Công viên Bách Tùng Diệp – Công viên nằm giữa trung tâm Sài Gòn – dấu tích đặc biệt của đế quốc Tây Ban Nha

Ít ai biết rằng, để biến Việt Nam thành thuộc địa của mình, nước Pháp không chỉ mượn danh nghĩa từ cái chết của một giám mục người Tây Ban Nha mà còn nhờ sự hỗ trợ đắc lực của hải quân Tây Ban Nha để nhanh chóng đánh chiếm Nam Kỳ. Chính vì vậy, đế quốc Tây Ban Nha, bằng một cách gián tiếp, đã theo chân người Pháp để lại ít nhiều những dấu tích tại Sài Gòn.

Ngày 20-7-1857, dưới thời vua Tự Đức, Giám mục người Tây Ban Nha là José María Díaz Sanjuro (tên Việt là An) bị xử tử hình tại pháp trường Bảy Mẫu. Việc này ngay lập tức trở thành cái cớ chính đáng để thực dân Pháp châm ngòi cho công cuộc đánh chiếm và đô hộ Việt Nam suốt gần một trăm năm sau đó.

Đây là hệ quả tất yếu của nhiều yếu tố dồn lại. Đó là chính sách bế quan tỏa cảng cứng nhắc và chính sách cấm đạo gắt gao suốt từ thời vua Minh Mạng đến thời vua Tự Đức của triều đình Huế. Còn thực dân Pháp thì không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để mở rộng hệ thống thuộc địa.

Ngay sau khi giám mục người Tây Ban Nha bị hành quyết, hải quân Pháp lập tức liên minh với hải quân Tây Ban Nha lúc này đang đóng tại Philippines (thuộc địa của Tây Ban Nha) để tiến đánh Nam Kỳ. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, hải quân Tây Ban Nha rút lui, để cho Pháp toàn quyền cai quản tại vùng thuộc địa mới chiếm được.

Để tri ân sự giúp đỡ này của hải quân Tây Ban Nha, năm 1865, khi quy hoạch Sài Gòn, người Pháp đã đặt tên một con đường lớn ở trung tâm là Isabelle II, theo tên của nữ hoàng Tây Ban Nha (trị vì từ 1833-1868); Và một con đường khác nối vào đường Isabelle II, mang tên Palanca, theo tên của đại tá Carlos Palanca, chỉ huy đội quân Tây Ban Nha hỗ trợ quân Pháp trong trận đại đồn Chí Hòa đánh với tổng tư lệnh Nguyễn Tri Phương.

Năm 1870, hai con đường Palanca và Isaballe II nhập thành một, đổi tên thành đường d’Espagne (tức là đường Tây Ban Nha), chính là đường Lê Thánh Tôn ngày nay.

Một địa điểm nổi tiếng khác có liên quan tới Tây Ban Nha ở Sài Gòn là công viên Bách Tùng Diệp (nay là công viên Lý Tự Trọng), nằm đối diện Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng TpHCM), trên đường Gia Long (đường Lý Tự Trọng ngày nay).

Công viên Bách Tùng Diệp trong ô tròn, nằm giữa các công trình quan trọng của Sài Gòn

Ngay từ khi bắt tay vào việc quy hoạch Sài Gòn từ năm 1862, Pháp đã quy hoạch cho Tây Ban Nha một khu đất riêng nằm giữa trung tâm Sài Gòn. Theo công ước chính thức đã được ký kết, Tây Ban Nha được trao tặng miễn phí lô đất 3000m2 ở phía bắc ngã ba đường La Grandière và đường Mac-Mahon (tức ngã ba Lý Tự Trọng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay), nhưng chỉ được phép sử dụng để xây Lãnh sự quán Tây Ban Nha, không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác.

Một thời gian sau, người ta dựng lên trên mảnh đất này một ngôi nhà cổ theo phong cách của người An Nam, dùng làm nơi ở cho các sĩ quan hải quân Tây Ban Nha. Phái đoàn Tây Ban Nha sau đó lặng lẽ rời khỏi Sài Gòn, không hề có kế hoạch hay ý định gì về việc xây dựng một lãnh sự quán tại khu đất này. Các vấn đề ngoại giao của Tây Ban Nha tại Nam Kỳ được giao lại toàn bộ cho cơ quan Ủy Quyền lãnh sự Bồ Đào Nha. Có thể thấy, trái ngược với sự vồ vập của Pháp, đế quốc Tây Ban Nha tỏ ra thờ ơ với mảnh đất màu mỡ Đông Dương.

Trong nửa thế kỷ tiếp theo, khi các đường quanh vùng đất này đã phát triển thành “tam giác quyền lực”’ – bao gồm Tòa Án, Khám Lớn và Dinh Phó Soái (ngày nay là Tòa Án, Thư viện khoa học tổng hợp và Dinh Gia Long), khoảng đất này được xem là một “lãnh thổ” nhỏ bé của Tây Ban Nha hiện diện ở Đông Dương, được gọi bằng cái tên giản dị là Jardin d’Espagne, dịch nghĩa là Vườn Tây Ban Nha.

Jardin d’Espagne trên bản đồ Sài Gòn 100 năm trước (màu xanh lá cây)

Dù bị chính quyền Tây Ban Nha bỏ rơi trong suốt 60 năm sau đó, Jardin d’Espagne vẫn được các nhân viên Thảo Cầm Viên chăm sóc chu đáo, biến nơi đây thành một công viên công cộng xanh tươi có vườn hoa, thảm cỏ và đặc biệt là cây đa cổ thụ tọa lạc lâu đời tỏa bóng mát rượi cho tới tận ngày nay.

Jardin d’Espagne nằm đối diện dinh Gia Long

Năm 1919, Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh tại số 4 đường Georges-Guynemer (nay là đường Hồ Tùng Mậu) đã để mắt đến Jardin d’Espagne nhằm xây dựng một lãnh sự quán lớn hơn phục vụ cho công việc. Họ bèn viết thư cho chính quyền thuộc địa tại Sài Gòn, đề nghị chính phủ Tây Ban Nha nhượng lại miếng đất này cho Anh Quốc. Trong suốt 8 năm từ 1919 đến 1927, rất nhiều cuộc đàm phán, thương thuyết giữa ba bên là Pháp, Tây Ban Nha và Anh Quốc đã diễn ra về việc sang nhượng khu đất.

Ngày 10 tháng 11 năm 1927, Lãnh sự quán Bồ Đào Nha, cơ quan nhận được sự ủy quyền của chính phủ Tây Ban Nha đã ký công ước nhượng lại Jardin d’Espagne cho Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh, trước sự chứng kiến và đồng ý của chính quyền thuộc địa Sài Gòn.

Sau hơn 60 năm bị lãng quên, Jardin d’Espagne chính thức được thay đổi mục đích sử dụng, trở thành đất của Tổng lãnh sự Quán Anh. Tuy nhiên, tòa nhà mới của Tổng Lãnh Sự Anh cuối cùng lại không được xây dựng tại đây. Nguyên nhân vụ việc được ghi rõ trong báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ Paul Blanchard de la Brosse gửi tới Hội đồng quản hạt. Đó là sau khi khảo sát kỹ hơn về Jardin d’Espagne vào tháng 12 năm 1927,  Tổng lãnh sự của Vương quốc Anh kết luận lại rằng miếng đất này không đủ rộng để xây một tòa lãnh sự quán theo quy mô dự tính, và vị trí này cũng không thích hợp để xây lãnh sự quán.

Về phần chính quyền địa phương, các thành viên trong Hội đồng quản hạt sau khi nghe báo cáo cũng đồng thuận muốn giữ nguyên chức năng của Jardin d’Espagne, là một mảng xanh giữa thành phố để làm nơi thư giãn của người dân và nơi vui chơi của trẻ em.

Cuối cùng, hai bên đã đồng thuận trao đổi khu đất Jardin d’Espagne với lô đất số 7 trên đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn), nằm giữa 2 con đường de Massiges (nay là đường Mạc Đĩnh Chi) và Lucien Mossard (nay là đường Nguyễn Du), có diện tích 3.548m² . Tính giá thị trường của 2 mảnh đất này khi đó là tương đương nhau. Vụ trao đổi được chính thức thực hiện sau khi ông F. Grosvenor Gorton, Tổng lãnh sự Anh Quốc viết thư cho Thống đốc Nam Kỳ xác nhận đồng ý vào ngày 25 tháng 4 năm 1928.

Quy hoạch của Lô 7 với diện tích 3.548m² trên Đại lộ Norodom, mà Tổng lãnh sự quán Anh đã trao đổi với Jardin d’Espagne. Ảnh: saigoneer.com

Vụ việc trao đổi này khiến cả hai phía đều vô cùng hài lòng. Phía Vương quốc Anh thì đổi được một miếng đất rộng đẹp nằm trên đại lộ lớn nhất Sài Gòn để xây Lãnh sự quán. Còn phía Pháp càng vui mừng hơn, vì thật ra Jardin d’Espagne nằm ngay đối diện Dinh Phó Soái, tức là dinh làm việc của Thống đốc Nam Kỳ (Dinh Gia Long, nay là bảo tàng Tp.HCM). Việc một lãnh sự quán tọa lạc ngay chính diện tòa nhà của dinh Thống đốc Nam Kỳ có vẻ không được phù hợp.

Từ dinh Phó Soái nhìn qua Jardin d’Espagne
Dinh Gia Long, nơi làm việc của Thống đốc Nam Kỳ, nằm ngay đối diện Jardin d’Espagne 

Ngày 6 tháng 10 năm 1928, báo ‘Les Annales Coloniales’ đã xuất bản một bài báo có tên “Lãnh sự quán tương lai của Anh tại Sài Gòn”, báo này ghi chép lại việc trao đổi Jardin d’Espagne cho lô đất trên Đại lộ Norodom, và cho biết kế hoạch xây tòa nhà lãnh sự mới sẽ được lập tại London và thực hiện tại Sài Gòn dưới sự giám sát của một hoặc nhiều kiến trúc sư người Anh. Thiết kế của tòa lãnh sự quán Anh tại Sài Gòn sẽ giống thiết kế của các lãnh sự quán Anh tại Bangkok và một số thành phố lớn ở Trung Quốc; với kiến trúc phổ thông, mang đậm nét địa phương ở Nam kỳ.

Lô đất trên đại lộ Norodom chính thức được bàn giao cho phía Anh vào ngày 21 tháng 12 năm 1928. Tuy nhiên, phải mất đến vài năm sau đó thì Tổng Lãnh sự quán mới của Anh mới được hoàn thành và tọa lạc tại số 21 Đại lộ Norodom (nay là số 25 Lê Duẩn). Một điều đáng tiếc là trong hàng chục ngàn tấm ảnh Sài Gòn 100 năm trước còn lưu lại cho tới nay, không có hình ảnh chụp nào của công trình này.

Năm 1944, tòa nhà Lãnh sự quán Anh trên đại lộ Norodom bị hư hại nặng sau khi bị quân đồng minh ném bom. Từ sau năm 1950, Tổng Lãnh sự quán Anh trở thành Đại sứ quán Anh tại Quốc gia Việt Nam (sau 1955 là VNCH).

Năm 1959, tòa nhà Đại sứ quán Anh được xây dựng lại theo thiết kế hiện đại của kiến trúc sư người Việt là Phạm Văn Thâng, thuộc Công ty liên danh kiến trúc Hoa Thâng Nhạc nổi tiếng. Đại sứ quán này hoạt động cho đến năm 1975 với tư cách là Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.

Một số hình ảnh công trình Đại sứ Anh theo thiết kế của Phạm Văn Thâng:

Sau 1975, tòa nhà này được chính quyền trưng dụng làm trụ sở của Sở Thể Dục Thể Thao, sau đó được trao trả lại cho chính phủ Anh để trở lại thành Tổng Lãnh Sự Quán Anh cho tới nay.

Trở lại với Jardin d’Espagne, tức công viên Bách Tùng Diệp – công viên Lý Tự Trọng. Sau vụ việc trao đổi vào năm 1928, Jardin d’Espagne chính thức trở thành một công viên công cộng thuộc quyền quản lý của Cục Địa Bạ.

Năm 1955, Jardin d’Espagne được đổi tên thành công viên Liên Hiệp, và sau năm 1975 thì đổi tên thành công viên Bách Tùng Diệp hay còn gọi là công viên Lý Tự Trọng (vì nằm trên đường Lý Tự Trọng).

Vào đầu những năm 1980, chính quyền đã giải tỏa và phá bỏ các tòa nhà lân cận để mở rộng diện tích công viên lên gấp đôi. Vì vậy, ngày nay công viên này nằm trải dài giữa đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Pasteur.

Bài: Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận