Những góc phố Quận Ba (Sài Gòn) xưa và nay được chụp cùng 1 vị trí

Bên cạnh Quận Nhứt là trung tâm hành chính, trung tâm thương mại của Sài Gòn, nơi mà lúc nào cũng nhộn nhịp, sầm uất, đông đúc, thì ngay sát bên cạnh đó có một Quận Ba bình yên đến lạ thường, dù đây cũng là trung tâm của Sài Gòn từ xưa đến nay. Dù ngày nay Quận Ba đã không còn thoáng đãng như xưa, nhưng có một số con đường vẫn giữ được nét yên tĩnh nhẹ nhàng, như là đường Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm…

Cũng vì có được sự yên tĩnh thơ mộng đó nên từ năm 1955, người đặt tên đường cho Sài Gòn đã ưu ái cho khu vực này những con đường mang tên toàn là những thi sĩ, văn sĩ nổi tiếng, như là Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thời Nhiệm, Yên Đỗ… Sau năm 1975, nhiều tên đường đó vẫn được giữ nguyên, duy chỉ có Yên Đỗ bị đổi tên (hay là người ta không biết Yên Đỗ chính là Nguyễn Khuyến?)

Sau đây mời các bạn xem lại loạt ảnh xưa và nay của một số nơi ở Quận Ba, ảnh chụp cách nhau tầm nửa thể kỷ, thời gian đủ dài để nhìn thấy những sự thay đổi:

Hình cũ là ngã tư Phan Thanh Giản – Trương Minh Giảng xưa, nay là Điện Biên Phủ – Trần Quốc Thảo. Căn villa bên tay trái hình là thứ duy nhất còn lại ở góc ảnh này.

Hình góc ngã 4 đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) và Trương Minh Giảng (nay là Trần Quốc Thảo).

Trong hình cũ, đi tới nữa là ngã ba Phan Đình Phùng – Nguyễn Gia Thiều (chỗ có thấy hàng rào sắt màu xanh lá cây), là Consulat Général de France (trước 1966 hoặc 1967 là trường tư thục Lê Quý Đôn) do KTS Phạm Văn Thâng thiết kế. Ở bên phải của người chụp tấm hình này là Toà Tổng Giám Mục.

Có thể nhận thấy có sự thay đổi rất lớn sau 60 năm giữa 2 tấm hình này.

Ngay ngã tư này là tòa nhà nhà có tuổi đời trên 100 năm như hình bên dưới.

Khách sạn Duc Hotel (trước năm 1975 cho Mỹ thuê), nay là Victory Hotel ở góc đường Công Lý – Trần Quý Cáp, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần.

Đây là tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn được xây từ năm 1911. Ngay bên cạnh tòa nhà là ngôi nhà cổ xưa nhất Sài Gòn có tuổi đời hơn 200 năm, được gọi là Nhà Nguyện. Ngôi nhà này mái ngói, vách gỗ, trước đó là mái tranh, từng là nơi ở của linh mục Bá Đa Lộc, nơi dạy học cho hoàng tử Cảnh.

Hình ảnh ngôi trường nổi tiếng Marie Curie năm 1974 và năm 2021. Đây là một trong những trường trung học lâu đời nhất của Sài Gòn (hoạt động từ năm 1918), cũng là trường duy nhất vẫn đang mang cái tên ban đầu do người Pháp đặt, dù có một khoảng thời gian ngắn mang những tên khác nhưng đến nay cái tên Marie Curie được giữ nguyên.

Một ngôi trường nổi tiếng khác cũng nằm ở quận 3 là trường nữ sinh Áo Tím, tức trường nữ Gia Long trên đường Phan Thanh Giản, nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai trên đường Điện Biên Phủ.

Trường chính thức hoạt động từ năm 1915, khai giảng năm đầu tiên với 42 nữ sinh cấp tiểu học. Lúc này đồng phục của nữ sinh là màu tím, tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam. Từ đó trường có tên là Trường Áo Tím.

Năm 1953, trường đổi tên lại thành Trường Nữ Trung Học Gia Long, sau năm 1975 mang tên Nguyễn Thị Minh Khai.

Một ngôi trường nổi tiếng khác nữa nằm ở góc ngã tư Hồng Thập Tự – Công Lý (nay là Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đó là trường Lê Quý Đôn, đối diện bên kia đường là Dinh Độc Lập.

Trường Lê Quý Đôn ở Sài Gòn là ngôi trường trung học lâu đời thứ 2 ở Sài Gòn. Thời Pháp, ngôi trường này thường được biết đến với cái tên Collège Chasseloup Laubat, nằm giữa 3 con đường trung tâm là Chasseloup Laubat, Testard và Palais, sau này đường Palais đổi tên thành Barbet, rồi trở thành Barbé. (Ba con đường này sau năm 1955 mang tên Hồng Thập Tự, Trần Quý Cáp, Lê Quý Đôn, nay lần lượt là Nguyễn Thị Minh Khai – Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn).

Góc Công Lý – Hồng Thập Tự (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai). Tòa nhà trong ảnh là trường Lê Quý Đôn. Phía bên trái là tường rào Dinh Độc Lập.

Ngã tư Công Lý – Trần Quý Cáp (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần), bên phải là trường Jean-Jacques Rousseau (nay là trường THPT Lê Quý Đôn).

Hình cũ được chụp từ năm 1954, là hỉnh ảnh của bệnh viện Clinique Saint-Paul tại địa chỉ số 280 Legrand de la Liraye. Từ năm 1955, đường này đổi tên thành Phan Thanh Giản.

Bệnh viện Saint-Paul còn có các tên khác là Dưỡng đường Saint-Paul, Bệnh xá Saint-Paul, là bệnh viện tư nhân hoạt động từ năm 1938. Bệnh viện Saint-Paul hoạt động liên tục đến năm 1976 thì bị quốc hữu hóa và đổi thành Bệnh viện Mắt như hiện nay.

Ở tấm hình dưới được chụp năm 2021, có thể thấy cái tên nguyên thủy Clinique Saint-Paul vẫn còn được giữ lại. Kiến trúc của cổng và bên trong cũng không thay đổi nhiều. Ngày nay, nhiều người vẫn quen gọi đây là bệnh viện Xanh Pôn.

Tòa nhà Clinique Duy Tân được KTS Tô Công Văn thiết kế, nằm ở gần góc Duy Tân – Phan Thanh Giản (nay là Phạm Ngọc Thạch – Điện Biên Phủ). Ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là văn phòng của Bộ Y Tế ở số 51 Phạm Ngọc Thạch.

Một góc đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Góc dưới bên phải của hình là ngã ba Công Lý – Tú Xương, đi thêm một chút là tới ngã tư Công Lý – Phan Thanh Giản (Nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ).

Tòa nhà mái ngói bên trái ngày nay là CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH VIỆT NAM TP.HCM (VIETNAMTOURISM HCMC JSC), địa chỉ: 234 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P6, Q3.

Khách sạn Duc Hotel, nay là Victory Hotel ở góc đường Công Lý – Trần Quý Cáp, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần.

Đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) đoạn giao với Công Lý xưa và nay. Đoạn kẽm gai trong hình cũ là tường rào Dinh Độc Lập, vì sự kiện Mậu Thân năm 1968 nên thép gai giăng khắp đô thành.

Hồ Con Rùa nổi tiếng, nằm ở trung tâm quận 3, giao lộ 3 con đường Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) và Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch). Hồ được xây dựng năm 1967, nhìn từ xa hồ nước là một khối kiến trúc hình thành một vòng xoay xung quanh, có một cái tháp cao nhất ở giữa nhìn như một bông hoa xoè ra.

Sở dĩ hồ mang tên là Hồ Con Rùa là vì giữa hồ có tượng con rùa bằng hợp kim có đỡ trên lưng bia đá lớn.

Xung quanh Hồ Con Rùa là nhiều trường đại học Luật Khoa, Y Khoa, Kiến Trúc, và con đường đi ngang hồ tên là Duy Tân có cây dài bóng mát như trong nhạc Phạm Duy. Với những tán lá 2 bên đường đan vào nhau thơ mộng, đường Duy Tân là nơi hẹn hò lý tưởng cho những cặp đôi đang ở lứa tuổi đôi mươi ở giảng đường đại học, và Hồ Con Rùa cũng thường là nơi hẹn gặp nhau để cùng tản bộ trên con đường mát mẻ này.

Hồ Con Rùa cách Nhà Thờ chỉ vài trăm mét, là trục đường quen thuộc với người Sài Gòn xưa, được nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào nhạc: “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.

Từ ngã tư đường Duy Tân – Hồng Thập Tự nhìn về bùng binh. Ngày nay 2 con đường này mang tên Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai.

Sau đây là hình ảnh ngã tư Công Lý – Hiền Vương (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu). Hình chụp năm 1967 và 2019.

Bên phải hình là tường rào của tòa nhà được xây từ năm 1927, ban đầu là nhà của một nữ chủ nhân đồn điền cao su người Pháp, sau đó trở thành tư dinh của giám đốc ngân hàng Đông Dương. Từ sau 1945, tòa nhà này từng là nơi ở của những tướng lĩnh quân sự Pháp. Sau khi Pháp rời Đông Dương, tòa nhà này được dùng làm cơ sở của Đại học Y khoa Sài Gòn, sau 1975 trở thành Nhà văn hóa thiếu nhi.

Bên trái hình là viện nghiên cứu cao su Việt Nam, trong một dãy nhà đối diện với tư dinh của chủ đồn điền cao su thời Pháp thuộc ở bên kia đường.

Hình bên trên là đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) khúc giao với Công Lý. Đoạn này là đường 1 chiều từ trước 1975 cho đến nay. Bên trái là tòa nhà Lê Bảo Minh ngày nay. Bên phải là hướng ra Trần Quý Cáp, Hồng Thập Tự (Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai). Hình chụp năm 1967 và 2019.

Đường Phan Đình Phùng gần ngã tư Phan Đình Phùng – Công Lý (nay là Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Khu vực bên trái ngày nay là siêu thị Coopmart Nguyễn Đình Chiểu.

Thực hiện: Đông Kha (chuyenxua.net)

3 bình luận về “Những góc phố Quận Ba (Sài Gòn) xưa và nay được chụp cùng 1 vị trí”

  1. Những hình ảnh đẹp nầy rất quý ghi lại những gì mà rất nhiều người chưa biết về Sài Gòn xưa một hòn ngọc Viễn Đông.

    Trả lời

Viết một bình luận