Nhật Trường – Trần Thiện Thanh, một sự nghiệp lừng lẫy, và lý do thất bại tại hải ngoại


Nghe podcast Nhật Trường Trần Thiện Thanh – sự nghiệp trên nước Mỹ

Sau tháng 4 năm 1975, toàn bộ các sáng tác nhạc của Trần Thiện Thanh bị cấm lưu hành, bản thân ông không chỉ bị cấm hát, mà còn bị đưa đi trại tù, do ông từng làm việc trong quân đội chế độ cũ.

Nếu như sự nghiệp của Nhật Trường Trần Thiện Thanh thời điểm trước năm 75 vô cùng rực rỡ, được xưng tụng là 1 trong tứ trụ nhạc vàng, thì quãng thời gian sau năm 75 hoàn toàn ngược lại, được tóm gọn bằng hai chữ: lận đận.

Sau khi về nhà từ trại cải tạo, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh tìm cách vượt biên, nhưng thất bại, nên lại bị bắt giam, đến tận năm 1978 mới được thả. Thời gian sau đó, do bị cấm hoạt động văn nghệ, ông phải đi hát chui theo đoàn hát của ông bầu Ngọc Giao để mưu sinh tại một số làng xã nhỏ dọc miền Trung và miền Tây Nam Bộ.

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh lấy vợ từ rất sớm, từ lúc tuổi đôi mươi, và có với người vợ đầu tên là Trần Thị Liên 6 người con. Họ chia tay nhau từ trước năm 75.

Sau năm 1975, ca sĩ Nhật Trường theo các đoàn hát, rồi quen biết với nữ ca sĩ Kim Dung. Sau đó 2 người kết hôn. Bà Kim Dung cũng chính là ca sĩ Hạnh Dung, trước năm 75 đã đi hát trong Biệt đoàn văn nghệ trung ương, từng là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Lam Phương sáng tác ca khúc nổi tiếng Thành Phố Buồn.

Hai người có với nhau người con chung là Trần Thiện Anh Chính. Nhưng sau đó 2 người cũng chia tay.

Thập niên 1980, đầu thập niên 1990, là thời kỳ cực thịnh của nền âm nhạc hải ngoại, cũng là thời vàng son của băng đĩa, nhưng đó cũng là thời điểm hoàn toàn vắng bóng cái tên lừng lẫy một thời: Nhật Trường Trần Thiện Thanh, do ông vẫn còn lại ở trong nước, sống một cách âm thầm.

Không thể rời Việt Nam bằng đường biển, Trần Thiện Thanh đi bằng đường kết hôn giả. Đó là năm 1993, ông được nữ ký giả Nam Trân bảo lãnh sang Mỹ theo diện hôn nhân. Tuy nhiên sau đó, vì hai người xảy ra mâu thuẫn, nên Trần Thiện Thanh không được hợp thức hóa việc di trú.

Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã phải sống trong tình trạng di trú dang dở như vậy, cho đến khi con trai trưởng của ông là Trần Thiện Anh Chương có thẻ xanh trước và đủ điều kiện bảo lãnh cho ông.

Tuy vậy, vì vẫn chưa có thẻ xanh nên Nhật Trường Trần Thiện Thanh không thể lưu diễn ở bên ngoài nước Mỹ. Thời điểm đó, cộng đồng người Việt tị nạn đã tương đối ổn định cuộc sống, nên có nhu cầu rất lớn về nghe nhạc để tìm về kỷ niệm xưa.

Trong khi các đồng nghiệp đi lại như con thoi giữa châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, để hát phục vụ cộng đồng người Việt ở khắp thế giới, thì Nhật Trường Trần Thiện Thanh vẫn loay hoay tìm hướng đi ở nước Mỹ. Dù là một tượng đài của nhạc vàng trước 1975, nhưng trên xứ Mỹ này thì ông là chỉ người mới, chân ướt chân ráo, chưa thông thạo đường đi nước bước.

Phải đợi mãi cho đến ngày 12 tháng 5 năm 2004, tức chỉ 1 năm trước khi qua đời vì bệnh ung thư, ông mới nhận được “thẻ xanh” để có thể đi trình diễn ngoài nước Mỹ. Lúc đó ông đang sống chung với người vợ sau cùng, là nữ ca sĩ Mỹ Lan, có với nhau một người con là Trần Thiện Anh Chí.

Từ một tượng đài của nhạc vàng trước 1975, nhưng sau 1 thời gian dài mới trở lại âm nhạc, Nhật Trường Trần Thiện Thanh lại gặp rắc rối pháp lý trên xứ người, sau đó lại không đạt được thành công như mong muốn trong các hoạt động âm nhạc, đó là sự tiếc nuối rất lớn đối với riêng ông, và đối với cả công chúng yêu nhạc Trần Thiện Thanh.

Trong một bài viết, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã phần nào giải thích lý do tại sao Nhật trường Trần Thiện Thanh đã không thể thành công tại hải ngoại, như rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam khác.

Thứ nhất là bởi, khi Trần Thiện Thanh đến được Mỹ vào năm 1993, thì âm nhạc hải ngoại đã qua đời đỉnh cao nhất, bắt đầu đi xuống dốc, sau khi đã được định hình với một số tên tuổi nổi bật.

Thứ hai, tình trạng di trú không hợp pháp làm cho ông không thể đi lưu diễn nước ngoài.

Thứ ba, khi mới bước chân đến Mỹ, Trần Thiện Thanh dường như vẫn mang trên mình hào quang quá sáng chói của quá khứ, và rất kỹ tính trong công việc. Theo chia sẻ của em xi Nguyễn Ngọc Ngạn, mặc dù trung tâm Thuý Nga đã làm việc với Trần Thiện Thanh tận 4 lần, khi ông vừa tới Mỹ, nhưng vẫn không thể đạt được thoả thuận hợp tác. bởi vì, theo nguyên văn lời Nguyễn Ngọc Ngạn:

“Trần Thiện Thanh đòi nhiều điều kiện khó khăn quá. Ngoài tiền tác quyền anh tính quá cao so với các nhạc sĩ khác, anh còn muốn can dự cả vào việc chọn bài bản và mời ca sĩ trình diễn”.

Trong khi thời điểm đó, Thuý Nga là trung tâm ca nhạc duy nhất sản xuất các chương trình băng nhạc chủ đề cho các nhạc sĩ. Trong 3 trung tâm âm nhạc hoạt động sôi nổi ở hải ngoại thời điểm đó là Thuý Nga, Asia, và Mây Productions. Trần Thiện Thanh đã chọn cộng tác với chương trình Hô li wuốt Night của trung tâm Mây, nhưng đây lại là trung tâm ngưng hoạt động đầu tiên, kể từ đầu thập niên 2000, do nạn băng đĩa lậu hoành hành.

Ngoài ra, Trần Thiện Thanh cũng thành lập trung tâm Nhật Trường Productions để thu thanh, thu hình các ca khúc hay nhất của ông. Tuy nhiên, do đầu tư tài chính hạn hẹp, kỹ thuật sản xuất thô sơ, các sản phẩm âm nhạc của Trần Thiện Thanh đã không thể cạnh tranh với các sản phẩm âm nhạc có kỹ thuật cao của các trung tâm khác.

Cũng theo MC Nguyễn Ngọc Ngạn, tính cách của Nhật Trường Trần Thiện Thanh ngoài đời khá lạnh lùng, trầm tư, và không mấy thân thiện, nên đa phần các nghệ sĩ lớn nhỏ đều ngần ngại, ít dám kết thân dù vẫn ngưỡng mộ tài năng của ông.

Sở dĩ như vậy, có lẽ là vì sự nghiệp trên đất Mỹ đã không đúng như ý muốn, không theo như kế hoạch, nên ông ít khi mở được lòng với đồng nghiệp.

Ngoài ra một lý do nữa là, Nhật Trường Trần Thiện Thanh vẫn rất kỹ tính trong công việc giống hệt như trước năm 75. Điều đó là tốt, nhưng chỉ khi ông đã là một tên tuổi lớn trong một môi trường mà ông đã thông thạo. Nhưng lúc này, trên xứ người, điều đó lại phản tác dụng khi ông muốn gầy dựng lại sự nghiệp từ con số không trên đất Mỹ.

Theo chia sẻ của nữ ca sĩ Mỹ Lan, người vợ sau cùng của Nhật Trường Trần Thiện Thanh, dù là một người có lòng tự tôn cao, nhưng trong gia đình, Trần Thiện Thanh là một người chồng tốt, rất yêu thương và lo lắng cho vợ con. Ông có tài nấu ăn rất ngon, và hầu như luôn cáng đáng mọi công việc lớn nhỏ trong nhà thay cho vợ.

Năm 2006, chỉ một năm sau khi ông qua đời, Trung tâm Asia đã thực hiện chương trình đặc biệt, mang tên. Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Anh không chết đâu anh. Cuốn băng này thành công vang dội, đem lại doanh thu lớn cho trung tâm Asia. Tới năm 2009, trung tâm này thực hiện tiếp, “Nhật Trường Trần Thiện Thanh 2”. Hai chương trình này thành công đến nổi, cho đến nay vẫn nắm giữ kỷ lục về số lượng đĩa bán ra ở hải ngoại.

Như vậy là, chỉ sau khi qua đời, âm nhạc của Trần Thiện Thanh mới đạt được những thành công vang dội đến như vậy, tính từ thời điểm sau năm 75.

Tuy nhiên ngay sau đó, việc tranh chấp bản quyền nhạc Trần Thiện Thanh, giữa các con của ông và người vợ sau cùng của ông là ca sĩ Mỹ Lan, đã làm cho các trung tâm băng nhạc hải ngoại khó tiếp cận được với nhạc Trần Thiện Thanh để hát trong các chương trình. Còn ở trong nước, thì cũng tương đối dè dặt với nhạc của ông, vốn gắn liền với những ca khúc nhạc lính nổi tiếng.

Những năm gần đây, khi vấn đề tác quyền nhạc Trần Thiện Thanh được tháo gỡ xong, và cùng với việc nhạc vàng quay trở lại trong nước một cách bùng nổ, thì nhạc của Trần Thiện Thanh được tiếp cận nhiều trở lại. Với số lượng lớn các ca khúc nổi tiếng trong một sự nghiệp đồ sộ, hiện nay nhạc của Trần Thiện Thanh nằm trong tốp số tiền tác quyền được trả nhiều nhất trong số các nhạc sĩ Việt Nam, ước tính hàng tỷ đồng mỗi tháng.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận