Nghe lại giọng hát của Năm Phỉ – Nghệ sĩ kỳ tài của sân khấu cải lương 100 năm trước

Là bậc kỳ tài của sân khấu cải lương, nghệ sĩ Năm Phỉ từng sang Pháp diễn và nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt, nhưng đường tình duyên của bà lại nhiều đắng cay.


Nghe giọng hát của bà Năm Phỉ

Nghệ sĩ Năm Phỉ tên thật là Lê Thị Phỉ, sinh năm 1906 tại Tiền Giang trong một gia đình nề nếp và có 11 anh em, người cha tên Lê Tấn Công, vốn là người thích chữ nghĩa nên đã chọn câu “Công Thành Danh Toại, Phỉ Chí Nam Nhi, Bia Truyền Tạc Để” để đặt tên cho 11 người con của mình, trong đó Phỉ là bà Năm Phỉ, còn Nam là bà Bảy Nam, mẹ của nghệ sĩ Kim Cương.

Dù cha là kỹ sư và không thích nghề hát vì quan niệm “xướng ca vô loài” nhưng Lê Thị Phỉ cũng giống như các anh chị em đều rất mê sân khấu. Có tới 5 anh chị em của Năm Phỉ trở thành nghệ sĩ thành danh là Ba Danh, Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền.

Năm lên 13 tuổi, tài năng của Năm Phỉ được ông thợ bạc trong xóm là Hai Cu phát hiện. Sau khi thuyết phục được mẹ bà Năm Phỉ cho con theo nghề hát, năm 1920 ông Hai Cu vận động giới thợ bạc ở Mỹ Tho thành lập đoàn hát Nam Đồng Ban. Tuy nhiên cha của Năm Phỉ phản đối kịch liệt vì quan niệm “xướng ca vô loài”. Cũng vì việc này mà Năm Phỉ bị ông tuyên bố từ con.

Ở gánh hát Nam Đồng Ban và nên duyên với kép chính của đoàn là nghệ sĩ Hai Giỏi. Nghệ sĩ Ba Vân sinh thời từng nhận xét về Hai Giỏi như sau: “Dáng người nho nhã thư sinh, môi son đỏ thắm, đã đẹp trai mà còn ca hay nổi tiếng, nhiều người lớp sau anh có tên tuổi lớn vẫn xem anh là bậc thầy trong nghề ca”.

Có người còn khẳng định Hai Giỏi là kép độc nhất vô nhị của sân khấu cải lương Nam Kỳ. Ông là người có công đầu trong việc dẫn dắt Năm Phỉ trở thành cô đào hát có tiếng tăm lừng lẫy.

Tuy nhiên, ông Hai Giỏi lại đoản mệnh. Chỉ sau vài năm chung sống, Năm Phỉ trở thành góa phụ khi đang ở tuổi vị thành niên. Đó chưa phải là mất mát lớn nhất mà Năm Phỉ phải chịu đựng bởi vì vài tuần sau đến lượt cha ruột bà cũng từ giã cõi đời. Điều an ủi duy nhất của Năm Phỉ khi trở về nhà thọ tang cha là được mẹ thông tin lại: “Trước khi chết ba đã tha thứ cho con. Ba đã gọi tên con…”. Hai cái tang ập đến cùng lúc, Năm Phỉ bỏ hát nên đoàn Nam Đồng Ban cũng tan rã năm 1921. Được một thời gian thì bà Tư Sự đến mời Năm Phỉ đi hát lại và lập đoàn hát lấy tên là Tái Đồng Ban. Nghe cô đào chính Năm Phỉ tái xuất trên sân khấu, khán giả lại ùn ùn kéo đi xem. Sau đêm diễn đầu tiên Năm Phỉ nhận được thư khen và động viên của một công tử từng du học ở Pháp tên Nguyễn Phước Cương.

Đến năm 1926 Năm Phỉ rời đoàn Tái Đồng Ban sang đầu quân cho gánh Văn Hí Ban của ông Huỳnh Văn Vui. Tại đây Năm Phỉ gặp lại ông Nguyễn Phước Cương khi ông bao rạp Moderne cho gánh Văn Hí Ban biểu diễn. Sau đó hai người yêu nhau. Ông Cương lập gánh hát lấy tên là Phước Cương và Năm Phỉ trở thành đào chính. Lúc này tài năng của Năm Phỉ càng chói sáng.

Năm 1931, nghệ sĩ Năm Phỉ cùng đoàn hát Phước Cương mang vở Xử án Bàng Quý phi sang Pháp tham dự hội chợ đấu xảo quốc tế tại Paris và cũng diễn vở này cho khán giả xem. Sau khi xem nghệ sĩ Năm Phỉ diễn vai Bàng Quý Phi, ký giả của tờ La Comédia đã viết:

“Nữ diễn viên tài nghệ này muốn dẫn dắt ta đến đâu cũng được”. Sự kiện này còn được nhạc sĩ Lê Thương kể lại như sau: “Năm 1931 cô Năm Phỉ được mời sang Paris cùng các tài tử gánh Phước Cương, trong đó có anh Hai Nhiêu, để lưu diễn hai tuồng xuất sắc nhứt thời đó là Xử án Bàng Quý Phi và Phụng Nghi Đình. Các tài tử trứ danh Pháp và báo chí quốc tế ở Paris ngạc nhiên và khen ngợi cô vô cùng”.

Sau thành công đó, khi trở về nước, Năm Phỉ cùng đoàn Phước Cương mang vở Xử án Bàng Quý phi đi lưu diễn nhiều nơi. Xử án Bàng Quý phi trở thành một trong những vở có doanh thu và tần suất biểu diễn cao nhất trong lịch sử sân khấu cải lương Việt Nam.

Ký giả Ngọc Điền trong một bài báo thời ấy đã kể lại: “Người ta vẫn nhớ mãi hình ảnh của nữ nghệ sĩ Năm Phỉ có vóc dáng mảnh khảnh, đài các ấy qua ba vai tuồng thật đặc sắc: Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình, Bàng Quý Phi trong vở Xử án Bàng Quý Phi và Lan trong vở Lan và Điệp… Tài nghệ xuất chúng của cô Năm Phỉ được diễn tả qua sắc diện, điệu bộ không thiếu một nét đã làm rơi nước mắt biết bao khán giả. Xem cô diễn, người ta phải tội nghiệp cho Bàng Quý Phi mặc dù có đoạn làm người ta rất ghét người đàn bà nham hiểm ấy”. Đoạn Bàng Quý Phi – Năm Phỉ làm khán giả xúc động nhất là khi Địch Thái Hậu bảo vua ra lệnh tru di tam tộc dòng họ Bàng. Lúc này Năm Phỉ diễn xuất thần: run rẩy toàn thân từ đầu đến chân, mặt cắt không còn chút máu. Bàng Quý Phi thụp ngay xuống đất, lết đến chân vua cầu khẩn, van xin. Đôi mắt, sắc diện của Năm Phỉ diễn rất tha thiết làm cho nhiều người xem rơi lệ. Nhiều khán giả thương yêu Bàng Quý Phi quá bèn la lớn: “Tha đi! Tha đi!…”.

Ký giả Thanh Đạm viết: “Chúng tôi biết cô Năm Phỉ từ thuở còn cắp sách đến trường. Cuộc đời học trò với cơm cha áo mẹ làm gì có tiền nhưng chúng tôi cũng ráng ky cóp dành dụm đủ mua cái vé hạng bét nửa phần tiền vào chiều thứ bảy để thưởng thức tài nghệ cô Năm Phỉ… Đặc sắc nhứt là vai Bàng Quý Phi. Nghệ thuật diễn xuất của cô Năm Phỉ hấp dẫn, lôi cuốn hầu hết khán giả. Nhiều ông già lấy khăn lau nước mắt, lắm bà cụ mếu máo khóc không thành tiếng, một đứa trẻ như tôi cũng thấy điếng lòng”.

Một số tài liệu ghi lại rằng từ ngày có cải lương đến khi nghệ sĩ Năm Phỉ còn chói sáng trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương thì chưa có vở diễn nào đạt nhiều kỷ lục như vở Xử án Bàng Quý Phi. Vở này nghệ sĩ Năm Phỉ phải diễn đi diễn lại mấy trăm suất mà khán giả vẫn đông nghẹt. Ngoài ra nghệ sĩ Năm Phỉ còn được tặng bốn huy chương của bốn quốc gia, nhận 186 bức thư tỏ tình của khán giả, 1.009 tấm danh thiếp với những lời khen nức nở, 167 kiểu ảnh và 42 bài báo viết về vở diễn này. Tiền thù lao mà nghệ sĩ Năm Phỉ nhận được với vai Bàng Quý Phi lên đến 230.000 đồng thời đó, trị giá hàng ngàn lượng vàng. Vai diễn Bàng Quý Phi của nghệ sĩ Năm Phỉ đã trở thành huyền thoại nên sau này những diễn viên khác đóng vai Bàng Quý Phi thì khán giả không còn cảm giác “hỉ, nộ, ái, ố” như trước.

Trên sân khấu cải lương có nhiều nghệ sĩ thành danh vang dội, riêng cái tên Năm Phỉ thì trở thành huyền thoại. Không biết chữ vì rời nhà khi còn nhỏ, chưa kịp học hành nhưng bà có năng lực đặc biệt, chỉ cần nghe kịch bản vài lần là có thể thuộc. Người trong nghề thời đó tiết lộ rằng, nghệ sĩ Năm Phỉ ngồi bên ngoài tiếp khách, bên trong mọi người đọc kịch bản, thế mà bà có thể lắng tai nghe rồi sau đó đọc lại trơn tru.

Với chất giọng khàn, nhiều tâm sự, Năm Phỉ thể hiện xuất sắc những vai đào thương. Tên tuổi của bà gắn liền với các vai diễn như: Lý Ngọc Nương (vở Trà hoa nữ), Bàng Quý Phi (vở Xử án Bàng Quý phi), Điêu Thuyền (Lã Bố hý Điêu Thuyền), Mộng Hoa (Mộng Hoa nương), Lan (vở Lan và Điệp)…

Ngoài ra, Năm Phỉ còn nổi tiếng với vai Lan trong vở Lan và Điệp. Năm Phỉ diễn vai này hay đến mức các soạn giả và nghệ sĩ cải lương lão thành cho rằng đây là vai độc quyền của bà, chưa có ai thay thế nổi. Mẹ của Năm Phỉ xem vở này nhiều lần vẫn tưởng chuyện trên sân khấu là ở đời thực nên cứ khóc nức nở. Năm Phỉ thường nói: “Hễ bước ra sân khấu thì phải hát hết mình, sống trọn vẹn với vai tuồng các nhân vật đó, phải hát thật hay chớ không phải làm điệu bộ huê dạng để làm đẹp, để mua tiếng vỗ tay của khán giả”.

Đạt được vinh quang tột đỉnh trên sân khấu cải lương nhưng nghệ sĩ Năm Phỉ lại gặp trắc trở trong chuyện tình cảm. Sau khi người chồng đầu tiên mất, bà nên duyên cùng ông Nguyễn Ngọc Cương nhưng không có con chung. Vì xảy ra nhiều mâu thuẫn nên 2 người li dị, sau đó ông Cương sau đó kết hôn cùng Bảy Nam – em ruột bà Năm Phỉ và có người con là nghệ sĩ Kim Cương. Trước hoàn cảnh trớ trêu đó, bà bỏ đoàn hát Phước Cương, lập gánh hát của riêng mình. Khi ông Nguyễn Ngọc Cương qua đời, bà và em ruột – Bảy Nam lập rạp hát riêng. Bà tiếp tục bùng cháy và tỏa sáng trên sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Năm Phỉ đột ngột qua đời năm 1954 khi mới 48 tuổi vì bệnh tai biến mạch máu não. Sự ra đi của bà khiến các đồng nghiệp chấn động. Nghệ sĩ Phùng Há khi biết tin này đã ngất xỉu. Tới nay, trong giới nghệ sĩ cải lương vẫn còn kể lại câu chuyện, khi bà Năm Phỉ mất, nhạc sĩ Chín Trích đàn ròng rã mấy ngày liên bên quan tài của bà. Ông vừa đàn vừa khóc. Ngày đưa tang, ông đập vỡ cây đàn. Người nhà nghệ sĩ Năm Phỉ đã chôn cây đàn đó cùng với bà.

Nghệ sĩ, soạn giả nổi danh thời ấy là Năm Châu – cũng là người bạn thân thiết của Năm Phỉ) đau buồn thốt lên: “Thôi rồi! Một tấn kịch đã hạ màn, một quyển truyện dài 46 năm đã được đọc đến dòng chữ chót. Một người lầm. Một thế hệ có thể lầm, nhưng nhân loại không lầm được. Hậu thế sẽ phê phán một cách công bằng và đặt cô đúng vào vị trí. Tôi xin nhường lời cho hậu thế. Ở đây, chúng tôi chỉ bồi hồi thương tiếc một thiên tài đáng mến, ngậm ngùi khóc cho một nghệ sĩ dầu có được tiến lên nấc thang danh vọng cao vút mà số kiếp vẫn ghi nhiều ít thiệt thòi”.

Trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Năm Phỉ có mối tình sâu sắc với luật sư Huỳnh Văn Chín. Suốt một thời gian dài sau khi nữ nghệ sĩ mất, chiều nào ông Chín cũng ăn mặc chỉnh tề, mang theo bó hương tới mộ của bà ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

Nhiều năm trôi qua, cũng có nhiều nghệ sĩ thể hiện tài năng xuất chúng trên sân khấu, nhưng với nhiều người, Năm Phí vẫn là kỳ tài bậc nhất của nghệ thuật cải lương.

Tổng hợp

Viết một bình luận