Nguồn gốc chiếc “áo dài Bà Nhu” (áo dài cổ thuyền) ra đời từ cuối thập niên 1950

Từ hơn nửa thế kỷ nay cái áo dài cổ thuyền vẫn được quen gọi là “áo dài bà Nhu”, và được cho là do bà Ngô Đình Nhu thiết kế. Tuy nhiên người thiết kế kiểu dáng áo dài này là một đôi vợ chồng người Mỹ gốc Nhật, sống và làm việc ở Việt Nam trong những năm cuối thập niên 1950.

Cho đến nay, người đầu tiên cách tân cho áo dài truyền thống Việt Nam được nhiều người công nhận là họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường. Những công trình về thiết kế y phục dành cho phụ nữ Việt của ông được công bố và quảng bá trên các ấn phẩm báo chí do nhóm Tự Lực Văn Đoàn xuất bản, đó là các tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay, đặc san Đẹp. Mẫu áo dài do ông Cát Tường thiết kế thật sự là một cuộc cách mạng so với áo dài của thời kỳ trước đó, vốn là loại trang phục thường chỉ là đơn sắc, rộng thùng thình không cho thấy được nét đẹp hình thể của người phụ nữ.

Nguyễn Thị Hậu – Người mặc áo dài “lối mới” đầu tiên vào năm 1935, theo thiết kế của Lemur

Từ những mẫu áo dài được Lemur công bố, từ sau đó có nhiều biến thế thiết kế áo dài khác nhau, nhưng tựu trung vẫn xoay quanh thiết kế từ thập niên 1930 của Lemur Nguyễn Cát Tường. Một trong những biến thể đó là “áo dài bà Nhu” xuất hiện từ cuối thập niên 1950 với cổ áo hình thuyền, khoét hơi rộng phần cổ để khoe được một phần bờ vai quyến rũ của người phụ nữ, nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch kín đáo.

Áo dài cổ thuyền xuất hiện chính thức trong một buổi trình diễn thời trang ở Sài Gòn cách đây hơn 60 năm, đó là vào ngày 31 tháng 3 năm 1961, khi đó những tà áo dài Việt Nam thướt tha đã sánh bước cùng đầm dạ hội phương Tây.

Buổi trình diễn thời trang này năm trong khuôn khổ một hội chợ Tiểu Công nghệ với quy mô rộng được tổ chức ở phòng Văn Hóa của thành phố Sài Gòn trên đường Tự Do, nay là đường Đồng Khởi. Lồng trong chương trình là buổi trình diễn thời trang áo dài chính thức đầu tiên của Việt Nam theo yêu cầu của bà Ngô Đình Nhu. Tất cả được giao cho đạo diễn Thái Thúc Nha điều khiển.

Mục đích chính của buổi trình diễn này là quảng bá việc sử dụng vật liệu địa phương vừa túi tiền của người bình dân. Tổng cộng 48 thiết kế y phục khác nhau được trình diễn trước sự cổ cũ nồng nhiệt của khán giả. Khoảnh khắc nổi bật và thu hút sự chú ý của nhiều người nhất trong buổi trình diễn này là khi diễn viên điện ảnh Kiều Chinh trình làng một kiểu áo dài cách tân với họa tiết lạ mắt.

Diễn viên Kiều Chinh trình làng áo dài cổ thuyền năm 1961

Sự kiện này được đăng tải trên UPI photo ngày 31/03/1961 như sau: “Lộng Lẫy Phương Đông. Sài Gòn, Nam Việt Nam: Cái cổ cao của thời trang Việt Nam có màn xuất hiện ngoạn mục khi Tài tử Kiều Chinh giới thiệu phiên bản không cổ của áo dài Việt Nam tại buổi trình diễn thời trang chính thức đầu tiên từ trước đến nay ở Sài Gòn. Áo dài thể hiện cái tà xẻ hai bên ấn tượng của phương Đông”.

Diễn viên Kiều Chinh kể lại: “Hôm đó có một cái fashion show, mà Kiều Chinh lúc bấy giờ hãy còn trẻ lắm, được mời mặc cái áo, tôi không nhớ người vẽ kiểu áo là ai. Lần đầu tiên mặc một cái áo dài Việt Nam mà không có cổ và tay ngắn. Thời đó gọi là tay áo “trois quarts”, tức là ba phần tư. Lúc mà trình diễn fashion show thì bà Ngô Đình Nhu ngồi ngay hàng đầu. Đây là câu chuyện tôi nghe ông Thái Thúc Nha (giám đốc hãng phim Alpha) kể chuyện lại. Ông ấy nói rằng: “Khi em trình diễn cái áo này thì bà Nhu quay lại hỏi anh là “Con nhỏ nào đây?”, thì anh có trả lời rằng đó là diễn viên điện ảnh Kiều Chinh của hãng phim Alpha”.

Bà Ngô Đình Nhu là em dâu của Tổng thống Ngô Đình Diệm và được coi là đệ nhất phu nhân không chính thức của VNCH. Từ cuối những năm 1950, bà đã tự thân giới thiệu kiểu áo dài cổ thuyền này một cách không chính thức tại những sự kiện công cộng, như bữa tiệc ở Dinh tổng thống vào năm 1958, hay một cuộc thi nữ công gia chánh ngân ngày Phụ nữ Việt Nam 3 tháng 3 năm 1960.

Bà Trần Lệ Xuân trong bữa tiệc ngoại giao tại dinh tổng thống năm 1958 với chiếc áo dài cổ thuyền

Tuy nhiên vào thời điểm này, bên cạnh áo dài cổ thuyền, bà Nhu cũng đồng thời mặc các kiểu áo dài cổ cao khác trong các lần xuất hiện trước công chúng và báo giới, như trong hình dưới đây:

Bà Trần Lệ Xuân năm 1958

Đến năm 1961, khi nhìn thấy Kiều Chinh mặc kiểu áo cổ thuyền trong buổi trình diễn thời trang đã nhắc tới ở trên, bà Nhu mới có ấn tượng mạnh mẽ nên đã cho phổ biến nó rộng rãi hơn nữa, và cũng từ đó bà chỉ xuất hiện với kiểu áo dài này, nên người ta thường gọi đó là “áo dài bà Nhu”.

Bà Trần Lệ Xuân – madame Nhu – là người nhiệt tình quảng bá cho áo dài cổ thuyền nhất, đến nỗi kiểu áo này được mang tên bà, nhưng không phải ai cũng biết người đã thiết kế nó. Một số tài liệu tiếng Việt nói đó là giám đốc hãng phim Alpha – Thái Thúc Nha. Nhưng những thông tin từ báo chí tiếng Anh đương thời cho biết đó là hai vợ chồng người Mỹ gốc Nhật: Ken Uyemura và Michiko Uyemura.

Ông Ken – một nhà chế tác gốm sứ và thiết kế công nghiệp – và bà Michiko – một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp – đến Việt Nam vào năm 1957 theo một chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Ngoại Giao Mỹ nhằm giúp phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (Theo báo St. Petersburg Times).

Tờ báo này đã tường trình chi tiết về hoạt động của hai vợ chồng Uyemura trong gần bốn năm họ làm việc ở Việt Nam, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng dự án của họ ở Sài Gòn được “chính thức công nhận là thành công nhất trong số những dự án tương tự ở một vài nước”.

Show diễn thời trang nói ở đầu bài này là do hai vợ chồng Uyemura chuẩn bị cho tuần lễ Quốc Khánh VNCH vào cuối tháng 10 năm 1960 – Tờ Times cho biết.

Vai trò thiết kế của họ được nêu rõ trong một bài tổng kết đăng trên tạp chí Chủ nhật của tờ báo vào tháng 4 năm 1961. “Cùng nhau, họ đã tạo nên một thế giới thời trang mới cho những người phụ nữ Việt Nam chú trọng tới phong cách”.

Chú thích của bức ảnh Kiểu Chinh này nói thêm: “Thời trang Việt Nam chuyển hướng sang phong cách hiện đại với những nguyên tác này của Uyemura”.

Áo dài không cổ (cổ thuyền) mà Kiều Chinh mặc trong ảnh trên là do Michiko thiết kế lại từ kiểu áo dài Lemur, được Ken thiết kế họa tiết vải, đã định hình xu hướng thời trang mới.

Hình ảnh Kiều Chinh trong chiếc áo dài do hai vợ chồng Uyemura thiết kế cũng xuất hiện trên một số tờ báo ở Mỹ vào thời điểm đó, thậm chí là trang nhất, đi kèm theo mô tả: “Vẻ kiều diễm phương Đông”.

Đến năm 1964, hình ảnh Kiều Chinh mặc chiếc áo dài này lại được lên báo một lần nữa, làm ảnh minh họa cho một bài viết về trào lưu phụ nữ Mỹ mặc áo dài Việt Nam.

Áo dài cổ thuyền tiếp tục được bà Trần Lệ Xuân chọn mặc trong nhiều sự kiện trong nước và quốc tế, để lại những hình ảnh mang tính biểu tượng này trong ký ức của công chúng, cũng như gợi cảm hứng thời trang cho nhiều thế hệ sau đó.

Ông Ken và bà Michiko rời Việt Nam sang Đài Loan tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ kỹ thuật vào năm 1961, trước khi quay trở về Mỹ năm 1964. Họ mở một cửa hiệu chuyên bán đồ trang trí nội thất do họ thiết kế và sản xuất ở Viễn Đông – Theo tờ Times. Ông Ken đã qua đời năm 2007, và bà Michiko vẫn còn sống ở tuổi ngoài 90.

Có thể 2 ông bà không thể hình dung được ảnh hưởng của họ đối với sự phát triển của áo dài Việt Nam từ những thiết kế mà họ ra mắt gần 60 năm trước.

Đông Kha – chuyenxua.net
(dựa theo phóng sự của đài VOA)

Xem thêm

Comments

Ghi ý kiến của bạn:

Please enter your comment!
Please enter your name here

Xem thêm

Cuộc đời của nghệ sĩ Tùng Lâm – “Danh hề” một thuở

Trᴏnɡ lànɡ hài ᴄủa Sài Gòn trướᴄ năm 1975, ᴄó một nɡười khônɡ ᴄần diễn, ᴄhỉ ᴄần bướᴄ ra sân khấu là khán ɡiả đã ᴄười rần rần, đó là nɡhệ sĩ Tùnɡ Lâm. Ông đặc biệt nổi tiếng với các vai hoạt náo, gây cười trong các tiểu...

Lon gô (guigoz) – Ký ức một thời không thể nào quên

Lon Guigoz (lon gô) là vật dụng quen thuộc và gắn liền với tuổi thơ của nhiều người từ trước 1975 cho đến những năm 1980. Khi nhìn lại những nhìn ảnh này, có thể là sẽ có cả một bầu trời kỷ niệm ập về đối với những người...

Ca khúc Lời Đầu Năm Cho Con (nhạc sĩ Nguyên Thảo) – “Niềm tin sau cuối” của người cha nơi đầu tuyến

Cᴜộc đời có nhiềᴜ mối qᴜan hệ, nhưnɡ điềᴜ cơ bản νà qᴜan trọnɡ nhất có lẽ νẫn là tình cảm ɡia đình, trước tiên là mối qᴜan hệ ɡiữa cha mẹ νà cᴏn cái, cách riênɡ là tình mẫᴜ tử hᴏặc tình phụ tử. Có nhiềᴜ dịp để tâm...

Ca khúc “Hận Đồ Bàn” và những trang sử bi hùng của vương quốc Champa

Ca khúc Hận Đồ Bàn là một bài nhạc vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Tiên được sáng tác vàᴏ thập niên 1950. Về hᴏàn cảnh sáng tác của ca khúc này, nhạc sĩ Xuân Tiên chia sẻ rằng thời trẻ ông đã nghiên cứu về âm điệu của...

Hình ảnh xe lam trên đường phố Sài Gòn xưa – Ký ức không thể nào quên

Trên chuyến xe Lam đông người chiều nay. Nghe nhiều bơ vơ nỗi niềm chua cay Còn đâu một chuyến xe Lam ngày nao mộng ước vô vàn bao kỷ niệm riêng mình em mang... Đó là những lời hát quen thuộc trong bài nhạc vàng Chuyến Xe Lam Chiều của nhạc sĩ Vinh...

Bộ sưu tập 1000 tấm ảnh màu đầu tiên chụp ở Việt Nam thập niên 1910

Từ năm 1914 đến 1930, một ông chủ nhà băng người Pháp là Albert Kahn thực dự án tạo ra bộ sưu tập hình màu quan trọng nhất thế giới thời điểm đó, với “kho lưu trữ hành tinh” (tiếng Pháp là Les Archives de la Planète), là bộ...

Những công trình kiến trúc trăm năm còn lại ở Sài Gòn – Kỳ 1

Có những công trình có tuổi đời hơn 100 năm đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn ngày nay đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc, như là Chợ Bến Thành, Tòa Đô Chánh, Nhà Thờ Đức Bà, Bưu Điện Trung Tâm... và cơ sở của các...

Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của phố biển Nha Trang

Nha Trang là thành phố biển du lịch quen thuộc của Việt Nam từ gần một thế kỷ qua, là nơi nghỉ mát, nghỉ dưỡng nổi tiếng ở khu vực phía Nam của miền Trung. Đất Nha Trang còn gắn liền với người bác sĩ huyền thoại người Pháp...

Cuộc đời lận đận của danh ca Mộc Lan – Mỹ nhân tuyệt sắc một thời của làng tân nhạc Việt Nam

Mộc Lan là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất Sài Gòn từ cuối thập niên 1940, được nhiều người nhận xét là có tài sắc vẹn toàn. Bà không chỉ sở hữu giọng hát đẹp và chuẩn mực, mà còn là người có sắc nước hương...

Bài tiểu luận của Bình Nguyên Lộc năm 1957: Tên đường cũ Sài Gòn

Bài viết này của nhà văn Bình Nguyên Lộc đăng lần đầu trên báo Nhân Loại năm 1957, sau đó được in trong tập truyện Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, xuất bản năm 1966. Đây là một bài tiểu luận rất thú...