Bộ ảnh hiếm hơn 100 năm trước vua Khải Định và đoàn tùy tùng sang Pháp – Vua người Việt đầu tiên sang Tây

Năm 1922, vua Khải Định có chuyến công du sang Pháp, là ông vua người Việt đầu tiên xuất dương sang Tây. Chuyến đi này của vua Khải Định nhận được nhiều sự chỉ trích công khai của nhiều trí thức người Việt, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, lúc đó ở Pháp và viết nhiều tiểu phẩm châm biếm đăng trên báo Pháp.

Ngoài ra, nhà cách mạng Phan Châu Trinh, lúc đó cũng ở Pháp, đã viết Thư Thất Điều với những lời lẽ nặng nề chỉ trích vua, yêu cầu Khải Ðịnh phải thoái vị nhường quyền lại cho quốc dân và kể bảy tội nhà vua đã làm và đáng tội chém đầu. Có đoạn ông đã viết: “…Một là vì Trinh này đối cùng bệ hạ đã đoạn tuyệt hẳn, không còn một chút quan hệ gì, chỉ đứng vào cái địa vị đối đãi mà thôi, cho nên bức thư này không phải dâng lên cho bệ hạ mà chính là gửi cho bệ hạ, hai chữ bệ hạ mà tôi dùng đây, chẳng qua là cái tiếng xưng hô đã quen trong Hán văn đó mà thôi… ngày nay Trinh này đề thư cứ gửi ngay cho ông Bửu Ðảo là cái tên húy của bệ hạ, để tỏ ý phản đối”.

Ba chữ “Thư thất điều” làm liên tưởng ngay đến “Thất trảm sớ” của Chu Văn An (1292-1370). Nhưng “Thất trảm sớ” chỉ là kêu xin nhà vua chém 7 nịnh thần còn “Thư thất điều” là bản luận tội, bản cáo trạng, kết án một ông vua đang trị vì.

Sau đây là những hình ảnh năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp, vào thời đại mà triều đình Huế phụ thuộc nhiều nhất vào nước Pháp, nên nhận nhiều sự chỉ trích nặng nề kể trên.

Vua và đoàn tùy tùng đi hỏa xa từ Huế tới Tourane (nay là Đà Nẵng), từ đây lên tàu Claude Chappe đi vào Sài Gòn, rồi từ thương cảng Khánh Hội, đi trên chuyến tàu viễn dương mang tên Porthos để sang Pháp.

Trước khi lên tàu, vua Khải Định có ghé Dinh Phó Soái (sau là dinh Gia Long) để thăm Thống đốc Nam Kỳ.

Đoàn tùy tùng tháp tùng vua đi Pháp lênh đênh trên biển cả tháng trời để vượt đại dương để tới Marseille (Pháp) ngày 21/6/1922. Khải Định chính là ông vua người Việt đầu tiên xuất dương sang Châu Âu.

Chuyến đi Tây của vua Khải Định sau này thường được ghi là để dự cuộc đấu xảo (triển lãm) sản phẩm các xứ thuộc địa ở Marseille, nhưng mục đích chính thực ra là củng cố mối quan hệ với Pháp quốc, và gửi gắm Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này) học ở Pháp… Xong tất cả các công việc này ở Paris, đoàn vua Khải Định mới quay lại thăm cuộc đấu xảo ở Marseille.

Trong chuyến đi ấy, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy tuổi mới lên 9, đã theo cha sang Pháp để du học. Mục đích việc đưa Vĩnh Thụy du học tại Pháp, được thể hiện trong bài “Châu dụ ngự giá sang Pháp” của vua Khải Định: “Học hành để cho được sự quảng kiến văn, may đặng ngày sau có đạt đức thành tài, để trước chú xương Tôn miếu, sau nữa trị nước trị dân cho hiệp thời theo lúc ấy, mà lại thêm một sự thân giao với nước Đại Pháp lại càng vững bền lâu dài ra nữa”.

Nhớ về chuyến đi, Bảo Đại chia sẻ trong cuốn Con rồng Việt Nam. Đoàn du Tây của vua Khải Định đi xe lửa vào Tourane (Đà Nẵng, ngày 15/5/1922, tức 24.4 âm lịch), xuống tàu Claude Chappe vào Sài Gòn sau đó đáp tàu Porthos sang Pháp. Đoàn đi thành phần khá tinh gọn với Lại bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, Chưởng vệ Bửu Trác, Thự tham tri Bửu Phong, Thái thường tự khanh Thái Văn Toản…

Khi tàu đến Marseille, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Albert Sarraut (từng có thời gian dài ở Đông Dương với cương vị Toàn quyền trong 2 nhiệm kỳ cách quãng) dẫn đầu đoàn Pháp ra đón.

Đoàn khách nước Nam ở đây hai ngày rồi theo tàu lửa lên Paris. Quang cảnh đón tiếp vua Khải Định ngày 24/6 tại ga Bois de Boulogne được Phạm Quỳnh ghi lại trong Pháp du hành trình nhật ký (đọc bên dưới).

Trong hồi ký, vua Bảo Đại kể lại: “Tôi theo phụ hoàng đến đặt vòng hoa ở đài chiến sĩ vô danh, tức Khải Hoàn Môn ở Paris”. Buổi tối vua Khải Định “được mời dự buổi dạ hội ca nhạc kịch ở đại hí viện Opera”… “Sau các vụ tiếp tân đầy đủ, phụ hoàng đến lưu trú tại dinh thự của Quận công De Valencal, trước khi đi thăm thú các nơi theo chương trình đã định của chính phủ Pháp”.

Theo ghi chép, trong ngày 24/6, vua Khải Định đến viếng mộ tướng sĩ vô danh (Khải Hoàn Môn) và tặng một cành hoa bằng đồng, một tấm biển ngạch bằng bạc đề “Linh tú tiêu biểu”. Tiếp đó vua An Nam đã cùng Tổng thống Pháp Millerand hội kiến, nhân dịp này tổng thống Pháp đã tặng vua An Nam huân chương Thượng đẳng Bắc đẩu bội tinh. Một cuộc tiếp kiến vua sau đó được tổ chức tại Tòa Thị chính Paris.

Đến ngày 26, vua cùng đoàn đến viếng Nghĩa sĩ miếu thờ những người Việt tử trận trong Thế chiến I. Tối hôm đó, tại Điện Elysée, Tổng thống Pháp mở tiệc tiếp đãi chào mừng vua. Về phần vua Khải Định, sau đó có đáp từ và tặng Tổng thống Millerand một bộ lư hương, một đôi bình, tặng phu nhân Tổng thống một tấm ngọc bội.

Sau khi công việc bang giao có tính chất nghi lễ thực hiện xong, nhà vua bắt đầu những hoạt động riêng, như là tới thăm nhà riêng của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Albert Saraut, Toàn quyền Maurice Long, và nhà của nguyên Khâm sứ Trung Kỳ là Charles. Tiếp đó vua và đoàn tùy tùng đi thăm các công sở, phố phường. Vua Khải Định cũng đến Bảo tàng Louvre, thành Verdun, cung Versailles, Ngân hàng Đông Pháp… Vĩnh Thụy và người em họ là Vĩnh Cẩn được giao cho ông bà Charles (từng là quyền Toàn quyền Đông Dương) chăm nom việc ăn học. Thời gian ở Paris gặp dịp ngày Quốc khánh 14/7 của nước Pháp, vua cùng Tổng thống Pháp xem lễ duyệt binh của hải lục không quân. Hoạt động chi tiết từng ngày của vua Khải Định trong chuyến đi Tây sau được ghi chép kỹ càng trong Ngự giá như Tây ký.

Đến ngày 6/8, vua Khải Định cùng tùy tùng đáp xe lửa về Marseille để lên tàu về nước.

Quang cảnh đưa tiễn được Ngự giá như Tây ký tường thuật: “8 giờ sáng, phụng Hoàng thượng đi xe hỏa đặc biệt, từ gare de lyon thành Pha-lê Hồi loan. Các quý quan ở Pháp đình, đều đưa đến gare, có một đạo quan binh, bày hàng mà tống Giá. Khi xe đi có phát súng và đánh nhạc”.

Đến Marseille, vua cùng đoàn tùy tùng có thăm Hội đấu xảo vào ngày 10/8 rồi hôm sau, lên tàu Angers hồi loan. Về chuyến đi Tây của vua Khải Định, sách triều đình có ghi lại rằng “Vua đã đi thăm nhiều đô thành, danh thắng cổ tích, đồng thời vẫn lo tròn việc nước và củng cố tình nghĩa với nước bạn”.

Những hình ảnh chụp chuyến đi của vua Khải Định năm 1922:


Sau đây là nguyên văn ghi chép của Phạm Quỳnh, lúc này đi cùng đoàn vua Khải Định với tư cách là đại diện cho Hội Khai trí Tiến Đức. Chuyến đi này ông có buổi diễn thuyết cả ở Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục. Sau chuyến đi này 10 năm ông mới vào làm việc là triều đình Huế, lên tới chức Thượng thư Bộ Lại, tương đương với Bộ trưởng Nội vụ, chức vụ có quyền đề bạt, thăng quan phong tước.

Qua ngòi bút của Phạm Quỳnh trong Pháp Du Hành Trình Nhật Ký đăng trên báo Nam Phong thời ấy, ta thử đọc lại một ít những hành trạng của Vua Khải Định trong chuyến sang Tây này :

Thứ sáu, 23 tháng 6 1922

(…) Sáng sớm mai Hoàng thượng đến Paris. Mình tuy không dự sự gì, nhưng cũng là người An Nam, tưởng nên cùng anh em ra đón ở ga cho phải phép. Song tự mình đã không đóng vai gì mà đánh cái áo gấm xúng xính, thời chỉ tổ cho thiên hạ chỉ trỏ vô ích, thà rằng làm hoàn toàn một anh khách quan còn hơn. Bởi thế nên mấy bữa nay phải đi cắt một bộ jaquette mấy trăm quan, lối này là một lối lễ phục không trọng thể mà cũng không tầm thường, trung bình, mặc vào dịp nào cũng được.(…)

Thứ bảy, 24 tháng 6 1922

10 giờ sáng, Hoàng thượng đến Paris, đi chuyến xe lửa riêng ở Lyon lên; đỗ ở ga Bois de Boulogne là nhà ga để riêng đón các bậc vua chúa. Hoàng thượng đi cùng với quan Thượng thư Thuộc địa Sarraut; quan Giám quốc và quan Thủ tướng có phái đại biểu ra đón.

Kèn, trống, cờ, quốc ca, lính bồng súng, lính kỵ mã, nghi vệ cũng như nghi vệ thường, tưởng không có gì là đặc biệt. Có lẽ chỉ có lạ mắt cho người Paris là các sắc gấm sặc sỡ của các quan hộ giá. Mình không được biết thành Paris xưa nay đón các bậc đế vương các nước thế nào, nên không thể so sánh được lần này với các lần kia khác nhau thế nào. Nhưng nhận ra người đứng xem ít lắm. Nghe khách qua đường thấy đám lạ dừng lại xem, chỉ thấy nói: “Ồ! họ ăn mặc hay nhỉ! kỳ nhỉ!”; có người lại hỏi lẫn nhau: “Người nước nào vậy?”.

Anh em cất mũ cúi chào, thế là hết phận sự thần dân ở nơi khách địa, rồi vua quan trảy về dinh quan Thuộc địa, bọn mình cũng nhân mũ cao áo dài thuê xe hơi dạo quanh một vòng phường phố (…)

Thứ hai, 26 tháng 6 1922

Hôm nay Hoàng thượng cùng quan Sarraut đến thăm nghĩa sĩ từ ở Nogent sur Marne. Sẵn có ô tô, anh em cũng đánh bộ “gia két”, đội mũ “mơ lông” chạy xe về Nogent xem lễ. Quan nguyên học chính Gourdon làm hội trưởng hội “Đông Pháp Kỷ niệm” (Le Souvenir Indochinois), diễn thuyết chúc mừng, Hoàng thượng đáp lại mấy câu, chắc là những lời hùng biện cả, nhưng đứng xa chẳng nghe thấy chi hết. Xong rồi Hoàng thượng vào thắp hương trong đền, ra đặt vòng hoa sắt ở cái đài Kỷ niệm những chiến sĩ theo đạo Thiên Chúa ở ngoài vườn, dạo quanh vườn một lượt, rồi lên xe, vua quan trẩy về Paris hết.

(…) Trưa hôm nay được tiếp một thầy mật thám đến hỏi giấy thông hành. Chừng là nhân Hoàng thượng ở Paris nên sở cảnh sát cho dò xét những người An Nam ở bên này để phòng sự bất kỳ. Đó cũng là việc thường và là bổn phận của cảnh sát mỗi khi có các vua chúa qua lại, không lấy gì làm lạ.

Tối quan Giám quốc có đặt tiệc mừng Hoàng thượng ở cung Elysée. Tiệc xong có cuộc tiếp kiến ở trong cung, mời đông người lắm. (…)

Thứ sáu, 14 tháng 7 1922

Sáng sớm đi xem điểm binh ở trường thi ngựa Longchamp. Hôm nay có Hoàng thượng ta cùng với quan Giám quốc đến dự cuộc. (…)

Thứ bảy, ngày 22 tháng 7 1922

(…) Về trọ nghỉ một lát, thay áo ta mặc áo tây, rồi ra nhà Hội Association Mutuelle des Indochinois (Đông Pháp Hỗ trợ Hội), ở đường Sommerard. Hội này là của học sinh An Nam ta ở bên này lập ra đã mấy năm nay, bây giờ mới thuê được nhà, làm chỗ học tập cho người đồng bang, hôm nay khánh thành hội sở mới, có mời Hoàng thượng và quan Thượng thư Sarraut đến chủ lễ. Hội sở còn chật hẹp lắm, được có một phòng lớn và vài ba cái buồng nhỏ, tân khách đứng chật cả. Chủ Hội là ông Cao Văn Sen, người Lục tỉnh, sang bên này đã lâu, hiện làm kỹ sư và đã lấy vợ đầm ở đây. Khi vua quan đã đến đông đủ cả, ông Cao đọc một bài diễn văn chúc mừng, Hoàng thượng nói mấy câu trả lời, nhưng nhỏ quá, không nghe thấy tiếng gì cả, rồi ông ngự tiền thông sự dịch ra tiếng Pháp. Đoạn tân chủ chuyện vãn ít lâu, rồi ông chủ Hội đem quyển “Kim thư” của Hội ra xin chữ ký Hoàng thượng và các quan khách. Lệ thường các ngài danh giá ký vào sách “Kim thư” (Sổ Vàng – Vương Trí Nhàn chú giải) của các Hội hay phê mấy câu, hoặc để khen lao, hoặc để khuyến miễn (Khen công lao vất vả và khuyên gắng sức hơn – VTN chú), và cũng để lưu chút tự tích trong sách kỷ niệm của hội. Khi dâng Hoàng thượng ta ngự phê thì thấy ngài cầm quản bút ra dáng nghĩ ngợi, các quan Tây có ý chờ đợi ngóng trông, bọn mình thì tưởng rằng chắc ngài nghĩ một bài thơ nôm hay thơ chữ Đường luật hay tứ tuyệt gì, nên mới lâu như thế. Lúc bấy giờ cử hội im phăng phắc, ai cũng để mắt vào nhìn, có cái vẻ oai nghiêm vô cùng. Tưởng chừng đức Chí tôn ta, đương khi mấy trăm con mắt ném ánh sáng vào bàn tay ngọc đó, – ngọc thật, vì ngài thường đeo nhẫn kim cương quý giá lắm, – thời:

Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu

ngay tức thì. Nhưng mà không! Cứ thấy cái quản bút quằn quại trên tay, mà không thấy viết chữ gì. Năm phút, mười phút, mười lăm phút, người đứng chung quanh đã thấy thì thào động đậy, kẻ nói nhỏ, người đưa mắt, anh em đồng bang mình thì vừa nóng ruột, vừa động lòng. Sau mới thấy ngòi bút chuyển động; ai nấy thở dài! Hỏi ra thì không phải thơ ngũ ngôn tứ tuyệt gì, chỉ có một câu chữ Hán rằng: năm ấy, tháng ấy, đức Hoàng đế Việt Nam đến ngự nhà Hội, thế mà thôi – Ấy đức Chí tôn ngài viết một chữ một câu cũng thận trọng như thế…

Thứ ba, mồng 8 tháng 8, 1922

(…) Hôm ở Paris sắp đi đã nghe mang máng rằng Hoàng thượng cũng sắp về, nhưng chưa lấy gì làm đích. Về đến đây mới rõ rằng ngài không phục thủy thổ, bị se mình, quan thầy thuốc khuyên phải về ngay, nên nay mai sẽ xuống Marseille để cùng đáp chuyến tầu Angers về nước. Được tin này ai cũng lấy làm lạ, vì trước vẫn định rằng Hoàng thượng đi Tây chuyến này là ở năm sáu tháng, du lịch khắp mọi nơi rồi mới về, không ngờ chưa được vài tháng đã về ngay, và về gấp như thế. Thế là bọn mình về chuyến này sẽ tình cờ được đi với Hoàng đế một chuyến tầu: vinh hạnh thay!

Thứ tư, mồng 9 tháng 8, 1922

3 giờ chiều hôm nay, Hoàng thượng đến Marseille, ở Lyon xuống. Chắc tự Paris đi làm hai chặng, có nghỉ ở Lyon một vài ngày. Đón vào dinh quan quận trưởng (préfecture) ở.

9 giờ sáng mai thì Hoàng thượng vào xem Đấu xảo. Sở Đông Pháp ở Đấu xảo có giấy đạt mời cả các phái viên Trung Nam Bắc sớm mai tựu tại khu Đông Pháp để đón. Tối hôm nay nghe đâu có ông P.C.T. đặt một cuộc diễn thuyết bằng tiếng ta cho người An Nam làm việc ở Đấu xảo đến nghe, nói về quân chủ và sự chính trị bên Đông Pháp; tiếc được tin muộn quá, không kịp đi. Nhưng sau có người thuật rằng cuộc diễn thuyết không thành, vì cảnh sát cấm và những người trong Đấu xảo cũng không được ra nghe.

Thứ năm, mồng 10 tháng 8

Hôm nay vào Đấu xảo đón vua.

Các phái viên đều mặc quốc phục hết cả, mình cũng đánh cái áo sa trơn. Hoàng thượng cùng với ông Toàn quyền Long đi xem khắp trong khu Đông Pháp. Các phái viên thời đứng chực sẵn ở trong đình “phố An Nam” (la rue annamite). Khi đi xem xong cả mọi nơi, Hoàng thượng vào đình để cho các phái viên yết chào. Ông Tây phần việc ở Đấu xảo xướng tên giới thiệu từng người, ra đứng trước mặt cúi đầu vái một cái.

Lễ xong, ra chơi bên ngoài, gặp ông Tây quen vỗ vai hỏi: “Thế nào, tôi tưởng ông là đảng dân chủ, sao cũng lạy vua lúc nãy thế?” – Mình trả lời: “Đảng gì thì đảng, chứ ở nơi đất khách cũng phải tỏ lòng cung kính ông quốc trưởng; cách lễ phép phải như thế.” Rồi cùng cười.

Thứ sáu, 11 tháng 8, 1922

2 giờ 30, anh em đã xuống tầu cả. (…) Gần bốn giờ thì Hoàng thượng xuống tàu, kèn trống thổi mừng, quân quan đứng tiễn. – Ngài đi Tây chuyến này sắm được vô số đồ, chở xuống tầu từ 2 giờ đến 4 giờ, hết kiện ấy đến kiện khác, cái cần máy trục cứ giơ lên hạ xuống hoài mà không dứt. (…)

Thứ ba, 15 tháng 8, 1922

(…) Ngày hôm nay thời suốt ngày được khá cả, vì tầu đã đi gần vào bờ, nghe đâu ngày mai thời rẽ vào Beyrouth, ở bờ bể Syrie, để Hoàng thượng tiếp ông nguyên soái Gouraud làm Tổng đốc đấy. Cái hành trình này có khác thường một chút, vì lệ thường tầu chạy Á Đông không đáp vào Syrie bao giờ.

Thứ tư, 16 tháng 8, 1922

(…) Tầu đến trước Beyrouth rúc còi báo hiệu, trong nổi súng mừng. Nguyên soái Gouraud cùng với tham mưu bộ đi sà lúp ra, lên tầu yết kiến Hoàng thượng, chừng nửa giờ rồi về. Được một lát thời Hoàng thượng cùng quan Khâm sứ và các quan hộ giá cũng đi sà lúp vào thành đáp lễ lại nguyên soái (…)

Thứ năm, 17 tháng 8, 1922

11 giờ trưa đến Port Said.

Anh em đều xuống phố đi chơi.

Hoàng thượng cũng xuống phố, mời Lãnh sự Pháp thời cơm ở khách sạn. Đoạn rồi ngài đi dạo các cửa hàng sắm đồ. Có thấy ngài mua một cái mũ tây. Ngài bận thường phục cũng thường đội mũ. (…)

Thứ ba, 22 tháng 8, 1922

10 giờ đến Djibouti. Đỗ đây lâu.

Cảnh đây là cảnh đốt cháy, người cháy. Xuống dạo chơi phố một tí, nhưng nóng quá, lại phải trở về tầu ngay. Cũng muốn ăn cơm dưới phố cho đổi bữa, nhưng có cái khách sạn lèo tèo, coi không hứng thú gì, nên anh em đều về tầu ăn cơm cả. Hoàng thượng cũng mời ông Thống đốc Pháp ở Djibouti thời cơm trưa ở tầu.

Thứ ba, 29 tháng 8, 1922

(…) Cửa Colombo này thật là một cửa bể to lớn, tàu bè các nước đậu san sát, thuyền thời ngổn ngang như lá tre.

Cùng anh em đi chơi phố, vào các cửa hàng bán ngọc thạch, xem được nhiều thứ ngọc xanh, biếc, đỏ, vàng, màu sắc rất đẹp mà giá tiền cũng rẻ. – Hoàng thượng cũng xuống bộ, thời cơm với Lãnh sự Pháp, nghe đâu ngài sắm được nhiều đồ chơi và ngọc thạch.

2 giờ đêm tầu mới chạy.

Thứ tư, mồng 6 tháng 9.

8 giờ sáng đến Vũng Tầu (Cap Saint Jacques), thế là đã vào đất nước nhà rồi, vui mừng khôn xiết kể, nhất là các ông bạn Nam kỳ, vì nội nhật hôm nay các ông đã về nhà.

Tầu đỗ ở Cap mãi đến 12 giờ trưa mới vào sông Sài Gòn.

4 giờ chiều đến Sài Gòn. Quan quân ra đón Hoàng thượng về ở phủ Toàn quyền, vì tầu còn đậu ở Sài Gòn hai đêm hai ngày nữa. (…)

Chủ nhật, mồng 10 tháng 9, 1922

11 giờ trưa đến Tourane. Tầu đỗ tận ngoài xa. Có sà lúp ở trong ra đón vua quan vào bến. Đậu đủ thì giờ cất hết các đồ của Hoàng thượng xuống thuyền, rồi đúng 2 giờ thì chạy ra Bắc. – Còn có một ngày nữa sẽ đến nhà rồi, trong bụng đã thấy nôn nao phấp phỏng. Ai nấy soạn lại hành lý, cho đem sẵn các hòm xưởng ở dưới kho lên. (…)

Bên trên là những hình ảnh và nhật ký hành trình của vua Khải Định và đoàn tùy tùng sang Tây hơn 100 năm trước.

Trở lại với Thư Thất Điều của Phan Châu Trinh gửi vua Khải Định nhân chuyến du Tây này, bên trên đã nhắc tới việc cụ Phan viết thư lúc ở Pháp.

Trước khi sang Pháp, Phan Châu Trinh đã bị triều đình Huế bắt giam nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân vì tổ chức phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ năm 1908.

Sau khi bắt Phan Châu Trinh, tòa Khâm sứ Huế và Nam triều đều muốn khép ông vào tội chết. Nhưng nhờ sự can thiệp của những người Pháp có thiện chí và những đại diện của Hội Nhân quyền tại Hà Nội, họ buộc lòng phải kết ông án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (nghĩa là tội chém nhưng chỉ giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về), rồi đày đi Côn Đảo ngày 4 tháng 4 năm 1908.

Nhờ dư luận trong nước và nhờ có sự vận động của Hội Nhân quyền ngay trên đất Pháp, đầu mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam Kỳ theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Lôn thẩm vấn riêng Phan Châu Trinh. Tháng 8 năm đó ông được đưa về đất liền. Tại Sài Gòn, một hội đồng xử lại bản án cho ông được ân xá, nhưng buộc xuống Mỹ Tho chịu quản thúc. Ở đây, ông làm nhiều bài thơ về các nhân vật tên tuổi của Nam Kỳ.

Bởi không hoạt động gì được, ông viết thư cho Toàn quyền Đông Dương đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Lôn, nhất định không chịu cảnh bị giam lỏng ở Mỹ Tho nữa. Vì vậy, nhân có nghị định ngày 31 tháng 10 năm 1908 của chính phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, năm 1911, chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, có cả Phan Châu Trinh và con trai là Phan Châu Dật.

Sang Pháp, việc đầu tiên của ông là đưa cho Hội Nhân quyền Pháp bản điều trần về vụ trấn áp những người dân chống sưu thuế tại Trung Kỳ năm 1908 (thường gọi là Trung Kỳ dân biến thủy mạt ký).

Sau đó, ông còn lên tiếng tố cáo tình trạng các tù nhân ở Côn Lôn bị đối xử tồi tệ, và nhờ Liên minh cầm quyền, Đảng Xã hội Pháp can thiệp nhằm giảm án cho các đồng chí của mình. Ông cũng đã tiếp xúc nhiều lần với những nhân vật cao cấp ở Bộ Thuộc địa, với Albert Sarraut (sắp sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương) để đưa ra những dự án cải tổ nền chính trị ở Việt Nam nhưng không có kết quả, vì lúc này thế lực của thực dân hãy còn đang mạnh. Trong khoảng thời gian này, ông viết Pháp-Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam.

Ngày 28 tháng 7 năm 1914, Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, mở màn cho Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau đó, ngày 3 tháng 8, Đức tuyên chiến với Pháp. Nhân cơ hội này, nhà cầm quyền Pháp tại Paris đã gọi Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường (một luật sư, nhà báo người Việt chống thực dân) phải đi lính, nhưng hai ông phản đối với lý do không phải là công dân Pháp.[10] Mấy tháng sau, chính quyền khép tội hai ông là gián điệp của Đức để bắt giam Phan Văn Trường giam ở lao Cherchemidi và Phan Châu Trinh bị giam ở nhà tù Santé (Prison de la Santé), Paris, kể từ tháng 9 năm 1914.

Do việc Phan Châu Trinh bị bắt giam nên trợ cấp giảng dạy của ông bị cắt, con ông mất học bổng, phải vừa học vừa làm. Cũng trong năm này, vợ ông là bà Lê Thị Tỵ qua đời ở quê nhà ngày 12 tháng 5 năm 1914.

Tháng 7 năm 1915, vì không đủ bằng chứng buộc tội, chính quyền Pháp phải trả tự do cho hai ông sau nhiều tháng giam giữ. Sau khi ra tù, Phan Châu Trinh đã soạn tuyển tập thơ Santé thi tập với hơn 200 bài thơ ông sáng tác trong tù.

Ra tù, Phan Châu Trinh học nghề rửa ảnh rồi làm thuê cho các hiệu chụp ảnh để kiếm sống. Trong hoàn cảnh chiến tranh, giá sinh hoạt đắt đỏ, cảnh ngộ của hai cha con rất đỗi cơ cực. Chẳng lâu sau, Phan Châu Dật phải bỏ học về nước vì bị lao ruột và qua đời tại Huế ngày 14 tháng 2 năm 1921, được đem về an táng cạnh mộ mẹ tại Tây Lộc (Tiên Phước, Quảng Nam).[11]

Ngày 19 tháng 6 năm 1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là “Nguyễn Ái Quốc”, và đã gây được tiếng vang. Tuy nhiên Phan Châu Trinh không tán thành với con đường đi theo chủ nghĩa cộng sản của Nguyễn Tất Thành. Phan Châu Trinh khuyên Nguyễn Tất Thành không nên ảo tưởng về sự hỗ trợ của người Pháp, kể cả đảng Xã hội Pháp, về vấn đề Việt Nam[12].

Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội vua Khải Định 7 điều, quen gọi là Thất Điều Trần hay Thư Thất Điều, khuyên vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể. Cũng trong năm này, ông viết bài Tỉnh quốc hồn ca mới. Xuyên suốt tác phẩm này vẫn là một đường lối cải cách dân chủ, vẫn là thực trạng tăm tối của xã hội thực dân phong kiến và những thủ đoạn tàn bạo của chính sách thuộc địa ở Việt Nam.

Thấy hoạt động ở Pháp không thu được kết quả gì, đã nhiều lần ông yêu cầu chính phủ Pháp cho ông trở về quê hương, nhưng đều không được chấp thuận. Mãi đến năm 1925, khi thấy sức khỏe ông đã suy yếu, nhà cầm quyền Pháp mới cho phép ông về nước. Khoảng thời gian này, ông viết cuốn Đông Dương chính trị luận.

Ngày 29 tháng 5 năm 1925, Phan Châu Trinh cùng nhà cách mạng trẻ Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp, đến ngày 26 tháng 6 cùng năm thì về tới Sài Gòn. Sau đó, ông Ninh đưa ông về thẳng khách sạn Chiêu Nam Lầu của cha mình là ông Nguyễn An Khương.

Tuy bị bệnh nhưng Phan Châu Trinh cố gắng diễn thuyết thêm hai đề tài là Đạo đức và luân lý Đông Tây, Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa.

Chưa tới 1 năm sau khi về nước, Phan Châu Trinh qua đời ở Chiêu Nam Lầu số 49 đường Kinh Lấp (Charner, nay là Nguyễn Huệ), lúc tối ngày 24/3/1926, hưởng dương 54 tuổi.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận