Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và những ca khúc bất hủ: Mắt Biếc, Niệm Khúc Cuối, Bản Tình Cuối, Mùa Thu Cho Em…

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là một trong những tân tuổi tiêu biểu nhất của thể loại nhạc trữ tình miền Nam vào khoảng đầu thập niên 1970. Ông là tác giả của nhiều ca khúc bất hủ được hàng triệu người yêu thích suốt hơn nửa thế kỷ qua, đó là Niệm Khúc Cuối, Bản Tình Cuối, Chiều Nay Không Có Em, Áo Lụa Hà Đông, Giọt Nước Mắt Ngà, Từ Giọng Hát Em, Mắt Biếc, Giáng Ngọc, Tuổi 13, Mùa Thu Cho Em… Đó cũng là những ca khúc được xem là những bài nhạc trữ tình hay nhất của âm nhạc Việt Nam.

Trong suốt sự nghiệp của mình, hầu hết các sáng tác của Ngô Thụy Miên là tình ca, và ông là một trong số ít nhạc sĩ đã dành trọn cuộc đời để sáng tác tình ca. Ông từng lý giải về điều đó như sau:

“Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác. Các chủ đề Tình Yêu, Thân Phận, và Quê Hương đã được khai triển rộng rãi trong nhiều thập niên vừa qua với bao nhiêu tác giả và tác phẩm. Được biết đến như một người viết tình ca (đôi lứa) cũng đã là quá đủ cho tôi rồi”.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh ngày 26/9/1948 tại Hải Phòng, là người con thứ hai trong một gia đình có 7 anh chị em. Ông lớn lên trong môi trường sách vở và thơ văn, do gia đình ông có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở thành phố Hải Phòng, và sau này ở trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khi di vào đến Sài Gòn. Tại đây, ông theo học trường Trung học Nguyễn Trãi, sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên).

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã từng nói về những nơi mà ông đã từng gắn bó một thời như sau: “Tôi sinh ra ở Hải Phòng miền Bắc Việt Nam, nhưng đã lớn lên tại Sài Gòn, đã được nuôi dưỡng bởi cái tánh khí bình dị, cái tinh thần mộc mạc của miền Nam, đã có cả một thời mơ mộng, cả một tuổi trẻ với bao mộng ước đầu đời, khát khao…”

Trong thập niên 1960, Ngô Thụy Miên có theo học vĩ cầm với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt, học nhạc lý với Giáo sư Hùng Lân tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Trong thời gian học tại đây, ông được quen biết với Đoàn Thanh Vân (con gái của tài tử nổi tiếng Sài Gòn là Đoàn Châu Mậu), và hai người đã có một mối tình sâu đậm. Những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phần nhiều là được viết cho cuộc tình này.

Ngô Thụy Miên đã bắt đầu sáng tác từ năm 1963 khi mới 15 tuổi với bút danh là Đông Quân, nhưng đến 2 năm sau đó thì tên tuổi của ông mới được công chúng biết đến qua tình khúc Chiều Nay Không Có Em.

Năm 1969, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho xuất bản tập nhạc “Tình khúc Đông Quân” gồm một số ca khúc tiêu biểu như: Giáng Ngọc, Gọi Nắng (sau đổi tên thành Giọt Nắng Hồng), Mùa Thu Này Cho Em (sau đổi tên thành Mùa thu cho em), Dấu Vết Tình Yêu (sau đổi tên thành Dấu Tình Sầu)… “Tình khúc Đông Quân” được in ronéo và phát hành tại Sài Gòn.

Năm 1974, Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bắt tay vào thực hiện băng nhạc đầu tay mang tên “Tình Ca Ngô Thụy Miên” với 17 ca khúc được sáng tác từ năm 1965 – 1972. Bài hát đầu tiên được hoàn tất trong năm 1965 là Chiều Nay Không Có Em và bài cuối cùng được viết trong năm 1972 là Mắt Biếc. Đây được xem là băng nhạc tình ca hay nhất từng được thực hiện trước năm 1975, với sự góp mặt của những ca sĩ thượng thặng như Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Duy Quang,…Tất cả những ca khúc được giới thiệu trong băng nhạc này, sau đó đều trở thành bất tử.

Mời bạn nghe lại băng nhạc này sau đây:


Click để nghe

Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cho biết khi thực hiện băng nhạc đầu tiên này, ông đã làm việc trực tiếp với từng ca sĩ trong lúc thu âm để đảm bảo rằng ca sĩ sẽ hát đúng theo ý tác giả, diễn tả chính xác được từng lời ca, ý nhạc, chuyên chở được những tình cảm tâm tư mà nhạc sĩ muốn gửi đến người nghe.

Ngoài sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên còn là một công chức. Từ năm 1970 đến 1975, ông làm kiểm soát viên không lưu tại phi trường Tân Sơn Nhất. Cũng khoảng thời gian đó, ông là Trưởng ban nhạc Luân Phiên tại Đài phát thanh Quân đội.

Sau đây là hoàn cảnh sáng tác một số ca khúc tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên:

Chiều Nay Không Có Em

Nhạc phẩm Chiều Nay Không Có Em là tình khúc đầu tiên của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, viết năm 1963 và ra mắt công chúng năm 1965. Đây là ca khúc ông viết cho người yêu thuở ban đầu của mình là cô Đoàn Thanh Vân.

Chiều nay mình lang thang trên phố dài
Không có em ai chung bước dỗi nhau giận hờn
Không có em đường xưa giăng mắc mây trôi
Chiều nào hai đứa chung đôi.
Lặng nhìn mùa thu lá rơi.


CLick để nghe Sĩ Phú hát Chiều Nay Không Có Em

Bài hát này có ca từ đằm thắm thiết tha như là lời tình của sứ giả tình yêu. Nhạc sĩ đã nhắc đến “giăng mắc mây trôi” như là nhắc đến tên của người tình (Mây – Vân), là hình bóng cứ mãi hoài giăng mắc trong tâm trí của cậu học trò 17 tuổi.

Chuyện tình của Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân trải qua muôn vàn sóng gió, khởi đầu từ tuổi 16-17, và phải đến hơn 10 năm sau đó, họ mới nên duyên vợ chồng khi cả 2 đã rời Việt Nam sau 1975. Tình yêu được thử thách qua nhiều gian nan như vậy, nên họ biết quý trọng hơn những ngày tháng được ở bên nhau, và vẫn chung sống hạnh phúc cho đến nay.

Mùa Thu Cho Em

Sau Chiều Nay Không Có Em, ca khúc nổi tiếng thứ 2 của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên được công chúng biết tới, đó là Mùa Thu Cho Em, và cũng là một ca khúc khác viết cho Đoàn Thanh Vân.

Trong bài hát này, chàng nhạc sĩ tài hoa đã khéo léo lồng tên người yêu vào lời nhạc, “mây xanh” cũng có nghĩa là Thanh Vân:

“Nắng úa dệt mi em
Và MÂY XANH thay tóc rối
Nhạt môi môi em thơm nồng
Tình yêu vương vương má hồng

Sẽ hát bài cho em, và ru em yên giấc tối
Ngày mai khi mưa ngang lưng đồi
Chờ em, anh nghe mùa thu tới”.


Click để nghe Ngọc Lan hát Mùa Thu Cho Em

Niệm Khúc Cuối

Có thể xem Niệm Khúc Cuối là bài hát nổi tiếng và được yêu thích nhất của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Ca khúc này được nhạc sĩ sáng tác từ năm 1971 và đã trở thành bản nhạc được trình diễn nhiều nhất trong số các tác phẩm của ông từ đó đến nay. Đây là một bản nhạc tình đẹp, cao thượng, có giai điệu và ca từ lay động lòng người nhất trong âm nhạc Việt.


Click để nghe Khánh Ly hát Niệm Khúc Cuối trước 1975

Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em 

Tình yêu được nhạc sĩ thể hiện trong Niệm Khúc Cuối chắc chắn không phải lá thứ cảm xúc xốc nổi, bồng bột thoáng qua, chóng đến chóng đi của những cuộc tình non tơ, trẻ dại. Đó là thứ cảm xúc bật thoát từ sâu thẳm trái tim của một người đàn ông đã đi qua nhiều giông bão, từng trải, rắn rỏi và chắc chắn. Dù cho tình yêu có mang đến cho cuộc đời tôi bao gió giông, bão tố, bao tuyết lạnh, bùn lầy, bao sầu thảm, đớn đau, thì tôi vẫn sẽ yêu em như ngày hôm nay, như bây giờ, như ngày hôm qua, không hề đổi dời. Trong tình yêu, người phụ nữ có lẽ chẳng cần gì hơn một câu hát: Dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em. Như thế có lẽ là quá đủ cho một mối chân tình.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Niệm Khúc Cuối

Bản Tình Cuối

Bản Tình Cuối là một trong số 17 Miên Tình Khúc được nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên sáng tác và nổi tiếng từ trước năm 1975. Đó là những tình khúc chủ yếu được sáng tác dựa trên cảm hứng từ mối tình sinh viên ngọt ngào nhưng bị ngắt quãng nhiều lần của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với Đoàn Thanh Vân, cũng là người vợ gắn bó cùng ông cả cuộc đời sau này.


Click để nghe Lệ Thu hát Bản Tình Cuối trước 1975

Nhạc của Ngô Thuỵ Miên dù giản dị, mộc mạc nhưng bao giờ cũng da diết, mềm lơi, đầy những rung cảm riêng tư:

Mưa có rơi và nắng có phai
trên cuộc tình yêu em ngày nào
Ta đã yêu và ta đã mơ
mơ trăng sao đưa đến bên người

Ngay đầu bài hát, người du ca Ngô Thuỵ Miên đã thả vào thinh không một câu hỏi xa xôi mà day dứt, ám ảnh khôn cùng: Mưa có rơi và nắng có phai trên cuộc tình yêu em ngày nào? 

Cuộc tình xưa đã trôi vào dĩ vãng tự bao giờ nhưng những dư âm, cảm xúc mà nó để lại dường như vẫn còn nguyên vẹn. Trong niềm khắc khoải, thương nhớ khôn nguôi về những tháng ngày cũ, chàng tự vấn, tự dằn vặt, tự day dứt với chỉ một câu hỏi rằng tại sao bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua mà sao vẫn không thể quên. Nhưng có lẽ hỏi chỉ để hỏi, chỉ để thừa nhận rằng lý trí cũng đành bất lực trước lý lẽ của trái tim, bởi khi đã trót yêu, đã trót mơ, đã trót vương mang cuộc tình như định mệnh ấy:

Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào
một lần gặp gỡ nhưng tình ngỡ xa xưa


Click để nghe Duy Quang và Ngọc Lan hát Bản Tình Cuối

Một điều đặc biệt nhất ở Ngô Thuỵ Miên, khác biệt so với nhiều vị nhạc sĩ khác có lẽ là đức tính chung thuỷ của ông, cả ở trong đời sống riêng và trong âm nhạc. Những bản tình ca của ông dù đẹp, buồn hay bị luỵ đều mang theo một tình yêu chung thuỷ, vĩnh cửu đến tận cùng, như lời tâm sự của ông: “Tình yêu đối với tôi dù sung sướng hay khổ đau cũng là một điều rất thiêng liêng. Yêu không có nghĩa là chiếm hữu cho riêng mình, yêu là cho tận cùng, là chấp nhận hết buồn vui khổ hận để mang lại hạnh phúc cho người yêu”.

Vậy nên, dù Bản Tình Cuối có được nhạc sĩ kết lại bằng một câu hỏi mở:

Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu
Một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người?

Mắt Biếc

Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên từng tâm sự, Mắt Biếc là một trong những bản tình ca mà ông tâm đắc nhất. Có lẽ bởi, khác với nhiều nhạc phẩm trước đó, khi viết Mắct Biếc, Ngô Thuỵ Miên đã có sự “cứng cáp” và từng trải nhất định cả trong đời sống và trong âm nhạc.

Từng lời hát sâu lắng, điệu nhạc lả lướt, hoà quyện cuốn người nghe chìm trôi vào vùng ký ức xa xưa êm ả, như thơ như mơ:

Nhớ tới năm xưa bên nhau
Bước trong chiều mưa
Phím ru nhẹ đưa

Bến cũ đam mê say sưa
Lá thu còn rơi
Người xa vắng rồi

Mắt biếc năm xưa nay đâu
Cánh sao còn đây
Tóc mây nào bay
Phố vắng mênh mang mưa rơi
Ước mơ nào nguôi tình đã phai rồi 


Click để nghe Thanh Lan hát Mắt Biếc trước 1975

Nghe Mắt Biếc của Ngô Thuỵ Miên, người nghe ngỡ như đi lạc vào những giai âm của dòng nhạc tiền chiến, ngỡ như Ngô Thuỵ Miên đã ngả theo đường nhạc của Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Cung Tiến,… Bên cạnh chất nhạc du dương, trầm bổng và những lời ca dịu dàng, đắm say là những hình ảnh ẩn dụ lả lướt đầy chất thơ, chất mơ của thập niên 40-50 của thế kỷ trước như: lá thu, bến cũ, cung đàn, phím ru, bến ga tịch liêu, lá úa, cung tơ, chiều mơ,… Tất cả tạo nên một không khí hoài niệm đầy chất thơ, chất nhạc, nồng nàn và đắm say mà ắt hẳn nhiều người trong chúng ta thấy mình trong đó.


Click để nghe danh ca Duy Trác hát Mắt Biếc năm 1974


Click để nghe Sĩ Phú hát Mắt Biếc

Giáng Ngọc

Trong làng nhạc trữ tình thời kỳ 1954-1975, hiếm có ca khúc nào đẹp và lãng mạn, từ giai điệu cho đến lời ca, nét đẹp kiều diễm, thoát tục ngay từ tựa đề bài hát: Giáng Ngọc – một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.

Bài hát này được nhạc sĩ viết cho một người con gái có thực, mang một vẻ kiêu sa, đặc biệt là có đôi bàn tay rất đẹp: bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa…


Click để nghe Ngọc Lan hát Giáng Ngọc

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên kể lại:

“Ngày đó cô là một nữ sinh của trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn là Trưng Vương, còn tôi là một anh sinh viên lang thang ở trường đại học. Cô là nguồn cảm hứng cho tôi viết bài Dấu Tình Sầu và dĩ nhiên là cả bài Giáng Ngọc. Đã nhiều năm trôi qua, tất cả đã đi vào quên lãng, nhưng bàn tay, mái tóc và dáng người đó đã cho tôi niềm cảm hứng để viết bài hát với những câu “bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa, vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm…”

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã tình cờ thấy cô gái tên là Minh Ngọc đó tại thư viện của Trung Tâm Văn Hóa, dáng vóc ngọc ngà của cô làm say mê chàng nhạc sĩ hay mơ mộng, nên ông đã ca ngợi thành “giáng ngọc” (hay là Dáng Ngọc?). Cách dùng từ “giáng” của ông cũng gợi đến hình tượng một người tiên giáng trần, là nét đẹp ngọc ngà thanh khiết được ban xuống trần.

Ca khúc này lần đầu tiên được giới thiệu trong băng nhạc Tình Khúc Ngô Thụy Miên năm 1974 qua tiếng hát Lệ Thu. Mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Lệ Thu hát

Giáng Ngọc là một trong những ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, và hầu như ca sĩ nào hát cũng hay, cũng để lại nét riêng. Nguyên thủy bài hát là điệu slow rock, như phiên bản của Lệ Thu, Ngọc Lan hát, sau này một số phiên bản khác được phối lại thành tango và cũng rất được yêu thích, mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Khánh Ly hát Giáng Ngọc


Click để nghe Lưu Hồng hát Giáng Ngọc

Riêng Một Góc Trời

Riêng Một Góc Trời là một trong những bản tình ca muộn màng của Ngô Thụy Miên, được sáng tác khi tác giả đã tròn 50 tuổi. Khi đó, ông đang có cuộc hôn nhân viên vãn với người bạn gái thuở hàn vi sau những năm tháng thăng trầm của cuộc đời. Tuy nhiên như thường lệ, tình ca của Ngô Thụy Miên thường buồn, cái buồn man mác không vương sầu lụy. Tình yêu trong tuyệt phẩm Riêng Một Góc Trời mỏng manh như sương khói, nhưng mãi vấn vương nuối tiếc, nặng tình về những ngày tháng cũ.

Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ
Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa
Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ
Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi…


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Riêng Một Góc Trời

 Những ca khúc Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa:

Một mảng sáng tác nổi tiếng và được công chúng đón nhận trong số các tình khúc Ngô Thuỵ Miên, đó là nhạc phổ thơ của thi sĩ Nguyên Sa. Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cho biết: “Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông”.

Từ yêu thích và thuộc thơ, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên bắt đầu phổ nhạc cho thơ Nguyên Sa và cho ra đời những ca khúc bất hủ như là Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, và Tuổi 13.

Áo Lụa Hà Đông

Hầu hết những người yêu thơ và nhạc đều biết đến nhạc phẩm Áo Lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa vào năm 1971. Ca khúc này nhanh chóng được khán giả đón nhận vì giai điệu mượt mà trữ tình, và vì được phổ từ một bài thơ nên ca từ của bài hát rất đẹp.

Thi sĩ Nguyên Sa đã viết bài thơ Áo Lụa Hà Đông khi chợt nhìn thấy trên phố thấp thoáng những tà áo lụa của Hà Đông, là một địa danh cách Hà Nội 10km, có một làng chuyên nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Thuở nhỏ có thời gian gia đình của Nguyên Sa tản cư đến vùng Hà Đông, rồi sau thời gian dài du học ở Pháp, ông trở về sinh sống ở Sài Gòn, một lần trông thấy bóng dáng những tà áo dài thướt tha trên phố lại nhớ về làng lụa quê xưa:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng


Click để nghe Duy Trác hát Áo Lụa Hà Đông trong băng nhạc Tình Khúc Ngô Thụy Miên năm 1974

Tuổi Mười Ba

Tuổi Mười Ba vốn một thi phẩm của thi sĩ Nguyên Sa được sáng tác vào năm 1971, sau đó nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc và ra mắt công chúng vào năm 1974 trong băng nhạc Tình Khúc Ngô Thụy Miên như đã nhắc tới ở trên.


Click để nghe Thái Thanh hát Tuổi 13 năm 1974

Nguyên gốc bài thơ Tuổi 13 của thi sĩ Nguyên Sa khá dài, có đến 11 khổ thơ. Tuy nhiên, khi chọn thơ để phổ nhạc, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã tóm gọn lại, chỉ lấy 4 khổ gồm: hai khổ đầu tiên, khổ thứ 8 và khổ cuối cùng:

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu mát

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa mầu áo tím

Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu…
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu 


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tuổi Mười Ba

Bài: Đông Kha – Niệm Quân (chuyenxua.net)

Viết một bình luận