Những hình ảnh hiếm về lễ tang Phan Châu Trinh – Sự kiện chưa từng có ở Sài Gòn gần 100 năm trước

Nhà cách mạng Phan Châu Trinh qua đời ngày 24/3/1926, gần 100 năm trước, và đám tang của ông ở Sài Gòn trở thành một sự kiện lớn thời đó.

Tang lễ này được đại diện thân hào nhân sĩ Sài Gòn tổ chức cử hành như nghi thức quốc tang. Hai người con gái của ông là Phan Thị Châu Liên và Phan Thị Châu Lan đã có mặt bên linh cữu của cha.

Đám tang đi theo lộ trình: 54 Pellerin (nay là đường Pasteur), qua đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn), đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng). Đám tang đã đi đến cuối đường Hai Bà Trưng ngày nay mà các đoàn quần chúng còn đứng lại ở khu vực nay là đường Lê Duẩn.

Từ đường Paul Blanchy, đoàn đi thẳng xuống Phú Nhuận (nay là đường Phan Đình Phùng) đến nghĩa trang Gò Công tương tế ở Tân Sơn Nhứt, nay thuộc Quận Tân Bình.

Lễ tang Phan Châu Trinh cho đến lúc ấy được ghi nhận là lớn chưa từng có ở Sài Gòn, toàn dân Sài Gòn, với hơn 6 vạn người, không phân biệt chính trị, đảng phái, tôn giáo tham dự, đã đưa linh cữu cụ Phan Châu Trinh đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Số liệu thống kê cho thấy, có tới 100.000 người đã đi theo linh cữu cụ Phan, kéo dài trên 2 cây số, trong khi năm 1926, dân số cả Sài Gòn và Chợ Lớn cộng lại là 345.000 người. Rõ ràng không chỉ là một đám tang, mà là một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng trước nhà cầm quyền. Lại còn thêm một động thái khác thường nữa: hầu hết các tỉnh trong nước đều cử người về Sài Gòn dự đám tang, sau đó trở về địa phương mình tổ chức lễ truy điệu: thật sự đã diễn ra một quốc tang, trong toàn quốc, mà lại ngay trong lòng chế độ thực dân.

Ông Khánh Ký, tác giả bộ ảnh này

Sau đây là 1 số hình ảnh đám tang cụ Phan Châu Trinh do ông Khánh Ký chụp (Ông Khánh Ký là nhiếp ảnh gia người Việt tiên phong ở Sài Gòn).

Sau đây trích 1 đoạn Tờ Đạt trong lễ tang Phan Châu Trinh, do những nhân vật tiếng tăm nhất Sài Gòn thời bấy giờ đứng tên: Bùi Quang Chiêu, Phan Văn Trường, Lê Quang Liêm, Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Đôn, Nguyễn Phan Long, Trần Huy Liệu…

Hỡi anh em chị em,

Hỡi ôi: Trời gieo họa lớn cho non sông Việt Nam ta, cho cả đồng bào Hồng Lạc ta, làm cho một vị ái quốc anh hùng, bấy lâu lưu lạc nước ngoài, nay mới về đây, chí cao chưa toại, nghiệp cả chưa thành, đã vội ngậm hờn nơi chín suối.

Ấy là Cụ Phan Châu Trinh tạ thế.

Cụ Phan Châu Trinh là một người đã bước thức nhất lên con đường cải cách chính trị của quốc dân ta, trong 20 năm cụ đã bỏ nhà bỏ vợ con, bị tù đày, để cầu cho dân ta được mau tiến hóa. Công nghiệp ấy lớn biết dường nào! Nhất là trong nước suy kém, trò đời đảo điên mà được một người có nhân cách cao thượng, khí tiết hùng hào như cụ, thì thật là vẻ vang cho dân tộc ta lắm.

Dẫu cho kẻ thù của Cụ kiếm cách mà vùi giập Cụ đến thế nào đi nữa. Cụ cũng đứng đầu hàng trong cuốn Việt Nam Phục Hưng Sử sau này.

Tiếc thay từ ngày Cụ về ở Sài gòn đến nay, chưa thi thố gì được mấy thì thọ bệnh càng ngày càng nặng. Chúng tôi đã lo hết phương cứu chữa song không thể khỏi được. Cụ đã ly trần ngày 24 tháng 3 năm 1926 lúc 21 giờ rưỡi.

Chúng tôi đã lập sẵn ban Hội đồng này để lo việc tang của Cụ và đã khâm liệm Cụ một cách rất long trọng ấy là tỏ chút lòng tôn kính một người ái quốc của chúng ta.

(…)

…đối với người có công, chúng ta há chẳng nên biểu dương và sùng bái hay sao. Nếu cụ Phan Châu Trinh mà không được hưởng cái lễ long trọng này thì những người như Cụ sống đây ai còn thiết gì đến chúng ta nữa. Một dân tộc nào không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc, chính phủ chẳng hề ra lệnh cấm dân ta ái quốc, miễn là chúng ta hành động một cách có trật tự.

Bốn năm sau khi Tây Hồ Phan Châu Trinh qua đời, một đền thờ ông được xây dựng ở Dakao, ngay trong những năm Pháp vẫn đang cai trị Việt Nam. Tuy nhiên tới năm 1993 thì đền thờ này đã bị dỡ bỏ, sau đó xây lại ở mộ phần Phan Châu Trinh.

Dù hoạt động chống Pháp, bị tù đày nhiều lần, nhưng đám tang của Phan Châu Trinh không bị chính quyền cản trở, thậm chí là dân được dựng đền thờ, và báo chí thời đó đưa tin ca tụng ông là một bậc vĩ nhân.

Cụ thể là Trung Hòa nhật báo, số ra ngày 30/3/1926 đưa tin về Phan Châu Trinh, với tựa đề: Ông Phan Chu Trinh tạ thế. Bài viết chi tiết như sau:

Quốc dân ra không mấy ai mà không nghe biết tiếng ông Phan Chu Trinh, nhất là về dân xứ Trung kỳ và Nam kỳ. Ông mới tạ thế hôm 23 Mars này (11 tháng 2 ta) tại Sài Gòn, năm nay ông hưởng thọ 54 tuổi.

Ông là người tỉnh Quảng Nam (Trung Kỳ). Năm ông 30 tuổi thì đỗ Phó bảng. Lúc bây giờ ông nghe thấy bên Tầu bên Nhật nổi lên cái phong trào cải tân, thì ông lần sang bên hai nước đó để quan sát công việc ấy thế nào, hết một năm ông trở về nước nhà lập chỉ cải tân quốc dân, ông viết thư xin Chính phủ Bảo hộ thi hành chính sách Pháp-Việt liên lạc. Ông bắt đầu lập công cho dân ở xứ Quảng Nam ở xứ Quảng Nam trước, như là cổ động các làng mở tràng học, dựng nhà buôn bán lập hội canh nông v.v.. Ông lại diễn thuyết các nơi để thực gabgh việc cải tân, ông đi hầu hết các tỉnh Trung Bắc Kỳ. Nhân khi ấy (1908) dân xứ Trung Kỳ nổi lên việc kháng cự, nên chính phủ Trung Kỳ bắt giam ông tại Huế làm án xử tử, sau được giảm phát lưu Côn Lôn.

Ông ở Côn Lôn ba năm rồi về Nam Kỳ, rồi ông xin được cùng đi sang Pháp với quan Toàn quyền Klobukowski. Ông sang Pháp cốt ý để vận động với Chính phủ Pháp cải cách việc chính trị Annam; hồi đại chinh chiến ông bị cáo phải giam tù 19 tháng, sau được tha, ông vẫn ở Pháp mãi đến năm ngoái (1925) ông phản hồi cố quốc, khi ấy dẫu tuổi ông mới ngoại ngũ tuần, nhưng vì ông đã bạt thiệp biết bao phong trần, và lòng ông hằn phải mọi nỗi ưu phiền nấu nung, mà nhất là cái nổi bật đắc toại kỳ chí, nên ông đã suy yếu lắm; thế mà từ khi bước chân đến đất nước nhà vẫn gượng diễn thuyết cho quốc dân biết con đường tiến hóa. Thật ông là một bậc rất có lòng yêu nước vậy, nay ông phải bỏ quốc dân mà đi, chắc chả khỏi mang cái di hận xuống cửu tuyền vậy. Quốc dân ta khi nghe hung tin này, ai mà không đem lòng cảm thương một vị vĩ nhân ấy?

Bài báo bên trên ghi tên là Phan Chu Trinh. Vậy Phan Chu Trinh và Phan Châu Trinh, tên nào mới đúng?

Bằng việc đặt tên cho các người con lần lượt là: Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên và Phan Thị Châu Lan, có thể thấy Phan Châu Trinh đã khẳng định tên của mình là Phan CHÂU Trinh, chứ không phải là Phan Chu Trinh. Rõ ràng hơn nữa, khi ký đầy đủ tên họ và chữ lót dưới bài thơ Đập đá Côn Lôn hiện có bản thảo trưng bày tại khu lưu niệm, thấy rõ chữ CHÂU.

Sau đây là 1 bức thư (đánh máy chữ) của Phan Châu Trinh gửi cho một quan chức chính phủ Pháp phản đối việc vua Khải Định sang Pháp năm 1922. Lá thư này chỉ trích thậm tệ ông vua An Nam, được cụ Phan gửi lúc ông đang ở Paris, đề ngày 5/3/1922. Phần ký tên, ghi rõ Phan CHÂU Trinh.

Còn đây là những bức thư chia buồn và gửi phúng điếu cụ Phan Châu Trinh, như sau:

Hớn Quản, 31/3/1926

Thưa ông,

Chúng tôi vừa được tin buồn rằng cụ Phan Châu Trinh tạ thế. Chúng tôi lấy làm đay xót biết bao.

Chúng tôi không được đến đưa cụ lên đàng, nên chúng tôi gởi theo đây 3$00 xin nhờ ông mua hương đèn phúng cụ để tỏ chút lòng chúng tôi triều mến tiên sanh.

Bẩm ngài,

Tôi là một tên dân hèn mọn có lòng quá yêu cụ Phan Châu Trinh, vì là một người mở mang cho dân Nam Việt. Và chẳng chi đau đớn bằng chúng tôi nghe cụ đã từ trần. Nay phận hèn mọn, và đàng sá xa xôi nên hai tôi là Lý Công Chánh và Huỳnh Văn Tường kính dưng lễ mọn 5$00 nầy làm lễ điếu tang cho cụ, và phân ưu cùng quí quyến cụ. XIn ông nhận lấy và miễn cho.

Nay kính.

Hiện nay, phần mộ của cụ Phan Châu Trinh nằm tại đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình), trong khu đất rộng khoảng 2.000 m2.

Mộ phần sau này được tu bổ theo kiểu một ngôi nhà mồ rộng rãi, có mái ngói che nắng, có hai dãy ghế đá hai bên để khách đến thăm viếng nghỉ ngơi. Sau mộ là tấm bia đá bằng cẩm thạch cao 3,6 m, rộng 3 m, nói về thân thế sự nghiệp của cụ Phan do cụ Huỳnh Thúc Kháng soạn.

Hiệu là Phan Tây Hồ, sinh tại Quảng Nam trong một gia đình võ quan triều Nguyễn, Phan Châu Trinh từng sang Nhật Bản rồi Pháp để học hỏi, tìm con đường thoát khỏi ách cai trị của người Pháp và nhiều lần diễn thuyết về con đường cứu nước, yêu cầu Pháp phải thay đổi chính sách cai trị ở Việt Nam.

Mộ phần của cụ Phan nằm giữa, hình chữ nhật. Mặt trước mộ với văn tự đề “Việt Nam chính trị cách mạng gia. Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ. Quốc dân đồng kính tạo”.

Phần đất khu mộ xưa là nghĩa trang Gò Công tương tế, thuộc làng Tân Sơn Nhứt. Khi Phan Châu Trinh mất, một điền chủ đã hiến đất xây mộ. Sau này, những mộ khác trong nghĩa trang được di dời để làm khu di tích như hiện nay.

Bà Lê Thị Ty, vợ của nhà cách mạng Phan Châu Trinh

chuyenxua.net biên soạn

2 bình luận về “Những hình ảnh hiếm về lễ tang Phan Châu Trinh – Sự kiện chưa từng có ở Sài Gòn gần 100 năm trước”

  1. Mới ngoài 50 lúc đó đã được gọi là cụ một là do công đức được tôn vinh đề cao nên nhân dân gọi bằng cụ chứ tuổi ngoài 50 bây giờ thì ít người gọi là cụ

    Trả lời

Viết một bình luận