Những ca khúc nổi tiếng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh: Mưa Hồng, Còn Tuổi Nào Cho Em, Xin Trả Nợ Người


Nghe Podcast về chuyện tình Trịnh Công Sơn – Dao Ánh qua ca khúc Mưa Hồng

Chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Ngô Vũ Dao Ánh nảy nở qua những lá thư, bắt đầu từ năm 1964. Khi đó, Dao Ánh là nữ sinh 15 tuổi ở Huế, ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn từ nhỏ, còn ông lúc ấy 24 tuổi. Trong các cánh thư, Dao Ánh giãi bày tình cảm và an ủi những chuyện không vui của nhạc sĩ sau khi ông chia tay Ngô Vũ Bích Diễm – chị ruột của Dao Ánh, và cũng là người nhạc sĩ từng yêu và viết tặng ca khúc nổi tiếng “Diễm Xưa”. Tuy nhiên, mối tình của cố nhạc sĩ với Bích Diễm chỉ là sự thoáng qua, không sâu nặng như với người em gái Dao Ánh, kéo dài chính thức từ 1964 đến năm 1967 thì nói lời chia tay, nhưng vẫn còn âm ỉ cho đến tận khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời.

Năm 2004, chính tay Dao Ánh thực hiện một CD nhạc mang tên Lởi Của Giòng Sông để tưởng niệm nhạc sĩ, khi đó bà đã đích thân đọc lại trích thư mà cố nhạc sĩ đã gửi hồi 40 năm trước đó. CD mang tên Lời Của Giòng Sông, nghĩa là Dao Ánh tự nhận mình là “giòng sông”, một hình ảnh xuất hiện đôi lần trong nhạc Trịnh.


Click để Dao Ánh (Hướng Dương) đọc thư Trịnh Công Sơn

Khi Dao Ánh thực hiện CD này thì mối tình Trịnh – Dao Ánh chỉ được biết đến hạn chế trong phạm vi gia đình, bạn bè. Vài năm sau đó, người yêu nhạc Trịnh bắt đầu biết đến chuyện tình của họ qua lời kể của gia đình nhạc sĩ trên báo chí, truyền thông, nhưng vẫn chỉ là những mẩu chuyện nhỏ.

Phải đến tận 10 năm sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, khi Dao Ánh và gia đình nhạc sĩ họ Trịnh chính thức công bố 300 lá thư mà nhạc sĩ từng gửi cho Dao Ánh trong thời gian ông dạy học ở B’lao (nay là Bảo Lộc) vào những năm thập niên 1960, công chúng mới bắt đầu biết đến sự xuất hiện của Dao Ánh trong những bài tình ca nổi tiếng Trịnh Công Sơn. Những bức thư tình của nửa thế kỷ trước đó đã giúp người yêu nhạc hiểu thêm về Trịnh và âm nhạc Trịnh. Càng bất ngờ hơn cả là nhiều ca khúc quen thuộc và nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vốn được truyền tụng rằng viết cho bóng hồng nọ, bóng hồng kia, đến lúc này mới biết thực chất là viết cho nàng Dao Ánh.

Dựa theo 300 bức thư tình đó, xin gửi đến bạn đọc bài phân tích về nội dung những bài tình ca mà nhạc sĩ họ Trịnh đã viết dành cho Dao Ánh. Nếu như trước đây, ca từ những bài hát này như là bị khuất sau những màn sương mờ ảo, thì những bức thư tình được công bố này làm hé lộ ra phần nào về câu chuyện tình của người nhạc sĩ tài hoa.

1. Còn Tuổi Nào Cho Em

“Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, có bằng lòng thế không?” (thư Blao, 31.12.1964) – Đó là những lời thư rất dịu dàng, nâng niu mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho người con gái Huế mang tên Dao Ánh. Mối tình có lẽ sâu nặng và dai dẳng nhất của chàng nhạc sĩ đa tình họ Trịnh.


Click để nghe Khánh Ly hát Còn Tuổi Nào Cho Em

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết Còn Tuổi Nào Cho Em khi chỉ mới 25 tuổi. Nhưng những suy tư về tình yêu, con người, đời sống của ông đã đạt đến độ chín nhất định. Những lời ca của Trịnh dành cho người phụ nữ mình yêu trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng như một mảnh lụa dịu dàng, yêu thương vô bờ bến. Đó là một trong những điều làm nên một Trịnh Công Sơn tài hoa và duy nhất của âm nhạc Việt.

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời


Nghe Podcast về chuyện tình Trịnh Công Sơn – Dao Ánh qua ca khúc Còn Tuổi Nào Cho Em

Khi giọng hát trầm buồn của Khánh Ly vang lên những câu hát đầu tiên, có thể nhận ra ngay một Dao Ánh tuổi 15 ngơ ngác, hồn nhiên, với mái tóc dài buông xõa, người đã làm nên cảm hứng âm nhạc cho Còn Tuổi Nào Cho Em và rất nhiều các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dao Ánh của tuổi 15 hẳn là cũng ít nhiều sâu sắc và nhạy cảm để có thể đồng hành, bầu bạn, thư từ qua lại suốt nhiều năm liền với chàng nhạc sĩ họ Trịnh hơn cô tận 10 tuổi, lại sớm mang nhiều tâm tư trĩu nặng.

Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may…

Như bao cô gái nhỏ chớm tuổi trăng tròn, nàng thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chạm bước vào đời bằng vẻ ngây thơ, hồn nhiên, vô tư lự, và những mộng mơ của thời thiếu nữ. Cái cảm giác bâng khuâng nhìn “lá vàng úa” rơi xuống mỗi chiều bắt đầu gõ cửa tâm hồn nàng. Một áng mây bay ngang trời cũng khiến khiến lòng vô gái nhỏ rộn rã hát ca.

“Tay măng trôi trên vùng tóc dài” – Chỉ với câu hát này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bộc lộ rõ tầm vóc, mỹ cảm về cái đẹp và sự tinh tế vượt trội của mình trong việc lựa chọn ngôn từ.

Không phải là tay ngà ngọc tiểu thư mà là “tay măng”, bàn tay chưa từng va chạm với đời, còn căng mọng, nõn nà, như búp măng vừa trồi lên từ đất mẹ. Không phải là “mái tóc dài” mà là “vùng tóc dài”, bởi lẽ trong mắt chàng trai đang yêu, mái tóc đen dài của người yêu giống như cả vùng trời đen sâu thẳm đầy mê hoặc. Và cũng chỉ bằng một từ “trôi” vô cùng đắt giá, có thể hình dung mái tóc của cô gái hẳn là suôn mượt, mềm mại và óng ả lắm.

Giống như một chàng hoạ sĩ tài ba, chỉ bằng vài ba nét bút tinh tế đã hoàn thành một bức tranh tuyệt đẹp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ cần một câu hát giản dị đã họa xong bức chân dung nàng thơ tuyệt đẹp. Nhưng cũng trong bức tranh đó, ta nhìn ra, nàng thơ của nhạc sĩ còn thơ dại lắm, “tay măng” non nớt vẫn còn “trôi” vô định trên “vùng tóc dài” đó thôi.

Ngoại trừ tuổi thơ vô lo, vô nghĩ, hồn nhiên, thuần khiết, đời sống tâm hồn của một con người nói chung thường bắt đầu trỗi dậy từ tuổi dậy thì. Độ tuổi bắt đầu trải nghiệm những cảm xúc buồn, vui một cách sâu sắc hơn, nồng nhiệt hơn, tĩnh lặng hơn, nhạy cảm với đời sống xung quanh; nghĩ ngợi nhiều, mơ mộng nhiều và cũng nhiều đổi thay thất thường. Vì vậy nhạc sĩ đã viết “Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này”, khi mà chỉ một “tiếng gió heo may” nhẹ lùa qua cũng khiến nàng thiếu nữ giật mình “ngơ ngác” đi tìm.

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài

Giống như những thước phim buồn, chậm rãi, thời gian và không gian trong ca khúc cũng chầm chậm trôi. Sự chuyển dịch của thời gian rồi sẽ hằn dấu lên tâm hồn thiếu nữ, càng lớn lên nỗi buồn càng sâu sắc hơn, khó xoá nhoà hơn.

Cô gái sẽ không còn vô tư, hồn nhiên như trước. Hình ảnh “tay măng” tròn đầy đã được nhạc sĩ khéo léo thay bằng “áo gầy vai”. Những gánh nặng hữu hình và cả vô hình của đời sống rồi sẽ sa xuống vai áo gầy thiếu nữ. Những “dấu chân chim qua trời” rồi sẽ lặng lẽ ghi dấu lên đuôi mắt nàng. Và nếu điều đó đến, anh sẽ cầu nguyện, sẽ “xin cho tay em còn muốt dài”. Tại sao lại xin cho bàn tay mà không xin cho nhan sắc hay cho tuổi tác nàng trẻ lại? Bởi hơn ai hết, chàng nhạc sĩ hiểu rằng, thời gian là thứ vô tình nhất, đời người rồi sẽ trôi qua, không gì có thể níu giữ được, không gì làm đổi thay được. Nên chàng chỉ xin cho bàn “tay măng” kia vẫn mãi “muốt dài”, mong em vẫn mạnh mẽ, kiêu hãnh vươn lên, vẫn yêu đời sống này. Bởi như trong ca khúc Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, cũng được viết tặng cho nàng thơ Dao Ánh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết rất rõ ràng rằng: “Tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người” và “Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son”

Đến đây thì ta biết được rằng, điều quý giá nhất của người phụ nữ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn trân trọng không nằm ở nhan sắc hay tuổi trẻ mà ở nghị lực sống, nghị lực vươn lên mạnh mẽ như búp măng kia kiên nhẫn ủ mình dưới lớp áo mỏng, để rồi mạnh mẽ vươn lên, kiêu hãnh vút tận trời cao.

Vậy còn câu hát “xin cho cô đơn vào tuổi này” có nghĩa là gì? Có lẽ, giống như trong câu hát: “Ru em ngồi yên nhé, tôi tìm cuộc tình cho”. Trái ngược với ý nghĩ về một tình yêu cao thượng của nhiều khán thính giả, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cắt nghĩa vô cùng đơn giản rằng: “Thực ra tôi muốn bảo là cô gái hãy ngồi im đó, tôi đi tìm cuộc tình cho, vì em đẹp quá, em đi tìm rồi tôi mất em làm sao. Tôi dự định đi một hồi rồi quay lại nói: Anh tìm mãi không ra, thôi em yêu anh cho rồi. Nhưng tôi chưa kịp nói câu ấy”. Trong sự dịu dàng, yêu thương vô bờ bến của mình dành cho người yêu, chàng nhạc sĩ vẫn không quên thổ lộ lòng mình, xin em hãy còn “cô đơn” vào tuổi ấy nhé để tôi còn có cơ hội đến bên em.

Đến đây, độc giả sẽ thắc mắc, tại sao chàng nhạc sĩ không chọn thổ lộ khi nàng thiếu nữ chớm tuổi trăng tròn mà lại đợi đến khi “tay măng” không còn tròn đầy, khi dấu chân chim đã ghi dấu trên đôi mắt nàng. Hãy nghe lại lời hát: “Xin cho cô đơn vào tuổi này, tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài”. Có thể thấy chi tiết “tóc mây cài” cho ta biết rằng cô gái chưa già dặn lắm, nàng chỉ trưởng thành lên tương đồng với độ tuổi của chàng nhạc sĩ, trưởng thành cả về thể xác và tâm hồn để có thể bầu bạn, tri kỷ với chàng.

Ít người biết rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc này tặng cho Dao Ánh khi đang trong giai đoạn tìm hiểu, bầu bạn chứ chưa hề thổ lộ tình yêu. Có lẽ, sự lấn cấn về khoảng cách tuổi tác, sự chênh vênh về khoảng cách tâm hồn của chàng nhạc sĩ 25 tuổi nhưng đã sớm già dặn, và cô gái 15 tuổi ngây thơ, nhiều mơ mộng đã khiến chàng không thể thổ lộ lời yêu, và chàng đã mượn ca khúc để kín đáo thể hiện tâm tư của mình với nàng.

Em xin tuổi nào
còn tuổi nào cho nhau

Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu

“Em xin tuổi nào, còn tuổi nào cho nhau?” là lời hỏi của chàng dành cho cô gái, vì suy cho cùng thì nàng là người có quyền quyết định cuối cùng, nàng chọn “tuổi măng” hay là “tuổi dấu chân chim”? Dù quyết định có như thế nào đi chăng nữa, “trời xanh” của chàng cũng đã nằm trọn trong “mắt em sâu” rồi. Chàng nguyện sẽ là đám mây sà xuống “vây quanh giọt sầu”, nguyện sẽ lau khô những giọt nước mắt của nàng.

Đến đây, xin đọc lại những dòng thư chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh: “Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, có bằng lòng thế không?”

“Có bằng lòng thế không?” – Chàng nhạc sĩ đã nói rất rõ ràng cả trong thư và cả trong lời hát. Nhưng chắc là cô gái ngây thơ chưa hiểu được ý tứ thâm sâu của chàng, hoặc giả nàng có lờ mờ hiểu ra thì ở độ tuổi của nàng, một cô gái khuê các rào cao rèm kín, cũng khó có thể mở lời yêu hay nhận lời yêu sớm. Cũng giống như chàng thi sĩ Nguyên Sa năm xưa, lỡ phải lòng cô bé 13 tuổi cũng vất vả bội phần khi nói lời yêu mà nàng thơ vẫn mãi lửng lơ chối từ: “Đến trăm lần nhất định mình chưa yêu”. Là “chưa yêu” chứ không phải “không yêu”, thế mới khổ các chàng.

Khi đặt bút viết ca khúc Còn Tuổi Nào Cho Em gửi tặng người thương, chàng nhạc sĩ đa sầu đa cảm Trịnh Công Sơn khi đó đang “lánh nạn” tại vùng B’lao hoang vu, lạnh giá đã không tránh khỏi tâm trạng sầu bi, vô vọng:

Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che dấu lệ nhòa
Ôi buồn!

Linh cảm về một mối tình tuyệt vọng, “hư vô”, tâm trạng chàng nhạc sĩ bất chợt trở buồn: “Bàn tay che dấu lệ nhoà”, và rồi dù cố gắng cũng không thể che đậy, chàng thốt lên: “Ôi buồn!”

Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà
Xin mây se thêm mầu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ…

Trong dòng cảm xúc tuyệt vọng, mông lung, nỗi nhớ mong người yêu quay quắt, dài đằng đẵng, chàng nhạc sĩ tưởng như đã sầu bi cả “nghìn thu”. Ở xứ B’lao quanh năm sương giá, mây mù phủ xuống, mù mịt cả đường đi lối về, chàng nhạc sĩ trong cơn mộng mị, đã ước sương mù tụ lại kết thành mây, để chàng được thấy bước “chân em qua từng phiến ngà”. Và chàng khẩn thiết cầu “xin mây se thêm mầu áo lụa”, mầu áo của người con gái chàng yêu để thoả nỗi nhớ mong. Nhưng mơ rồi lại tỉnh, mộng ước tan đi, chàng lại quay lại với thực tại chua xót, tuyệt vọng “tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ…”

Tình cảm dằng dai, thư từ qua lại giữa chàng và nàng kéo dài tới tận 2 năm sau đó, chàng mới chính thức ngỏ lời với nàng. Dưới đây là nguyên văn bức thư tỏ tình của chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nàng thơ Dao Ánh:

Tháng 8 năm 1966

Dao Ánh,

Có một điều không nên nói ra mà phải nói và phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu.

“Anh yêu Ánh”

Chỉ có đơn giản thế thôi mà phải dè dặt, phải cân nhắc, phải chạy thoát ra ngoài cái tỉnh.

Điều đó đáng lẽ không nên nói mà có phải bổn phận nhìn thấy phải cảm thông, nhưng cũng nói bởi vì nó là chóp đỉnh của tình cảm. Nói ra thì tình yêu đã biến thành tĩnh vật, đã đông đặc lại như một khối thủy tinh.

Cũng là lần đầu tiên anh phải tự thú điều đó ra trước. Như thế phải tự thú điều đó ra trước. Như thế đã phải tự coi là thất bại trong cuộc tình chung này. Nhưng mà đã sao. Đáng lý thì chúng mình cũng phải thú nhận điều đó một lần.

Nhưng thôi có ích gì.

Đây cũng là khởi điểm. Từ đó anh sẽ còn yêu Ánh dài lâu hơn hay sẽ mất Ánh chưa biết chừng.

Anh đã chọn vào lúc mà cảm thấy Ánh đủ khôn ngoan để nói. Những điều buồn bã của năm qua anh đã quên và khởi mới lại cái nhìn cái nghĩ của anh từ đây.

Đó, như thế là Ánh đã được đặt trước một cái gì đó rõ ràng hơn cũ. Hãy nhìn và lựa chọn.
Nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ và nồng nàn mà anh vẫn hằng mong.

Thân yêu

Trịnh Công Sơn

Đúng như lời bài hát, chàng đã đợi nàng trưởng thành, “đã chọn vào lúc cảm thấy Ánh đủ khôn ngoan để nói” lời yêu chính thức và nín thở chờ cái gật đầu từ người tình mộng.

Yêu thương nhiều lắm, tha thiết lắm nhưng cuộc đời vốn không như thế. Nàng dù đã trưởng thành hơn, nhưng sự chênh lệch về tuổi tác giữa chàng và nàng vẫn còn đó. Yêu nhau rồi, chàng càng nhận ra rõ ràng sự chênh vênh về tâm hồn mới là thứ không thể kéo gần lại, không thể bù trừ. Và chàng quyết định “làm kẻ bội bạc” để mở ra cho cả hai người “sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình”.

Đúng 5 tháng kể từ lúc chính thức ngỏ lời yêu, chàng viết thư chia tay nàng trong tuyệt vọng:

Huế, ngày 25 tháng 3 năm 1967

Ánh yêu dấu,

Anh sang Trang vì nghe anh Cường bảo Ánh có gửi thư về đó. Nghe Trang kể lại những điều Ánh viết trong thư anh vừa thất vọng vừa buồn.

Bây giờ đã quá khuya. Chương trình chủ đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho cả Ánh lẫn anh, một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc đời dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.

“Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả. Và bên sau quyết định này là một lỗi ngõ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả.

Tất cả đã rõ như một khoảng trắng.

Cũng đành vậy thôi.

Anh đang nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thủy triều. Quyết định như không thuộc về anh.

Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được.

Để vĩnh biệt nhau trong tình yêu đó anh chỉ muốn khuyên Ánh trong tương lai hãy tự tin hơn và bớt suy tính.
Anh đã bất lực không cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son.

Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau.

Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai.

Thân yêu,

Anh,
Trịnh Công Sơn

2. Dấu Chân Địa Đàng

Ca khúc này được sáng tác vào khoảng năm 1964 khi ông đang dạy học ở B’lao (Bảo Lộc). Trước khi về Bảo Lộc, Trịnh Công Sơn là một chàng sinh viên đa tài của trường sư phạm Quy Nhơn, được bạn bè vây quanh với những sự kiện âm nhạc, những buổi gặp gỡ, chuyện trò. Về Bảo Lộc dạy học, Trịnh Công Sơn như bị vứt vào một vùng đất hoang lạnh, vắng vẻ, heo hút, xa xôi. Nhất là khi màn đêm buông xuống, cô quanh trong căn phòng nhỏ, người nhạc sĩ đa sầu đa cảm chợt bùng lên những suy tư về thời cuộc, phận người,… để rồi ca khúc Tiếng Hát Dạ Lan ra đời, sau đổi tên thành Dấu Chân Địa Đàng.

Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng…

Nếu ai đã từng được lớn lên, hoặc đã sống ở một vùng quê xa đô thành nào đó, ở nơi mà ánh sáng điện vẫn là một điều xa xỉ, sẽ biết được rằng khi buổi chiều vừa dần khuất thì đêm đen sẽ lập tức rũ xuống đặc quánh, thế gian chỉ còn lờ mờ ánh sáng của vì sao lẻ loi, của những ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ liếp nhà tranh thưa thớt, xung quanh sẽ là tiếng côn trùng và loài sâu đất rền rĩ một thứ âm thanh não nùng. Đó là bản hoà thanh của đêm tối, của những tiếng động như là đến từ một cõi hư vô…

Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mấy miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm

Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngỏ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em


Click để nghe Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng

Thời gian sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang trải qua những biến động to lớn, cả bên trong tâm tư tình cảm, lẫn ở hoàn cảnh bên ngoài. Những điều đó làm cho ông suy nghĩ nhiều về tình yêu, về phận người nhỏ bé giữa thời cuộc mà ông ví như là một loài sâu đất tự sinh tự diệt chẳng ai hay, cất lên những lời ca rầu rĩ từ trong u tối, những lời ca từ đất khô đó như là lời sau cuối mà loài sâu để lại ở chốn địa đàng.

Nói cách khác, loài sâu chính là một phiên bản khác của phận người, ôm chất chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co như một loài – sâu – chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo…” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965).

Như đã nói ở trên, ban đầu bài hát được mang tên là Tiếng Hát Dạ Lan, và cái tên này  liên quan đến Dao Ánh, vì qua những bức thư tình gửi người yêu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết nhà của Dao Ánh trồng nhiều hoa dạ lan: “Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964), “Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).

Bài hát có diễn biến thời gian là từ chiều, đến tối, rồi đến khuya, khi loài dạ lan bắt đầu lừng hương, nên Tiếng Hát Dạ Lan có thể hiểu là tiếng hát từ đêm tối.

Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm

Mở đầu bài hát là một không gian rất khoáng đãng, bay bổng, thời gian đi thật gấp rút, cùng với tâm trạng của người được mô tả bằng những chữ rất chán chường: ngủ quên, than phiền, bàng hoàng… như là than tiếc cho cuộc đời đang bị bỏ phí trước thời gian trôi qua nhanh. Điều đó còn thể hiện rõ nét hơn bằng câu hát “một đời bỏ ngõ đêm hồng” ở đoạn sau:

Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em

Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô, từ mưa gió từ vào trong đá xưa
Ðến bây giờ mắt đã mù, tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào bão trên đầu, lời ca đau trên cao…

Bài hát có tên chính thức là Dấu Chân Địa Đàng. Có thể “địa đàng” này không phải là nơi chốn cụ thể như trong Kinh Thánh đã nhắc tới, mà nó có nghĩa là vết chân người để lại giữa chốn trần gian này, đó là những bước chân mỏi mệt, rã rời, đã chùng chân bao lần vì không đích hướng, đã bỏ lỡ nhiều điều tốt đẹp từng bước ngang qua và thành phôi pha, giờ chỉ còn lại một vùng bóng tối u mê và tịch mịch.

Rồi từ trong đêm tối, tiếng hát của loài sâu (hay là phận người) đã ngại ngùng hát lên khúc ca cuối cùng. Loài sâu nhỏ bé, hư vô đó không biết rõ cả sự tồn tại của mình, không biết đời sống của mình khi nào sẽ kết thúc, nên dù có hát lên câu nào thì cũng đều như là khúc cuối cùng của kiếp sống. Tiếng hát bắt nguồn từ đất khô, từ những nơi thấp bé, tối tăm để cất cao vang lộng khắp trời đêm. Từ nơi vút cao đó, lời ca vọng về nghe thật đau xót: Lời ca đau trên cao… Có lẽ vì đó là lời hát cho nỗi đau của kiếp người nhỏ bé như loài phù du trước sự mênh mang bất tận của dòng thời gian vĩnh cửu.

Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
để người về hát đêm hồng
địa đàng còn in dấu chân bước quên.

Trong một bức thư gửi Dao Ánh, chàng nhạc sĩ họ Trịnh viết: “Mưa đã trở về cùng với đêm. Như một ngày nào Ánh rời xa anh để trở về với nếp sống bình thường, ở đó Ánh đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải nhìn những bảng số hai bên đường. Sẽ bình thường và thản nhiên quên đã một lần dẫm chân qua một vực – thẳm địa đàng mà anh đã linh cảm trước từ lâu, như “địa đàng còn in dấu chân bước quên” của một thời anh đã âm thầm nghĩ rằng biết đâu Ánh không lớn lên từ một loài dạ lan nào đó” (thư Blao, 27.10.1964), “Bây giờ là tiếng nói đêm của anh với Ánh. Với Ánh dạ lan… ” (thư Blao, 22.11.1964).

3. Mưa Hồng

“…Anh hát lại bản Mưa Hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn. Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi đá buồn. Ánh nghĩ sao? Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm” – Trịnh Công Sơn

Đó là những lời thư da diết nhớ thương mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho người tình bé nhỏ 15 tuổi Dao Ánh sau những tháng ngày xa cách. Bức thư được viết vào ngày 6/12/1964, là năm bản nhạc Mưa Hồng ra đời. Những nhớ mong, tha thiết thầm kín kéo dài suốt mấy tháng trời giận dỗi, bặt thư nhau của chàng nhạc sĩ nơi vùng đất cao nguyên giá lạnh B’lao đã cô đặc lại, co kéo lại trong những lời hát trầm buồn của ca khúc.

Suốt những ngày tháng ẩn mình tại B’lao, trong những bức thư gửi về cho nàng thơ Dao Ánh, trong những ca khúc ra đời vào khoảng thời gian này, thứ ám ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhất chính là sương mù, là mây, là những con đường cô quạnh, đặc quánh hơi sương, là nỗi cô độc, giá lạnh đến ám ảnh. Những ngày tháng đó, không gian đó càng khiến nỗi nhớ quê nhà, nhớ người tình nhỏ trở nên da diết, dữ dội. Những cánh thư từ bè bạn, người thương, gia đình có lẽ là cứu cánh duy nhất cho tâm hồn nhạc sĩ. Vậy nên việc bặt thư bặt tin người tình nhỏ suốt mấy tháng trời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giống như một cực hình giáng xuống tinh thần và tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ.

Ngay từ tựa đề của ca khúc Mưa Hồng đã gợi cho người nghe những cảm xúc và suy đoán khác nhau. Mưa sao lại màu hồng? Phải chăng đó là những cơn mưa bay thoáng qua, bất chợt rơi xuống khi trời đang nắng tươi, những hạt mưa rải xuống, xuyên qua ánh nắng tạo thành một màn mưa hồng. Trong một lần trò chuyện, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói rằng ông sáng tác Mưa Hồng trong nỗi nhớ về Huế, nhớ người yêu, nhớ lại một chiều xưa đi ngang qua trường Đồng Khánh, vừa lúc có một tốp nữ sinh áo dài thướt tha đang buớc ra mặt đường thì từ hàng cây phượng vĩ trên cao cả nghìn cánh hoa theo cơn gió đổ xuống mặt đường, trên những tà áo trắng tinh khôi, cả nghìn cánh phượng bay khắp không gian. Đó là khoảnh khắc của “mưa hồng”, của “đường phượng bay mù không lối vào…”

Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm
Mây âm thầm mang gió lên


Click để nghe Khánh Ly hát Mưa Hồng

Tình yêu như là bừng sáng lên một sắc hồng tươi, rực rỡ như màu phượng vĩ, lấp lánh như là áng mây hồng mùa hạ, rồi mau chóng tan đi theo gió mây, bởi “em nghiêng sầu” làm cho mưa xuống vào một “hôm nào” đó, để lại chàng nhạc sĩ một mình với đám “mây âm thầm” với nỗi nhớ mong, sầu bi, cô quạnh. Từng câu hát ngân lên dịu dàng, tinh tế, đẹp đến ngỡ ngàng lột tả trọn vẹn nỗi niềm, tình cảnh của chàng nhạc sĩ. Xuyên suốt bài hát, hình ảnh MƯA như là tượng trưng cho cơn giận của người yêu, một cơn mưa màu hồng:

Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng

Những câu hát bật ra trầm buồn vang vọng. Có thể hình dung có một chàng trai trẻ tuổi 25 tuổi ngồi nghiêng nghiêng bên thềm nhà, vóc dáng gầy mỏng, ánh mắt nhìn xa xăm vào khoảng không vô định phía trước. “Người ngồi đó, trông mưa nguồn”, hoàn toàn bị động. Chàng trai chỉ biết ngồi đó nhìn cơn “mưa nguồn” giận hờn của người yêu trút xuống như thác lũ, cam chịu và chờ đợi. Chờ đợi người yêu nguôi ngoai cơn giận, chờ đợi thư tình, chờ đợi tình yêu trở lại trong niềm yêu thương tuyệt vọng, xa vắng chìm trôi. Nhưng vì xa cách muôn trùng về mặt địa lý nên đó là nỗi chờ đợi không biết đến bao giờ, và người chỉ biết mông lung gửi hồn theo con nước cuốn trôi ngoài sông vắng.

Câu hát “ngoài kia lá như vẫn xanh” phải chăng là một lời trách móc, ám chỉ người tình nhỏ, dù gây bao giông gió cho nhạc sĩ mà “lá như vẫn xanh”, vẫn vô tình, hờ hững, vẫn quyết “nghiêng sầu” xuống trên cuộc tình đang “ươm nắng cho mây hồng” để “sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng”. Sự trách giận này trong một bức thư gửi Dao Ánh sau đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã không ngần ngại tỏ bày như sau:

“Anh đã ngồi suốt buổi chiều chủ nhật ở nhà để đợi Ánh. Bạn bè rủ anh qua phố lần cuối nhưng anh cũng từ chối để chờ Ánh. Không phải anh chỉ chờ Ánh có buổi chiều mà thôi mà đã chờ suốt gần 4 tháng hè ở đây. Như thế mà chỉ cần một buổi Ánh sang không gặp anh là Ánh đã giận anh rồi. Anh rất buồn bởi vì ngày cuối anh đi, Ánh không có mặt để hàn huyên một lần nữa rồi vắng nhau đến bao nhiêu là tháng.

Anh không hiểu Ánh đã nghĩ gì để có thể bỏ bê anh đến thế. Sao Ánh không nghĩ rằng chúng mình cần bao dung cho nhau để đỡ phải bỏ những buổi ngồi mong ngóng đến sa sút cả đời. Anh đã nhớ Ánh trong từng ngày mùa hạ mùa thu ở đây như vẫn còn xa cách. Ánh đã tạo nên khoảng cách đó.

Bây giờ anh chỉ biết tập làm người chẳng hề giận hờn. Xem giận hờn như một ân huệ trời dành riêng cho Ánh. Trong hai người phải có một kẻ biết nhịn nhục và kẻ đó bao giờ cũng là anh, anh biết thế….

Anh chưa bao giờ nghĩ rằng Ánh có thể độc ác với anh đến thế. 110 ngày nằm ở đây thật quá thê thảm….

Làm sao để Ánh hiểu hết những tha thiết thầm kín trong anh”

Sau khoảng thời gian khó khăn này, dẫu họ đã tái hợp nhau qua những trang thư, nhưng tại thời điểm Mưa Hồng ra đời, nhạc sĩ dường như đã sầu thương đến tuyệt vọng.

Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau

Những giọt nước mắt giận hờn của người yêu đã hòa tan vào một “chiều mưa đỉnh cao”, nhấn chìm tất cả, cuốn trôi tất cả, che mờ tất cả, nên nhạc sĩ viết: “còn gì nữa đâu sương mù đã lâu”. Và chiều mưa ấy cũng chính là buổi chiều “hôm nào em đến thăm”, là cột mốc chia ly, đặt dấu chấm hết cho cuộc tình hoa mộng. Hình ảnh người con gái dáng gầy mỏng manh đi dưới mưa, những giọt nước mắt chảy xuống vỡ tan trong dòng mưa lạnh, trên con đường “phượng bay” mờ mịt, hư ảo, hoang lạnh như chính con đường tình của họ đẹp và buồn đến nao lòng. Nó ám ảnh, day dứt, chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí nhạc sĩ.

Nhưng trong khoảng khắc chia ly của “chiều mưa đỉnh cao” đó, ta như ngầm thấy một sự níu kéo đầy tình tự của nhạc sĩ, bởi dường như khi cô gái quay lưng bước đi cũng là lúc trái tim nhạc sĩ quặn thắt, lạc nhịp đến cao độ, tình yêu dành cho người tình nhỏ bất chợt thăng hoa, bất chợt vút lên, nồng đượm hơn bao giờ hết. Vậy nên, việc cô gái im bặt suốt mấy tháng trời sau buổi chiều hôm ấy khiến nhạc sĩ quay quắt, nhớ mong, sầu bi, tuyệt vọng đến vô cùng.

“Em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào”, mong em hãy “ướt áo”, mong em hãy đừng nhìn thấy đường về để “hàng cây lá xanh gần với nhau”, để níu giữ nhau lại trong yêu đương, tình tự…

Câu hát “em đi về cầu mưa ướt áo” đầy gợi cảm gây ra một sự tranh cãi, bàn luận vô cùng thú vị trong giới mộ điệu. Là ai đã cầu? Anh mong cầu mưa ướt áo em, hay em tự cầu cho mưa ướt áo mình? Có một câu chuyện kể khá thú vị liên quan tới câu hát này. Đó là trong một cuộc gặp gỡ thân tình của giới nghệ sĩ, bà Đặng Tuyết Mai (phu nhân phó tổng thống) đã đặt mình vào tâm trạng của nàng thơ trong ca khúc Mưa Hồng để luận bàn: “Riêng tôi thì cho rằng chính cô gái mới là người cầu mong cho mình bị mưa ướt, bởi lẽ người xứ Huế rất coi trọng gia phong lễ nghĩa, nhất là trong cách ăn mặc. Lúc nào cũng phải thật kín đáo, không bao giờ dám để lộ thân thể dù chỉ là một chút xíu. Cô gái trong bài hát tự biết mình có hình dáng đẹp, muốn khoe nhưng không biết làm cách nào nên chỉ dám cầu mưa cho mình bị ướt áo để khoe vẻ đẹp cơ thể một cách tự nhiên mà vẫn giữ được sự ngượng ngùng, e ấp…”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa nghe xong, liền nở một nụ cười mãn nguyện, đứng dậy bắt tay bà Tuyết Mai ra chiều tâm đắc.

Lời cắt nghĩa đầy thú vị của bà Tuyết Mai cho thấy nhạc Trịnh đúng là một “món ăn tinh thần” đầy ma mị, mê hoặc. Mỗi người khi nghe nhạc Trịnh sẽ chìm đắm trong những dòng suy cảm khác nhau, biến đổi theo thời gian, độ tuổi, những trải nghiệm, tâm tư và nhân sinh quan.

Dòng tâm trạng của nhạc sĩ trong cơn thất tình, hoang mang, lạc lõng trồi sụt lên xuống, chìm trôi trong những ký ức lóng lánh xưa cũ, rồi lại bừng tỉnh trong không gian hiện hữu u sầu với “mây ngang đầu”, với nỗi nhớ mong “bao nhiêu chiều”, dài đằng đẵng. “Vòng tay đã xanh xao nhiều”, đã hoang lạnh từ bao giờ, ko còn ấm áp, hạnh phúc nữa:

Người ngồi xuống mây ngang đầu
Mong em qua, bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du

Hình ảnh “vòng tay” trở đi trở lại khá nhiều lần trong âm nhạc Trịnh, giống như một thứ biểu tượng cho mối tình Sơn – Ánh. Việc chọn lựa hình ảnh những vòng tay ôm dịu dàng, thanh nhã, không quá trần trụi, mang màu dục tính, cũng không quá xa cách, bẽn lẽn, e dè mà không phải là những hình ảnh yêu đương, tình tự khác cho thấy với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tình yêu dành cho Dao Ánh không chỉ là những rung động, cuộn trào từ trái tim mà còn là sự trân trọng, nâng niu vô cùng tinh tế, nhẹ nhàng dành cho người tình nhỏ.

Trong ca khúc “Xin Trả Nợ Người” viết cho Dao Ánh vào năm 1993, sau mấy chục năm đứt đoạn tình yêu, khi tóc đã bạc, da đã chùng, nhạc sĩ vẫn rất dịu dàng và nâng niu như vậy: “Trả nợ một đời xa vắng vòng tay”.

Những ngôn từ thường nhật của đời sống, của nghệ thuật, thơ ca chưa bao giờ là đủ để Trịnh Công Sơn bộc bạch tâm trạng của mình, vậy nên trong âm nhạc Trịnh Công Sơn ta thường xuyên bắt gặp những hình ảnh rất lạ, rất mới. “Phiếm du” là một từ như vậy, “gót chân mòn trên phiếm du” là một hình ảnh khá ảo, bật ra từ dòng tâm tưởng của nhạc sĩ. Đó là cuộc hành trình viển vông, không tới đâu, không ích lợi gì. Bởi tình yêu là thứ không thể cưỡng cầu, không thể tìm kiếm, chỉ có thể chờ đợi và hy vọng:

Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ

Vì vậy, nhạc sĩ chỉ có thể tiếp tục ngồi đó, cầu mong “mưa đầy”, đầy rồi thì thôi mưa, cầu mong em hãy trút đầy cơn giận rồi thôi, để tình yêu trở lại, trên đôi tay anh. Đôi tay dù đã mỏi, đã đau, đau cơn đau dài vẫn không thôi cầu xin, không thôi mong đợi. Cho đến tận khi mệt mỏi, rã rời, nằm xuống thì từ trong tiềm thức, trong sâu thẳm vẫn nghe tiếng lòng vẫy gọi, tiếng tình vẫy gọi: “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”… Đó là một trong những câu hát được trích dẫn nhiều nhất trong những dòng tâm trạng của nhiều người, thể hiện trạng thái cảm xúc mà chính nhạc sĩ họ Trịnh đã từng nói với Dao Ánh: “Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn…”

Toàn bộ ca khúc là những lời ca khi trầm khi bổng, khi mong cầu khi tuyệt vọng, lên lên xuống xuống theo những cơn sóng tình cuồn cuộn trong lòng. Cuộc tình đó dù có là những ngày tháng đợi chờ, mong mỏi không thôi, tưởng như vô vọng, cho đến tận cùng vẫn không hề tuyệt vọng mà ngân lên một khúc ru tình da diết, ám ảnh, tựa như một hồi chuông thức tỉnh dành cho tất cả mọi người.

Mỗi ca khúc của Trịnh dù vui tươi hay sầu giận, dù hạnh phúc hay thương đau, đều có một thông điệp rất đẹp để lại, để vỗ về, chăm chút tình yêu thương của con người với đời sống, của con người với con người. Những thông điệp đó tựa như kiệt tác chiếc lá cuối cùng vô cùng giản dị trên bờ tường mùa đông mà cụ Behrman đã đổi cả sinh mạng của mình để vẽ tặng cho nữ hoạ sĩ nghèo Johnsy.

Ai đã từng một lần đắm mình vào những lời ca của Mưa Hồng qua giọng hát của nữ ca sĩ Khánh Ly hẳn đã biết những lời ca như rót mật vào tim ấy mênh mông, bay bổng, ngọt lịm đến chừng nào.

4. Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng

“Blao, 26/2/1965

Dao Ánh,

Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mọn mọt của anh ở đây.

Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh.

Những ngày nay anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh. Ru Mãi Ngàn Năm hay Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng.”

Đó là bức thư nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi người tình nhỏ Dao Ánh khi ông vừa viết xong ca khúc Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng. Vẫn là những lời thư da diết nhớ nhung, đầy yêu thương của một chàng trai si tình nhưng chất chứa nhiều suy tư, trăn trở về đời sống, về con người. Trịnh Công Sơn luôn luôn là vậy, những câu chữ của ông trong thơ lẫn trong nhạc đều đầy hình tượng, sống động, dễ thấm vào lòng người, dễ gợi lên những cảm xúc, rung động nhưng để thấu hiểu được sâu xa thì lại không dễ.

Có thể cảm nhận được qua những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh, khi yêu nàng, trong lòng chàng nhạc sĩ họ Trịnh luôn tồn tại một thứ mâu thuẫn không thể hoá giải. Một mặt nhạc sĩ yêu vẻ non tơ, thuần khiết, xuân tình của nàng thiếu nữ mới lớn, mặt khác lại luôn cảm thấy chống chếnh vì khoảng cách tâm hồn quá lớn giữa chàng và nàng. Chàng nhạc sĩ 25 tuổi thì quá già dặn, nhiều suy tư, còn nàng thiếu nữ 15 tuổi thì lại quá ngây thơ, non nớt. Sự chông chênh đó trong mối tình của họ, tạo nên nguồn cảm xúc vô tận cho những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giai đoạn này. Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng cũng không ngoại lệ. Ca khúc khiến cho người nghe có thể yêu ngay từ khi những giai điệu đầu tiên được cất lên:

Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy
Nên mãi ru thêm ngàn năm 


Click để nghe Khánh Ly hát Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng trong băng Sơn Ca 7 trước 1975

Có rất nhiều lời lý giải cho cái sự “ru mãi ngàn năm” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong ca khúc. Nhưng ở đây xin mạn phép được lật giải về căn nguyên của cái sự “ru mãi” này. Phải chăng ngay từ lúc bắt đầu cuộc tình với Dao Ánh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khá vô vọng về khoảng cách chênh lệch của hai người cả về tuổi tác và tâm hồn. Trong cơn sầu bi vì không biết đến bao giờ người tình mới trưởng thành, mới có thể đồng điệu tâm hồn với mình, nhạc sĩ đã đem ru ngủ mối tình của chính mình: “ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn”. Dòng tóc đen của em hay cũng chính là mối tình tuyệt vọng của anh, anh sẽ “ru mãi ngàn năm”, sẽ chờ đợi, thuỷ chung, đó dường như không chỉ là lời nói mà còn là lời thề nguyện sâu kín với tình yêu.

Nếu hỏi tại sao lại là “ngàn năm” mà không phải là cái trăm năm hữu hạn của đời người thì có thể lý giải rằng, tâm thức âm nhạc Trịnh dường như luôn bị ảnh hưởng bởi các triết thuyết của Phật giáo thiền môn. Cái “ngàn năm” kia chính là vòng sinh tử luân hồi của con người qua muôn vạn kiếp sống chứ không chỉ vỏn vẹn một kiếp người.

Và “Bàn tay em năm ngón” anh cũng sẽ “ru trên ngàn năm”. Tại sao lại là bàn tay? Với âm nhạc Trịnh Công Sơn, bàn tay giống như một biểu tượng sống của tâm hồn, nghị lực, tình yêu,… Vậy nên anh sẽ ru mãi, ru thêm, “ru trên ngàn năm” chứ không chỉ “ngàn năm”. Bởi em vẫn còn non tơ “trên mùa lá xanh”, “ngón tay” em còn gầy mỏng, mong manh quá, làm sao chịu được những sóng gió của đời sống mà không đổ ngã, không làm gãy nát tình yêu của chính mình.

Không rõ khi nhận được những câu hát dành tặng cho mình, nàng thiếu nữ Dao Ánh của tuổi 15 có thể hiểu được bao nhiêu những điều thầm kín mà nhạc sĩ họ Trịnh ẩn giấu trong câu chữ. Chắc hẳn là rất ít, rất mơ màng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ hơn ai hết thấu hiểu điều đó. Nhưng ông vẫn viết, vẫn gửi cho nàng những lời hát như thơ, như mơ, dịu dàng, êm êm ấy như một nguồn sống để nuôi dưỡng, chăm chút cho mối tình của mình. Và có lẽ cả để ve vuốt cõi lòng đang cuộn trào của chính mình. Bởi là một người tình, ai không mong nhận được sự đáp trả tương xứng khi mà tình yêu đã chín mọng nhưng người yêu vẫn mãi ngây thơ.

Trong nhạc phẩm “Ru Đời Đi Nhé”, nhạc sĩ viết: “đôi môi em là đốm lửa hồng”. Nhưng đốm lửa hồng trên môi nàng thiếu nữ Dao Ánh tuổi 15 đã chẳng thể thắp sáng con đường tình của họ, chẳng thể sưởi ấm trái tim đang loạn nhịp của chàng nhạc sĩ. Vậy nên, nhạc sĩ dù rất yêu, dù khao khát đến bên người tình nhỏ để không còn cảnh “môi vắng vòng môi” (Xin Trả Nợ Người), vẫn đành dằn lòng mình bằng những lời ru hư thực, liêu trai:

Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm
Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm
Cho vừa nhớ nhung có em dỗi hờn
Nên mãi ru thêm ngàn năm 

Và trong mối tình ấy, chàng nhạc sĩ nguyện sẽ là người giữ lửa “cho vừa”. Một cách sử dụng ngôn từ vô cùng khéo léo, tinh tế, thể hiện sự trải nghiệm dày dặn và sâu sắc của chàng nhạc sĩ tuổi 25. Trong một cuộc tình dài lâu, chỉ có sự “vừa” này mới khiến người ta giữ được nhau lâu bền, chứ không phải sự cuồng nhiệt, nồng si hay kiêu kì, rượt đuổi nhau. “Cho vừa nhớ nhung, có em dỗi hờn” là một tâm thức yêu trong sự tỉnh táo, chủ động. Chàng dù yêu nàng vẫn luôn giữ cho mình một trạng thái tâm trạng cân bằng để giữ cho tình yêu lâu bền, và chuyện “em dỗi hờn” sẽ như là một thứ gia vị không thể thiếu làm nồng đượm, gắn kết thêm tình yêu của hai người.

Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ
Tay em kết nụ, nuôi trọn một đời
Nuôi một đời người
Mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi… 

Vì anh đã nguyện “ru mãi ngàn năm” nên em hãy “ngủ” đi. “Ngủ” ngoan trong cơn mưa tình dịu êm của anh. “Ngủ” êm trong sự tỉnh thức của chính mình để “tay em kết nụ”, để trưởng thành, để lớn lên hoàn thiện, để tâm hồn nở nhuỵ đơm hoa. Chỉ có đoá hoa tâm hồn tươi thắm, tràn đầy sinh lực trong em mới có thể “nuôi trọn một đời”, mới có thể vững vàng đưa em qua những thăng trầm của đời sống. Và “mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi”. Tại sao lại “ăn năn” khi mùa xuân đến? Trong đạo Phật và cả nhiều đạo giáo khác, hành động ăn năn, sám hối, xưng tội là một nghi thức quan trọng để gột rửa tinh thần con người, để làm mới bản thân, để đạt được niềm hạnh phúc và sự thanh thản từ gốc rễ tinh thần. Có lẽ vì vậy nên nhạc sĩ mới ru cho người tình nhỏ “ngủ” đi, “ngủ” êm trong tâm thức của chính mình, soi chiếu trong chính bản thân mình, để tìm niềm hạnh phúc, thanh thản từ trong chính bản thân, tìm thấy mùa xuân vĩnh cửu của cuộc đời trong chính tâm hồn mình chứ không phải dáo dác tìm kiếm giữa chợ đời. Điều này có lẽ thật khó lý giải cho một cô gái tuổi măng tơ còn rất ngây thơ, mông lung và nhiều đổi thay thất thường như nhạc sĩ đã viết trước đó trong nhạc phẩm Còn Tuổi Nào Cho Em:

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may


Click để nghe Khánh Ly hát Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng thập niên 1990

Những tâm tình tự sự đó, nhạc sĩ chỉ có thể trút vào âm nhạc, bầu bạn, chia sẻ cùng âm nhạc.  Ở nửa sau ca khúc, vẫn là giọng nhạc đó, vẫn là những tâm sự sâu sắc, trải đời của người nhạc sĩ đó nhưng da diết và nồng nàn hơn:

Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm
Giận hờn sẽ quên
Dáng em trôi dài trôi mãi trôi trên ngàn năm… 

Ru mãi ngàn năm vừa má em hồng
Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son
Vào trời lãng quên
Tóc em như trời xưa đã qua đi ngàn năm… 

Trong âm nhạc Việt, hiếm có nhạc sĩ nào yêu đời sống, tha thiết với đời sống và tận hưởng niềm vui của đời sống nhiều như Trịnh Công Sơn. Tình yêu đó có thể nồng đượm, vút cao như vậy có lẽ bởi ông đã trải qua những biến cố lớn ở đời ngay từ khi còn rất trẻ. Và chính thứ tình yêu tha thiết sâu sắc dành cho đời sống ấy, đã cho Trịnh một cái nhìn cận hơn về tình yêu đôi lứa, về đời sống tâm thức của chính mình và con người nói chung. Vì vậy mà âm nhạc của ông luôn có sự bao dung, nhân bản và yêu thương gần như tuyệt đối. Những “lời ru” của Trịnh dành cho người tình, cho đời, cho người chưa bao giờ thôi “miệt mài”, “vang vọng”. Bởi hơn ai hết, ông hiểu rõ sự vô thường, ngắn ngủi của đời sống như “mùa xanh lá vội”:

Còn lời ru mãi vang vọng một trời
Mùa xanh lá vội ru em miệt mài
Còn lời ru mãi, còn lời ru nầy
Ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai… 

Những giai điệu chầm chậm, êm êm, buồn buồn như một khúc nhạc ru kéo người nghe lạc vào những mê cung suy tư. Mỗi người từ những trải nghiệm trong đời sống riêng của mình sẽ có những lý giải, cảm nhận khác nhau cho những khúc nhạc tình của Trịnh, không ai giống ai. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận cái đẹp của âm nhạc Trịnh nằm ở sự thuần khiết trong ngôn từ; sự sâu lắng, mê hoặc của ý tứ ẩn dụ trên cái nền giai điệu trong veo và giản dị bất ngờ. Từng câu hát cất lên tựa như những lạch suối nhỏ tươi mát nơi rừng thiêng núi thẳm, luồn lách qua ngõ ngách tâm hồn, để mỗi người tự gội rửa và soi chiếu mình.

5. Tình Xa

Sau 4 năm yêu đương thư từ qua lại, năm 1967, Trịnh Công Sơn nén lòng nói lời chia tay vì nghĩ mình không thể mang lại hạnh phúc cho Dao Ánh. Vậy nhưng, hai năm sau đó, nghe tin người yêu chuẩn bị theo chồng, Trịnh Công Sơn liền viết ca khúc Tình Xa, gửi cho Dao Ánh với lời nhắn nhủ vô cùng xúc động:

“Chia vui với Ánh, loài chim thân yêu sắp bay vút ra khỏi bầu trời của anh”.

Bức thư được viết vào ngày 3/4/1969, điều này đồng nghĩa với việc ca khúc Tình Xa cũng được viết trong khoảng thời gian này:

Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa…

Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố,
Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình
Làm sao em biết đời sống buồn tênh…


Click để nghe Khánh Ly hát Tình Xa

6. Xin Trả Nợ Người

“Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy… Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng… Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm…”.  Đó là những dòng thư tha thiết, nồng nàn, tràn ngập yêu thương mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi cho người yêu Dao Ánh. Trong 4 năm yêu đương, riêng nhạc sĩ đã viết tổng cộng khoảng 300 lá thư tình và lá thư nào cũng như một dòng thác lũ tuôn tràn những ngôn từ yêu thương, nhớ nhung da diết dành cho Dao Ánh.

Ngay cả khi đã nén lòng làm kẻ phụ bạc, nói lời chia tay trước trong cuộc tình tuyệt vọng của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn luôn trân trọng, yêu thương, nhung nhớ người con gái nhỏ có mái tóc đen dài và đôi mắt trong veo như hồ thu ấy. Hai năm sau ngày chia tay, năm 1969, Dao Ánh theo gia đình qua Mỹ và kết hôn, tin tức này đưa tới Trịnh Công Sơn như một vết thương cứa vào trái tim của người nhạc sĩ đa sầu đa cảm.

Năm 1989, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp lại nàng Dao Ánh của mình tại Paris. Cuộc tái ngộ ngắn ngủi sau hai mươi năm đã gợi lại những xúc cảm rung động mạnh mẽ trong lòng nhạc sĩ. Tháng 11 năm 1991 trong một bức thư gửi tình cũ, ông thổ lộ: “Thú thực, anh chưa quên cái nhìn quay lại ở Paris ở bouche metro rue Monge quận 5 Paris một ngày tháng 6/1989”. Dường như bất kỳ khoảnh khắc gặp gỡ nào giữa hai người cũng được nhạc sĩ khắc cốt ghi tâm.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh năm 1993

Đầu năm 1993, Dao Ánh từ Mỹ trở về Việt Nam và tìm tới nhà thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không rõ họ đã nói gì với nhau. Chỉ biết sau cuộc hội ngộ đó, Dao Ánh trở về Mỹ và ly dị chồng, còn Trịnh Công Sơn thì viết ca khúc Xin Trả Nợ Người ngay trong đêm mùng 3 tết năm đó.

Hai mươi năm xin trả nợ người
Trả nợ một thời em đã bỏ ai
Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi 

Dù cuộc tình đã hết, dù người đã cất bước đi lấy chồng không một lời từ biệt nhưng duyên chưa tận, nợ chưa trả xong, nên mãi đến hai mươi năm sau vẫn vương vấn nhau. Và vì còn duyên nợ đó nên xin em hãy trả cho anh. Là “nợ”, nhưng anh chỉ ngỏ lời “xin” chứ không đường đột “đòi”. Qua bao bể dâu, Dao Ánh không còn là nàng thiếu nữ xinh đẹp, tươi trẻ nữa, đôi mắt hẳn đã không còn trong trẻo, lóng lánh, dấu chân chim cũng đã hằn trên đuôi mắt nàng nhưng tình yêu của chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn như thuở nào, vẫn rất dịu dàng và  đầy trân trọng.

Tuy chỉ là xin, anh cũng ráng xin cho thật nhiều, “xin trả nợ dài”. Không phải trả một lần mà hết đâu, mà phải trả cho nhau “dài lâu”, trả đủ “nợ một đời em đã phụ tôi”.

Em phụ tôi một đời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi 

Nhạc sĩ không trách người yêu bỏ ông đi lấy chồng, không trách hờn vì em đã yêu người khác. Ông chỉ trách nhẹ người cũ suốt hai mươi năm qua đã “không nhớ gì tôi”, đã “quên hết tình tôi”. 

Điều này từng được nhắc đến trong lá thư gửi Dao Ánh tháng 8-1989 sau cuộc tái ngộ đầu tiên của hai người qua hai mươi năm, tại Paris: “Anh không thấy Ánh thay đổi gì cả. Cứ như vậy mãi mãi. Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Ánh thì chẳng giữ lại gì cả. Thế mà cũng hay. Hãy để một người khác giữ và mình thì lãng quên hoặc nhớ trên một văn bản không bao giờ có thực. Anh nhớ Ánh như những ngày xưa… Hôm gặp Ánh ở Monge buồn muốn khóc.”

Và bởi khi em ra đi, khi em phụ tôi, em còn bé dại, thơ dại lắm nên tôi không giận hờn, oán trách gì em cả. Bây giờ em đã quay lại rồi, không còn thơ dại nữa thì xin em… xin em hãy trả “nợ tình” cho tôi.

Vậy mới thấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khéo léo, ý nhị và tinh tế đến nhường nào. Tinh tế và thận trọng trong cách sử dụng từng từ từng chữ. Đến đây, hẳn cánh phụ nữ sẽ thầm suýt xoa ganh tị với người phụ nữ mang tên Dao Ánh, dù đã qua tuổi tứ tuần vẫn được yêu chiều, nâng niu như thời con gái. Còn cánh đàn ông chắc hẳn sẽ ngả mũ bái phục biệt tài rót mật vào tai phụ nữ của người nhạc sĩ tài hoa này.


Click để nghe chính Trịnh Công Sơn hát ca khúc Xin Trả Nợ Người

Hai mươi năm em trả lại rồi
Trả nợ một đời xa vắng vòng tay
Hai mươi năm vơi cạn lại đầy
Trả nợ một thời môi vắng vòng môi

Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào
Trả nợ một đời chưa hết tình sâu
Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu
Trả nợ một đời không hết tình đâu 

Thế giới thật tròn trĩnh và bé nhỏ, đi khắp một vòng rồi lại tìm về với nhau. Tình em ngỡ đã “vơi cạn” tự bao giờ “lại đầy” trở lại.

“Hai mươi năm em trả lại rồi”, vì em trả nên anh phải quyết “xin” cho đủ, cho khoả lấp hết những buồn thương, mong nhớ suốt hai mươi năm. Chàng nhạc sĩ đã xin gì trong món nợ tình đó? Là vòng tay xa vắng, là bờ môi, là ngọt ngào, là nợ “răng long đầu bạc”,…

Hãy để ý đến cách sử dụng ngôn từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những câu hát này. Không phải là “vòng tay ôm” mà là “xa vắng vòng tay”, không phải là “môi hôn” mà là “môi vắng vòng môi”. Những ngôn từ vô cùng bay bổng, vô cùng tinh khôi, kín kẽ và lãng mạn có lẽ chỉ thường dùng cho những nàng thiếu nữ chưa trải sự đời chứ không phải là nói với một người đàn bà từng trải. Phải chăng, nhạc sĩ kín đáo nói rằng, tình yêu mà ông dành cho Dao Ánh mãi mãi không đổi dời, mãi mãi là tình yêu thuở ban đầu ngọc ngà tinh khiết dành cho cô gái nhỏ tuổi 15.

Và bởi vì vậy nên em có “trả nợ một đời” cũng “chưa hết tình đâu” bởi tình anh sâu nặng lắm.

Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu
Trả nợ một lần quên hết tình đau
Hai mươi năm vẫn là thuở nào
Nợ lại lần này trong cõi đời nhau

Em trở về. Anh bất ngờ đón nhận tình yêu của em như một bài thuốc tiên “mầu nhiệm“. Mọi hờn trách, sầu bi, nuối tiếc của chia ly, phụ bạc trong anh bỗng chốc tan biến, nhạt nhoà như chưa từng hiển hiện. Trong mắt anh, em của hai mươi sau “vẫn là thuở nào”, vẫn nguyên vẹn một hình bóng yêu thương đó trong tim anh chưa từng phai mờ.

Trong lá thư gửi người tình vào tháng 3 năm 1993, sau khi Dao Ánh trở về tìm gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn và quay lại Mỹ, ông viết về cảm xúc của những ngày ngắn ngủi “có lại nhau”:

“…Về giữa đêm nằm ngủ một mình lại nhớ những ngày ngắn ngủi và êm đềm đã qua. Có một cái gì đó như là giấc mộng, một thứ thực tại hầu như không có thực. Một dĩ vãng tưởng chừng sẽ mất hút mãi mãi bỗng dưng còn đó, trở về như một hiện tại, như của ngày hôm nay. Tất cả những hình ảnh đó cứ trôi đi bềnh bồng trong anh và cứ buộc anh phải cầm ly rượu lên để mà nhớ. 

Anh gửi Ánh cái hộp laque đựng bijoux. Đựng luôn trong đó nỗi nhớ của anh và nếu cần Ánh hãy bỏ cả nỗi nhớ của Ánh vào đó.

Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh, nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quãng đời dài hơn hai mươi năm. Đi từ Huế tới Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng dòng nước ngầm không quên lãng.

Nhớ Ánh tournesol vô cùng nhớ.”

Nhạc sĩ đã thầm mong ước về một mối tình vĩnh hằng, vô biên bởi “Trả nợ một đời không hết tình đâu”, nên dù em “trả một lần” anh đã “quên hết tình đau” nhưng điều đó là không đủ. Hai mươi năm đã trôi qua, dâu bể đã đổi dời, tình yêu của anh dành cho em vẫn y nguyên đó và em cũng vậy, “vơi cạn lại đầy”. Nhưng “hai mươi năm vẫn là thuở nào”, quá khứ một lần nữa quay lại, những vướng mắc trong đời nhau hai mươi sau trước và hai mươi năm sau lại tiếp tục cản ngăn hai người đến bên nhau. Vậy nên, anh lại đành tiếp tục cho em “nợ lại”. Nhưng em hãy nhớanh chỉ cho em nợ lại lần này, trong cõi đời này thôi. Câu hát cuối cùng “Nợ lại lần này trong cõi đời nhau” giống như một lời ước hẹn cho mai sau…, cho vĩnh hằng.

Đúng như lời hát, trong thực tế, dù duyên nợ vẫn còn đó, chưa thể trả cho nhau nhưng hai người vẫn vướng mắc vào nhau mãi không thể buông được cho đến tận cuối đời. Hoạ sĩ Đinh Cường – Một người bạn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã kể lại rằng: “Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao Ánh về thăm. Suốt tuần, sáng nào Dao Ánh cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà”. 

Dáng vẻ của nàng Dao Ánh khi ấy, trong những giờ phút cuối cùng bên người nhạc sĩ đã dành cả một đời để yêu mình, hẳn rất chông chênh và cô độc. Bởi khi quyết định trao lại 300 bức thư tình đầy ắp kỷ niệm của hai người, mà bà vẫn luôn gìn giữ và trân trọng, cho gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất bản thành sách, Dao Ánh tâm sự, điều đó đồng nghĩa với việc bà đang tự ɡιết chính mình. Bởi nhờ nó, mà suốt mấy chục năm qua, bà luôn cảm thấy có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở bên cạnh. Nhưng bà nghĩ rằng, những di sản và tài hoa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là để dành tặng cho đời, cho người nên bà không có quyền giữ lại cho riêng mình.

Sau đây, mời các bạn nghe lại Khánh Ly hát Xin Trả Nợ Người, cùng lời dẫn đọc lại thử của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Click để nghe Khánh Ly hát

“Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh, nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quãng đời dài hơn hai mươi năm. Đi từ Huế lên Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng nước ngầm không quên lãng.

Anh không thấy Ánh thay đổi gì cả, cứ như vậy mãi mãi. Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Anh thì chẳng giữ lại gì cả. Thế mà cũng hay, hãy để một người khác giữ, và mình thì lãng quên, hoặc giữ trên một văn bản không bao giờ có thực.

Có những hạnh phúc không bao giờ mình đến gần được. Bình thường thôi, anh sống một mình và cố tìm một niềm vui của riêng anh.”

Bài viết của Đông Kha – Niệm Quân (chuyenxua.net)

Viết một bình luận