Hình ảnh xưa và nay của Hà Nội khi chụp tại cùng một góc ảnh (Kỳ 2)

Mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa và nay của Hà Nội, được chụp tại cùng một vị trí để so sánh sự thay đổi của các kiến trúc xưa qua thời gian.

Tụ sở tòa soạn tờ báo “Tương Lai Bắc Kỳ” trên đường Jules Ferry ngày xưa, nay là tòa soạn báo Hà Nội Mới trên Phố Lê Thái Tổ.


 

Trụ ở Công ty Đường sắt Đông Dương và Vân Nam (Cie des Chemins de Fer du Yunnam et de l’Indochine) hơn 100 năm trước. Tòa nhà này nằm ở số 82 Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo. Đây là công ty đã xây dựng tuyến đường sắt nối liền từ Hải Phòng tới Vân Nam phủ bên Trung Quốc. Đây là tuyến đường ngắn nhất và an toàn nhất đề xuất khẩu các sản phẩm của địa phương (thiếc, da, lông lợn…) sang châu Âu hoặc châu Mỹ..; cũng qua đó, rau quả của Vân Nam xuôi về Bắc Kỳ, từ đây buôn bán với các cảng ven biển Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải. Đó là con đường để nhập khẩu vào khu Tây Nam Trung Hoa tất cả hàng hóa nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới (bông, dầu hỏa, vải, máy móc, đồ ngũ kim và các mặt hàng công nghiệp chế biến).

Để làm được tuyến đường sắt này, khó khăn lớn nhất đối với Công ty Đường sắt Đông Dương và Vân Nam là câu qua thung lũng Nậm Thi, nằm ở biên giới Việt – Trung ngày nay, phải huy động cùng lúc tới 22.000 nhân công làm cầu qua thung lũng có địa hình và khí hậu vô cùng khắc nghiệt.

Tòa nhà này ngày nay vẫn còn, là Trụ sở Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ở số 82 Trần Hưng Đạo.


 

Hiệu thuốc lớn nhất Hà Nội trong suốt vài thập niên, nằm ở góc đường Hàng Khay – Hàng Bài ở góc hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

Trước năm 1945, con đường đi ngang tòa nhà này là Paul Bert (kéo dài từ Hàng Khay qua tới đầu phố Tràng Tiền). Sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội, tòa nhà nằm ở ngã 4 của 4 con đường mang tên khác nhau: phố Anh Quốc, phố Pháp Quốc, đại lộ Đồng Khánh và Đinh Tiên Hoàng. Sau năm 1954, phố Anh Quốc đổi lại thành Hàng Khay, phố Pháp Quốc đổi thành Tràng Tiền, đại lộ Đồng Khánh đổi thành Hàng Bài, còn đại lộ Đinh Tiên Hoàng giữ nguyên tên.

Tòa nhà này ngày nay thuộc công ty Cổ phần Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội (Hapharco), có mặt tiền cho thuê làm hàng ăn (McDonald Hồ Gươm).


 

Tháp Hòa Phong nằm ở bên bờ hồ Hoàn Kiếm, là di tích cổ duy nhất còn sót lại của chùa Báo Ân, một ngôi chùa lớn xây năm 1842 dưới thời nhà Nguyễn.

Chùa Báo Ân được xây dựng vào khoảng năm 1842. Năm 1888, thực dânPháp phá hủy chùa thành bình địa để lấy đất xây Bưu điện Hà Nội, chỉ giữ lại tháp Hòa Phong phía sau chùa.


 

Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ (Bureau de la Résidence Supérieure” nằm ở góc đại lộ Henri Rivière (nay là Ngô Quyền) và đường Intendance (sau đổi tên thành Rue Fourès, rồi Tô Hiến Thành, nay là đường Đinh Lễ).

Đây là 1 trong những tòa nhà quy mô được người Pháp xây dựng đầu tiên ở Hà Nội, nơi làm việc của người đứng đầu Bắc kỳ. Ngày nay tòa nhà vẫn còn, trở thành trụ sở của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.


 

Hình ảnh xưa và nay của cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) nhìn từ phía bên quận Hoàn Kiếm ngày nay. Bên phải là ga Long Biên.


 

Chùa Một Cột trong một tấm ảnh màu hiếm hoi được chụp năm 1916 và hình hiện nay.

Trong ảnh xưa, chùa là nguyên bản được xây từ thời nhà Lý thời thế kỷ 11 và nhiều lần được trùng tu. Lần trùng tu lớn cuối cùng chùa Một Cột (nguyên bản) là năm 1922 do Viện Viễn Đông Bác Cổ thực hiện. Tuy nhiên tới năm 1954, sau hiệp định Geneve được ký kết, lợi dụng tình hình phức tạp trong bối cảnh chuyển giao chính quyền, các lực lượng chống cộng đã cho phá nổ gần như hoàn toàn chùa Một Cột. Ngôi chùa hiện nay là được phục dựng lại vào năm 1955.


 

Khuê Văn Các trong Văn Miếu Quốc Tử Giám xưa (năm 1916) và nay. Hình ảnh đã được coi là biểu tượng của Hà Nội.


 

Đài phun nước bên trong Vườn hoa Diên Hồng (dân gian gọi là Vườn hoa Con Cóc) được xem là một trong những vườn hoa được đánh giá đẹp nhất Hà Nội và còn được ghi nhận là đài phun nước cổ nhất ở Hà Nội, được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 19, vẫn còn lại cho tới nay sau hơn 120 năm.

Chính giữa đài phun nước này là Đài tưởng niệm Chavassieux (từng là phó Toàn Quyền), xung quanh là các tượng con cóc phun nước lên trên.

Vườn hoa Diên Hồng được xem là một trong những vườn hoa được đánh giá đẹp nhất Hà Nội, tới nay được ghi nhận là đài phun nước cổ nhất ở Hà Nội. Nằm ở vị trí tại trung tâm Hà Nội, xung quanh là những công trình quan trọng như Phủ Thống sứ Bắc kỳ (nay là trụ sở Bộ LĐTB-XH), Tòa Án, Ngân Hàng, Bưu Điện, khách sạn 5 sao Metropole…


 

Nhà hát Lớn Hà Nội trên phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền) nhìn từ phía đường de la Chaux (nay là Tông Đản).


 

Căn nhà số 189 phố Bạch Mai xưa và nay.


Căn nhà ở phố cổ, số 47 Hàng Bạc xưa và nay.

Dinh Toàn Quyền Đông Dương – nơi sống làm việc của người đứng đầu Liên bang Đông Dương. Tòa nhà được xây năm 1902, hoàn thành năm 1906, hiện nay vẫn được sử dụng sau 120 năm, là Phủ Chủ Tịch nước. Thời 1946-1954, có thời gian đây còn là Dinh Quốc Trưởng do quốc trưởng Bảo Đại của Quốc Gia Việt Nam sử dụng.

Dinh toàn quyền được xây dựng trên khu đất rất rộng và nhiều cây xanh trước đó vốn thuộc khuôn viên vườn Bách Thảo, án ngữ tuyến phố La République (nay là phố Hoàng Văn Thụ) và nhìn ra quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình).


 

Tòa nhà trong hình xưa, ban đầu là Cercle de l’Union, vốn là câu lạc bộ người Pháp, người Việt gọi đây là Xéc Tây, nằm ở số 38 đại lộ Courbet. Một căn phòng chính của nhà Xéc Tây này từng là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Sát bên cạnh Xéc Tây, nằm ở số 34-36 là vườn trẻ Ấu Trĩ Viên (tên gọi khu vui chơi trẻ em ngày xưa. Ấu trĩ là trẻ con, còn Viên là công viên).

Sau 1954, chính quyền mới tiếp quản Hà Nội và nhập 2 cơ sở này thành một, gọi là CLB Thiếu niên, nhưng người dân vẫn quen gọi tên cũ là Ấu trĩ viên.

Năm 1977, Tiệp Khắc đã tài trợ Hà Nội xây dựng cung thiếu nhi mới, nhưng tòa nhà Xéc Tây ngay bên cạnh vẫn còn lại cho tới nay.


 

Khu lăng mộ của Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải ở ấp Thái Hà xưa và nay. Khu lăng mộ này được xây vào năm 1893, tức là 40 năm trước khi Hoàng Cao Khải qua đời. Khi đó, đích thân ông đã cho thiết lập một vùng đất rộng lớn nhằm làm nơi chôn cất và cúng tế cho gia tộc mình.

Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải đã được xếp hạng di tích theon quyết định ngày 28/4/1962 của Bộ Văn hóa Thể thao, với sự đánh giá: “Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương”. Khu lăng mộ gồm nhiều công trình này ngày nay nằm sâu trong con ngõ 255 Tây Sơn (Trung Liệt – Đống Đa – Hà Nội) gần như trở thành một phế tích tan hoang, bị chia cắt nằm rải rác ở những vị trí khác nhau, hầu hết đã mất đi những dấu tích xưa cũ.


Nguồn ảnh: Tim Doling (historicvietnam.com)

Viết một bình luận