Khu trung tâm Sài Gòn thập niên 1950 tuyệt đẹp qua những tấm ảnh màu

Cùng ngắm nhìn trung tâm Sài Gòn xưa qua những tấm ảnh được “tô màu” từ ảnh trắng đen của thập niên 1950. Bên cạnh tấm hình gốc trắng đen nhuốm màu thời gian, hình ảnh có màu sẽ giúp độc giả có cái nhìn sống động hơn về cảnh quan ở một số vị trí trung tâm của Sài Gòn thời điểm 70 năm về trước.

1. Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn

Ảnh gốc trắng đen:

Ảnh tô màu:

Bưu điện trung tâm là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn, nằm ngay bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà, là địa điểm tham quan quen thuộc của du khách. Đây cũng là một trong những công trình có tuổi đời hơn trăm năm vẫn còn lại của Sài Gòn và giữ được kiến trúc nguyên thủy.

Bưu điện trung tâm Sài Gòn được xây dựng trong khoảng thời gian 1886 đến 1891, là công trình tiêu biểu sau cùng của kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892), người đồng thời đã thiết kế những công trình vẫn còn tồn tại đến hiện nay là Dinh Thượng Thơ, Dinh Gia Long (cùng trên đường Lý Tự Trọng ngày nay), Tòa Pháp Đình (Tòa Án trên đường NKKN ngày nay), Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, đầu đường Hàm Nghi ngày nay).

Tòa nhà được trang trí đường nét đặc trưng của tân baroque xen kẽ họa tiết của dân tộc. Đặc biệt là phần mặt tiền của Bưu điện được trang trí những bảng tên những danh nhân, những nhà khoa học thế giới, trong đó đa số là có công trong lĩnh vực điện tín, viễn thông và năng lượng.

2. Boulevard Charner – Đại lộ Nguyễn Huệ

Hình ảnh đen trắng:

Đây là hình đại lộ Nguyễn Huệ đầu thập niên 1950, khi nó vẫn còn mang tên là Charner (đặt theo tên của đô đốc hải quân Pháp – Leonard Charner). Đây là một trong những đại lộ đầu tiên của thành phố Sài Gòn, được xây dựng, cải tạo năm 1887 từ một kênh dẫn nước vào chợ Bến Thành (Chợ Cũ), thường được gọi là kênh Chợ Vải, hoặc Kinh Lớn.

Hình ảnh tô màu:

Trong nhìn bên trên là hướng nhìn ra sông Sài Gòn ở xa xa, nơi có cột cờ thủ ngữ. Phía bên phải là những kiosk bán hàng đã hiện diện trên đại lộ này suốt mấy mươi năm. Trong rất nhiều hình Sài Gòn xưa, không hiếm hình ảnh có tà áo dài của các bà, các cô tản bộ trên phố, trông rất thanh lịch và thướt tha, tô điểm cho thành phố sầm uất.

Toàn cảnh đại lộ Nguyễn Huệ được chụp từ máy bay:

Chính giữa là Tòa Đô Chánh, phía bên phải là thương xá Eden, phía sau Eden là Nhà Thờ. Góc bên trái hình có thể thấy được mặt sau của dinh Gia Long trên đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), xa hơn 1 chút là Tòa Pháp Đình nằm trên đường Công Lý.

Vòng tròn tròn ở chính giữa là ngã tư Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế. Thời điểm này (đầu thập niên 1950), dãy nhà hai bên đường chủ yếu là những căn kiểu Pháp có mái ngói, chưa có nhà kiểu building như sau này.

Một hình ảnh khác của đại lộ Nguyễn Huệ vào thập niên 1950:

Hình này được chụp sau năm 1955, khi boulevard Charner đã mang tên là đại lộ Nguyễn Huệ, có góc nhìn hướng về Dinh Xã Tây (Tòa Đô Chánh) nằm ở cuối đường. Với các con đường ở Sài Gòn, đầu đường được tính từ phía bờ sông.

Với góc chụp này, rất có thể người chụp hình đang ở trên tòa nhà Sở Quan Thuế nằm ở đầu đường Nguyễn Huệ – Hàm Nghi, gần cột cờ Thủ Ngữ.

Ngã tư chính giữa hình là Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế. Căn biệt thự ngói đỏ tường vàng ngay ngã tư nằm ở số 12 Nguyễn Huệ, đã có từ đầu thế kỷ 20, ngày nay vẫn còn, từng là trụ sở công ty dầu hỏa Mỹ từ năm 1933.

So với 2 tấm hình khác ở bên trên thì hình này đã xây thêm một số tòa nhà khác theo lối hiện đại hơn. Ngôi nhà cao nhất trong hình này là khách sạn Palace Hotel cao 15 tầng, cũng là cao nhất Sài Gòn thời đó.

___

3. Cathédrale Notre-Dame de Saïgon – Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn

Góc ảnh nhìn toàn cảnh đường Tự Do, bắt đầu từ Nhà Thờ, phía trên cùng là Bến Bạch Đằng – Sông Sài Gòn. Phía trước bên trái Nhà Thờ, ở ngay góc đường Tự Do – Nguyễn Du là bót Catinat nổi tiếng, từ năm 1955 là trụ sở Bộ Nội Vụ, sau năm 1975 đến nay là trụ sở của Sở VHTT.

Góc trên bên phải hình này còn có thể thấy thấp thoáng những công trình bên đại lộ Charner/Nguyễn Huệ là Thương Xá TAX, Eden, Tòa Đô Chánh.

Từ xưa, khu vực xung quanh nhà thờ đã có rất nhiều cây xanh, và đến nay nơi này vẫn giữ được mảng xanh hiếm hoi giữa lòng thành phố. Bên phải hình này là công viên Thống Nhứt, mảng xanh nối liền từ Nhà Thờ cho tới tận Dinh Độc Lập.

4. Đường Catinat – Tự Do

Toàn cảnh đường Tự Do, bắt đầu là Majectic Hotel (nhà màu trắng bên trái), phía cuối là Nhà Thờ. Tòa nhà ngay góc bên phải là Grand Hôtel de la Rotonde ở số 2 đường Tự Do, đã được xây từ đầu thế kỷ 20.

Tòa nhà hình chóp nhọn ở giữa hình nằm ở ngã tư Tự Do – Ngô Đức Kế là Saigon Palace Hotel, ngày nay tòa nhà này vẫn còn, mang tên là là Grand Hotel, và vẫn giữ được đường nét nguyên thủy.

Trong hình này còn có thể thấy thấp thoáng các công trình trên đường Tự Do là Continental Palace, Opera House. Đằng sau Opera House có 4 tháp nhọn màu trắng, là một phần của Thánh đường Hồi giáo Jamia Al-Musulman được xây dựng năm 1935 trên đường Amiral-Dupré (đường Thái Lập Thành, nay là đường Đông Du). Bên trái hình này có Tòa Đô Chánh, Thương xá TAX và EDEN.

Dưới đây là hình ảnh khác của đường Tự Do, nhìn về phía nhà Thờ, cận cảnh là thương xá EDEN bên trái và Continental Palace bên phải. Đây là 2 trong số nhiều công trình tiêu biểu con đường đẹp, sầm uất và đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn suốt hơn 1 thế kỷ qua.

Hàng cây ở góc dưới bên trái hình là ở phía công trường Lam Sơn (trước 1955 mang tên công trường Francis Garnier). Hàng cây này đã trở thành cổ thụ trước khi bị đốn để xây dựng nhà ga metro cách đây vài năm.

5. Công trường Mê Linh

Toàn cảnh công trường Mê Linh thập niên 1950. Đường dọc sông là Bến Bạch Đằng, phía trên là 2 đường Hai Bà Trưng – Thi Sách, những nhân vật lịch sử gắn liền với địa danh Mê Linh từ thế kỷ 1 trong công nguyên.

Ở chính giữa công trường Mê Linh mà chúng ta thấy trong hình là phần đế của một tượng đài. Từ năm 1877 cho đến năm 1954, vị trí này là tượng đài Rigault de Genouilly, và công trường này cũng mang tên là công trường Rigault de Genouilly. Tên này được đặt theo tên của một viên thủy sư đề đốc Pháp mang tên Charles Rigault de Genouilly.

Năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa dỡ bỏ tượng Genouilly, chỉ còn lại phần đế, đồng thời đổi tên công trường Rigault de Genouilly thành Công trường Mê Linh.

Năm 1962, tại phần đế tượng cũ này, chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng, tuy nhiên bức tượng chỉ tồn tại được hơn 1 năm thì bị dỡ bỏ, thay vào đó là tượng đài Trần Hưng Đạo từ năm 1967 cho đến tận ngày nay.

Năm 2021, công trường Mê Linh được nâng cấp, cải tạo cùng đợt với công viên Bến Bạch Đằng để trở thành khu vực công viên bờ sông Sài Gòn mới và hiện đại hơn.

Đông Kha – chuyenxua.net
Original pictures: manhhai flickr
Colorized by nhacxua.vn

Viết một bình luận