Những tấm ảnh đen trắng đẹp nhất chụp cảnh đường phố Sài Gòn hơn 60 năm trước

Những tấm ảnh màu chụp cảnh Sài Gòn đã có từ những năm thập niên 1950. Tuy nhiên trong các năm sau đó, hình ảnh trắng đen vẫn tiếp tục phổ biến, lý do đơn giản là ảnh màu thời điểm đó rất đắt đỏ. Một lý do khác, ảnh đen trắng thuộc về một trường phái nhiếp ảnh riêng vẫn được nhiều nhiếp ảnh gia ưa chuộng.

Nếu nói về ảnh đen trắng, người ta thường nghĩ đơn thuần đó chỉ là một bức tranh không màu, một không gian lắng đọng. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào thế giới ảnh đen trắng, thì mỗi tấm hình là cả một câu chuyện còn mãi với thời gian.

Thương xá TAX thập niên 1950

Khi không còn màu sắc, thì những yếu tố khác được chú trọng hơn, như là ánh sáng, bố cục, hay là cái hồn của chủ thể trong tấm ảnh. Nói cách khác, khi màu sắc mất đi thì cảm xúc trong ảnh và tính liên kết giữa các đối tượng sẽ được tôn lên mạnh mẽ hơn.

Góc đường Hàm Nghi – Phó Đức Chính, thập niên 1950

Sau đây, mời các bạn xem lại những tấm ảnh đen trắng đẹp nhất chụp Sài Gòn trong những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, khởi đầu là loạt ảnh của tập chí LIFE.

Hỉnh ảnh ở khu vực phía trước Chợ Bến Thành:

Khu vực bùng binh trước chợ Sài Gòn (nay là chợ Bến Thành), lúc này mang tên là quảng trường Diên Hồng, sau này đổi thành quảng trường Quách Thị Trang

Nữ sinh giờ tan học, đi ngang qua bùng binh chợ Sài Gòn

Bên trái hình là 1 phần của Bịnh viện Đô Thành (nay là Bệnh viện đa khoa Sài Gòn) trên đại lộ Lệ Lợi, cạnh đó là Trụ sở Hỏa Xa ở đầu đại lộ Hàm Nghi

Khu vực này ở phía trước ngôi chợ trung tâm của Sài Gòn (nay là chợ Bến Thành) nên lúc nào cũng đông đúc. Người đi bộ, người đi xe đạp, xe máy, xe hơi, xe bus, xích lô, xe ngựa, phương tiện nào cũng có

Khu nhà trong hình là Bịnh viện Đô Thành, tiền thân là bịnh viện Dejean de la Bâtie thời Pháp, còn được gọi là Nhà thương Chú Hỏa, vì gia tộc Hui Bon Hoa đã góp một số tiền lớn để tu sửa bịnh viện

Từ năm 1955, bệnh viện đổi tên chính thức thành Bịnh viện Sài Gòn, nhưng người dân vẫn quen gọi tên là Nhà Thương thí (vì nơi đây khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí). Ngoài ra Bịnh viện Sài Gòn còn thường được gọi bằng những cái tên khác là Y viện Sài Gòn hoặc Bịnh vện Đô Thành

Trong các ảnh này, chúng ta có thể thấy khu vực này lúc nào cũng đông đúc các dòng người qua lại. Khu nhà trong ảnh là Bịnh viện Đô Thành và Tòa Hỏa Xa

Người Sài Gòn băng qua đường ở khu vực đầu đại lộ Hàm Nghi, nơi có Tòa nhà Hỏa Xa

Một đôi vợ chồng đi xe Goebel (nhập khẩu Đức), phía sau là đường Lê Lai, bên trái hình là ga xe lửa Sài Gòn (nay là công viên 23/9)

Một số hình ảnh khác, cũng chụp năm 1961 ở phía trước chợ Sài Gòn:

Dãy nhà trong hình xưa kia thuộc về gia tộc của Hua Bon Hoa (chú Hỏa), được xây dựng cùng lúc với chợ Sài Gòn (nay là chợ Bến Thành), có từ năm 1911. Ngày nay dãy nhà thương mại này vẫn còn, nằm trên đường Phan Chu Trinh.

Khu vực này có bến xe bus, là trung tâm trung chuyển của các phương tiện công cộng, có thể thấy trong hình có nhiều xe bus đang đậu.

Một thiếu nữ đang đi chợ Sài Gòn

Hai người phụ nữ Sài Gòn đang đi dạo trước khu vực Chợ Sài Gòn. Người bên trái là cựu nữ sinh Đông Khánh Huế tên là Trần Thị Như Ngoạn, người còn lại là cô em chồng tên là Tôn Nữ Như Ngân. Họ cũng là bạn học ở Huế, rồi cũng gia đình vào Sài Gòn

Một số hình ảnh đen trắng năm 1961 ở khu vực đại lộ Lê Lợi:

Bên trái hình là Thương xá TAX

Một thiếu nữ băng qua đường trên đại lộ Lê Lợi

Quán cafe vỉa hè ở nhà hàng Kim Sơn trên đại lộ Lê Lợi, nơi gặp gỡ của rất nhiều người trong giới văn nghệ sĩ Sài Gòn trước 1975. Xung quanh khu vực này có nhiều phòng trà, như phòng trà Bồng Lai (sân thượng bên trên nhà hàng Kim Sơn), phòng trà Quốc Tế (băng qua bên kia đường Nguyễn Trung Trực), ở xung quanh cách đó không xa còn có phòng trà Olympia, Queen Bee, Tự Do…

Quán cafe ở vỉa hè nhà hàng Kim Sơn góc Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực

Góc nhìn khác ở nhà hàng Kim Sơn
Chợ trời vỉa hè đại lộ Lê Lợi
Công trường Lam Sơn ở đầu đại lộ Lê Lợi, phía sau là thương xá Eden

Một số hình ảnh đen trắng chụp đường Tư Do năm 1961:

Công trình tiêu biểu trên đường Tự Do là Opera House – nhà hát lớn nhất Sài Gòn, được khánh thành năm 1900. Đến năm 1955, nơi này thành trụ sở Quốc Hội, đến năm 1967 đổi thành Hạ Nghị Viện

Hai thiếu nữ áo dài đi bộ trước Trụ sở Quốc Hội (Opera Houe). Sau lưng là khách sạn Continental Palace

Đường Tự Do ở khu vực trước Opera House. Bên phải hình là Caravelle Hotel được khánh thành cuối năm 1959

Bên trái là thương xá Eden, ở giữa hình là Continental Palace, bên phải là Opera House, những công trình nổi tiếng góp phần tạo nên bộ mặt của khu trung tâm Sài Gòn

Một vài hnh ảnh đường Tự Do, đoạn từ Nguyễn Thiếp nhìn về phía Continental Palace:

Hình ảnh tiệm Imperial, nằm ở góc đường Tự Do – Nguyễn Văn Thinh (nay là Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi). Căn nhà của tiệm này ngày nay vẫn còn giữ nguyên kiến trúc, chưa bị thay đổi:

Hình ảnh quán Imperial nhìn ra đường Tự Do:

Nếu nhắc tới ảnh đen trắng, không thể không nhắc đến Nguyễn Bá Mậu, người được xem là một trong những nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất của Việt Nam thế kỷ 20. Hầu hết tác phẩm của ông đều là hình ảnh đen trắng, và Nguyễn Bá Mậu được xem là vua của những tấm ảnh phân sắc độ.

Mời các bạn xem lại một số hình ảnh đen trắng của Nguyễn Bá Mậu chụp Sài Gòn cuối thập niên 1950:

Phía trước chợ Sài Gòn (nay là chợ Bến Thành)

Tòa nhà Tháp Ngà (Tour d’Ivoire) năm 1957 tại góc đường Tràn Hưng Đạo – Bùi Viện, đến nay tòa nhà vẫn còn. Nơi đây từng là một phòng trà, vũ trường nổi tiếng

Chợ Bình Tây năm 1957. Ngôi chợ lớn nhất ở Chợ Lớn này được thương gia Quách Đàm xây dựng từ năm 1928

Sài Gòn năm 1959, bên trái là Opera House, lúc này là trụ sở của Quốc Hội, đằng trước Quốc Hội là công trường Lam Sơn, đầu đại lộ Lê Lợi

Đại lộ Lê Lợi năm 1959. Người chụp hình đứng ở ngã tư với đường Pasteur nhìn về trụ sở Quốc Hội. Bên trái hình là thương xá Eden và REX Hotel, ở giữa 2 tòa nhà này là đại lộ Nguyễn Huệ về phía Tòa Đô Chánh

Người Sài Gòn tản bộ trên vỉa hè đường Tự Do năm 1959, đoạn công viên Chi Lăng. Đường này ngày nay là Đồng Khởi. Sau này, nhà thơ Du Tử Lê có câu thơ nhắc lại vỉa hè Tự Do nổi tiếng là: Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè, Nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do

Đại lộ Đồng Khánh năm 1959. Sau 1975, con đường này nối tiếp vào đường Trần Hưng Đạo, được gọi là đường Trần Hưng Đạo B

Continental Palace trên đường Catinat (đường Tự Do), được hoàn thành vào giữa năm 1880, gần như cùng lúc với nhà thờ Đức Bà. Có thể nói đây là khách sạn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất Sài Gòn, vẫn còn lại đến ngày nay sau hơn 140 năm

Đường Tự Do đằng trước Quốc Hội năm 1962. Bên phải hình là Continental Palace, bên trái là thương xá Eden

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận