Những hình ảnh tuyệt đẹp của Hà Nội 100 năm trước

Mời các bạn xem lại những hình ảnh được chụp tròn 100 năm trước ở Hà Nội (thập niên 1920), thời điểm Hà Nội là thủ đô của toàn Liên bang Đông Dương. Qua những tấm ảnh đặc biệt này, bánh xe thời gian như là được xoay ngược lại để chúng ta có thể nhìn được về quá khứ một thế kỷ trước…

Xe điện đang đi trên rue Francis Garnier, nay là phố Đinh Tiên Hoàng. Trước đó, đây là phố Hàng Chè, nối liền với phố Hàng Bài (chỗ người chụp hình đang đứng, lúc này mang tên phố Đồng Khánh). Bên trái hình này là Hồ Hoàn Kiếm, bên phải là rue Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền). Tòa nhà trong hình ngày nay vẫn còn, là trụ sở của Tổng cục quản lý thị trường

Rạp cine Palace nằm ở rue Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), là một trong những rạp chiếu phim lâu đời nhất Việt Nam được người Pháp khởi công xây dựng năm 1917 và hoàn thành năm 1920. Rạp được thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ điển của Pháp, với mục đích trở thành một rạp chiếu phim sang trọng bậc nhất của vùng Đông Dương.

Sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội năm 1947, rạp đổi tên thành Eden. Sau khi chính quyền VNDCCH tiếp quản Hà Nội năm 1954, rạp đổi tên thành Công Nhân cho đến nay, ngày nay không còn là rạp chiếu phim nữa mà trở thành Nhà hát kịch.

Khu vực vườn hoa Bách Việt (thường được gọi với tên khác là vườn hoa Cửa Nam. Xe điện đang đi trên rue Borgnis Desbordes (nay là phố Tràng Thi) sang phía rue Duvillier (nay là phố Nguyễn Thái Học). Vườn hoa Cửa Nam nằm bên phải hình, lúc này bên trong có tượng Nữ Thần Tự Do cao 2.85m, là bản sao tỉ lệ 1/16 của phiên bản chính ở New York. Tượng được đặt ở Vườn hoa Cửa Nam từ 1897 đến 1945, vườn hoa lúc này được gọi là La Place Neyret.

Vườn hoa Cửa Nam vốn là Quảng Văn Đình được vua Lê Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1491, là nơi niêm yết các pháp lệnh, cáo thị của triều đình.

Tòa nhà trụ sở Công Chánh (Les Travaux Publics), ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là trụ sở của Ban Quản Lý Trung Ương các Dự Án Thủy Lợi.

Tòa nhà này nằm 3 mặt phố: rue Albert Pouyanne (nay là phố Lò Sũ), rue des Bambous (nay là phố Hàng Tre) và Quai Clémenceau (nay là đường Trần Quang Khải).

Trường Lycée Albert Sarraut trên Boulevard Rollandes, nay là trường THPT Trần Phú trên phố Hai Bà Trưng. Đây là ngôi trường có kiến trúc Pháp đặc trưng, đã trải qua hàng thế kỷ, từng đào tạo rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Hà Nội.

Những hình ảnh 100 năm trước của ngôi chợ lớn và lâu đời nhất Hà Nội nằm trong phố cổ, đó là Chợ Đồng Xuân:

Trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long vào năm 1804, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dưới triều vua Gia Long đã cho đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính đông, hay còn gọi là chợ Đồng Xuân ngày nay.

Chợ Đồng Xuân ngày Tết

Kiến trúc chợ trong hình này là đã có từ năm 1890, được người Pháp xây dựng lại, với năm vòm cửa và năm nhà dài 52m, cao 19m, mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.

Người xe chen chúc ra vào khu chợ chính

Tòa nhà trụ sở công ty Hỏa xa Đông Dương – Vân Nam (Chemins de Fer de l’Indochine et de Yunam – CIY), nằm ở góc đường Gambetta – Richaud, nay là trụ sở Tổng liên đoàn Việt Nam ở góc phố Quán Sứ – Trần Hưng Đạo, trước mặt tòa nhà ngày nay là quảng trường 1/5.

Công ty Hỏa xa Vân Nam (CIY) này được thành lập từ năm 1901. Khi Toàn quyền Paul Doumer lên nắm quyền ở Đông Dương từ cuối thế kỷ 19, ông có tham vọng thực hiện chính sách bành trướng của nước Pháp đối với Trung Quốc, cụ thể là làm tuyến đường sắt “xâm nhập”, đi ngược lưu vực sông Hồng để vào đến Trung Quốc ở phía Nam, đó là tỉnh Vân Nam. Đây chỉ là tính toán ban đầu của Doumer, thực tế kế hoạch lớn hơn là dự định xây dựng 1700km đường sắt đi qua Tây Tạng, Quảng Tây, đưa các vùng này vào trong cộng đồng kinh tế Pháp, để rồi chuyển những vùng đó thành những thuộc địa một cách đơn thuần và đơn giản.

Tiền đề của những tham vọng đó của người Pháp được bắt đầu từ Hòa ước Pháp – Hoa năm 1885, chấm dứt xung đột giữa 2 nước này, đồng thời phía nhà Thanh của Trung Quốc cũng xác nhận quyền của Pháp về việc xây dựng một tuyến đường sắt giữa Bắc Kỳ đến các tỉnh miền Nam Trung Hoa. Đó là lý do mà công ty Hỏa xa Vân Nam được thành lập và xây tòa nhà trụ sở đồ sộ của Hà Nội, đến nay vẫn là một trong những tòa nhà lâu đời nhất còn lại kiến trúc nguyên thủy.

Cảnh mua bán trên lề phố rue Paul Bert, nay là phố Hàng Khay ở ven hồ Hoàn Kiếm, nối liền với phố Tràng Tiền.

Trước khi Pháp đô hộ Việt Nam thì đây được gọi là phố Thợ Khảm nằm ở ven hồ Hoàn Kiếm. Phố nghề này do thợ khảm trai gốc làng Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây) đã tới đây lập cửa hàng chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ khảm xà cừ như hoành phi, câu đối, tủ, bàn, ghế, sập, mâm, khay…

Người Pháp chuyển ngữ phố Thợ Khảm thành rue des Inscrusteurs, sau đó nối phố Tràng Tiền với rue des Inscrusteurs rồi đặt tên đường là Paul Bert.

Sau 1954 đến hay, phố Paul Bert tách ra lại thành 2 tên đường khác nhau là phố Tràng Tiền và phố Hàng Khay.

Xe điện trên La rue de la Soie, nay là Phố Hàng Đào. Bên trên là đường dây cấp điện cho điện nội thành, được truyền qua một cái cần nằm trên nóc xe.

Các nhà máy trên đường Larrivée, nay là phố Nguyễn Công Trứ. Hình ảnh được chụp từ đường Armand Rousseau, nay là phố Lò Đúc.

Bến xe điện Hà Đông – điểm cuối của tuyến xe điện Bờ Hồ (hồ Hoàn Kiếm) – Hà Đông dài 12 km.

 

Xe điện trên La rue de la Soie, nay là phố Hàng Đào ở khu phố cổ Hà Nội. Tên đường tiếng Pháp được dịch từ tên tiếng Việt, de la Soie nghĩa là Lụa (Hồng Đào).

Ngôi nhà ở bìa phải hình là nhà của Lương Văn Can (số 4 Phố Hàng Đào). Ngôi nhà màu trắng (số 10 Phố Hàng Đào) là nơi ông mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục để khai trí cho dân, dạy học không lấy tiền.

Phố Hàng Đào từng được xem là con đường tơ lụa. Từ thế kỷ 15, 16 người dân ở nhiều nơi, đặc biệt từ Đan Loan Hải Dương, tới Hà Nội đã lập nên phường Đại Lợi chuyên nghề nhuộm tơ lụa. Hàng Đào lúc bấy giờ trở thành một trung tâm tơ lụa sầm uất của kinh thành Thăng Long.

Ga Hàng Cỏ nằm trên đường Mandarine (đường cái quan), nay là đường Lê Duẩn.

Năm 1902, ga Hàng Cỏ được khánh thành và đưa vào khai thác cùng với cầu Long Biên, là nhà ga xuất phát của con đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn thuở ban đầu, rồi đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (1903), đường sắt Hà Nội – Lào Cai (1905) và đến năm 1936 là đường sắt xuyên Việt (1936).

Ban đầu, ga xe lửa này mang tên là ga Trung tâm Hà Nội, nhưng vì tên quá dài và dân chúng gọi là ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội). Cái tên này xuất xứ từ vùng đất này từ cuối thời Hậu Lê là nơi những người làm nghề cắt cỏ quanh vùng mang ra đây bán cho các chủ ngựa và người nuôi bò trong thành, nên gọi là Hàng Cỏ.

Từ thời vua Tự Đức, vì đoạn đường gần Cửa Nam nằm trên đường Cái Quan (từ Huế ra thành Hà Nội) có nghề làm lọng nên con đường Lê Duẩn ngày nay con được gọi là Hàng Lọng. Khi người Pháp chiếm Hà Nội, họ đổi tên Hàng Lọng thành đường Cái Quan (Route Mandarine). Năm 1947, sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội, họ đổi tên đường thành Delatte Sir. Sau năm 1954, chính quyền thành phố Hà Nội của VNDCCH đổi thành đường Nam Bộ. Năm 1986, đường đổi tên thành Lê Duẩn cho tới nay.

Đại lộ Puginier, nay là đường Điện Biên Phủ ở Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Năm 1909, đường được mở rộng và đặt tên là đại lộ Puginier, theo tên của giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài, thành viên của Hội Thừa sai Paris, người – thành lập xứ đạo Hạnh Thông Tây ở Gò Vấp.

Năm 1945, sau cách mạng tháng 8, đại lộ Puginier đổi thành phố Dân Chủ Cộng Hòa, đến năm 1949 thì đổi thành đại lộ Nguyễn Tri Phương. Dù vậy, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là đường Cột Cờ vì Cột Cờ Hà Nội nằm trong khu vực này. Đến ngày 7/5/1964, kỷ niệm chiến thắng Điên Biên Phủ, chính quyền thành phố Hà Nội đổi tên thành Điện Biên Phủ cho đến nay.

Rue Paul Bert 100 năm trước. Trước khi Pháp chiếm Hà Nội, con phố này mang tên Tràng Tiền, và ngày nay cũng mang tên nguyên thủy là Tràng Tiền.

Đây là con phố nổi tiếng nằm ở khu trung tâm, có từ lâu đời, chạy từ đông sang tây.

Phố Tràng Tiền xưa kia là một con đường dài, phía tây giáp phủ Chúa Trịnh, phía đông giáp với cửa ô Tây Long, tức là Nhà hát Lớn Hà Nội ngày nay, thông ra căn cứ Đồn Thủy và bến sông Hồn.

Khoảng năm 1808, một xưởng đúc tiền được vua Gia Long nhà Nguyễn cho lập ra ở đây, tên chữ là Bảo Tuyền Cục, dân quen gọi là Tràng Tiền, từ đó xuất xứ tên gọi cho tên của phố này suốt 200 năm qua

Thời thuộc Pháp phố này có tên là rue Paul Bert, đặt tên theo Thống sứ Bắc kỳ Paul Bert, bắt đầu từ khu vực Hồ Hoàn Kiếm ở phía tây, nối với phố Hàng Khay. Còn phía đối diện là phía đông kéo dài tới Nhà hát Lớn Hà Nội.

Phố Tràng Tiền (rue Paul Bert) nhìn từ Nhà Hát Lớn

Bên trái là rue Paul Bert (phố Tràng Tiền), bên phải là Grands Magasins Reunis, nay là Tràng Tiền Plaza. Được người Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1901 với tên gọi Maison Godard, tòa nhà này được xem là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống. Sau khi đi vào hoạt động, trung tâm thương mại đầu tiên của Sài Gòn này phục vụ các khách hàng người Pháp và người Việt giàu có. Đến năm 1960, tòa nhà được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp và trở thành cửa hàng lớn nhất miền Bắc thời bao cấp. Sau đó, tòa nhà được xây dựng lại và đổi tên thành Tràng Tiền Plaza vào năm 2002.

Trụ sở đồn cảnh sát quận 1 thời Pháp thuộc hơn 100 năm trước, nằm ở góc đường Borgnis Desbordes, Jules Ferry, Gia Long và Paul Bert. Ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là trụ sở công an quận Hoàn Kiếm, nằm ở góc phố tương ứng là Tràng Thi, Lý Thái Tổ, Bà Triệu và Hàng Khay, ngay bên cạnh hồ Hoàn Kiếm.

Thư viện Pierre Pasquier ở đường Borgnis Desbordes, được xây dựng vào năm 1917, ngày nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam, nằm trên đường Tràng Thi.

Con đường này ban đầu tên là Tràng Thi, xuất phát từ việc nó nằm trên nền đất xưa là nơi thi Hương, gọi là Trường Thi, sau nói thành Tràng Thi. Ở đây ngày xưa là nơi sĩ tử của các tỉnh từ Thanh Hoá trở ra đến thi Hương.

Khi Pháp chiếm Hà Nội, họ đặt tên đường là rue du Camp des Lettres, rồi đổi nên rue Borgnis Desbordes, đến thời bị tạm chiếm thì đổi tên nên United States of America street (phố Mỹ quốc). Sau này đường lấy lại tên xưa là Tràng Thi cho đến nay.

Tháp nước Hàng Đậu xây năm 1894 nằm trên đường des Graines, nay là đường Hàng Đậu. Ngày nay, tháp nước này vẫn còn nằm giữa khu đất nhỏ nằm lọt thỏm giữa 4 con phố Hàng Đậu, Hàng Cót, Hàng Than và Quán Thánh.

Sở dĩ có tên Hàng Đậu là xưa kia có nhiều cửa hàng bán các thứ đậu hột như đậu xanh, đậu nành, đậu đen… Người Pháp gọi tên phố này là rue des Graines, dịch nghĩa là các hạt (hạt đậu), cũng là dịch thì tên nguyên thủy là Hàng Đậu.

Hình ảnh trường Đại học Đông Dương trên đường đại lộ Bobillot. Sau năm 1954, nó trở thành trụ sở của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện nay là Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ở số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội

Khu vực vườn hoa Neyret (thường được gọi là vườn hoa Cửa Nam). Trong hình là tượng Nữ Thần Tự Do (người Việt gọi là Bà Đầm Xòe)cao 2.85m, là bản sao tỉ lệ 1/16 của phiên bản chính ở New York. Trước đó, bức tượng được đặt ở khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ ngày nay, sau đó đưa lên trên đỉnh Tháp rùa, cuối cùng là ở vị trí này trước khi bị giật đổ năm 1945 dưới thời thị trưởng Trần Văn Lai
Tòa soạn báo “Tương Lai của Bắc Kỳ”, số 114 Rue Jules Ferry, nay là tòa soạn báo Hà Nội Mới số 44 Phố Lê Thái Tổ
Văn phòng của Tổng thanh tra Lao động trên đường Brière de l’Isle, ngày nay vẫn còn, nằm ở số 12 Hùng Vương
Xe đò chạy tuyến Hà Nội – Bắc Ninh
Trường Trung học Albert Sarraut cơ sở bên Đại lộ Cộng Hòa (Avenue de la République), trước Dinh Toàn Quyền. Cơ sở này ngay nay là Văn phòng Trung ương ĐCS Việt Nam trên đường Hoàng Văn Thụ
Khách sạn Le Coq d’Or (có nghĩa là Con Gà Trống Vàng) xây dựng năm 1916-17 tại boulevard Carreau (nay là số 27 Lý Thường Kiệt) với diện tích 2500m2, ban đầu chỉ có 2 tầng. Vào anwm 1926, khách sạn đổi tên thành Splendid (có nghĩa là Huy Hoàng). Năm 1940, khách sạn được nâng cấp lên thành 3 tầng với 47 phòng. Sau năm 1954 tới nay, khách sạn đổi tên thành Hòa Bình
Bảo tàng Louis Finot thuộ Viện Viễn Đông Bác Cổ, nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Giao lộ Francis Garnier – Đồng Khánh (nay là Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài)
Tòa nhà Godard nổi tiếng Hà Nội nằm đầu đường Paul Bert (nay là Tràng Tiền) bên Hồ Hoàn Kiếm. Lúc này tòa nhà mang tên Grands Magasins Charner (GMC), là trung tâm thương mại sang trọng đắt đỏ ở Hà Nội dành cho người Pháp. Vị trí này ngày nay là Tràng Tiền Plaza
Cung đấu xảo (sau đó là bảo tàng Maurice Long) từng là công trình kiến trúc to lớn và tráng lệ bậc nhất Hà Nội, được xây dựng năm 1901. Công trình bị phá hủy năm 1945 vì bom của lực lượng đồng minh. Sau năm 1954, khu đất này được xây dựng nhà hát Nhân Dân, nhưng sau đó bị phá đi để xây dựng Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô, do Công đoàn Liên Xô xây tặng Việt Nam.
Văn phòng làm việc của Dinh Toàn quyền tại Hà Nội
Boulevard Gambetta, nay là Trần Hưng Đạo
Dinh Thống sứ Bắc Kỳ trên đại lộ Henri Rivie, nay là Nhà khách Chinh phủ trên đường Ngô Quyền
Bót Hàng Trống nằm ở góc đường Borgnis Desbordes – Rue de la Mission, nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, số 2 Tràng Thi
Toà án Hà Nội ở đại lộ Carreau, nay là trụ sở Tòa án nhân dân tối cao ở số 48 Lý Thường Kiệt
Dưỡng đường Saint Paul (nay là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) nằm ở giữa 4 con đường, phía bắc giáp với đường Félix Faure (nay là đường Trần Phú), phía nam giáp với đường Gurue Duvillier (nay là đường Nguyễn Thái Học), phía đông giáp với Đại lộ Avenue Van Vollenhoveh (nay là đường Chu Văn An), phía tây giáp với Đại lộ Avelue Briere de Lisle (nay là đường Hùng Vương)
Những gánh hàng từ ngoại thành lên phố vào sáng sớm
Lặng lẽ Hồ Gươm

Một vài hình ảnh của ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), được khánh thành và đưa vào khai thác năm 1902 cùng với cầu Doumer (nay là cầu Long Biên). Ban đầu là nhà ga xuất phát của đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, rồi đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (1903), đường sắt Hà Nội – Lào Cai (1905) và đến năm 1936 là đường sắt xuyên Việt.

Đường trước ga là route Mandarine (người Việt gọi là đường Quan Lộ), sau đổi tên thành đường Delatte Sir, sau 1954 tên là đường Nam Bộ, ngày nay là đường Lê Duẩn.

Một số hình ảnh Dinh Toàn Quyền, được xây dựng năm 1901 trên khu đất rất rộng và nhiều cây xanh trước đó vốn thuộc vườn Bách Thảo, án ngữ tuyến phố La République (nay là phố Hoàng Văn Thụ) và nhìn ra quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình). Dinh Toàn Quyền ngày nay là Phủ Chủ Tịch, vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 100 năm:

chuyenxua.net biên soạn
Ảnh: manhhai flickr

4 bình luận về “Những hình ảnh tuyệt đẹp của Hà Nội 100 năm trước”

  1. Những bức ảnh quý hiếm về Hà Nội 100 năm trước , lưu lại cho hôm nay và mai sau để các thế hệ người Hà nội biết trân trọng những gía trị vô giá của nó . Khi đi qua những khu vực này ta như đã nhìn thấy quen quen rồi

    Trả lời
  2. đoạn văn giới thiệu vườn hoa cửa Nam có sự nhầm lẫn tàu điện chạy trên phố hàng Bông rẽ sang đường Nguyễn thái Học bây giờ mới chuẩn

    Trả lời

Viết một bình luận