Hồi ức về công viên Chi Lăng xưa – Lá phổi xanh giữa trung tâm Sài Gòn

Ở trung tâm đô thành Sài Gòn xưa có một số công viên xanh mát mà cho đến nay chỉ còn là tàn tích. Bên cạnh các công viên được quy hoạch mới như công viên Lê Văn Tám, công viên 23 Tháng 9, thì ngược lại cũng có những công viên bị xóa sổ, đó là công viên Vạn Xuân (nay là khuôn viên của nhà thi đấu Phan Đình Phùng trên đường Nguyễn Đình Chiểu) và đặc biệt là công viên Chi Lăng, nay trở thành một phần của tòa cao ốc trên đường Đồng Khởi (đường Tự Do năm xưa).

Công viên Chi Lăng trên đường Tự Do và năm giữa 2 đường Lê Thánh Tôn – Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Ở ngay ngã tư Tự Do – Lê Thánh Tôn có quán cafe La Pagode nổi tiếng (thường được gọi bằng cái tên dân dã là quán Cái Chùa), từ quán này có thể nhìn ra bao quát được công viên Chi Lăng. Nhờ tầm nhìn đắt giá này nên La Pagode luôn đông khách, đặc biệt nổi tiếng là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ Sài Gòn trước năm 1975, là nơi các nhạc sĩ, các văn thi sĩ thường “ngồi đồng” trong quán để nhìn ra một vùng xanh mắt để tìm cảm hứng sáng tác.

Từ công viên Chi Lăng nhìn qua quán “Cái Chùa”
Quán La Pagode đã có từ đầu thập niên 1950, ở số nhà 209
Bên trái hình là công viên Chi Lăng, bên phải hình là tòa nhà 7 tầng ở số 211-213 đường Tự Do (ngay góc đường). Nhìn qua bên kia đường chính là quán La Pagode (ngay chỗ có chữ La màu đỏ ở trong hình trên). Tòa nhà bên trái hình là khách sạn Alfaca.
Đường Tự Do, bên trái là công viên Chi Lăng
Thảm cỏ thuộc công viên Chi Lăng. Chính giữa hình là khu vực ngã tư Lê Thánh Tôn – Tự Do. Tòa nhà bên trái là khách sạn Alfaca, bên phải là quán La Pagode
Từ khách sạn Alfaca nhìn xuống công viên Chi Lăng, hướng về phía Nhà Thờ. Bên trái là tòa nhà đối diện công viên, là một phần của Dinh Thượng Thơ có cổng quay ra đường Gia Long – trụ sở của Bộ Kinh Tế thời VNCH, nay là trụ sở của Sở TT-TT đường Lý Tự Trọng.
Mặt sau của Dinh Thượng Thơ ở đối diện công viên, thời VNCH thì dãy nhà này là Trụ sở Bộ Kinh Tế, nay là trụ sở của Sở TT-TT, mặt tiền bên đường Lý Tự Trọng

Công viên Chi Lăng được người Pháp xây dựng từ năm 1924, lúc đó nó mang tên “vườn P.Pagès” (theo tên của Thống đốc Nam kỳ Pierre André Michel Pagès), nằm trên đường Catinat (Tự Do), giữa 2 con đường D’Espagne và La Grandière (Lê Thánh Tôn và Gia Long). Sau năm 1955, công viên này được chính quyền VNCH đổi tên thành Chi Lăng, gợi nhớ về ải Chi Lăng hào hùng lưu danh trong sử sách.

Công viên Chi Lăng có một vị trí thật đặc biệt, nằm trên con đường sang trọng và đắt đỏ nhất Sài Gòn. Nó như là một “vườn treo” bồng bềnh trên con dốc nhỏ, êm đềm, yên tĩnh và lãng mạn ngay giữa trung tâm sầm uất ở xung quanh.

Công viên có hàng cổ thụ cao, có cả hàng thông và bãi cỏ xanh rất Tây, có tiếng chim và hoa, có ghế đá để khách tạm dừng nghỉ chân và cảm nhận được cái lâng lâng, thư thái sau những bước mỏi dọc trục đường rất sạch đẹp nối từ Bến Bạch Đằng đến Nhà Thờ.

Không hiếm để bắt gặp từng đôi đi dưới hàng cây công viên tâm sự, hoặc những bước chân du khách ngập ngừng trên đường Tự Do để khám phá những cửa hiệu sang trọng san sát trên con đường từng mang tên “Catinat”. Sau những bước chân đó thì công viên bỗng hiện ra như một điểm dừng thú vị bất ngờ.

Xung quanh công viên cũng có rất nhiều công sở, mỗi trưa các nhân viên văn phòng thường hẹn nhau ra uống cà phê ở công viên rất thú vị mà không quá cao sang hay là đắt đỏ.

Chiều tối đến, tại sân khấu nhỏ giáp bờ tường ngôi công thự trụ sở của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, thỉnh thoảng lại có hòa nhạc, có văn nghệ thu hút đông người xem. Đặc biệt là dịp Noel hay là Tết, nơi đây sáng choang đèn, thu hút đông người đến vui chơi.

Trụ sở của Bộ Quốc Gia Giáo Dục là một tòa nhà rất đẹp, thời Pháp gọi là Hôtel de l’Inspection, được xây dựng từ thế kỷ 19. Tuy nhiên đến cuối thập niên 2000 thì nó bị phá bỏ để xây dựng tòa nhà trung tâm thương mại, và công viên Chi Lăng ngay đằng trước cũng trở thành 1 phần của tòa nhà mới.

Công vien Chi Lăng, bên kia là trụ ở Bộ Quốc Gia Giáo Dục (ngày nay là một trung tâm thương mại lớn ở mặt đường Đồng Khởi)

Một số hình ảnh khác của tòa nhà bên cạnh công viên này:

Bên dưới là một số ảnh khác của công viên Chi Lăng trên đường Tự Do – đoạn giữa Lê Thánh Tôn và Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), nơi được xem là lá phổi xanh giữa lòng trung tâm Sài Gòn.

Bên trái là công viên lúc mới được xây dựng (năm 1924), được gọi là vườn P.Pages
Người Sài Gòn đi bộ trên đường Catinat, ở khu vực vườn P.Pages vào đầu thập niên 1950
Công viên Chi Lăng thời Pháp, lúc còn mang tên Jarrdin (vườn) P. Pages
Từ La Pagode nhìn ra công viên

Hình bên trên là từ công viên nhìn qua bên kia đường Tự Do, đó là tòa nhà 7 tầng ở số 211-213 đường Tự Do (người ta quen gọi là chung cư 213 Catinat). Tòa nhà này rất đẹp, nằm sát với Tòa Đô Chánh ở đường Lê Thánh Tôn (góc đường Tự Do – Lê Thánh Tôn, thời Pháρ là đườnɡ Catinat – d’Esρaɡnе).

Từ năm 2014, tòa nhà này bị đập bỏ để xây dựng thành một khối nhà gắn chung vào trụ sở UBND TP (tức Tòa Đô Chánh cũ) với cùng một kiến trúc cũ để mở rộng chiều ngang của tòa nhà hơn 100 năm tuổi này.

Hình ảnh chung cư 213 Catinat thời Pháp (nhà bên phải). Bên trái là La Pagode ở địa chỉ 209 Catinat (Tự Do)

 chuyenxua.net

1 bình luận về “Hồi ức về công viên Chi Lăng xưa – Lá phổi xanh giữa trung tâm Sài Gòn”

Viết một bình luận