Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và hoàn cảnh sáng tác ca khúc bất hủ Nắng Chiều: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều…”

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sinh năm 1926, được xem là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam thời tiền chiến. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người bạn thân thiết cùng thời với Lê Trọng Nguyễn từng nhận xét, ông không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một học giả uyên bác về âm nhạc. Tuy sáng tác và am hiểu về âm nhạc, lại từng nhiều lần đi dạy nhạc, nhưng nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác không nhiều, bởi con đường sự nghiệp chính mà ông gắn bó là kinh doanh. Ngay từ năm 1965, khi chưa tròn 30 tuổi, Lê Trọng Nguyễn đã đảm nhiệm chức danh giám đốc trong một công ty thương mại của Pháp. Cho đến năm 1975, ông đã kinh qua nhiều vị trí giám đốc quản lý trong các doanh nghiệp lớn.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn

Lê Trọng Nguyễn sáng tác ca khúc đầu tay từ năm 1946. Gia tài âm nhạc của ông vỏn vẹn chỉ có vài chục ca khúc. Tất cả đều rất trau chuốt về giai điệu và ngôn từ, nổi bật nhất phải kể đến là ca khúc Nắng Chiều. Một nhạc phẩm nổi tiếng không chỉ được yêu thích tại Việt Nam mà còn được chuyển ngữ và hát bằng nhiều thứ tiếng khác nhau ở Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan,… với nhiều cái tên thân thuộc như Việt Nam Tình Ca hay Nam Hải Tình Ca.

Ca khúc Nắng Chiều được nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác vào năm 1953 tại Huế, trong niềm xúc cảm, nhớ thương về một bóng hồng đã đi qua đời ông. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ từng chia sẻ với phóng viên như sau:

“Tôi viết bản đó ở Huế, thời gian sau khi bỏ vùng kháng chιến về thành… Tâm sự tôi trong bài Nắng Chiều nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 3 năm 1945, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!”.

Tuy nhiên, cô gái sau thời gian tá túc ở Hội An, đã theo gia đình tiếp tục chạy loạn đến nơi khác khiến hai người bặt tin nhau. Tình yêu của đôi trai gái vừa chớm nở vì vậy cũng không thể tiến xa hơn. Đến năm 1953, tức là 8 năm sau đó, khi cùng bạn đến Cung Diên Thọ trong Thành Nội Huế để thăm viếng đức Từ Cung, nhạc sĩ tình cờ gặp lại người quen cũ ở Hội An khi xưa. Trong câu chuyện qua lại, nhắc nhớ những kỷ niệm xưa cũ, hình ảnh người con gái dịu dàng với mái tóc thề, đôi mắt long lanh xưa kia bất chợt trở lại rúng động trái tim chàng nhạc sĩ. Và nhạc phẩm Nắng Chiều ra đời trong dòng tâm trạng đầy hoài niệm đó.


Click để nghe Kim Anh – Thái Doanh Doanh hát

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa

Những lời hát đưa đẩy nhẹ nhàng vừa tình tự, lả lướt vừa phảng phất những nét buồn “lưa thưa”. Cái buồn đó không bi luỵ, không sầu rơi, ảm đảm mà vương vương, mang mang  như chính vùng đất mà nhạc sĩ đang đứng khi cảm tác nên nhạc phẩm này. Một nét buồn rất Huế mà nếu ai đã một lần đến Huế sẽ cảm nhận được sâu sắc tâm trạng đó. Đó là cái buồn của xứ sở thành đô cổ kính, nghiêm trang mà vẫn phảng phất hồn cốt lãng mạn, gợi niềm thơ phú.

khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh

Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương

Bằng những lời ca êm êm, giàu chất thơ, những giai điệu mượt mà, tình tự nhưng tươi sáng của điệu hát phối trộn “Rumba bolero”, nhạc sĩ kéo người nghe theo cùng nỗi nhớ về với “người ngày thơ” của mình. “Nhớ sao là nhớ” là một lời hát rất tự nhiên, thuần Việt, đậm đà nhưng không uỷ mị mà tươi trẻ, thắm thiết. Rồi rất chậm rãi, nhạc sĩ lần mở dần những ô cửa ký ức đã bị vùi sâu từ lâu: “dáng em gầy gầy”, “đôi mắt long lanh”, má em màu ngà” và “tóc thề nhẹ vương”. Hình ảnh người thương hiện lên thật dễ thương, nhẹ nhàng, trong sáng. Người nhạc sĩ trong ký ức của mình và cả trong ca từ khi viết về cô gái dường như có một sự nâng niu, trân quý vô ngần.


Click để nghe Thanh Lan hát Nắng Chiều trước 1975

Nay anh về qua sân nắng
chạnh nhớ câu thề tim tái tê
chẳng biết bây giờ
người em gái duyên ghé về đâu

Nay anh về nương dâu úa
giọng hát câu hò thôi hết đưa
hình dáng yêu kiều
kề hoa tím biết đâu mà tìm

Những kỷ niệm êm êm, ngọt ngào của khối tình thơ mộng vừa chớm nở khi xưa ùa về vẫn còn rất dịu dàng, vương vấn tâm hồn người trai tha phương. Bao câu hỏi, trăn trở trong đầu chàng nhạc sĩ: “chẳng biết bây giờ người em gái duyên ghé về đâu?”, “hình dáng yêu kiều kề hoa tím biết đâu mà tìm?”. Mỗi câu hỏi tựa như một khối băng nhỏ tan ra, thấm đẫm, ướt lạnh lòng người. Người hỏi hẳn cũng chỉ hỏi để hỏi, để vơi đi nỗi nhớ thương, tái tê, nuối tiếc trong lòng chứ cũng không mong có được câu trả lời trong hoàn cảnh binh biến loạn lạc. Và nỗi nhớ, cũng theo dòng tâm trạng mà liên tục chuyển đổi vô cùng tinh tế:

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói em nói: “Mến anh!”
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi..

Đầu tiên nhạc sĩ viết “nhớ sao mà nhớ”, đó là là nỗi nhớ da diết, nỗi nhớ của cảm xúc rúng động vừa ập đến. Sau sự rúng động đầu tiên, nhạc sĩ chuyển sang “chạnh nhớ”, tức là vừa nhớ vừa nuối tiếc, chạnh lòng khi nhớ đến lời thề nguyện xưa cũ. Cho đến đoạn này, khi dòng tâm trạng đã bình ổn hơn thì sự nhớ đã chuyển thành “nhớ xót xa”. Tại sao lại là “nhớ xót xa”? Là bởi anh xót xa cho duyên tình của đôi mình vừa chớm nở đã bị dập tắt. Anh xót xa là bởi anh nhớ lại trong ánh mắt em khi ngỏ lời “mến anh” đã thoáng “gợn buồn”. Dường như em đã biết trước kết cục chia ly nên mới buồn như vậy. Anh xót xa cho em, cho khối tình non tơ của anh và em, ngay từ lúc bắt đầu đã được định sẵn định mệnh chia ly.

Cái hay của Lê Trọng Nguyễn là nhạc sĩ đã sử dụng những lời ca đẹp, giản dị, thuần Việt để hát trên một nền giai điệu vững chắc, rộn rã nhưng cũng không kém phần sang trọng, mê say. Những lời hát dù đầy cảm xúc, hoài nhớ, nuối tiếc vẫn không nặng nề mà lôi cuốn, tự nhiên, gửi gắm đến người nghe thứ tình cảm chân phương, sâu lắng của người viết nhạc.

Sở hữu một ca khúc nổi tiếng như vậy, nhưng với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, đó dường như lại là một rào cản. Có lần nhạc sĩ tâm sự:

“Bài hát “Nắng Chiều” thật ra chỉ là một trong một số bài của tôi được phổ biến rộng rãi, nhưng mà tôi cũng không thích nó lắm, dù tình cảm tôi gửi vào đó rất mặn nồng…Tôi cũng không rõ cảm xúc vì sao không thích bài hát. Mặc dù lúc mới viết xong rõ ràng tôi rất khoái! Bởi “Nắng Chiều” là một nhạc bản chững chạc, vững vàng vô cùng, và chân phương đủ mặt…”.

Khi người hỏi giật mình, thắc mắc về nguyên nhân sâu xa, ông giải thích: “Ðây cũng là một loại tâm trạng. Người ta hát nhiều quá, mình đâm ra ghét. Người ta cứ giới thiệu “Nắng Chiều”, “Nắng Chiều” mà không cần biết thằng Nguyễn là ai cả…” .

Quả thực, sau Nắng Chiều, các ca khúc sau này của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn dù vẫn được phổ biến và yêu thích nhưng không có bản nhạc nào có thể sánh bằng Nắng Chiều. Đây được coi là ca khúc hay nhất, thành công và nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.

Ca khúc Nắng Chiều không chỉ được khán giả Việt Nam yêu mến mà nó còn vượt ranh giới quốc gia để đến với khán giả ngoại quốc. Khoảng năm 1958 có một đoàn nhạc Nhật Bản tên là Toho Geino sang Nam Việt Nam để giao lưu văn nghệ và hát một số bài nhạc Việt nên nhờ đài phát thanh Sài Gòn tư vấn. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền (lúc đó chủ sự chương trình của đài phát thanh) đã đưa ra danh sách 12 bản nhạc, cuối cùng bài Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã được phía Nhật chọn. Ca sĩ của đoàn là Midori Satsuki rất nổi tiếng ở Nhật đã trình bày nhạc phẩm Nắng Chiều bằng tiếng Nhật lần đầu tiên tại Hội Chợ Thị Nghè. Sau đó một tuần bản thu âm Nắng Chiều của Satsuki đã được phát trên các Đài phát thanh Sài Gòn và cả Đài phát thanh Tokyo ở Nhật.


Click để nghe bài Nắng Chiều lời Nhật

Đến năm 1960, cô ca sĩ người Đài Loan tên là Kỷ Lộ Hà đến Đà Nẵng trình diễn và đã làm khán giả Việt Nam bất ngờ khi cô hát Nắng Chiều bằng tiếng Hoa do Thận Chi đặt lời. Thận Chi (1928-1988) là một tên tuổi lớn của Đài Loan trong lĩnh vực biên kịch và soạn nhạc. Ông cũng thành công trong việc đặt lời Hoa cho nhiều ca khúc quốc tế, trong đó có Nắng Chiều. Sau đó trong một thập niên, bản nhạc Nắng Chiều tiếng Hoa đã được mệnh danh là “Bản Tình Ca Đẹp Nhất” trong thập niên 1970 ở Đài Loan.


Click để nghe bài Nắng Chiều lời Hoa

Không chỉ được khán giả nghe nhạc yêu thích, ca khúc Nắng Chiều còn nhiều lần được đưa vào điện ảnh. Năm 1971, ca khúc chính là nguồn cảm hứng cho đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện bộ phim cùng tên, với sự diễn xuất của 2 tài tử điện ảnh nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn là Hùng Cường và Thanh Nga. Trong phim có phân cảnh Hùng Cường đàn hát ca khúc Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.


Click để nghe Hùng Cường hát Nắng Chiều trước 1975

Năm 1994, đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đã đưa nhạc phẩm này vào làm nhạc nền cho một cảnh quay trong bộ phim nổi tiếng Xích Lô của anh, với phần thể hiện khá ấn tượng bằng giọng Quảng Nam của hai người lính bị cụt chân trong một quán ăn.

Đôi nét về tiểu sử nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn

Ông sinh ngày 1 tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Từ nhỏ ông đã mê nhạc nên đã tự học nhạc qua sách vở của Pháp. Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn còn vinh dự được một nhạc sĩ gốc Hoa sinh sống ở Hội An là La Hối (tác giả Xuân Và Tuổi Trẻ) chỉ dẫn thêm về sáng tác.

Thời gian từ 1942-1945, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ra Hà Nội học và làm bạn với nhạc sĩ nổi tiếng thời tiền phong là Nguyễn Xuân Khoát. Thời gian sau đó, Lê Trọng Nguyễn về Liên Khu 5 và phụ trách phần âm nhạc (Liên khu Năm bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), nhưng sau đó quyết định rời bỏ để về cư trú ở Hội An từ năm 1952.

Khi về lại quê nhà, Lê Trọng Nguyễn đã đăng ký học hàm thụ âm nhạc (học từ xa) và tốt nghiệp trường âm nhạc Pháp Ecole Universelle. Cũng tại Hội An, ông dạy âm nhạc tại trường trung học Nguyễn Duy Hiệu, trong những học trò của ông có 2 nhạc sĩ sau này đã thành danh là nhạc sĩ Đynh Trầm Ca và Vũ Đức Sao Biển.

Quãng thời gian này Lê Trọng Nguyễn cũng bắt đầu có những sáng tác gây được tiếng vang, trong đó bài Sóng Đà Giang giúp ông được nhận vào Hội Nhạc Sĩ Pháp S.A.C.E.M. (Đà giang trong bài hát là dòng sông Thu Bồn ở Quảng Nam).Năm 1953, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình là Nắng Chiều.

Tuy là nhạc sĩ, nhưng Lê Trọng Nguyễn không sống bằng âm nhạc. Năm 1965, ông làm Giám đốc công ty Centra Co., một công ty thương mại của Pháp. Từ năm 1968, ông là Giám đốc điều hành của công ty Sealand tại Đà Nẵng. Năm 1970 sau khi lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nga, một nhân viên của hàng không của Air Vietnam. Đó là thời điểm nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn thường đi công vụ từ Đà Nẵng vào Saigon nên họ đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Từ lúc đó ông xin nghỉ chức vụ Giám đốc công ty SeaLand để về sống tại Sài Gòn cùng vợ.

Năm 1973, Lê Trọng Nguyễn làm Giám đốc nhà máy Dầu hỏa Cửu Long. Sau 1975, ông mở lớp dạy nhạc tại nhà và tự chế tạo các loại đàn do chính tay mình làm để sinh sống.

Lê Trọng Nguyễn đến Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1983, định cư tại Rosemead cùng vợ và bốn người con. Ông mất ngày 9 tháng 1 năm 2004 tại bệnh viện City of Hope, Rosemead vì bệnh ung thư phổi.

chuyenxua.net

Viết một bình luận