Hình ảnh hiếm về Sài Gòn 100 năm trước (Phần 7)

Nối tiếp loạt bài về những hình ảnh Sài Gòn được chụp từ khoảng 100 năm trước, vào thời gian khoảng thập niên 1920.

Hình ảnh tòa nhà trụ sở của tờ Công Luận Báo (và tờ l’Opinion) 100 năm trước. Tòa nhà này nằm ở đường Pellerin, nay là đường Pasteur (ngã tư với đường Lê Thánh Tôn), vị trí phía sau lưng của REX Hotel ngày nay.

Tờ Công Luận Báo được thành lập tháng 6 năm 1916, của ông Lucien Heloury đứng ra xin giấy phép và làm chủ nhiệm (ông Lucien đồng thời là chủ nhiệm tờ báo tiếng Pháp l’Opinion, cũng có nghĩa là công luận). Người điều hành Công Luận Báo là Nguyễn Kim Đính. Ông Đính đã đưa vào ban biên tập báo một cây bút tài năng và nổi tiếng, đó chính là Hồ Biểu Chánh (tên thật là Hồ Văn Trung), sau này trở thành một chủ bút “giấu mặt” của tờ báo này. Đây là tờ báo khổ lớn, ban đầu có 4 trang, ra 3 kỳ mỗi tuần. Năm 1921, mỗi kỳ báo phát hành đến 1700 tờ, là tờ báo quốc ngữ phổ biến nhất thời đó.

Trụ sở công ty Thông Hiệp của ông Quách Đàm, một trong những người giàu nhất Chợ Lớn, cũng là người bỏ tiền xây chợ Bình Tây rồi tặng lại cho thành phố. Tòa nhà này nằm số 45 quai de Gaudot.

Lúc xây tòa nhà, dọc theo con đường này là một con rạch, nên tên đường được gọi là quai (nghĩa là bến). Năm 1925, rạch bị lấp, quai de Gaudot thành Boulevard Gaudot, rồi đến 1955, quai de Gaudot đổi tên thành đường Khổng Tử, đến năm 1955 thành đường Hải Thượng Lãn Ông. Tương truyền là ông Quách Đàm rất mê tín, tin phong thủy, được thầy bói Tàu nói là trụ sở này (trong hình) là nơi “đầu con rồng” nên không bao giờ đổi trụ sở. Ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là một trong những căn nhà lâu đời nhất Chợ Lớn còn lại.

Trụ sở viện Pasteur trên đường Pellerin (nay là đường Pasteur). Viện Pasteur Sài Gòn được học trò của nhà khoa học Louis Pasteur là Albert Calmette thành lập năm 1891, là chi nhánh đầu tiên ngoài nước Pháp của Viện Pasteur trụ sở chính ở Paris, ban đầu nằm ở quân y viện (sau này là nhà thương Grall, hay là thương Đồn Đất, nay là bệnh viện Nhi Đồng 2). Khoảng 10 năm sau khi thành lập, vì cơ sở bên Grall quá chật hẹp nên chính quyền đầu tư xây dựng một cơ sở mới bên đường Pellerin, chính là cơ sở trong hình.

Viện Pasteur Sài Gòn là cơ sở của Pháp cho đến tận năm 1975 thì bị quốc hữu hóa, năm 1976, viện được đổi tên thành Viện Dịch tễ học, đến năm 1979 đổi lại thành viện Pasteur TpHCM.

Bến xe ngựa kéo trước chợ Bến Thành, người Pháp gọi xe này là Malabar (nghĩa là người Ấn, do ban đầu các phu xe đa số là người Ấn Độ từ cuối thế kỷ 19). Dãy nhà trong hình nằm trên đường Schroeder (nay là Phan Chu Trinh), được xây cùng lúc với chợ Bến Thành, dãy nhà thương mại này ban đầu là tài sản của công ty Hui Bon Hoa, là bên nhượng lại mảnh đất để chính quyền xây dựng chợ Bến Thành.

Bến xe ngựa này phục vụ chính cho người dân buôn bán/ đi chợ Bến Thành và hành khách của ga Sài Gòn (nằm đối diện chợ).

Một số hình ảnh chợ Bến Thành 100 năm trước:

Chợ Bến Thành hiện nay đã được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất, với sự góp vốn của công ty Hui Bon Hoa do những người con của ông Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa) điều hành.


Trước khi chợ Bến Thành được xây dựng thì đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) chỉ kéo dài từ Opera House đến đường Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Sau khi chợ được xây, đường sá khu chợ được mở rộng, thì đại lộ Bonard được kéo dài thêm cho đến chợ Bến Thành như ngày nay. Ở đoạn mở thêm đó có một công trình được xây dựng gần như cùng lúc với con đường được mở rộng, trên khu đất cũng của công ty Hui Bon Hoa giống như chợ Bến Thành, đó là Polyclinique Dejean de la Bâtie, còn được gọi Nhà thương Chú Hỏa.

Từ năm 1955, bệnh viện đổi tên chính thức thành Bịnh viện Sài Gòn, nhưng người dân vẫn quen gọi tên là Nhà Thương thí (vì nơi đây khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí). Ngoài ra Bịnh viện Sài Gòn còn thường được gọi bằng những cái tên khác là Y viện Sài Gòn hoặc Bịnh vện Đô Thành. Ngày nay, đây là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.

Tɾướᴄ khi dinh Độᴄ Lậρ đượᴄ kiến tɾúᴄ sư Nɡô Viết Thụ thiết kế νà xây dựnɡ từ năm 1962, tòa nhà này đã manɡ một diện mạᴏ kháᴄ tɾánɡ lệ hơn, bề thế νà đồ sộ hơn, như trong hình này.

Tòa nhà này được gọi là Dinh Thống Đốc Nam Kỳ, có tên chính thức là Dinh Norodom, được xây dựng năm 1867, hoàn thành năm 1871, manɡ phᴏnɡ ᴄáᴄh kiến trúᴄ tân Barᴏquе, ảnh hưởnɡ từ kiến trúᴄ Ý thời kỳ Barᴏquе ᴄủa thế kỷ 16-17, là nơi ở và làm việc của quan chức đứng đầu chính quyền Pháp ở Nam kỳ.

Cảnh duyệt binh trên dại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn) 100 năm trước. Đại lộ này được xây dựng vào đầu thập niên 1870, gần như cùng thời điểm với dinh Norodom như đã nói bên trên. Đây từng là con đường có chiều rộng lớn nhất của Sài Gòn, được thiết kế rộng rãi dành cho các buổi diễn binh trong các dịp lễ, kể cả thời Pháp thuộc, thời VNCH hoặc cả sau năm 1975.

Duyệt binh nhân ngày quốc khánh Pháp ngày 14/7/1929 trên đại lộ Norodom

Hình ảnh trường Pháp Hoa (Lycée Franco-Chinois), này là trụ sở của trường đại học Sài Gòn, nằm mặt tiền đường Route Houte (Đường Trên), từ năm 1922 mang tên đường là Frere Louis (nay là Nguyễn Trãi).

Trường này ban đầu dành cho con em của các người Hoa ở Chợ Lớn, được bang trưởng bang Phúc Kiến, đồng thời là hội viên của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn là Tạ Mã Điền (Tja Ma Yeng) đã tài trợ tài chánh để xây dựng. Đến năm 1955 chính quyền VNCH đổi tên Lycée Franco-Chinois thành Trường trung học tư thục Bác Ái Học viện (Collège Fraternité), dạy từ lớp đệ thất đến đệ nhất, bắt đầu nhận cả học sinh Việt. Lúc này bên cạnh trường mở thêm một con đường mang tên Thành Thái, từ đó trường có 2 mặt tiền là đường Thành Thái và Nguyễn Trãi (năm 1975, đường Thành Thái đổi tên thành An Dương Vương).

Trường trung học Bác Ái Học Viện hoạt động đến năm 1975 thì bị giải thể, đến năm 1976 trở thành trụ sở của trường Cao đẳng Sư phạm TpHCM, trên cơ sở trường Sư phạm cấp 2 miền Nam Việt Nam được thành lập từ năm 1972.

Từ năm 2003, trường Cao đẳng sư phạm bắt đầu được nâng cấp thành bậc đại học, đến năm 2007 thì cơ sở trường Bác Ái Học Viện cũ chính thức trở thành trụ sở trường Đại Học Sài Gòn cho đến nay.

Rạp cine Casino Saigon nổi tiếng nằm ở số 28 đường Bonard, ngay góc đường Bonard – Pellerin (nay là Lê Lợi – Pasteur). Sau năm 1955, rạp Casino Saigon như trong ảnh bên trên bị phá bỏ, trở thành tòa nhà bán điện máy tên Viễn Đông (bên cạnh là nước mía Viễn Đông), còn rạp Casino Saigon được xây dựng mới dời qua sát bên cạnh, về phía đường Pasteur (sau này rạp Casino mới bên đường Pasteur có thời gian là rạp cine Vinh Quang, nay là Liberty Central Saigon Citypoint Hotel.

Hình ảnh chợ Gò Vấp, thuộc quận Gò Vấp của tỉnh Gia Định. Tỉnh này tồn tại từ năm 1900 đến 1975 thì nhập chung vào Sài Gòn.

Trường kỹ nghệ thực hành Sài Gòn nằm ở số 25 bis đường Chasseloup Laubat (nay ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Mạc Đỉnh Chi), ở sát phòng Canh Nông.

Trường thực hành kỹ nghệ đào tạo những thợ lành nghề về đồ sắt và đồ gỗ có thể sau này trở thành những đốc công tương lai. Trường thực hành kỹ nghệ về sau được trang bị đầy đủ dụng cụ học tập, nhiều lớp học và một sảnh lớn để làn khu đồ mộc với nhiều dụng cụ, một xưởng rèn với búa dập, một xưởng nồi hơi, một xưởng luyện kim với hai nóc nhà tròn, một cầu lăn, một lò để làm khô khuông đúc, máy hàn,…

Năm 1957 có đổi tên là Trường thực nghiệp Sài Gòn, năm 1959 có tên là Trường trung học thực nghiệp Sài Gòn, năm 1962 có tên là Trường trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.

Cercle Sportif Saigonnais (Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn), nay là Cung Văn Hóa Lao Động, nằm trong khu vực Vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn).

Cơ sở trong hình được xây dựng năm 1925, ngay trong khuôn viên vườn hoa, bên trong có sân banh, sân quần vợt và nhiều môn thể thao khác. Đến năm 1933 có thêm hồ bơi, được mô tả là hồ bơi lộng lẫy nhất vào thời đó.

Vì là một địa điểm giải trí chỉ dành riêng cho giới thượng lưu nên tiêu chuẩn của Cercle Sportif Saigonnais khá cao và nghiêm ngặt, người bình dân không thể tham gia vào. Kể từ lúc thành lập đến năm 1975, nhiều chính khách, sĩ quan cao cấp, tầng lớp thượng lưu người Pháp, người Mỹ, sĩ quan miền Nam và giới thượng lưu Sài Gòn, đều chọn đây làm nơi sinh hoạt chính.

Đông Kha – chuyenxua.net
Hình ảnh: manhhai flickr

Viết một bình luận