Hình ảnh màu cực hiếm chụp phố cổ Hà Nội năm 1915 – Những tấm ảnh màu đầu tiên chụp cảnh Đông Dương

Phố cổ Hà Nội là khu dân cư sinh hoạt và buôn bán sầm uất có lịch sử lâu đời, đã hình thành từ thời Lý – Trần. Đặc trưng nhất của khu phố cổ là các phố làng nghề và những ngôi nhà cổ, mang đậm nét kiến trúc Việt Nam truyền thống. Ngày xưa, những người thợ thợ thủ công từ khắp các làng nghề quanh kinh thành Thăng Long đều tụ tập về đây buôn bán, họ chia theo từng khu vực và tập trung chuyên bán các mặt hàng chính của làng nghề mình.

Tên của các dãy phố phường nơi đây được đặt theo tên của sản phẩm buôn bán chính tại đó, cộng thêm chữ “Hàng” phía trước. Ví dụ như phố Hàng Bông vốn có nhiều nhà làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm; phố Hàng Gà là nơi tập trung các cửa hàng bán các loại gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, gà tây…. Thuở ấy, các thương nhân từ nhiều nước có thể vào thẳng khu vực này để buôn bán, tạo ra một không khí rất đông vui, náo nhiệt.

Hiện nay phố cổ Hà Nội vẫn còn một vài dãy phố còn các ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm. Sau đây là loạt ảnh được chụp vào năm 1915, được xem là những tấm ảnh màu được chụp đầu tiên ở Việt Nam. Đây là ảnh màu nguyên bản, sắc nét và có màu sắc trung thực chứ không phải là những tấm ảnh trắng đen tô màu.

Ông đồ trên một con phố trong phố cổ

Tác giả bộ ảnh này là Léon Busy, người được gửi tới Đông Dương năm 1915 để chụp lại hàng ngàn tấm ảnh ở Việt Nam trong dự án đồ sộ mang tên là “kho lưu trữ hành tinh” (tiếng Pháp là Les Archives de la Planète) do một ông chủ nhà băng người Pháp là Albert Kahn sáng lập.

Với hơn 72.000 tấm ảnh và thước phim được thực hiện tại hơn 50 nước, cho đến nay Les Archives de la Planète vẫn là kho tư liệu vô giá có giá trị lớn với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, giúp chúng ta nhìn thấy được cảnh vật và con người Việt xưa.

Hình bên trên là con phố mang tên Pháp là rue des Tasses, người Việt gọi là phố Hàng Chén, từ 1945 đổi thành phố Bát Sử. Năm 1949 vẫn giữ nguyên tên phố Hàng Bát Sứ, đến năm 1951 chia ra làm 2 đoạn: Từ Hàng Mã đến Hàng Vải là phố Hàng Đồng; Từ Hàng Vải trở xuống là phố Hàng Bát Sứ, tên phố hiện nay được chính thức gọi từ sau năm 1954.

Hình này được chụp vào khoảng tháng 7 năm 1915, khi hoa phượng nở rộ.Xe kéo và những người trước tiệm tạp hóa Nhật Bản mang tên “Yamada” trên rue des Tasses – Hàng Chén (nay là phố Bát Sứ).

Phố này trước đây chuyên bán các thứ bát đĩa, ấm chén bằng sứ nên lấy tên mặt hàng mà đặt cho phố. Có một thời phố này còn bán các bát đĩa đồ sứ nhập từ Trung Quốc nên được gọi là phố Bát Ngô.

Ca dao cũ Hà Nội còn ghi:

Bát Ngô, Hàng Sắt xem qua
Hàng Vải, Hàng Thiếc lại ra Hàng Hòm.

Gánh nước trên phố Hàng Chén

Đây là rue des Ferblantiers, người Việt gọi là phố Hàng Thiếc.

Từ xưa, phố Hàng Thiếc nổi tiếng với nghề đúc thiếc làm đồ gia dụng, những sản phẩm nổi tiếng khi đó là lư hương, ấm pha trà, khay đựng… Đến những năm giữa thế kỷ 20, do nhu cầu về đồ thiếc không còn nhiều, người thợ chuyển sang làm đồ sắt tây. Những thùng đựng dầu hỏa do người Pháp mang sang là nguyên liệu chính để gò chậu giặt, gáo múc, thùng gánh nước… Bởi vậy người Pháp đặt tên phố là Rue des Ferblanties (Phố thợ làm hàng sắt tây). Nhưng người dân Hà Nội vẫn quen gọi tên cũ là Hàng Thiếc.

Gánh nước trên phố Hàng Thiếc

Đây là phố Hàng Quạt, người Pháp gọi là rue des Eventails, nơi có cửa hàng vừa bán quạt do các gia đình trong phố sản xuất và của cả những nơi khác chở đến nữa. Nghề làm quạt do một số người dân gốc làng Đào Xá, tên nôm là Đầu Quạt (tỉnh Hưng Yên) đem tới. Họ cư trú ở đây, làm quạt, lập đình thờ vị tổ nghề họ Đào.

Hình trên là rue des Paniers, được dịch từ tên tiếng Việt là phố Hàng Bồ – nơi tập trung các cửa hàng bán dụng cụ đan bằng tre nứa như bồ, sọt, thúng mủng.

Sau đây là một số hình ảnh của con phố nằm rìa ngoài của phố cổ, đó là phố Cửa Đông.

Xưa kia cửa Chính Đông Môn ở vào khoảng vị trí mà thời Lý – Trần gọi là cửa Tường Phù, nơi ngăn cách Cấm Thành với trung tâm buôn bán của thường dân, bao gồm chợ Cầu Đông và khu vực bờ phía nam sông Tô Lịch

Thời Pháp thuộc, phố này gọi là Avenue Général Bichot (“đại lộ tướng Bichot”). Lúc này đại lộ chia làm hai đoạn bao gồm những kiểu nhà khác hẳn nhau. Đoạn đầu từ phố Hàng Gà đến cầu xe lửa có dãy số chẵn ở phía bắc với nhiều biệt thự to và vườn đẹp bên trong hàng rào; dãy số lẻ ở phía nam là những ngôi nhà hai tầng ra đến sát hè phố.

Một số hình ảnh của phố Hàng Đồng, tên thời Pháp là rue des Cuivre:

Từ thời xưa, đây là nơi duy nhất cung cấp mâm, soong, nồi, chảo được gia công bằng vật liệu đồng cho cả kinh thành Thăng Long. Từ những vật dụng thông thường đó, sau này những người thợ gò đã cải tiến, làm ra cả những mâm giả cổ, quả cầu, đĩa mỹ nghệ bằng đồng để dùng trang trí… Ngoài ra người dân ở đây còn kinh doanh những mặt hàng là đồng đúc như hạc, đỉnh, lư hương, bát hương, lọ hoa được thu mua lại từ các làng nghề Hè Nôm (Hưng Yên), Ngũ Xá (Hà Nội).

Ở phố cổ Hà Nội có một con phố chuyên đóng và bán quan tài, đó là phố Lò Sũ ngày nay:

Ban đầu, người Pháp gọi tên đường này là rue des Cercueils, trong đó chữ “cercueils” trong tiếng Pháp nghĩa là quan tài. Sau đó tên đường đổi lại thành rue Albert Pouyanne, từ sau 1954 đến nay đổi thành phố Lò Sũ. Chữ “sũ” trong tiếng Việt cổ nghĩa là áo quan.

Nhiều người nhầm tưởng tên phố này là phố Hàng Hòm, kỳ thực chữ Hòm trong tên Hàng Hòm (tên đường tiếng Pháp là rue des Caissea) nghĩa là cái rương đựng đồ, khác với Lò Sũ (rue des Cercueils).

Sau đây là một số hình ảnh phố Hàng Gai, lúc này mang tên Pháp là Rue de Chanvre:

Phố Hàng Gai đời xưa chuyên bán các thứ dây gai, dây đay, võng, thừng…Nhưng từ thế kỷ XIX, nghề in sách đã du nhập vào con phố này. Nhiều cửa hàng khắc ván, in sách và bán sách mở ra, đã đẩy các hàng bán dây gai lên phường Đông Thành, phố Bát Đàn.

Thời điểm Léon Busy chụp các hình này là vào khoảng tháng 8,9, đúng dịp Trung Thu, nên phố Hàng Gai có nhiều cửa hàng treo bán lồng đèn nhiều màu đẹp mắt:

Hình ảnh phố Hàng Nón (rue des Chapeaux)

Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn
Hình ảnh của Léon Busy, từ bộ sưu tập của Albert Kahn

3 bình luận về “Hình ảnh màu cực hiếm chụp phố cổ Hà Nội năm 1915 – Những tấm ảnh màu đầu tiên chụp cảnh Đông Dương”

Viết một bình luận