Hình ảnh đẹp về nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) thời trước năm 1945

Nhắc tới trường nữ sinh Đồng Khánh ở Huế xưa là nhắc đến những thiếu nữ con nhà quyền quý nổi tiếng quý phái và đài các, được xem là những tinh hoa của đất cố đô. Ở đất kinh kỳ còn ảnh hưởng bởi Nho giáo, nhưng từ ngôi trường này, các cô gái Huế đã bước ra khỏi màn che trướng rũ của truyền thống để tiếp xúc với văn minh phương Tây.

Ban đầu, trường nữ sinh này trở thành nơi duy nhất mà các quan lại triều đình và tầng lớp quý tộc ở Huế gửi gắm con gái vào học, vì vậy trường Đồng Khánh trở thành nơi hội tụ hầu hết những cô gái con nhà danh giá, được đào tạo chuẩn mực từ đó cho đến về sau này (thời gian sau thập niên 1950, trường Đồng Khánh bao gồm cả những thiếu nữ trung lưu hoặc nhà nghèo, miễn học tốt thì đều được nhận vô trường).

Từ ngôi trường này, đã có biết bao thế hệ nữ sinh đã trở thành những phụ nữ sáng giá, những người mẹ hiền, người vợ kiểu mẫu và là những công dân xứng đáng, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của xã hội.

Trường nữ sinh Đồng Khánh ở Huế ngày xưa, ngoài học văn hóa thì còn chú trọng việc dạy cho nữ sinh rất kỹ về công, dung, ngôn, hạnh, đảm đang, là những vấn đề rất được quan tâm giáo dục qua chính khóa, ngoại khóa, sinh hoạt văn nghệ, cả trong sinh hoạt hằng ngày… Nữ sinh còn được chú ý rèn luyện phong cách của người con gái có học thức, có giáo dục, đặc biệt ở lứa tuổi còn đi học. Những bài học đầu tiên mà các nữ sinh Đồng Khánh được dạy dỗ là: Giản dị và trang nhã trong trang phục và trang điểm – Lễ độ, lịch sự, khiêm tốn, tế nhị trong giao tiếp – Đoan trang, thùy mị, ý tứ trong phong thái. Nội quy của trường góp phần tích cực vào việc uốn nắn phong cách đó.

Mời các bạn xem lại những hình các ảnh nữ sinh Đồng Khánh trong một lần trường tổ chức tham quan, dạo chơi và chụp hình trên sông Hương, trên Đồi Vọng Cảnh, lăng vua Tự Đức và lăng vua Minh Mạng.

Các nữ sinh Đồng Khánh mặc áo dài thăm lăng vua Minh Mạng

Tháng 7/1917, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường nữ sinh Đồng Khánh diễn ra với sự chứng kiến của vua Khải Định, toàn quyền Đông Dương Albert Sarraaut, khâm sứ Trung Kỳ J.E. Charles.

Trong buổi lễ này, vua Khải Định đã cho đặt xuống móng ngôi trường một số hiện vật để làm kỷ niệm, gồm một cái hộp kim loại chứa 9 đồng Khải Định thông bảo và hai tờ giấy ghi biên bản của buổi lễ bằng tiếng Pháp viết tay.

Nội dung biên bản đó đã được công bố trên tập san Đô Hiếu cổ thành (Bulletin des Amis du Vieux Hué) số 4, tháng 10-12 năm 1917. Bản dịch như sau:

“Hôm nay, ngày 15.7.1917, vào lúc 17 giờ, ông Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương và Hoàng thượng Khải Định, vua An Nam đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng trường Nữ sinh ở Huế, trường Đồng Khánh, với sự hiện diện của ông J.E Charles, Khâm sứ Trung Kỳ, của các Điện hạ Hoàng thân Tuyên Hóa và Hưng Nhơn, của các quan lớn Tôn Thất Hân, thượng thư Bộ Hình; Nguyễn Hữu Bài, thượng thư Bộ Lại kiêm Bộ Hộ; Hồ Đắc Trung, thượng thư Bộ Học kiêm Bộ Lễ; Đoàn Đình Duyệt, thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh; của các ông J. Le Gallen, quyền Tổng Biện Lý, Chánh sở Tư pháp Đông dương; P.A.M Pasquier, Đổng lý Văn phòng và Nhân sự của phủ Toàn quyền; Carllotti, Công sứ Pháp ở Thừa Thiên, và Hoppe. Quyền Kỷ sư trưởng khu Địa chính của sở Công chánh Trung Kỳ cùng tất cả dân chúng người Âu và bản xứ ở thành phố Huế”.

Ngay sau biên bản là một loạt chữ ký của các chức sắc Việt – Pháp tham dự buổi lễ; từ vua Khải Định, toàn quyền Albert Sarraut và các quan chức khác…

Sau hơn hai năm sau xây dựng, ngôi trường khánh thành. Đây là ngôi trường nữ đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh cả 13 tỉnh Trung Kỳ bấy giờ đến học. Lễ khánh thành nhà trường trùng với lễ khánh thành Bia Kỷ niệm chiến sĩ trận vong trước Trường Quốc Học, và có sự hiện diện của nguyên Thủ tướng Pháp Painlevé (Thủ tướng từ 9.1917 đến 11.1917) cùng nhiều quan chức khác. Sách Đại Nam thực lục chép:

“Tháng 7 Khải Định thứ 5 (1920): Nguyên thủ tướng nước Đại Pháp Painlevé mới tới Đông Pháp, kế cùng Toàn quyền đại thần Long tới kinh yết kiến nhân dịp khánh thành bia kỷ niệm trận vong và Trường nữ học Đồng Khánh. Kế vua ngự giá tới Tòa Khâm sứ thăm hỏi và tặng các đại hiến Thủ tướng Toàn quyền kim khánh hạng lớn nhất đều một tấm. Hôm sau quý Thủ tướng tới Đà Nẵng đáp tàu máy về nước…” (ĐNTL chính biên Đệ thất kỷ, tr. 300).

Trường Đồng Khánh ban đầu chỉ có bậc Tiểu học, sau thêm Trung học đến lớp Đệ Tứ (lớp 9 bây giờ); mãi đến năm 1956, bậc Tiểu học được bãi bỏ chỉ còn lại bậc Trung học và từ đó mang tên là “Nữ Trung học Đồng Khánh”.

Một số hình ảnh nữ sinh tiểu học thời kỳ đầu tiên của trường Đồng Khánh:

Những hiệu trưởng đầu tiên là phụ nữ Pháp: Yvonne Lebris, Dubois, Boudron Damasy, Crayol, Mauriège, Gabrielle Martin. Từ năm 1945 về sau, điều hành trường này là các hiệu trưởng người Việt: Võ Thị Thể, Hồ Thị Thanh, Đào Thị Xuân Yến (quả phụ Nguyễn Đình Chi), Nguyễn Thị Quýt, Nguyễn Thị Tiết, Đặng Tống Tịnh Nhơn, Tôn Nữ Thanh Cầm, Thân Thị Giáng Châu, Lê Thị Tường Loan, Phan Thị Bích Đào, Lê Thị Vui, Ngô Thị Chính, Phan Thị Thái Hà, Nguyễn Thị Ngọc Bích, Hà Thúc Định, Lê Huy Linh, Ngô Thị Thủy, Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Nguyễn Chơn Đức, Nguyễn Thị Hoài Thu, Ngô Đức Thức.

Suốt thời gian dài, trường Đồng Khánh chỉ dạy bậc tiểu học và trung học đệ nhất cấp (tương đương bậc trung học cơ sở hiện nay), do đó các nữ sinh đủ điều kiện học trung học đệ nhị cấp (tương đương bậc trung học phổ thông hiện nay) phải qua trường Quốc Học. Niên khóa 1963 – 1964, trường Đồng Khánh bắt đầu mở lớp đệ nhất (tương đương lớp 12 sau này).

Niên khóa 1975 – 1976, trường trung học Đồng Khánh đổi tên thành trường cấp III Trưng Trắc, đến niên khóa 1981 – 1982 lại chuyển thành trường THPT Hai Bà Trưng.

Một thời, Đồng Khánh là ngôi trường nữ duy nhất ở miền Trung dạy đủ các môn: Văn-Thể-Mỹ-Hạnh và lao động kỹ thuật. Ngoài việc học văn hóa và nữ công gia chánh (may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt…), nữ sinh Đồng Khánh còn được học cách nuôi con, cách quản lý gia đình, được rèn luyện phong cách người con gái có học thức, có giáo dục, giản dị, trang nhã, lịch sự, khiêm tốn, tế nhị trong giao tiếp và một số môn học cơ bản về cứu thương.. Đây chính là môi trường văn hoá đã góp phần tạo dựng nên hình ảnh đẹp của nữ sinh Đồng Khánh nói riêng mà suốt thế kỷ qua người ta đã biết tới, đó là sự đức hạnh, giỏi việc nhà, nấu ăn ngon, thêu thùa đẹp, nuôi dạy con cái nên người…

Trường được xây dựng theo kiến trúc pháp nên mang dáng vẻ hơi cổ kính pha hiện đại, nên thơ pha lãng mạn khiến ai cũng xao xuyến. Khuôn viên trường rộng rãi thoáng mát, rợp bóng cây xanh với những cây cổ thụ đã hằng trăm tuổi, phòng học thì khang trang, đầy đủ tiện nghi cho một cơ sở giáo dục và đào tạo. Trường có hai dãy lầu phía Đông và Tây đối diện nhau, trước đây tầng trên là tầng ngủ dành cho học sinh nội trú, tầng dưới là tầng học, tầng ba là chỗ ở của nữ giám thị, nhưng giờ đây đã bị niêm phong, phần cuối là hai dãy lầu là nhà chơi có mái che và phía sau là sân vận động.

Theo kiến trúc ban đầu, trong trường có văn phòng, thư viện, bệnh xá, phòng thí nghiệm, phòng học, phòng nữ công gia chánh, nhà bếp,… Tất cả được quét bằng một lớp vôi màu hồng thắm.

Trường Đồng Khánh xưa
Trường Hai Bà Trưng nay

Kể từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã gia cố và xây dựng thêm một số công trình phục vụ cho việc dạy và việc học, tuy nhiên dáng vẻ của ngôi trường nói chúng và diện mạo của cổng trường nói riêng vẫn không thay đổi đáng kể. Trong suốt thời gian thành lập đến năm 1975, đây là ngôi trường nữ duy nhất dạy đủ các môn: “văn – thể – mỹ – hạnh “. Ngoài việc học nữ sinh còn được học nữ công gia chánh như may vá, thêu dệt, làm bánh,..

Một buổi chào cờ của trường vào đầu tháng 5 năm 1975

Từ khí thành lập đến nay, đồng phục nữ sinh của trường Đồng Khánh luôn là áo dài. Trong những năm đầu tiên của trường, nữ sinh mặc đồng phục màu tím nên trường được gọi là Trường Áo tím. Về sau, cũng dưới thời Pháp thuộc đồng phục được đổi thành màu xanh nước biển.

Về sau, đồng phục của học sinh được đổi thành màu trắng.

Từ khi thành lập cho tới nay đã hơn 1 thế kỷ, với vị thế của mình, trường Đồng Khánh luôn là trường trung học nổi tiếng và có uy tín bậc nhất ở miền Trung.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Thông từng nhận định: “Ngày xưa mỹ nữ trong cung vua không thể sánh bằng mỹ nữ Đồng Khánh”. Lý do là nhà vua thường không được quyền chọn lựa người đẹp, bởi phần lớn các vị đại thần tiến cung con gái, chưa chắc đã đẹp, ông vua phải lấy để củng cố ngai vàng.

“Trong khi ngoài cung, những ông quyền quý, nhà giàu thường chọn con nhà danh giá cho môn đăng hộ đối và đẹp. Vợ đẹp thì sinh con đẹp. Trong điều kiện kinh tế như vậy thì đưa vào Trường Đồng Khánh để giữ hình ảnh gia đình mình, cũng chính là nơi tụ hội, trở thành ngôi trường mỹ nhân”.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận