Khung cảnh Sài Gòn 120 năm trước được thể hiện trong “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” ra sao?

Nguyễn Liên Phong là vị quan nhà Nguyễn, là nhạc sĩ, nhà thơ, và là nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam thời Pháp thuộc.

Ông là tác giả của “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” gồm 7.000 câu thơ lục bát từ năm 1909 mà đến nay dân gian vẫn còn lưu truyền. Nhiều nhà nghiên cứu về Sài Gòn nói riêng và Nam kỳ nói chung hiện nay vẫn trích dẫn lại những câu thơ lục bát về lịch sử, con người Nam kỳ trong các bài viết.

Tương truyền, khi thực dân Pháp đang tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam, Nguyễn Liên Phong đã tham gia phong trào Cần Vương. Sau đó, ông bị quân Pháp bắt đày vào Bình Định, rồi cuối cùng là Sài Gòn. Tại đây, ông ngao du khắp Nam Kỳ và làm thơ ngâm vịnh đó đây.

“Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” đi sâu miêu tả từng vùng đất: Bà Rịa, Vũng Tàu, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An… đặc biệt là Sài Gòn Chợ Lớn.

Tác giả ghi nhận Sài Gòn lúc đó như sau:

Thứ nhứt đường Ca ti na
Hai bên lầu cất phố nhà phân minh
Bực thềm lót đá sạch tinh
Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều.

Hàng hóa thời đó đã phá phong phú:

Những đồ Đại Pháp, Huê Kỳ
Ăng lê, Nhựt Bổn món gì cũng sang.

Từ đó nảy sinh một tầng lớp lao động mới:

Chực đường có trẻ cu li
Kêu đâu sẵn đó đem đi lẹ làng
Lớp thời xuống bến Nam Vang
Lớp qua Khánh Hội lớp sang Nhà Rồng.
Lớp xe về lối ngoài trong
Lớp đi theo dõi mấy ông dọn nhà.

Khung cảnh Sài Gòn những năm đó đã được mô tả hết sức sống động:

Phong lưu cách điệu ai bằng
Đường đi trơn láng đèn giăng sáng lòa.

Nhà hát lớn được đứa vào thơ như sau:

Thứ năm thứ bảy thứ ba
Với đêm Chúa Nhựt hát Nhà Hát Tây
Nước nào tục nấy cũng hay
Tiếng đờn tiếng hát nghe say tính tình
Nhà hát cất giữa châu thành
Họa đồ lấy kiểu bên thành Ba-ri.

Kế đến, Nguyễn Liên Phong mô tả Nhà thờ Đức Bà:

Đá xây bốn phía vách thềm
Mặc nền hoa thạch trơn êm làu làu
Lầu chuông chót vót vọi sâu
Hai cây thánh giá hai đầu trên cao
Đồng hồ chỉ đúng khắc sao
Người qua kẻ lại nhắm vào phân minh.

Kế bên cạnh Nhà thờ còn “có tòa dây thép coi phần điển thơ” với các phương tiện vận chuyển bưu chính:

Biên Hòa còn dạng xe tờ
Mới bày bảy giờ xe máy Tây Ninh.

Xe tờ là một thứ xe có 4 bánh gỗ bọc sắt, cao lêu nghêu, thùng rộng, trước có băng ngang hẹp dành cho người cầm cương, sau có hai băng dọc đối diện dành cho hành khách, do hai con ngựa kéo. Vì xe nhận chở công văn, tờ trát của nhà cầm quyền nên được gọi là xe tờ.

Tác giả cũng nhắc tới các trường học nổi tiếng Sài Gòn, như trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn), trường Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa):

Nam Kỳ sĩ tử tinh chuyên
Nhiều người thành đạt liền liền trước sau
Taberd trường lập đã lâu
De Kerland trước làm đầu khởi ra.

Qua những câu thơ này, cho biết trường Taberd là trường dòng do cha Henri de Kerland thuộc hội truyền giáo lập ra năm 1874.

Một trong những nơi quen thuộc nhất với Sài Gòn xưa là bùng binh Bồn Kèn:

Mu dích (musique) nơi các Bồn Kèn
Vui lòng hứng chí nghe bèn giải khuây

Theo Vương Hồng Sển, “mỗi chiều thứ bảy tại bệ này có mấy chủ lính săn đá trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thường thức”.

Thời đó đã có lệ báo giờ vào buổi trưa:

Có chỗ cần giờ nhựt trung
Trên tàu Ông Thượng đặt vòng địa la
Có năm ba phút vậy mà
Đêm hồ hiệu lịnh kéo qua cột cờ

Đợi đến đúng mười hai giờ
Đồ kia rớt xuống súng bờ giựt dây
Nổ lên một tiếng vang vầy
Châu thành bốn phía sum vầy giấc trưa.

Về lãnh vực báo chí, tác giả cho thấy hồi ấy báo chí Nam kỳ đã phát triển:

Phan-sa, quốc ngữ nhựt trình
Mỗi tuần in bán sự tình lăng xăng
Gia Định báo là công văn
Phát ra các hạt lệ hàng không sai.

Về địa danh Bến Nghé, tới nay vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau, theo tác giả thì:

Nguyên xưa rậm rạp còn rừng
Trâu thường dằm tắm hoặc chừng nghé kêu
Ngày nay phong cảnh tốt đều
Tàu ghe lớn nhỏ đạu bèo hai bên

Đò dọc rước mối xuống lên
Giành nhau xâu xé vang rên cả ngày
Ghe bầu sắp lớp đậu ngay.

Đó là những câu thơ cho thấy cảnh sầm uất của Bến Nghé những năm đầu thế kỷ 20.

Tác giả là người thích ngao du, cho nên không một chi tiết nào ông bỏ sót. Cả ông chủ nhà in nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Đinh Thái Sơn – chủ nhà in Phát Toán cũng có mặt trong bài “diễn ca”:

Đinh Thái San người Nghệ An
Gốc dòng khoa mục rõ ràng trâm anh
Vào Nam kỳ thuở xuân xanh
Theo Lê Bá Đảng học hành lập thân.

Đinh Thái Sơn cũng là chủ nhà xuất bản đã in cuốn Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca năm 1909.

Ngày nay, đọc thơ Nguyễn Liên Phong, có khung cảnh mà không bao giờ được thấy lại nữa ở Sài Gòn:

Cột cờ Thủ Ngữ nghiêm trang
Có nhà đánh thuế hóa hàng bán buôn
Xe lửa nhỏ đi luông tuồng
Chỗ người đông đảo rụng chuông liền liền
Chạy dài theo mé giang biên
Tới chợ Ông Lãnh phố liên ra vào.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận