Hình ảnh hiếm về Sài Gòn 100 năm trước (Phần 1)

Mời các bạn xem lại những hình ảnh được chụp hơn 100 năm trước ở Sài Gòn (khoảng thời gian 1921-1922). Qua những tấm ảnh đặc biệt này, bánh xe thời gian như là được xoay ngược lại để chúng ta có thể nhìn được về một thế kỷ trước và ôn cố tri tân.

Tác giả của phần lớn những tấm ảnh trong bài này là Ludovic Crespin – nhà nhiếp ảnh nổi tiếng nhất ở Sài Gòn vào thời điểm đó. Từ khoảng năm 1910, Crespin đã mở một tiệm nhiếp ảnh ở số 136 của đường Catinat.

Đó là tiệm ảnh mang tên Photo Studio trong hình ở bên trên, nằm ngay sát bên cạnh Continental Palace trên đường Catinat (sau này là đường Tự Do). Đây là một cơ sở nhiếp ảnh lâu đời, từ cuối thế kỷ 19 thuộc sở hữu của nhà nhiếp ảnh Louis Talbot. Sau đó Louis Talbot rời Sài Gòn thì giao cửa tiệm lại cho người làm thuê thân tín là Jean-Pierre Trong. Sang đến đầu thế kỷ 20, tiệm ảnh này của bà Terray, sau đó nhượng lại cho Ludovic Crespin.

Bên trên là một hình ảnh của Ludovic Crespin chụp cảnh lễ hạ thuỷ tàu chở hàng (cargo) Albert Sarraut tại xưởng đóng tàu Ba Son ngày 16-4-1921.

Tàu Albert Sarraut được đặt theo tên của Toàn quyền Đông Dương, người đã có hai nhiệm kỳ nắm quyền, lần đầu là 1911-1914, lần 2 từ 1917 đến 1919.

Đây là con tàu bọc thép dài 90m, rộng 12m, trọng lượng 3100 tấn, được xưởng Ba Son chế tạo theo mô hình Marie – Louise, nghĩa là hoàn thành theo kiểu càng nhanh càng tốt (có lẽ vì vậy mà tàu không đảm bảo về chất lượng, thường bị hư hỏng khi sau khi được đưa vào sử dụng).

Tàu Albert Sauraut là con tàu đầu tiên trong 3 con tàu nổi tiếng được đóng là Việt Nam, lần đầu tiên ở đây đóng được con tàu hiện đại như vậy. Tuy nhiên nồi hơi của tàu (thiết bị sử dụng năng lượng của chất đốt để cung cấp hơi nước cho động cơ) thì được nhập từ Pháp. Sau khi con tàu được hoàn thành thì doanh nhân người Việt nổi tiếng Bạch Thái Bưởi là người đầu tiên thuê được tàu Albert Sarraut.

Bạch Thái Bưởi là nhà tư sản nổi tiếng kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, là một trong những người giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Hình bên trên là cổng thành Ông Dèm, ngày nay vẫn còn, nằm ở 2 bên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn giao với đường Lê Duẩn – Tô Đức Thắng, nay 1 bên là một phần của trường ĐH KHXN&NV, một bên là khoa Dược, trường ĐH Y Dược.

Vị trí này từng là cổng thành Gia Định (thành Phụng) của triều Nguyễn, được vua Minh Mạng cho xây dựng sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi và san bằng thành Quy (thành Phiên An) được vua Gia Long xây trước đó.

Khi đánh chiếm Gia Định, quân Pháp hạ thành Phụng và hỏa thiêu tan tành. Trên đống gạch vụn của phế thành, người Pháp đã xây dựng 1 thành mới có quy mô bằng 1/2 của thành Gia Định, nằm trong phạm vi thành cũ, dân Sài Gòn gọi đây là thành Ông-Dèm, đọc trại từ chữ Pháp onzième (nghĩa là thứ 11). Sở dĩ như vậy là do thành này là nơi đồn trú của Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 của Pháp.

Thành Ông Dèm gồm 3 dãy nhà, ngoài 2 dãy nhà bên ngoài (như trong hình) thì có thêm 1 dãy ở bên trong khi đi vào cổng.

Hình này là tòa nhà nằm bên trong thành Ông-Dèm, doanh trại Trung đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa. Sau năm 1955, tòa nhà này là 1 trong 3 khối của thành Cộng Hòa. Đến năm 1963, thành Cộng Hòa bị phế bỏ, tòa nhà trong hình được cắt ra làm đôi để đường Đinh Tiên Hoàng đi xuyên qua chính giữa, một bên tòa nhà thành trụ sở trường Đại học Văn Khoa, bên còn lại là trường ĐH Canh Nông. Lưu ý là trước năm 1955, khi thành Cộng Hòa vẫn còn thì đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng) không nối liền với đường Đinh Tiên Hoàng như hiện nay, mà bị ngăn cách bởi thành Cộng Hòa. Nói cách khác, tòa nhà trong hình bên trên nằm chắn ngang giữa hai đường Cường Để và Đinh Tiên Hoàng.

Phòng Canh Nông ở góc đường Chasseloup Laubat – Massiges (tên thường thời điểm năm 1922. Từ năm 1955-1975, đây là trụ sở Cảnh Sát Quốc Gia ở góc đường Hồng Thập Tự – Mạc Đĩnh Chi, nay là góc Nguyễn Thị Minh Khai – Mạc Đĩnh Chi.

Phòng Thương Mại Sài Gòn trên Quảng trường Rigault de Genouilly (nay là Công trường Mê Linh). Tòa nhà này nằm khoảng giữa hai đầu đường Hồ Huấn Nghiệp và Phan Văn Đạt (thời Pháp là Rue Turc và Rue Doudart de Lagrée), ngày nay vẫn còn và là một quán bar. Tòa nhà này được xây dựng vào năm 1867, là tòa nhà cơ quan quản lý thương mại đầu tiên của Sài Gòn. Đến năm 1927, ᴄhính qᴜyền thuộc địa qᴜyết định xây 1 tɾụ sở ρhònɡ thươnɡ mại lớn hơn, hᴏành tɾánɡ hơn ở nɡay bên ɾạᴄh Bến Nɡhé νà khánh thành năm 1928, đượᴄ thiết kể ρhᴏnɡ ᴄáᴄh tân ᴄổ điển, ᴄó ᴄhút ảnh hưởnɡ từ ᴄả kiến tɾúᴄ Chăm νà Khmеɾ, đó chính là tòa nhà Hội trường Diên Hồng – trụ sở Thượng Nghị Viện của thời đệ nhị cộng hòa (nay là sở giao dịch chứng khoán).

Tòa nhà này thường được biết đến với tên gọi Dinh Thượng Thơ, nằm ở góc đường Catinat – Lagrandiere (Tự Do – Gia Long), nay là Đồng Khởi – Lý Tự Trọng.

Ngày nay, tòa nhà này nằm ở địa chỉ số 59-61 Lý Tự Trọng, trụ sở của Sở Thông Tin – Truyền Thông. Tòa nhà được xây chỉ vài năm sau khi Pháp chiếm được Nam Kỳ, là trụ sở Nha giám đốc Nội vụ, có vai trò điều hành trực tiếp của các thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa.

Đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ ở góc đường Catinat – d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) sát bên Dinh xã Tây (Tòa Đô Chánh), bản đồ năm 1890 cho thấy một tòa nhà quy mô lớn hơn được xây dựng như hiện nay, thành một khối nhà liền kề với Dinh Xã Tây. Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng Chính phủ.

Từ sau năm 1955, nơi này là trụ sở Bộ Kinh tế của chính quyền VNCH.

Đường quai de Belgium (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) nhìn về phía cột cờ Thủ Ngữ. Bên trái là kho kiểm hàng hóa của Sở quan thuế, nằm ở vị trí sát cầu Khánh Hội ngày nay.

Hình này chụp cùng một hướng với hình bên trên, nhưng ở góc nhìn xa hơn, có thể thấy được lối vô cầu Khánh Hội ở bên tay phải hình (chỗ cột đèn). Hình này chụp góc đường quai de Belgium (Bến Bỉ Quốc – nay là Võ Văn Kiệt) và đường Georges Guynemer (nay là Hồ Tùng Mậu). Thời đó cầu Khánh Hội cũ không nối qua bến Bạch Đằng như hiện nay, mà nối đường Georges Guynemer với đường Jean-Eudel (nay là Hồ Tùng Mậu – Nguyễn Tất Thành) để sang Cảng Sài Gòn.

Ở giữa hình là xe buýt Lộ trình A: Tân Định – Xưởng Ba Son – Chợ Sài Gòn.

Một hình khác có cột cờ Thủ Ngữ, đường trong hình lúc này mang tên là quai Le Myre de Vilers, đến 1955 đổi tên thành Bến Bạch Đằng).

Cầu Mống bắc qua rạch Bến Nghé, là cây cầu xưa nhất còn lại cho đến nay vẫn giữ nguyên được kiến trúc nguyên thủy.

Cây cầu bằng thép kiên cố này được công ty vận tải hàng hải Messageries Maritimes bỏ vốn xây dựng vào năm 1893, dài 128m, rộng 5.2m, lề bộ hành rộng 0.5m, có kiểu dáng mang phong cách cổ điển Âu châu, trông giống cái vòng mống nên dân gian gọi là cầu Mống.

Y viện Phước Kiến được cộng đồng người Hoa thành lập năm 1909 ở Chợ Lớn, chữa bệnh theo phương pháp Đông y. Đến năm 1959, y viện mở rộng thực hiện điều trị theo phương pháp Âu – Mỹ và đổi tên thành bệnh viện Phước Kiến. Từ 1978 đến nay, bệnh viện lấy tên là bệnh viện Nguyễn Trãi.

Thời điểm này, Y Viện Phước Kiến nằm trên đường Cây Mai, sau đó đường đổi tên thành Marechal Joffre, đến năm 1955 đổi tên thành Nguyễn Trãi. Trước khi đại lộ Gallieni (Trần Hưng Đạo) được xây dựng vào khoảng cuối thập niên 1910 thì đường Cây Mai là con đường duy nhất nối Sài Gòn – Chợ Lớn, thời xưa gọi là đường Cái Quan hướng đi về lục tỉnh.

Quân Pháp diễu binh trên đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn), trong hình là loại xe tăng hạng nhẹ.

Một số hình ảnh Nhà Thờ Đức Bà 100 năm trước:

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn bắt đầu được xây dựng năm 1877 và hoàn thành cơ bản trong 3 năm, có tên chính thức là Vương cung thánh đường Chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tên tiếng Anh là Immaculate Conception Cathedral Basilica, tên tiếng Pháp: Cathédrale Notre-Dame de Saigon. Đây được xem là một “phiên bản kiến trúc” của Nhà Thờ Đức Bà Paris.

Từ gần 150 năm qua, Nhà Thờ Đức Bà trở thành một trong những biểu tượng không chính thức của Sài Gòn. Trong các bộ tranh ảnh giới thiệu Sài Gòn cả xưa và nay không bao giờ thiếu được sự hiện diện của kiến trúc tôn giáo này. Vì vậy có thể nói “Vương Cung Thánh Đường” là niềm tự hào chung của người Sài Gòn, chứ không phải của riêng người Công Giáo nữa.

Hình ảnh bên trong nhà nguyện của Nhà Thờ

Mặt trước của Nhà Thờ là đầu đường Catinat. Trước nhà thờ là một quảng trường, thời Pháp có tên là Place de la Cathédrale (Quảng trường Nhà Thờ Lớn), ở giữa chính quyền thuộc địa cho dựng bức tượng đồng thể hiện hình tượng giáo sĩ Bá Đa Lộc che chở Hoàng tử Cảnh. Tượng này tồn tại từ năm 1903 đến tháng 10 năm 1945 thì bị phá đi, để lại bệ tượng bỏ trống. Đến năm 1959, tín đồ Công giáo Rôma dựng tượng Đức Bà Hòa Bình tại đây, từ đó khu đất này còn được gọi Công trường Hòa Bình.

Mời các bạn chờ xem phần tiếp theo của loạt bài viết về khung cảnh Sài Gòn 100 năm trước.

Bài: Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận