Nghề Luật sư ở Sài Gòn trước 1975

Các sinh viên tốt nghiệp ngành Luật hoặc trường Luật, không nhất thiết phải làm luật sư sau khi tốt nghiệp, và có thể làm trong nhiều lãnh vực khác như ngoại giao, ngân hàng, kinh tế , hành chánh, thương mãi, thẩm phán… Nhưng có thể nói nghề luật sư là ước vọng của hầu hết các sinh viên Luật ở miền Nam giai đoạn 1955-1975.

Theo bài viết của luật sư Trương Thị Hòa, dù đại học Luật khoa Sài Gòn trước 1975 (cũng như đại học Văn khoa) tổ chức theo chế độ mở, sinh viên đủ điều kiện ghi danh học chứ không thi tuyển, các cấp thường xuyên ghi danh theo học có đến hàng mấy ngàn người, nhưng do đào tạo nghiêm túc nên số sinh viên tốt nghiệp cử nhân đủ khả năng vào nghề không có quá 100 người. Do đó việc gia nhập Luật sư đoàn Sài Gòn (cũng theo chế độ mở) cũng không quá đông.

Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn có quản hạt kéo dài từ Phan Thiết đến Cà Mau (Còn Tòa Thượng thẩm Huế quản hạt kéo dài từ Quảng Trị đến Nha Trang). Theo Danh biểu luật sư của Luật sư đoàn Tòa thượng phẩm Sài Gòn khóa 1974-1975, Luật sư đoàn Sài Gòn có tất cả 390 Luật sư thiệt thọ và 490 Luật sư tập sự.

Trước năm 1975, Luật sư đoàn Sài Gòn có các vị thủ lãnh: Luật sư Hồ Tri Châu, Nguyễn Ngọc San, Trần Văn Tốt và sau cùng là luật sư Trần Văn Tuyên. Chỉ những luật sư đã có 10 năm thâm niên kể từ ngày tuyên thệ mới được bầu làm Thủ Lãnh. Các luật sư thiệt thọ có ít nhất 3 năm thâm niên mới được bầu vào Hội viên Thiệt Thọ và Hội viên Dự Khuyết.

Quản trị Luật sư đoàn là một Hội đồng Luật sư – tổ chức do đại hội gồm các Luật sư Thiệt Thọ bầu ra vào tháng 3 mỗi năm để quản trị Luật sư Đoàn. Thành phần Hội đồng Luật sư gồm có: Vị Thủ Lãnh là chủ tịch Hội Đồng, 21 Hội viên Thiệt Thọ và 13 Hội viên Dự Khuyết.

Theo Luật số 1/62 ngày 8/1/1962 được Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành đã ấn định qui chế Luật sư và tổ chức Luật Sư đoàn như sau:

Muốn được ghi danh vào Danh biểu Luật sư tập sự, các đương sự cần hội đủ các điều kiện: Có quốc tịch Việt Nam, đủ 21 tuổi kể từ ngày nộp đơn, có bằng Cử nhân Luật do đại học ở Việt Nam cấp hay văn bằng cử nhân Luật tương đương của ngoại quốc được Bộ Quốc Gia Giáo Dục công nhận. Không bị kết án tội đại hình hay tiểu hình liên quan đến danh dự và phẩm giá. Không hành xử một nghề nào bất khả kiêm nhiệm với nghề luật sư. Được văn phòng của một luật sư thiệt thọ nhận làm tập sự. Mỗi luật sư thiệt thọ chỉ nhận được 2 luật sư tập sự, trừ khi được Hội Đồng Luật Sư cho phép có thể nhận được 4 luật sự tập sự.

Trước khi hành nghề, luật sư tập sự phải tuyên thệ tại Tòa Thượng thẩm trước sự chứng kiến của vị Chánh nhất Tòa Thượng thẩm. Lời thề như sau:

“Tôi thề với tư cách luật sư không nói hay công bố điều gì trái luật pháp, thuần phong mỹ tục, an toàn quốc gia và an ninh công cộng. Không bao giờ xử sự thiếu tôn kính đối với tòa án và nhà cầm quyền.”

Luật sư tập sự có nhiệm vụ:

– Phải chuyên cần tham dự các hoạt động nghề nghiệp dưới sự điều khiển của vị Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn
– Thực tập các qui tắc và tập quán truyền thống của nghề nghiệp
– Chuyên cần đến dự các phiên tòa
– Chuyên cần làm việc tại văn phòng luật sư thiệt thọ

Sau thời hạn tập sự 3 năm, luật sư tập sự phải qua một kỳ thi để trở thành luật sư thiệt thọ. Luật sư tập sự chỉ có quyền dự thi tối đa 3 lần, mỗi năm 1 lần. Nếu rớt cả 3 lần thì bị loại ra khỏi nghề luật sư . Thể thức thi gồm phần thi viết và phần thi vấn đáp. Phần thi viết, thí sinh phải lập lý đoán một vụ kiện về Hộ (đề thi do Chánh nhất Tòa Thượng Thẩm đưa ra). Nếu đậu thi viết, thí sinh sẽ qua phần thi vấn đáp.

Về Hình Luật do vị Hội thẩm Tòa Thượng thẩm hỏi. Về Hộ do ông Chánh nhất Tòa Thượng thẩm hỏi. Về Luật Trước Bạ do Giám đốc Nha Trước bạ hỏi. Sau cùng là về trách nhiệm và đạo đức của nghề Luật sư do vị Thủ Lãnh Luật sư đoàn nêu ra.

Sau khi thi đậu phần vấn đáp, thí sinh sẽ dự thi phần biện hộ về Hình .Các thí sinh sẽ bốc thăm một vụ Hình đã được xử trước đây. Mỗi thí sinh được 15 phút nghiên cứu hồ sơ và sau đó lên biện hộ trước thành phần Ban Giám Khảo gồm có vị Chánh Nhất, hai vị Hội Thẩm và Thủ Lãnh Luật sư đoàn.

Muốn được ghi danh vào Danh biểu Luật sư Thiệt thọ, thí sinh cần hội đủ những điều kiện sau đây:

Có quốc tịch Việt Nam, đủ 24 tuổi, có bằng cử nhân Luật do đại học Việt Nam cấp hay văn bằng cử nhân Luật tương đương do ngoại quốc cấp được Bộ Quốc gia Giáo dục công nhận. Có hạnh kiểm tốt và không bị kết án tội đại hình hay tiểu hình liên quan đến danh dự và phẩm giá. Trúng tuyển kỳ thi mãn hạn luật sư tập sự. Được miễn thời gian 3 năm tập sự dành cho những vị giáo sư Luật có thời gian dạy học liên tục 3 năm. Các thẩm phán ngạch tư pháp và hành chánh đã giữ chức vụ tại các tòa án tư pháp và hành chánh hay tại Bộ tư Pháp trong thời hạn 3 năm. Nếu các thẩm phán, giáo sư, giảng sư, giảng viên không có đủ thâm niên 3 năm thì phải tập sự thêm một thời hạn để có đủ 3 năm thâm niên. Phải cư ngụ trong quản hạt của Tòa Thượng thẩm. Không được kiêm nhiệm với mọi chức vụ tư pháp hay hành chánh. Tuy nhiên, luật sư có thể kiêm nhiệm chức vụ giáo sư, giảng sư hay giảng viên tại các đại học.vMỗi luật sư thiệt thọ chỉ được mở một văn phòng trong quản hạt Tòa Thượng thẩm.

Luật sư đoàn Tòa thượng phẩm Sài Gòn là tổ chức duy nhất có phạm vi hoạt động khắp các tỉnh Nam phần. Nghề luật sư là nghề tự do, gồm các trí thức ngành luật, với số lượng tuy không đông nhưng có uy tín lớn trong xã hội.

Các Luật sư Tập sư hay Thiệt thọ ngoài khà năng chuyên môn về luật pháp, còn cần thêm những đức tính căn bản được quy định như sau:

  • Độc Lập: Không lệ thuộc ai, không bị chính quyền hay tòa án chỉ huy, không hành động vì quyền lội cá nhân để giúp cho công lý được điều hành tốt đẹp.
  • Ngay Thật: Phải ngay thật trong tư tưởng, lời nói và trung trực trong hành động
    hầu đạt được sự tín nhiệm của các thân chủ, bạn đồng nghiệp và của tòa án.
  • Bất vụ Lợi: Luật sư không lấy nghề làm chủ đích để làm tiền hay làm giàu mà để phụng sự cho một lý tưởng là quyền bào chữa và phục vụ cho công lý.

Ngoài ra, các luật sư cũng còn cần giữ sự thân thiện, tương kính giữa các đồng nghiệp, sự kính trọng với các thẩm phán và giữ kín những điều bí mật không làm thịệt hại đến quyền lợi của các thân chủ.

Các luật sư có thể bị trừng phạt bằng những biện pháp kỷ luật của Hội đồng Luật sư khi vi phạm những nguyên tắc hành nghề hoặc theo lời yêu cầu của Chưởng lý hay theo đơn khiếu nại được gởi đến Hội đồng Luật sư; hoặc khi luật sư vi phạm lời tuyên thệ bằng lời nói hay bút tự trước Tòa có thể bị Tòa án đang thọ lý xử phạt ngay chiếu khởi tố trang của công tố viện; hoặc khi luật sư tiết lộ bí mật sự thẩm cứu như việc cho những người khác hay biết những chi tiết trong hồ sơ công bố tài liệu, văn kiện, thơ từ liên quan đến việc điều tra đang tiến hành.

Lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam

Dưới chế độ quân chủ ở các nước phương Đông, Việt Nam cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, đều không có luật sư chính thức, vì lúc đó những người hiểu biết luật lệ, cả khả năng hướng dẫn cho dân chúng cách thức thưa kiện đều bị liệt vào hạng “xui nguyên giục bị”, bị coi là kẻ xấu. Theo học giả Đào Duy Anh viết trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương: “Nhà lập pháp xưa dụng tâm làm cho dân bớt kiện tụng, như gia tội những người chống án không căn cứ, cấm nghề thầy kiện, thầy cung”.

Theo quan niệm xưa, ai giúp dân chúng kiện thưa (được gọi là thầy dùi) đều là góp phần làm cho xã hội rối ren, lộn xộn. Tuy nhiên, mặc dù triều đình không cho phép nghề thầy kiện công khai nhưng xã hội thời xưa cũng đã phát sinh một lớp người hành nghề “chui”, tức là lén lút làm thầy dùi, thầy kiện.

Nghề trạng sư, sau này gọi là luật sư lần đầu được công nhận ở Việt Nam ngay sau khi Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh, bắt tay ngay vào việc tổ chức nền tư pháp ở xứ Nam kỳ bằng sắc lệnh ngày 25/7/1864 của Hoàng đế Pháp. Trong đó, Điều 27 nêu chủ trương: “Có thể thiết lập do nghị định của quan Thống đốc nhưng người bào chữa đảm trách việc biện hộ và làm rõ cho việc thẩm xét những vụ kiện dân sự và thương mại (…), biện hộ cho những bị cáo và bị can trước Tòa đại hình và Tỏa tiểu hình”. Thực thi chủ trương nay, ngày 26/11/1867, Thống đốc Nam kỳ de la Grandière ban hành Nghị định về việc bào chữa trước các Tòa án Pháp, thành lập Tổ chức bào chữa viên Sài Gòn. Ban đầu chỉ có 5 bào chữa viên, năm 1879 tăng lên 7, năm 1894 là 14, năm 1904 là 16, năm 1909 có 25 bào chữa viên. Tên gọi “bào chữa viên” (Défenseurs) sau đổi thành “Luậ sư – bào chữa viên” (Avocat – Défenseurs), rồi “Luật sư” (Avocat), người Việt gọi là Trạng sư. Thời ban đầu, tất cả luật sư đều phải là người Pháp.

Theo truyền thống nghề nghiệp, các trạng sư người Pháp đều có phong cách trung thực, dũng cảm trước tòa án thực dân. Như khi cãi cho bị cáo Nguyễn An Ninh (nhà cách mạng chống Pháp) vào ngày 17/7/1929, Trạng sư Gallet đã vào đầu bài bào chữa của mình bằng cách đả kích thẳng thừng nhà nước Đại Pháp: “Lễ 14/7 vừa qua (lễ quốc khánh Pháp), nào là lính pháo thủ, súng đồng, xe thiết giáp đi diễu hành rần rần ngoài đường. Công chúng vỗ tay như pháo nổ. Ai cũng thấy cái oai võ của Chính phủ Pháp ngày hôm đó. Rồi bây giờ đến đây nhìn tận mặt những kẻ mà người ta nói là “lập hội kín” để khuynh đảo Chính phủ thì chắc ai cũng phải buồn tủi. Trong sồ sơ vụ án này tuồng như nói có cái mùi hơi thẹn thuồng quái gở quá! Quý ngài hãy nhìn lại mà coi. Có phải một đám “ăn mày làm giặc” không? Một nhóm như thế, người thì quê mùa, dốt nát, đứa thì trộm cắp, gian dối. Vậy mà nói Nguyễn An Ninh tụ tập họ lại để khuynh đảo Chỉnh phủ thì thật là một việc đáng mắc cỡ, hổ thẹn cho cái Chính phủ này! Không, Nguyễn An Ninh là người đáng được tin tưởng mà bổn phận của chúng ta phải nghĩ lại”.

Còn trong vụ án tranh chấp đất đai dẫn tới cái chết của viên cảnh sát Pháp Tournier, xử về tội “chống người thi hành công vụ” (thường gọi là vụ án Nọc Nạng) ở tòa Đại hình Cần thơ ngày 17/8/1928, Trạng sư Tricon đã bào chữa cho bị cáo Biện Toại (là tá điền) bằng cách lên án thẳng thừng chính sách đất đai của thực dân Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ: “Chính sách trưng khẩn ruộng đất thời đàng cựu (thời nhà Nguyễn) thật là công bằng và thích hợp với thực tế; trong khi đó, những luật lệ về trưng khẩn đất đai của chính quyền Pháp đặt ra chưa thực sự hoàn hảo mà có thể gây ra nhiều rắc rối khi áp dụng vào thực tế. Thủ tục thời gian quá kéo dài từ khi đương sự được tạm cấp đất đến khi họ được cấp giấy tờ vĩnh viễn. Vì vậy mà có thể xảy ra hiện tượng gian xảo, cưỡng doạt…” Trạng sư kết luận: “Chúng ta, những người Pháp nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài – không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn mà là độc tài của tình cảm tốt đẹp (non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur).

Những năm đầu thế kỷ 20, nghề trạng sư bắt đầu có người Việt, nhưng cũng phải là người đã nhập tịch Pháp. Trước năm 1930, Luật sư đoàn Sài Gòn có vài chục người, nhưng chỉ có 2 người Việt có chân trong Luật sư đoàn Tòa thượng thẩm Sài Gòn đầu tiên là Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933) và Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986). Cả 2 ông đều học luật ở Pháp, đậu Tiến sĩ Luật ở trường Đại học Paris (Phan Văn Trường) và Trường đại học Marseille (Trịnh Đình Thảo). Cả 2 đều từng là thành viên của các Đoàn Luật sư bên Pháp. Khi về Sài Gòn, Phan Văn Trường mở Văn phòng luật sư tư vấn ở số 119 đường Mac Mahon (nay là NKKN). Văn phòng luật sư tranh tụng của Trịnh Đình Thảo cũng đặt ở đường Mac Mahon, cách trụ sở Tòa án Sài Gòn chừng vài trăm mét.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận