Những hình ảnh đầy kỷ niệm của đường phố Hà Nội thời “trước Đổi Mới” (40 năm trước)

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện Đổi Mới, là chương trình cải cách toàn diện bao gồm kinh tế, đặc biệt là đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, đưa đất nước sang một trang mới.

Thời gian trước đó thường được nhắc tới tên gọi là thời bao cấp, là thời gian mà hầu như người Việt Nam đều đã được chứng kiến, trải qua, hoặc được nghe ông bà cha mẹ kể lại.

Sau đây là những hình ảnh Hà Nội thời trước đổi mới, được chụp chủ yếu vào các năm 1979 và 1983, hơn 40 năm trước đây.

Tầu điện chạy trên phố Kim Mã, ngang qua làng cổ Kim Mã năm 1979
Tàu điện năm 1979
Phố Khâm Thiên vào giờ tan tầm, năm 1979
Đường Nguyễn Thái Học hướng từ Trung tâm chạy ra Cầu Giấy, Phía bên trái là khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám. Chỗ này có ghi tàu điện để chuyển hướng. Tàu điện tuyến Bờ Hồ – Cầu Giấy đi thẳng. Tàu điện tuyến Bờ Hồ Hà Đông đến đây rẽ trái sang phố Hàng Bột (nay đổi thành Tôn Đức Thắng) Ngã tư trước mặt: bên trái là Hàng Bột, bên phải là Chu Văn An. Dãy nhà trắng là một cạnh của bệnh viện đa khoa Saint Paul. Bệnh viện Saint Paul nằm trọn 4 mặt phố, cổng chính ở Chu Văn An (phía phải mà ta không nhìn thấy. Đối diện với cổng chính bệnh viện trên phố Chu Văn An là Cửa chính Toà đại sứ Thái Lan (không nhìn thấy trong hình này, nhưng sườn trái của Toà nhà này bên phải chiếc ô tô). Dưới gốc cây gạo cao ở ngã tư *Nguyễn Thái Học – Hàng Bột) là một cái miếu nhỏ tồn tại từ lâu, người dân thắp hương nghi ngút, nhiều lúc gây tắc nghẽn giao thông
Ngã 4 Hàng Giấy – Hàng đậu, đối điện bốt hàng Đậu năm 1979
Đường nam Bộ (nay là Lê Duẩn) gần ga Hàng Cỏ năm 1979
3 phố thẳng tắp liên nhau: Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Ngang. Đường tàu điện tuyến Bưởi – Bờ Hồ – Bạch Mai
Ngã ba Cầu Chui năm 1979. Rẽ phải là km0 quốc lộ 5, hướng đi Hải Phòng. Đi thẳng: đến cầu Đuống, để đi Quốc lộ 3 Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Quốc lộ 2 Tuyên Quang Hà Giang (phía bắc), Quốc lộ 1 Bắc Giang, Lạng Sơn (phiá đông bắc), hoặc Quốc lộ 18: Đông Triều, Hòn Gai, Móng Cái. Dãy nhà bên phải hình nay đã bị san để nhường cho một đoạn đường mới mở gọi “Quốc lộ 5 kéo dài”
Sửa xe đạp vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng hướng từ Trung tâm nhìn về Cửa Nam. Toà nhà bên phải là Toà Án nhân dân tối cao. Phía trái Đối diện với Toà Án (không nhìn thấy trong hình này) là Nhà tù Hoả Lò
Phố Hàng Ngang năm 1979
Đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), đường sắt từ Ga Hàng Cỏ (bên phải hình) chạy về hướng cầu Long Biên. Ngã tư trước mắt là giao cắt Nam Bộ với Nguyễn Thái Học. Cửa hàng bách hoá Tổng Hợp Cửa Nam (hiện đã bị phá và xây cao ốc). Phía tay phải hình bên phải đường tàu là Chợ Cửa Nam
Đường Nam Bộ năm 1979 (nay là đường Lê Duẩn) – Mặt trước Ga Hàng Cỏ (trái). Chỗ xích lô đỗ là cửa ra của khách. Mặt trước Ga lõm vào khá sâu để đậu ô tô và xe cộ. Chỗ này là nơi tránh tàu tàu điện xuôi ngược của tuyến Yên Phụ – Vọng. Hướng trước mặt về phía đường Nguyễn Thái Học, Bách Hoá Cửa Nam. Phía sau là hướng về Công Viên Thông Nhất và Vọng
Bến xe khách Kim Mã năm 1979
Đền Ngọc Sơn đầu thập niên 1980
Khuê Văn Các trong Văn Miếu thập niên 1980
Phố TÔ TỊCH, trước đây quen gọi là phố Thợ Tiện. Thời Pháp thuộc, đây là ngõ Tố Tịch (ruelle de Tố Tịch), nay thành Tô Tịch (mất dấu sắc)

Thời bao cấp, cuộc sống của một gia đình khá giả nghĩa là ăn cơm trắng không độn, đi xe đạp Phượng Hoàng, tắm xà phòng thơm Hoa Lan, trong nhà có cái quạt con cóc 35 đồng để chống lại mùa hè oi ả, hay có TV đen trắng Sanyo đời Sài Gòn để cả khu tập thể cùng xem.

Thời đó người ta truyền nhau câu hát:

Một yêu anh có may-ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa.

Nhiều năm sau khi đời sống bớt chật vật hơn thì:

Một yêu anh có Sen-kô
Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng
Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô.

Với những người không sống ở thời kỳ bao cấp, không dễ để hiểu được câu chuyện như: “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ” (xe Lơ là xe đạp Pơ-giô – Peugoet), rồi thì: “Mặt rỗ đi Lơ không bằng thằng gù đi Cúp“, “Thằng gù đi Cúp không bằng thằng cụt ngồi sập gụ“. Đó là những tiêu chuẩn sang giàu, những đỉnh cao mơ ước của người Hà Nội vào thời gian này.

Hàng ngày người dân xếp hàng mua gạo và thực phẩm thành hàng dài, phải dùng nón lá hay lấy viên gạch viết số sổ lên rồi đặt để xếp hàng thay, sợ nhất đến phiên mình thì hết gạo hay mua được rồi mà gạo lại có mùi ẩm mốc. Nhưng hãi hùng hơn cả chắc là việc mất sổ gạo – “mặt buồn như mất sổ gạo” là thế, mất rồi chỉ có nước đi vay gạo hàng xóm để đợi hết tháng cấp sổ mới.

Những hình ảnh khác của Hà Nội thời trước Đổi Mới:

Đường tàu hoả vào ga Hàng Cỏ. Tàu hoả đang từ đất ga Hàng Có tiến ra. Phố Nguyễn Khuyến (Sinh Từ cũ) cắt ngang đường tàu. Từ chỗ cắt ngang trở đi là địa phận Ga Hàng Cỏ

Phố Tràng Tiền năm 1979, nhìn từ quảng trường phía trước Nhà Hát Lớn về phía bờ hồ. Tòa nhà bên trái ngày nay là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
Ngã tư Đinh Tiên Hoàng (ngang) và Tràng Tiền (thẳng), hướng nhìn ngược lại với hình bên trên, từ bờ hồ nhìn về Nhà hát Lớn Hà Nội
Phố Tràng Tiền nhìn về phía Hồ Hoàn Kiếm. Nơi tấm băng – rôn đầu tiên là ngã ba Tràng Tiền – Nguyễn Xí. Phía ngay cạnh phải của hình là rạp Công Nhân và nhà sách Tràng Tiền (nay là Trung tâm Sách – Văn Hóa Phẩm Tràng Tiền – Số 44 Tràng Tiền )
Bệnh viện Bạch Mai 1979
Cầu Long Biên 1979
Chỗ này ngày nay là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ga xe điện Bờ Hồ (bên phải hình) nay đã thành nhà hàng “Hàm Cá mập”. Phía trái là bồn phun nước
Phố Tràng Tiền 1979. Bên phải của hình ngày nay là Khách sạn 5 sao Hotel de L’Opera Hanoi (góc Tràng Tiền – Nguyễn Khắc Cần)
Ruộng HTX ngoại ô Hà Nội 1979
Xe điện trên phố Đinh Tiên Hoàng năm 1979
Cửa hàng bách hóa Mậu Dịch Quốc Danh đầu phố Tràng Tiền, nay là Tràng Tiền Plaza
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Viện Pasteur)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên đường Lý Thái Tổ, ảnh chụp 1983
Một ảnh khác chụp cùng năm 1983
Xe điện đang chờ đón khách trên phố Đinh Tiên Hoàng năm 1983
Xe điện trên phố năm 1983
Phố Hàng Bài, đối diện Sở Hiến Binh Nhật cũ, sau này là Doanh trại Công an Nhân dân vũ trang, sau một phần thuộc Sở Công an Hà Nội , nay đã bán cho tư nhân
Cửa ô Quan Chưởng đầu thập niên 1980
Xe điện ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1985
Gánh nước sông Hồng gần cầu Thăng Long

chuyenxua.net biên soạn
Ảnh: manhhai flickr

Viết một bình luận