đối với những con người khốn khổ này, sự giáo dục phần nào có thể là cứu tinh cho họ. Đó là lý do cấp thiết phải xây trường học ở xứ Thượng.

4. Còn một vấn đề khác, nghiêm trọng không kém nạn đói, có khi còn nặng hơn nữa, đó là sự mê tín. Từ lúc sinh ra tới lúc qua đời, cuộc đời một người Thượng chỉ là một chuỗi dài của sự sợ hãi triền miên. Nỗi sợ hãi các thần linh, các điều cấm kỵ truyền đời đã nghiền nát những con người khốn khổ, đẩy họ tới những hành động kỳ quặc và tai hại: cả làng kéo nhau đi, kiêng một số loại thực phẩm. những nghi lễ ngớ ngẩn, những bài thuộc gây hại, nghĩa vụ phải trả thù, dẫn đến nợ máu truyền đời…

Mê tín là một cơn ác mộng triền miên của xứ Thượng. Hàng trăm ngàn người cùng khổ rên rỉ dưới gánh nặng của nó. Một ngôi trường nhỏ trong làng sẽ giải phóng những con người đó khỏi tảng đá khổng lồ của sự lạc hậu. Tác dụng của một ngôi trường mang lại cho xứ này không bao giờ nói cho hết được.

Một số điều cần lưu ý khi dựng trường học trong vùng người Thượng

Việc đưa trường học vào vùng người Thượng và vùng người Khạ đặt ra vấn đề là cần phải xác định rõ dữ kiện của các vùng đó, vốn là môi trường rất đặc biệt. Ở những vùng như vậy, ta chỉ có thể triển khai bằng cách vừa làm vừa rút ra những bài học để thích ứng. Đặc trưng tại những vùng này là tư tưởng “ăn sẵn”, những kinh nghiệm cũ không thể áp dụng vào được.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, sự thù địch có hệ thống của người Thượng đối với sự thâm nhập mang tính xã hội của chúng ta là điều dễ hiểu. Cái bị cho là thù địch đó, thường chỉ là sự sợ hãi của người Thượng khi tiếp xúc với người lạ. Người ta cứ hay làm to chuyện về một vài vụ các bộ lạc người Thượng ám sát người Âu, mà nếu xem xét kỹ thì đó chỉ là sự “thanh toán nợ máu” giữa những cá nhân với nhau, một việc làm quen thuộc trong cộng đồng các bộ lạc, chứ không liên quan gì tới mê tín.

Thực tế, thứ ngăn cách chúng ta với các bộ lạc người Thượng hoang dã nhất, không phải là sự hận thù, mà là sự ngu dốt và nỗi sợ hãi. Vì vậy trước hết chúng ta phải trấn an họ. Những cuộc tiếp xúc đầu tiên của chúng ta với những người nguyên thủy này thường diễn ra dưới những dấu chỉ tai hại có tác động mạnh. Chúng ta chỉ có thể thâm nhập vào thế giới tinh thần của họ nếu hiểu rằng: Trước khi cưỡng bức họ, chúng ta phải mang lại cho họ cái gì đó trước đã. Trước khi nhân viên thu thuế và những nhà tuyển mộ coolies (cu-li) kéo tới, người Thượng cần có thầy thuốc và thầy giáo.

Với bản năng tự vệ, người Thượng cảm thấy nghị ngại và sợ hãi tất cả những cái mà họ không biết tới, chưa từng thấy tới. Nếu họ có thể chạy trốn khi những thứ lạ lẫm đó lại gần thì họ sẽ chạy trốn liền. Còn nếu không chạy được thì họ sẽ khép kín, tránh tiếp xúc.

Đó kà nguyên nhân chính làm thất bại một số ý định thuần hóa người Thượng của người Pháp. Làm sao mà thành công cho được, khi ý định đó được thực hiện bởi những người mới tới lạ hoắc, làm vội vội vàng vàng, chỉ làm cho qua chuyện. Ở xứ Thượng, lòng tin là một vấn đề gắn kết chặt chẽ trong phạm vi từng cá nhân, và những ai đi lướt qua xứ Thượng sẽ không thể làm được gì hết, chưa kịp làm cho người Thượng hết nghi ngờ thì đã biến mất.

Sự thất bại trong việc triển khai một số dự án y tế cộng đồng tại đây đều do nguyên nhân này. Điều đó mang lại những kinh nghiệm quý báu cho việc thửu nghiệm đưa trường học vào vùng người Khạ ở Hạ Lào, tại đây chúng ta có một trường học di động từ bộ lạc này tới bộ lạc khác. Ban đầu trường được người dân đón nhận bằng nỗi nghi kỵ đáng sợ, nhưng sau nhiều tháng đã có được lòng tin của dân chúng. Hiện nay (1941), việc tổ chức trường học xem như đã thành công, điều đó được khẳng định sau một thời gian dài, khi trường học và thầy giáo đã thực sự trở thành một phần của cộng đồng, không còn bị xem là người qua đường nữa.

Trong số những vấn đề về người Thượng, có một vấn đề phải đặc biệt được quan tâm, dù muốn hay không. Đó là ngay lúc ban đầu tới trường, người Thượng đã đòi hỏi có một ngôi trường riêng cho bộ lạc của họ. Bởi vì không chỉ là họ không muốn thấy những người “lạ” (người An Nam và Lào) ở trong trường, mà còn không muốn trẻ con của các bộ lạc xung quanh có mặt trong trường.

Để đáp ứng đòi hỏi đó, đặc biệt là đối với vùng người Khạ xa xôi, buộc phải tính tới giải pháp một trường học di động như đã nói ở trên. Mỗi bộ lạc thay nhau nhận và giữ trường trong 4 hay 5 tháng.

Một hôm, tôi tình cờ tới dự buổi học cuối cùng của cái trường “lang thang” đó ở một bộ lạc miền núi. Trường sẽ lên đường di chuyển vào sáng hôm sau. Ngôi trường ra đi đã để lại luyến tiếc cho cả làng, và có một buổi tiệc chia tay nhỏ. Khi mọi người đã uống hết vài ché rượu, vị trưởng làng đứng dậy đọc một bài diễn văn ngắn. Ông tuyên bố rằng giờ đây đã biết thế nào là trường học, đó là “một thứ tốt”, hữu nghị, và ông nhờ những người xung quanh xác minh điều đó. Những người quý quanh đồng thanh nói: Tốt, tốt, trường học tốt.

Sau đó, ông trưởng làng đưa thỉnh cầu đến chính quyền Pháp không cho các bộ lạc khác trường học, vì trường học là 1 thứ quá tốt!

Một điều khác cần phải xác định rõ: Trường dạy người Thượng dùng ngôn ngữ nào?

Kinh nghiệm đã mang tới câu trả lơi rõ ràng: Mỗi đứa trẻ người Thượng phải được dạy bằng chính tiếng của dân tộc nó.

Trong vùng người Thượng có hàng chục thứ tiếng. Thật khó để dạy cho từng đứa trẻ bằng phương ngữ của nó, nhưng nếu vấn đề có thể giải quyết được thì kết quả liệu có như chúng ta mong muốn? Tôi không tin mấy. Một trong những nguyên nhân cô lập người Thượng với thế giới bên ngoài, không có khả năng tự xoay sở, đó là sự hạn hẹp của ngôn ngữ. Chỉ cần đi bộ mấy giờ ra khỏi làng là một số người Thượng đã không nghe hiểu được những gì người khác nói, và khi đi tới chiều, có khi họ không hiểu nổi bất cứ thứ gì.

Vì thế, trường học phải tìm cách làm cho người Thượng biết thành thạo một ngôn ngữ phổ biến trên một khu vực địa lý khá rộng để họ thoát ra được sự cô lập.

Vùng người Thượng ở Lào, chỗ người Khạ, lớp học dùng bằng tiếng Lào, và các em (vốn đã biết vài từ Lào) hiểu rất nhanh và có thể tự xoay sở được. Vùng người Thượng ở Trung kỳ thì khác. Trong số nhiều phương ngữ ở khu vực này, một số phương ngữ chỉ được vài làng hay một nhóm làng nói; một số phương ngữ khác như Rhade (Ê-đê), Bahnar (Ba-na), Jarai (Gia Rai) được nhiều người trong một khu vực địa lý khá lớn nói. Hiện nay phương ngữ Jarai đang được dạy lan ra khắp cao ngueyen Thượng ở Nam Trung kỳ.

Khi các trường tiến tới việc dạy hai hay ba phương ngữ thqay cho rất nhiều phương ngữ đan xen nhau như một bức tranh loang lổ thì việc cai trị và quản lý cao nguyên Thượng sẽ rất dễ dàng, việc trao đổi mọi thứ (tư tưởng, hiểu biết, hàng hóa…) sẽ thoải mái hơn, các bộ lạc ở những vùng xa xôi khuất nẻo nhất sẽ nhận ra rằng giới hạn của phương ngữ giống như các thành lũy núi non đã chia cách họ với thế giới bên ngoài.

Rõ ràng là trẻ em xứ Thượng rời bậc học sơ đẳng để tiến lên bậc học cao hơn một chút sẽ bước đầu học tiếng Pháp. Vả lại các em học tiếng Pháp khá nhanh và nói gần như không có dấu (thanh An Nam) tốt hơn trẻ em An Nam.

Những kết quả đầu tiên và triển vọng

Dựa trên những thực tiễn này, với dữ kiện từ các khu vực, sự nghiệp đưa trường học vào xứ Thượng của người Pháp đã có những tiến bộ. Sự nghiệp ở xứ Thượng mới chỉ ở bước đầu, nhưng trong một số vùng đã thu được những kết quả rất đáng quan tâm. Đặc biệt là ở tỉnh Daklak, nơi mà công cuộc phát triển các trường học suốt 20 năm qua được tiến hành thấu đáo, được xem là một thành công đặc biệt.

Ở Kontum cũng vậy, những nỗ lực giáo dục của chúng ta tại đó đang phát triển. Tại vùng này chúng ta được hưởng thành quả của việc làm bền bỉ, có phương pháp và mang tính nhân sinh cao của Đoàn truyền giáo đã tận tụy xây dựng suốt từ nửa thế kỷ qua.

Ở các vùng này, đặc biệt là ở Daklak, các ngôi trường của chúng ta được thiết kế khá phù hợp cho mọi người, cho thấy ý tưởng “dạy dỗ không xa rời định hướng”. Trên khắp thế giới, khẩu hiệu này đặt ra một nhiệm vụ tinh tế. Người ta thực hiện tốt nhiệm vụ này ở Daklak bằng cách định hướng giảng dạy theo hướng chủ yếu là thực hành, và bằng cách không làm phá vỡ các khuôn mẫu truyền thống, vốn là cái khung cho sự phát triển bền vững của dân tộc Rhade (Ê-đê). Về điểm này, trường ở Ban Mê Thuột mang lại những thành công mang tính điển hình ở Đông Dương và ngoài Đông Dương.

Người Rhade (Ê-đê) ở Ban Mê thuột xưa

Nếu tỉnh Daklak cứ theo đuổi nỗ lực tốt đẹp đó thì chắc chắn sẽ thu được kết quả kép: 1 – đào tạo được những cán bộ người Thượng – những nhân viên hành chính và kỹ thuật; 2 – xây dựng được một tầng lớp dân chúng ở nông thôn khá phát triển để hòa nhập với cuộc sống hiện đại mà không hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ. Tới một ngày bộ lạc Rhade sẽ trở thành một bộ lạc lớn của Đông Dương thuộc Pháp. Bộ lạc sẽ có trách nhiệm tự mình làm cho xứ sở xinh đẹp của mình có giá trị mà không sợ mất đất.

Trong các vùng người Thượng hay vùng người Khạ khác, còn lâu mới có những sự tiến bộ như vậy. Người ra vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm đầu tiên hay thậm chí ở giai đoạn thuần hóa. Công cuộc thuần hóa còn kéo dài chừng nào người ta còn chưa tìm ra mô thức thích hợp với môi trường bị chinh phục. Chính điểm này là điểm phải tìm hiểu trước tiên, phải dò tìm và đừng do dự nếu phải lùi lại hoặc tìm hướng khác ngay khi nhận ra mình không đi đúng đường.

Trong các trường học ở các nước văn minh, nhà trường quyết định mọi thứ và học sinh chỉ làm theo. Ở xứ Thượng còn sơ khai, vấn đề lại hoàn toàn khác: trường học phải thích ứng với sở thích của học sinh. Với một chút hiểu biết, chút mềm dẻo, và nhất là với tấm lòng nhân ái, trường học sẽ đi tới thành công một cách tương đối dễ dàng.

Tôi có thể lấy một số vùng Thượng ở khu vực miền núi ở Nam Lào làm thí dụ, là khu vực đặc biệt chống lại mọi sự thâm nhập của trường học. Vùng này đã bị chinh phục chỉ sau vài tháng bởi một ngôi trường nhỏ dựng lên ở đó. Mọi thứ diễn ra tự nhiên, giống như là ở đó không dạy dỗ ai cả, chỉ là một nơi để trẻ con tới đó học các trò chơi, người bệnh tới lấy thuốc miễn phí, người ta tới đó chuyện trò, nhưng phải theo giờ giấc quy định. Cái trường đó không phải là trường, mà là một cái “nhà chung” cho tất cả mọi người, một cái “nhà tốt” theo cách nói của người Thượng. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi thầy giáo rời trường đi nơi khác, mọi người đã biết tự lau rửa, thậm chí là biết chữa bệnh sơ sơ, và đặc biệt là trẻ em đã biết đọc. Việc “thuần hóa” đã thành công.

Các nỗ lực của người Pháp trong việc giáo dục vì lợi ích của người Thượng chỉ ớ bước đầu. Ít có sự nghiệp nào có ích và nhân đạo như sự nghiệp mà trường học mang lại cho những người trong các vùng nghèo khổ. Điều đáng mong đợi là trong tình hình khó khăn hiện nay (1941), chính quyền vẫn có thể tiếp tục và tăng cường công cuộc đó.

Biên dịch: Đông Kha

Viết một bình luận