Trái măng cụt Lái Thiêu hơn 100 năm trước qua mô tả của người phương Tây

Măng cụt vốn luôn là thứ trái cây thơm, ngon nổi tiếng của Nam Bộ, được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trái cây, nhưng tới khi “món gỏi gà măng cụt” trở thành đề tài bàn tán ở khắp mọi ngóc ngách làng phố từ Bắc tới Nam, thì nhiều người mới bắt đầu thắc mắc về nguồn gốc của măng cụt.

Theo nhà thực vật học Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, cây măng cụt ban đầu có nguồn gốc từ Malaysia, Indonesia và Malaccaqua Moluku, sau đó được đem đi nhân giống khắp Đông Nam Á, Myanmar, Ấn Độ,… theo chân các nhà truyền giáo phương Tây và đây cũng chính là con đường đưa măng cụt đến Việt Nam. Khi được đưa đến trồng thử ở vùng đất Lái Thiêu (Bình Dương), cây phát triển nhanh, tốt, mùi vị trái thơm ngon đặc biệt.

Măng cụt xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào?

Thời gian và cách thức cây măng cụt được mang đến trồng ở Việt Nam cũng là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra thảo luận. Theo một số tài liệu cũ, cây măng cụt xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ 19, do nhóm các nhà nông học người Pháp đưa tới trồng thử nghiệm ở Nam Kỳ. Nếu giả thuyết này là đúng thì thời gian cây măng cụt vào Việt Nam sẽ chỉ diễn ra sau năm 1897, là năm người Pháp thành lập hai trung tâm thí nghiệm canh nông đầu tiên tại Nam Kỳ, có trụ sở ở Gia Định và Bến Cát (tỉnh Thủ Dầu Một). Tuy nhiên, giả thuyết này đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối.

Theo học giả Vương Hồng Sển, Lái Thiêu ở Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương) là vùng đất trù phú ven sông Sài Gòn chính là quê hương đầu tiên của trái măng cụt: “Măng cụt là một loại trái cây xứ Thủ Dầu Một, xứ Lái Thiêu do các cha đạo Gia Tô đem giống về, có thuyết nói là từ Bá Đa Lộc hoặc linh mục Taberd’’.

Nhà văn Sơn Nam cũng đồng tình với ý kiến này: “Theo Melleret, cây măng cụt đầu tiên từ Mã Lai đưa đến Nam bộ trồng ở Lái Thiêu và tại nhà thờ họ đạo Lái Thiêu’’. Cũng theo nhà văn Sơn Nam, nhà thờ họ đạo Lái Thiêu ban đầu được Đa Bá Lộc dựng tạm tại chợ Cây Me vào năm 1771.

Một nguồn tư liệu đáng tin cậy khác cũng khẳng định sự có mặt của măng cụt ở Việt Nam từ trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, đó là những ghi chép trong cuốn “Đại Nam Nhất Thống Chí” được biên soạn từ năm 1864 -1875. Trái măng cụt khi đó được gọi là trái thổ lý được liệt kê trong mục thổ sản của Biên Hòa (Thủ Dầu Một khi đó thuộc tỉnh Biên Hòa). Sách cũng ghi về việc quan tổng trấn Gia Định đem măng cụt về kinh tiến dâng cho vua Minh Mạng (1820-1840) và được vua ban tên “Giáng Châu Tử” – tức ngọc quý trời ban.

Ngày nay, ở Huế còn những gốc măng cụt được cho là có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, người ta còn truyền nhau những ghi chép về nguồn gốc của loài cây quý này. Tùng Thiện Vương (1819-1870), vị hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng, được cho là “ông tổ nghề” trồng cây măng cụt ở Huế. Trong cuốn sách Tùng Thiện Vương, hai tác giả đồng thời là hậu duệ đời thứ 4 của Tùng Thiện Vương là Nguyễn Phúc Ưng Trình (1882-1974) và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng (1907-1987) đã khẳng định lại việc này như sau:

“Dân ở tỉnh Gia Định có người đem cá phát lác (thác lác), quả măng cụt ra dâng; đức Minh Mạng sắc cho ông Hoàng Mười ương hột vào ngự viên, nuôi cá vào ngự hà để gây giống cho dân dùng, vì hai thứ ấy hoàng đế cho là vưu vật. Ngày ương hột măng cụt, Tùng Thiện Vương nhớ ngày trồng những cây tùng ở đàn Nam Giao mới viết câu:

Cùng thông xin tự sánh
Gốc nhánh tốt muôn năm.

Ngày nay cả hạt Thừa Thiên không thiếu gì hai thứ ấy.”

Tuy nhiên, có một điều thú vị là khác với măng cụt Lái Thiêu bắt đầu vào mùa thu hoạch vào tháng 5 và kéo dài trong khoảng 2 tháng, thì măng cụt Huế lại bắt đầu mùa trái chín vào khoảng tháng 11 tức là thay vì thu hoạch vào mùa hè thì măng cụt Huế lại cho thu hoạch vào mùa đông.

Lái Thiêu – Vùng đất quê hương của măng cụt

Ngày nay, măng cụt được trồng ở nhiều tỉnh thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng,… tuy nhiên, Lái Thiêu vẫn là vùng đất cho ra trái măng cụt có chất lượng và hương vị đặc trưng khó vùng nào bì kịp. Dù diện tích và sản lượng măng cụt Lái Thiêu liên tục sụt giảm trong những năm gần đây do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ của tỉnh Bình Dương nhưng những người sành ăn vẫn săn lùng măng cụt Lái Thiêu để thưởng thức khi đến mùa.

Một số đặc điểm khác biệt của trái măng cụt được trồng ở Lái Thiêu có thể kể đến như: trái măng cụt nhỏ, không tròn đều mà hơi méo; cuống trái ngắn; phần vỏ mỏng, trơn láng, ít vết sần sùi, nứt nẻ và không chảy mủ; trái có màu đỏ đen hoặc đỏ nhạt đẹp mắt; phần thịt trái mềm mịn nhưng không bị nhũn, vị ngọt thanh xen lẫn vị chua nhẹ.

Do có lịch sử trồng măng cụt lâu đời, Lái Thiêu có tỷ lệ cây măng cụt “lão” khá cao. Thông thường những cây măng cụt “lão” cho chất lượng trái ngon hơn măng cụt mới trồng. Để một cây măng cụt cho trái ngon, ổn định và năng suất cao cần ít nhất từ 6 đến 12 năm hoặc hơn. Nếu những cây măng cụt non chỉ cho thu hoạch từ 200-300 trái/ mùa, thì những cây trưởng thành cho khoảng 500 trái/ mùa. Những cây có tuổi đời già hơn từ 30 đến 45 tuổi có thể thu hoạch được đến 3.000 trái/ mùa. Nhiều cây măng cụt có tuổi đời cả trăm năm tuổi vẫn còn cho ra quả đều đặn và thơm ngon.

Hương vị và danh tiếng của trái măng cụt Lái Thiêu đã được ca tụng từ xưa thông qua những tài liệu, hồi ký của những vị khách ngoại quốc.

Đầu năm 1892, vị công tước người Nga Konstantin Aleksandrovich Vyazemski trong khi thực hiện chuyến du hành vòng quanh Châu Á trên lưng ngựa, đã ghé đến Việt Nam. Khi đến Sài Gòn, Vyazemski được đích thân Thống đốc Nam Kỳ khi đó là Daniel tiếp đón long trọng, đồng thời chiêu đãi vị khách phương xa nhiều của ngon vật lạ của xứ Nam Kỳ trong đó có măng cụt. Vị công tước sau đó đã ghi lại những ấn tượng của mình về loại trái cây độc đáo này trong cuốn Du Ngoạn Vòng Quanh Châu Á Trên Lưng Ngựa như sau: “Nơi này cũng nổi tiếng về măng cụt, kích thước của chúng bằng quả mơ, da cứng và nâu, rất dễ bóc, bên trong thịt trắng ngon, rôn rốt chua. Hạt khá lớn, nằm bên dưới vỏ. Hương vị măng cụt là một cái gì đó giữa quả đào, anh đào và vải thiều.”

Một nhân vật nổi tiếng khác cần phải nhắc đến là Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer, giữ nhiệm kỳ 5 năm tại Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1902, sau đó về nước và trở thành tổng thống Pháp. Ông được đánh giá là một nhà cai trị, một nhà kinh tế có tầm nhìn sắc bén, chủ động và quyết liệt với những nhận định sâu sắc về Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông tạo ra những quyết sách có tính bước ngoặt của chính quyền Pháp tại Đông Dương, tạo ảnh hưởng lớn đến diện mạo Đông Dương, đồng thời đem về những món lợi khổng lồ cho nước Pháp. Trong cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương”, Paul Doumer kể lại lần du hành ngang qua Thủ Dầu Một với những quan sát và nghiên cứu kỹ càng về vùng đất chuyên canh cây ăn trái nổi tiếng này:

“Tôi đã đi Biên Hòa qua đường Thủ Dầu Một, một thị trấn nhỏ nằm duyên dáng bên sông Sài Gòn, đi sà lúp đến đó rất dễ dàng. Nhưng cũng có một con đường bộ. Nó đi qua vùng trồng cây ăn quả cung cấp cho Sài Gòn và Chợ Lớn. Dứa, xoài, măng cụt, táo, hồng, quế,.. được sản xuất mỗi năm với số lượng rất lớn. Tới mùa thu hoạch, có nhiều thuyền chở trái cây xuôi theo dòng sông vào ban đêm hay sáng sớm để cung cấp cho các chợ ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Cũng cùng một cách hoạt động và với cảnh tượng không khác cảnh mà sách vở mô tả những chiếc xe chở rau ở quanh Paris đi về chợ trung tâm, hàng đoàn xe dài ban đêm lên đường về Sài Gòn để sáng hôm sau về xe không. Tại Nam Kỳ, chỉ có trái cây mới đi xa như vậy còn rau được trồng ở các vùng lân cận thành phố.”

Nhiều tài liệu nghiên cứu đã ước đoán rằng, thời Pháp thuộc, măng cụt Thủ Dầu Một thông qua các chợ đầu mối ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã được đem đi cung cấp cho toàn bộ xứ Nam Kỳ.

Paul Doumer trong hồi ký của mình cũng không quên nhắc đến măng cụt, loại trái cây ngon bậc nhất của đất Thủ khiến ông ấn tượng:

“Một trong những loại trái cây đáng được nói kỹ vì nó không chỉ làm bụng dạ cồn cào mà còn rất ngon, đặc biệt là rất đẹp; đó là quả măng cụt. Nhìn bên ngoài, kích thước và hình dạng của nó hơi giống táo re-net màu nâu nhạt. Tuy vậy, màu nó sẫm hơn; đó là màu nâu xám ở vỏ một số loại táo. Đó cũng là màu vỏ của măng cụt; lớp vỏ đó dày gần 1cm, muốn bóc ra phải dùng dao rạch một vòng chia quả măng cụt thành 2 nửa. Tách vỏ hai bán cầu đó ra ta được ruột quả; ruột đó có nhiều múi như múi cam; múi măng cụt màu trắng như sữa, trong khi mặt trong lớp vỏ có màu hồng nhạt rất tinh tế. Thật là một bữa tiệc cho đôi mắt. Măng cụt là loại trái cây dễ hỏng không giữ được lâu và không chịu được những chuyến đi dài; cho đến nay, người ta chưa từng đưa măng cụt tới các bàn ăn ở Châu Âu. Nó là loại quả duy nhất những người buôn bán hoa quả thuộc địa ở Paris và London không bán”

Viên tướng Pháp Raoul Salan, từng có thời gian sống và chinh chiến ở Việt Nam trong 30 năm từ 1924-1953, đã không tiếc lời ca ngợi măng cụt Lái Thiêu là loại trái cây tuyệt diệu nhất ở Viễn Đông, nguyên văn tiếng Pháp như sau: “Mangustans si renommés, à la pulpe blanche ét savoureuse, le meilleur fruit de l’Extrême Orient pour les connaisseurs” (tạm dịch: Trái măng cụt nổi tiếng ngon với phần múi màu trắng bên trong, với những người sành ăn thì đó là loại trái cây tuyệt diệu nhất ở Viễn Đông.)

Niệm Quân – chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận